zondag 14 juli 2013

Hơn 30 nước bị đe dọa an ninh lương thực

Hơn 30 nước bị đe dọa an ninh lương thực
Năm nay, các chuyên gia dự phóng sản lượng ngũ cốc thế giới sẽ đạt mức kỷ lục là 2 479 triệu tấn, tức tăng 7,2% so với năm 2012. Thế nhưng lo lắng giá lương thực tăng cao vẫn còn đó, nguy cơ thiếu lương thực ở nhiều nước vẫn hiển hiện. Đó là cảnh báo của bài viết đăng trên nhật báo Le Monde.
Bài viết cho biết, dù rằng năm 2012 giá lương thực cao là do thiên tai địch họa xảy ra không ngừng ở nhiều nước, bởi thế năng suất ngũ cốc, mà đặc biệt là lúa mì và bắp, mới thấp? Từ đầu năm đến nay, tình hình có vẻ khả quan, năng suất ngũ cốc thế giới đã tăng hơn so với năm ngoái.
Thế nhưng, từ đầu tháng 7, hiện tượng thời tiết nóng bức đã bắt đầu hoành hành ở nhiều nước. Thêm vào đó, lượng mua lúa mì của Trung Quốc quá cao gây sức ép cho an ninh lương thực thế giới. Trung Quốc sản suất nội địa được 121 triệu tấn lúa mì, nhưng phải cần đến 125,5 triệu tấn mới đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Trong bối cảnh đó, theo dự báo của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), có đến 34 nước có nguy cơ thiếu lương thực, trong đó 27 nước là ở Châu Phi. Đa phần các nước bị đe dọa lương thực là do bất ổn về chính trị dẫn đến bất ổn về kinh tế và đình trệ sản xuất, như ở Syria và Ai Cập chẳng hạn. Còn tại Châu Á, “điểm đen” vẫn là Bắc Triều Tiên. FAO cảnh báo có đến 2,8 triệu người nước này đang cần cứu trợ lương thực.
Ai Cập : Quân đội giải thích, người dân biểu tình
Tiếp tục thông tin về tình hình tại Ai Cập, Le Figaro đăng bài: “Khi Quân đội Giải thích”. Tờ báo cho biết, hôm thứ Năm vừa qua, tại khu quân sự Nasr City, quân đội Ai Cập đã tiến hành họp báo về bất ổn chính trị tại nước này. Có khoảng 12 nhà báo nước ngoài đến tham dự.
Quân đội đã cử đến một sĩ quan cao cấp để giải thích với báo giới về vụ chính biến lật đổ tổng thống Morsi và vụ lực lượng an ninh xả súng vào người biểu tình vừa qua. Dĩ nhiên, phía quân đội cố gắng giải thích rằng đó không phải là “đảo chính” mà là “một cuộc cách mạng có sự hỗ trợ của quân đội”, và rằng việc bắn vào người biểu tình một phần là do thái độ khiêu khích quá đáng của họ.
Le Figaro nhận định: Cuộc họp báo đã được chuẩn bị kĩ lưỡng. Trong bối cảnh đó, thì hôm qua, ngày thứ Sáu đầu tiên của Tháng Ramadan, hai phe ủng hộ và phản đối Morsi lại tiếp tục xuống đường biểu dương lực lượng.
Brazil: Tổng thống “vấp” hết dân đến nghị viện
Đến với bất ổn chính trị tại Brazil, nhật báo Le Monde đăng bài: “Sau sự phản đối của đường phố, Dilma Rousseff vấp phải nghị viện”.Tờ báo cho biết, làn sóng xuống đường phản đối tổng thống tại Brazil hồi tháng 6 đã dịu đi do vào dịp mọi người đi nghỉ hè.
Cuộc đình công hôm thứ Năm vừa qua cũng có ít người hưởng ứng. Tưởng rằng tổng thống Rousseff đã tai qua nạn khỏi. Thế nhưng, theo tờ báo, bà đã và đang vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ đối lập của lưỡng viện quốc hội. Nhất là đề xuất trưng cầu dân ý của bà bị phản đối kịch liệt. Tờ báo nhấn mạnh: Nhiều đề xuất cải cách của tổng thống Brazil đã bị nghị viện “chôn vùi”.
Snowden: Buộc phải “nghỉ tạm” ở Nga
Ảnh hưởng quốc tế của Mỹ đã bủa vây Edward Snowden đến mức người này gần như bí lối trên bước đường bôn tẩu. Dù rằng, các nước thi nhau lên án hành động gián điệp của Mỹ, nhưng hầu như nước nào cũng sợ việc cho Snowden tị nạn. Thế là cuối cùng, Libération cho hay: “Cựu nhân viên CIA và NSA dừng trốn chạy và hướng về điện Kremlin”.
Tuần rồi, Snowden đã gửi đơn xin tị nạn đến hơn 20 nước. Tổng thống Venezuela đã chấp nhận cho Snowden tị nạn. Nga thì vẫn giữa lập trường là chấp nhận với điều kiện Snowden ngừng tiết lộ thông tin gây hại cho Mỹ. Snowden đã chấp nhận điều kiện này và vào hôm qua, trong khu vực quá cảnh của sân bay quốc tế Maxcơva, Snowden đã tuyên bố xin tị nạn chính trị tại Nga.
Tuy nhiên, tờ báo nói rõ Snowden chỉ có ý định tị nạn tam thời ở Nga trước khi có thể tìm đường đến Châu Mỹ La Tinh. Libération nhận định, nếu Nga chấp nhận lời xin của Snowden thì sẽ làm quan hệ Nga-Mỹ vốn đã căng thẳng lại càng thêm căng thẳng.
Chilê : Có nên tiếp tục cấm phá thai?
Chilê là một trong số ít các nước cấm phá thai. Tuy thế, vụ việc một bé gái bị bố dượng cưỡng hiếp nhiều lần đến mang thai đang làm dấy lên tranh cãi về luật cấm này. Đó là chủ đề được đăng tải trên nhật báo Le Monde.
Bé gái nạn nhân nói trên chỉ mới 11 tuổi, còn bố dượng thủ phạm thì tuổi 32. Vụ việc chỉ bị phát hiện khi bé gái đã mang thai 3 tháng rưỡi. Bản thân bé gái thì muốn giữ lại con. Thế nhưng, dù có muốn phá đi cũng không được do luật cấm.
Thế là, xã hội Chilê nóng lên và đặt lại vấn đề đối với luật cấm phá thai. Theo Ngân hàng thế giới, Chilê là nước có tỷ lệ “bé gái” mang thai rất cao: 56 thai/1000 “bé gái” tuổi từ 15 đến 19. Do luật cấm, nên mỗi năm tại Chilê, có đến 200 000 ca nạo phá thai bất hợp pháp.
Cũng liên quan đến luật cấm phá thai, Libération nhìn sang Ai Len. Số là vừa rồi một phụ nữ 31 tuổi nước này mang thai 17 tuần, được bác sĩ phát hiện có dấu hiệu xẩy thai, nhưng bác sĩ lại không chấp nhận cho phá thai vì sợ phạm luật.
Hậu quả là sau đó 4 tuần, người phụ nữ này đã sinh ra một thai chết và sau đó vài ngày cô ta cũng tử vong. Vụ việc đã làm dấy lên làn sóng phản đối trong xã hội đến mức mà lưỡng viện quốc hội Ai Len đã vừa phải thông qua điều khoản giảm nhẹ luật cấm phá thai, theo đó phá thai được phép tiến hành trong trường hợp tính mạng người mẹ bị đe dọa.

http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20130713-kinh-te-trung-quoc-mat-da-de-doa-on-dinh-chinh-tri

Geen opmerkingen:

Een reactie posten