maandag 1 juli 2013

Giải mã bí ẩn của các biểu tượng Ai Cập cổ đại

Giải mã bí ẩn của các biểu tượng Ai Cập cổ đại (Phần 1)
00:00:00 11/02/2011


Theo dấu lịch sử để khám phá những biểu tượng cổ xưa huyền bí của đất nước Ai Cập.

Được mô tả trong các văn bản xưa như là “ Lời của thần linh”, các biểu tượng này được sử dụng thường xuyên trong các lễ nghi tôn giáo và phép thuật ở Ai Cập. Mỗi biểu tượng đều mang một ý nghĩa riêng biệt, đặc trưng cho văn hóa tín ngưỡng của người Ai Cập, làm giàu thêm cho bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước giàu truyền thống này.
 
Ankh
 
Biểu tượng của cuộc sống vĩnh cửu
 
Ankh là chữ tượng hình Ai Cập có nghĩa là "cuộc sống".  Chỉ có các Pharaoh, Hoàng hậu và các vị thần mới được phép mang biểu tượng này vì nó được tin là sẽ đem lại sức mạnh cho người cầm nó có thể ban hay tước đoạt sinh mệnh từ những người khác.
 
 
Nó còn được coi như là “chìa khóa của sự sống” do chính hình dạng giống như chiếc chìa khóa của nó đã tạo nên niềm tin nó có thể mở khóa “cửa địa ngục”. Ankh cũng gợi lên hình ảnh của mặt trời mọc nơi đường chân trời, biểu thị cho sự tái sinh mỗi ngày.
 
 
Từ thời đại Middle Kingdom (1986 – 1759 BC), từ ankh còn được dùng để chỉ gương và thú vị là chiếc gương cũng được tạo ra dưới hình dạng của biểu tượng này.
 
Nó cũng là cảm hứng để tạo nên biểu tượng tượng trưng của vị thần Vệ Nữ  của Hy Lạp, về sau được sử dụng rộng rãi như là biểu tượng của sao Kim, giới nữ hay kí hiệu của đồng.
 
 
Sau này khi Thiên chúa giáo ra đời, nó được Giáo hội cơ đốc Ai cập sử dụng làm biểu tượng như một dạng đặc biệt của hình tượng cây thánh giá.
 
Con mắt của Horus
 
Biểu tượng của trí tuệ, sự bảo vệ và sức khỏe
 
Có hình dáng trông giống như mắt của một chú chim ưng, biểu tượng này cũng được gọi là mắt của Ra. Horus, còn được gọi là thần mặt trời Ra, là một một vị thần mình người đầu chim ưng trong thế giới Ai Cập cổ đại.
 
Ông là vị thần đại diện cho sức khỏe, sự sống và tái sinh. Horus là con trai của Osiris và Isis. Mắt phải của ông là màu trắng, đại diện cho mặt trời, và mắt trái của ông là màu đen, đại diện cho mặt trăng.
 
 
Theo truyền thuyết Ai Cập, Seth, anh trai của Horus, đã giết hại thần Osiris. Horus đã chiến đấu với Seth để trả thù cho cái chết của người cha và bị mất mắt trái của ông trong cuộc chiến.Thoth, vị thần của phép thuật và mặt trăng, đã sử dụng quyền năng của mình để khôi phục lại con mắt của Horus.
 
Khi đưa con mắt này ra trước Osiris, Osiris đã được tái sinh trở lại. Con mắt của Horus, cũng được gọi là "Oudjat", tượng trưng cho sự bảo vệ chống lại cái ác và đem đến trí tuệ, sự uyên bác.
 
 
Ngày nay, chúng ta thấy có một biểu tượng tương tự trên các đơn thuốc, Rx, chính là có nguồn gốc từ biểu tượng này.
 
Vào thế kỉ thứ 2, Galen đã vay mượn biểu tượng huyền bí từ trong truyền thuyết của người Ai Cập và sử dụng nó để gây ấn tượng với những bệnh nhân của mình. Sau đó dần dần phát triển thành kí hiệu Rx ngày nay dành cho các toa thuốc. Nó mang ý nghĩa tượng trưng cho sự hồi phục và tính thống nhất.
 
Lông vũ của Maat
 
Biểu tượng của chân lý, đạo đức, cán cân công lý
 
Chiếc lông vũ được coi là vật tượng trưng của nữ thần Maat. Trái tim của người chết sẽ được đem ra cân để so với lông vũ của thần Matt trong Ngày phán xét cuối cùng.
 
Nếu đó là trái tim của một người thật thà, thì nó sẽ bằng trọng lượng với chiếc lông vũ và người đó sẽ được phép vào Vương quốc của Osiris. Còn nếu trái tim đó chất đầy với tội lỗi thì nó sẽ nặng hơn chiếc lông vũ và người đó sẽ bị đem đi làm mồi cho loài quái vật Ammut. 
 
Phiên tòa Maat
 
Đó là trách nhiệm của các Pharaoh để thiết lập và duy trì  luật Maat như là cách để giữ trật tự vũ trụ ở thế cân bằng. Khi một Pharaoh băng hà, Maat sẽ tạm thời biến mất và thế giới lại chìm trong sự hỗn mang, cho đến khi có sự lên ngôi của một vị Pharaoh mới.
 
 
Giải mã bí ẩn của các biểu tượng Ai Cập cổ đại (Phần 2)
00:00:00 15/02/2011


Mỗi biểu tượng lại là một câu chuyện thần bí đằng sau.

Móc và néo
 
Biểu tượng của sức mạnh và quyền lực hoàng gia
 
Móc và néo thường đi với nhau như một cặp, được sử dụng phổ biến từ triều đại Middle Kingdom, là vật tượng trưng được sử dụng giống như quyền trượng khẳng định sức mạnh và quyền lực của nhà vua. Cặp đôi này có nguồn gốc từ vị thần nông nghiệp cổ đại của Ai Cập, Anedjti. Ông được miêu tả đội chiếc vương miện có gắn 2 chiếc lông vũ và tay cầm chiếc móc và néo đặc trưng.
 
Về sau, Anedjti đồng hóa làm một với Osiris và mọi đặc trưng trong nhân dạng của vị thần này cũng được chuyển giao sang thần Osiris.
 
Thần Osiris
 
Chiếc móc được cầm bên tay trái còn chiếc néo được cầm bên tay phải. Chiếc móc (heq) tượng trưng cho tính âm hay “quyền lực về mặt tinh thần” của một Pharaoh, khẳng định vai trò như là người bảo vệ của dân hay là “shepherd”- Chúa trời chịu trách nhiệm lãnh đạo, chăm lo cho những “con chiên” của mình. Chiếc néo (nekhakha) tượng trưng cho tính dương và khía cạnh về quyền lực hữu hình vì Pharaoh là người trần nhưng đại diện cho tất cả các vị thần cai quản 3 cõi : siêu hình, vũ trụ và trái đất. Nó cũng đại diện cho người nông dân – người tạo ra lương thực và coi sóc mọi sự sống trên đồng ruộng (chiếc néo được sử dụng như dụng cụ đập lúa của người nông dân trong thời Ai Cập cổ xưa).
 
Thông điệp của nó như là một lời nhắc nhở một người lãnh đạo có tài năng thực sự phải biết kết hợp kỷ luật với trí tuệ và sự hiểu biết, phải có lòng nhân từ để hòa dịu công lý và đưa ra những phán quyết đúng đắn nhất.
 
 
Tư thế cầm của chúng cũng mang những ý nghĩa khác nhau. Thời xa xưa, tư thế bắt chéo hai cánh tay vào nhau trước ngực là biểu thị cái chết và người chết thường được chôn theo tư thế này.
 
Tuy nhiên, cũng với tư thế này và với hai chiếc móc và néo được bắt chéo với nhau thì lại mang nghĩa là sự hồi sinh như trong các bức hình ta thường thấy ở quan tài của vua Tutankhamun. Còn khi cầm thẳng chúng ở trước mặt thì mang nghĩa là sự phán xét, hay được miêu tả gắn liền với thần Anubis, vị thần Cõi âm và là người phán xét trong phiên tòa Maat.
 
 
Người ta cho rằng kí tự X có nguồn gốc chính từ hình ảnh hai chiếc néo và chiếc móc bắt chéo với nhau và đó là biểu tượng của cái chết và sự tái sinh. Trong nguyên gốc, từ “ex” vốn là tượng trưng cho chữ X mang nghĩa là đã chết, khi người ta nói ex-husband nghĩa là để ám chỉ người chồng đã mất.
 
Bọ hung
 
Biểu tượng của sức mạnh, sáng tạo và sự biến đổi
 
Bọ hung là đại diện cho thần mặt trời Khepri liên quan đến sự hồi sinh. Loài bọ hung thường đẻ trứng trong phân các loài vật khác, cuộn tròn chúng lại như viên bi và lăn vào trong lỗ, là sự khởi đầu trong vòng đời của một chú bọ hung con. Người Ai Cập ví tập tính này giống như sự chuyển động của “ quả bóng” mặt trời lăn trên bầu trời và sự tái sinh hàng ngày của nó.
 
 
Những người Ai Cập cổ đại tin rằng một con bọ hung bay trên bầu trời mỗi buổi sáng sẽ gọi mặt trời lên. Con bọ hung vì thế là biểu tượng của mặt trời mọc, được sử dụng để bảo vệ khỏi quỷ dữ, nó còn là biểu tượng của sự tái sinh, sáng tạo, sự biến đổi, đem lại sức mạnh cho người đeo nó.
 
 
Bọ hung cánh lớn và bọ hung hình trái tim được coi là loài côn trùng may mắn và được đặt trên các xác ướp để bảo vệ họ chống lại ma quỷ. Khi Pharaoh Amenhotep III băng hà, hàng trăm vật kỉ niệm có hình bọ hung đã được làm để ghi dấu những cột mốc sự kiện trong cuộc đời của ông.
 
Hoa sen
 
Biểu tượng của Mặt trời, sự thanh cao, sức sáng tạo và sự tái sinh
 
Ai Cập có hai giống hoa sen bản địa sinh trưởng là loại sen trắng và sen xanh, sau này có thêm loại sen hồng được du nhập từ Ba Tư. Cả ba loại sen này đều được miêu tả trong nghệ thuật Ai cập nhưng giống sen xanh được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất.
 
 
Theo thuyết sáng tạo của người Ai Cập, trong buổi sơ khai, có một bông hoa sen khổng lồ mọc lên trên đại dương của sự hỗn mang. Từ bông sen đó, mặt trời ló dạng lần đầu tiên trên Trái đất.
 
Búp sen vàng trong bông sen xanh làm người Ai cập liên tưởng đến Mặt trời mọc lên từ nơi mặt biển nguyên sơn như trong truyền thuyết về sự ra đời của vạn vật. Vào buổi đêm, bông hoa cụp cánh và chìm dưới mặt nước để rồi đến bình minh, nó lại nở bung rực rỡ.
 
 
Các giống hoa màu xanh hay màu trắng được sử dụng rộng rãi trong các chế phẩm thuốc. Trong toán học, biểu tượng hoa sen tượng trưng cho con số 1000. Nó cũng là biểu tượng của Thượng Ai Cập và đại diện cho sự phục sinh của Isis. 

 
http://kenh14.vn/kham-pha/giai-ma-bi-an-cua-cac-bieu-tuong-ai-cap-co-dai-phan-2-20110214030155370.chn

"Siêu xe" của thời Ai Cập cổ đại
12:00:00 27/01/2011

"Sang chảnh" chẳng kém gì Audi hay Bentley bây giờ đâu nhé!

Người Ai Cập biết tới xe ngựa từ khi dân Hyksos bắt đầu thời kỳ cai trị của họ ở thung lũng sông Nile khoảng thế kỷ 17 trước Công nguyên. Sau đó, họ đã cải tiến xe ngựa và tạo ra mẫu tương tự như trong ảnh. Nó là biểu tượng của sự giàu sang khi được làm từ 7 loại gỗ khác nhau và tất cả đều không mọc ở Ai Cập. Nói cách khác, đây là xe "nhập khẩu" cao cấp.
 
Xe Ai Cập thời kỳ đầu.
 
Còn dưới đây là siêu xe hoàng gia của Vua Tut. Nó mang công nghệ hàng đầu với bánh xe 6 nan hoa (so với 4 của thời kỳ đầu). Nhà vua có 2 chiếc xa lớn dùng trong các dịp nghi lễ, 1 chiếc nhỏ hơn được trang trí cầu kỳ và 3 chiếc nhẹ để dùng hàng ngày. Quả là một bộ sưu tập hoành tráng. 
 
Bộ sưu tập xe của vua Tut.
 
Chiếc xe này cũng thuộc về Vua Tut. Nó được gắn kết bởi 1 chiếc cọc và 1 cái ách lớn. Nhà vua sẽ đứng trên xe để điều khiển 2 con ngựa. Bánh xe được nối bởi 1 trục dài 2m làm bằng gỗ cứng và cả cỗ xe có thể chở hơn 100kg. Kết cấu của xe giúp giảm chấn động khi tăng tốc và giảm tốc. Chúng ta hiện chưa biết rằng thời Ai Cập người ta có đua xe không nhưng các kỹ thuật được dùng trong chế tạo xe ngựa hoàn toàn phù hợp với các cuộc đua.
 
 
Bánh xe là một phần rất quan trọng của cỗ xe. Chúng thậm chí có cả lốp được làm từ các vòng gỗ đàn hồi, thích hợp với các địa hình khác nhau. Trục của bánh xe được bôi trơn bằng mỡ động vật, giúp quá trình chuyển động được dễ dàng hơn và tránh cho xe nhanh hỏng hóc.
 
Bánh xe có chìa khóa để giữ và cũng tạo thuận lợi cho quá trình thay bánh. Người ta tính toán rằng bánh xe có thể được thay thế trong vòng 1 phút. Các nan hoa được làm từ gỗ dẻo và giúp giảm chấn động hệt như bộ phận giảm xóc trong xe ô tô hay xe máy hiện đại.
 
So với xe ngựa của các dân tộc khác như Hy Lạp hay La Mã, xe ngựa của người Ai Cập tiến bộ hơn rất nhiều nếu xét về sự hợp lý trong thiết kế. Họ biết kết hợp các loại gỗ mềm, cứng khác nhau, áp dụng nhiều quy tắc trong toán học và vật lý để tạo ra một cỗ xe thực sự thoải mái cho người sử dụng.
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten