woensdag 3 juli 2013

Croatia, thành viên thứ 28 của Liên hiệp châu Âu

Thứ hai 01 Tháng Bẩy 2013

Croatia, thành viên thứ 28 của Liên hiệp châu Âu

Croatia, thành viên thứ 28 của Liên Hiệp Châu Âu.
Croatia, thành viên thứ 28 của Liên Hiệp Châu Âu.
REUTERS/Antonio Bronic

Thanh Phương
Vào đúng 0 giờ giờ địa phương ngày 01/07/2013, Croatia đã chính thức trở thành thành viên thứ 28 của Liên Hiệp Châu Âu, 22 năm sau khi quốc gia này tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên bang Nam Tư.


Đêm qua, hàng chục ngàn người dân Croatia đã hân hoan chào đón sự kiện này dưới một bầu trời sáng rực pháo hoa. Trước đám đông tập hợp tại thủ đô Zagreb, chủ tịch Uỷ ban châu Âu José Manuel Barroso hô to : « Xin chào mừng đến với Liên hiệp châu Âu », trước khi bài « Ode hoan ca » của Beethoven, bài ca chính thức Liên Hiệp Châu Âu, vang lên, đánh dấu việc Croatia gia nhập của khối này. Trong bài diễn văn, tổng thống Croatia Ivo Josipovic đã kêu gọi đồng bào của ông nên « lạc quan », cho dù châu Âu đang trải qua khủng hoảng kinh tế.
Tại quảng trường trung tâm của Zagreb, hơn 700 nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ và vũ công đã trình diễn trên ba sân khấu, trước những khán giả phấn khích. Các lễ hội tương tự cũng diễn ra ở các thành phố khác như Split, Dubrovnik. Trong một cử chỉ mang tính biểu tượng, đúng nửa đêm, tấm bảng ghi chữ « hải quan » đã được gỡ khỏi một cửa khẩu giáp với Slovenia, nước Cộng hòa Nam Tư cũ duy nhất là thành viên Liên Hiệp Châu Âu cho tới nay ( từ 2004).
Cùng lúc đó, một tấm bảng Liên Hiệp Châu Âu đã được đặt tại biên giới giữa Croatia với Serbia, quốc gia mà hôm thứ sáu tuần trước, Bruxelles đã đồng ý mở đàm phán về việc gia nhập Liên hiệp châu Âu. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, tiến trình thâu nhận các quốc gia khác của vùng Balkan có thể sẽ lâu hơn và được tiến hành thận trọng hơn so với những nước trước đây.
Cũng ngày hôm nay 01/07/2013, Litva lên nắm chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu với nhiệm kỳ sáu tháng. Trong vai trò này, Litva muốn thúc đẩy quan hệ giữa các nước Cộng hòa Liên Xô cũ với châu Âu, một ý định bị Matxcơva xem như là can thiệp vào vùng ảnh hưởng của Nga.

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20130701-croatia-thanh-vien-thu-28-cua-lien-hiep-chau-au

Thứ ba 02 Tháng Bẩy 2013

Croatia gia nhập EU: Niềm vui bị đánh mất

Một chốt biên giới Croatia, thành viên mới Liên Hiệp Châu Âu từ ngày 01/07/2013.
Một chốt biên giới Croatia, thành viên mới Liên Hiệp Châu Âu từ ngày 01/07/2013.
Reuters

Anh Vũ / Hoàng Nguyễn
Hơn một năm rưỡi sau khi ký thỏa thuận gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, Cộng hòa Croatia đã trở thành thành viên chính thức thứ 28 của Liên Hiệp Châu Âu (EU) kể từ ngày 01/07/2013. Tuy nhiên, chỉ có 39% cư dân Croatia tỏ ra vui mừng trước sự kiện này. Các chuyên gia cho rằng, xét về ngắn hạn, Croatia chưa có được lợi gì trong tư cách thành viên EU.


Thông tín viên Hoàng Nguyễn
 
02/07/2013
 
 
Là một quốc gia nhỏ ở Trung Âu nằm trên bán đảo Balkans, với diện tích gần 1/6 và dân số chừng 1/20 của Việt Nam, Croatia là nước cộng hòa thứ hai thuộc Liên bang Nam Tư (cũ) được gia nhập ngôi nhà chung Châu Âu, sau Slovenia.
Những “lời hay ý đẹp”
Đêm Chủ nhật vừa qua, đã có chừng 170 chính khách thượng đỉnh ngoại quốc tham dự lễ gia nhập EU của Croatia, được tổ chức tại quảng trưởng trung tâm thủ đô Zagreb. Ông José Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, cho rằng người Croatia đã trở về với trái tim Châu Âu, vị trí mà họ xứng đáng. Ông cũng cho rằng Croatia đã trải qua những thay đổi lớn lao trong vòng mấy thập niên qua, trở thành một quốc gia dân chủ, tôn trọng các quyền cơ bản của con người.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy thì nhấn mạnh, đối với các nước khu vực Tây Balkans, việc Croatia gia nhập EU là một cột mốc trên con đường dẫn tới tương lai mà mục tiêu là cùng sống chung trong hòa bình và thịnh vượng. Trong phát biểu của ông, Croatia được ca ngợi là “quốc gia đứng đầu khu vực”, sẽ có vai trò cực kỳ quan trọng trên cương vị thành viên EU.
Phát biểu trong buổi lễ, Tổng thống Croatia Ivo Josipovic nhận định: bằng việc gia nhập Liên hiệp Châu Âu, ước mơ của nhiều thế hệ đã trở thành hiện thực, và đây đồng thời là cơ sở cho “tương lai an ninh, dân chủ và hướng về Châu Âu” của các thế hệ tiếp tới. Ôg cũng nói thêm rằng người dân Croatia luôn coi họ thuộc về Châu Âu, đây là một phần rất quan trọng trong ý thức dân tộc của Croatia, của những giá trị tinh thần mà quan trọng nhất là hòa bình.
Ngoài các quan chức hàng đầu của Liên hiệp Châu Âu, hầu như tất cả các nước thành viên EU đều được thay mặt bởi tổng thống hoặc thủ tướng tại buổi lễ nói trên - chỉ có mình Thủ tướng Đức Angela Merkel do bận việc nên khước từ tham gia vài ngày trước đó. Buổi lễ được thực hiện với kinh phí gần 700 ngàn Euro này đã kéo dài tới sáng, và gần 700 nhân vật đã nối tiếp nhau giới thiệu các giá trị và những vĩ nhân của nền văn hóa và khoa học Croatia.
Người dân mất dần hào hứng
Nếu trong kỳ trưng cầu dân ý năm ngoái, có 66% cư dân Croatia bỏ phiếu thuận để nước này gia nhập cộng đồng Châu Âu, thì con số này cho tới nay giảm xuống còn 39%. Không phải ngẫu nhiên mà vài ngày trước mốc thời gian Croatia trở thành thành viên của EU, Tổng thống Ivo Josipovic đã phải khẳng định “sự gia nhập này không mang lại điều thần kỳ”.
Sự thờ ơ cũng đặc trưng cho cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu đầu tiên của đất nước này : tháng 4 vừa rồi, đã chỉ có 20,8% cử tri đi bỏ phiếu để lựa chọn ra 12 nghị sĩ. Do có quá ít cử tri đi bỏ phiếu, nên liên minh cầm quyền theo xu hướng Xã hội Dân chủ chỉ được 5 ghế, trong khi phe đối lập được 7 ghế.
Cho dù sau 10 năm đàm phán và nỗ lực, Cộng hòa Croatia đã bước vào cánh cửa của “một kỷ nguyên mới” với sự kiện ngày 1/7 vừa qua, nhưng tình trạng kinh tế của nước này đã khiến cư dân Croatia không thể có được niềm vui mà lẽ ra họ phải có.
Tỉ lệ thất nghiệp lên tới 20%, theo chính lời Tổng thống Josipovic trong phát biểu với hãng thông tấn AFP vào tháng 6 vừa qua, đặc biệt, trong giới trẻ thì cứ hai người lại có một người không có công ăn việc làm, và tỉ lệ người sống dưới ngưỡng nghèo khó cũng đã lên tới 20%, cho dù mức lương trung bình của người lao động (gần một ngàn đô-la Mỹ, chưa trừ thuế) thì không đến nỗi tệ.
Giữa chừng, nền kinh tế Croatia vốn đang phát triển 4-5% trong những năm trước đây - khiến số người ủng hộ việc gia nhập EU gia tăng - thì từ 4 năm nay lại sa sút: kể từ năm 2009, GDP của Croatia đã giảm 11% và trong năm nay, các chuyên gia cũng dự đoán là sẽ tiếp tục giảm 15 nữa, khiến giá trị GDP theo đầu người trên cơ sở sức mua của Croatia chỉ còn dưới 18 ngàn USD, thuộc hàng “yếu kém” trong các nước từng thuộc khối XHCN cũ.
Ngoài ra, năm ngoái, tỉ lệ thiếu hụt ngân sách quốc gia của Croatia là 5% và trong năm nay, may lắm cũng chỉ giảm được còn 4,5%. Bên cạnh đó, nợ công hiện mới 51%, nhưng dự đoán cho thấy con số này sẽ tăng vọt trong thời gian tới.
Để bình ổn về tài chính, chính phủ Croatia đã sử dụng những biện pháp quen thuộc: sa thải nhiều công chức làm việc trong bộ máy nhà nước, tăng thuế giá trị gia tăng từ 235 lên 25%, bỏ lương tháng 13 cho người lao động và giảm khoản hỗ trợ nông nghiệp cho các doanh nghiệp có liên quan.
Dầu vậy, Croatia vẫn bị các cơ sở đánh giá tín dụng quốc tế coi là đất nước không nên đầu tư, khi tỉ lệ lương bổng và những khoản trợ cấp xã hội là quá cao trong ngân sách quốc gia, trong lúc nền kinh tế thì đi xuống, và xu hướng này được cho là sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới.
Cái lợi của cương vị thành viên EU
Cũng như các quốc gia khác thuộc khối XHCN cũ ở vùng Đông - Trung Âu, câu hỏi “vào Liên hiệp Châu Âu, được lợi gì?” luôn được đặt ra trước các xứ sở này, như là một điều kiện tiên quyết để có được sự đồng thuận và hậu thuẫn của cư dân trong quá trình gia nhập EU.
Trong trường hợp Croatia, phân nửa những giao dịch thương mại được nước này thực hiện với các quốc gia thuộc khối dùng đồng tiền chung Euro, và ba phần tư các thương vụ đầu tư cũng đến từ đó. Từ 1/7, do chế độ quan thuế được bãi bỏ nên trên nguyên tắc, Croatia sẽ có được nguồn hàng rẻ hơn đến từ EU – nhưng nhiều người lo ngại rằng như vậy, các doanh nghiệp trong nước sẽ phá sản.
Đặc biệt, với bờ biển dài là nguồn sống của rất nhiều ngư dân, ngư dân Croatia lại có sự quan ngại là họ sẽ phải đối mặt với các ngư nghiệp đến từ Ý và Slovenia, mà không được bảo vệ quyền lợi một cách hiệu quả, thì đây sẽ là sự đe dọa không nhỏ tới đời sống và thu nhập, mưu sinh của họ.
Thêm vào đó, thị trường lao động EU còn đóng cửa trước cư dân Croatia trong vòng ít nhất là hai năm, nên những người muốn tìm vận may ở nước ngoài còn phải chờ đợi. Tuy rằng, các bình luận viên nhận định, trong tình trạng kinh tế Châu Âu đang èo uột như hiện tại, dân Croatia tìm việc ở EU không hề dễ dàng so với ở trong nước.
Theo các phân tích, xét về ngắn hạn, Croatia vẫn chưa thể tận dụng lợi thế là thành viên Liên hiệp Châu Âu. Rào cản của sự tăng trưởng kinh tế hiện tại vẫn là tệ tham nhũng, và tỉ lệ người làm trong bộ máy chính quyền quá cao (chiếm tới một phần ba số người lao động).
Tuy nhiên, nếu có một lợi thế mà Croatia có thể tận dụng được ngay, thì đó là ngành du lịch. Đất nước có 4,4 triệu dân này, trong năm ngoái đã tiếp đón gần 12 triệu du khách nước ngoài và con số này có thể tăng nhiều, do thuế du lịch được giảm từ 25% xuống 10%.
Từ năm 2014, với những dự án hợp lý, Croatia cũng có thể sử dụng được một cách hiệu quả nguồn tài chính đến từ ngân sách chung của EU, với tổng trị giá là 13,7 tỉ Euro, bằng một phần năm giá trị GDP hàng năm tính theo sức mua của nước này. Trong năm nay, khoản tiền có thể sử dụng là 860 triệu Euro, cũng là đáng kể với một nước đang lâm vào khủng hoảng kinh tế như Croatia.

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20130702-croatia-gia-nhap-eu-niem-vui-bi-danh-mat

Geen opmerkingen:

Een reactie posten