donderdag 18 juli 2013

Chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa : dân Tầu... chưa giàu đã già,...chưa hùng đã hung

Trung Quốc chuyển hướng

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2013-07-17
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

035_pau615091_02-305.jpg
Một chi nhánh của Ngân hàng Quảng Châu ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm 03/3/2013
AFP photo



Hôm Thứ Hai 15, Chính quyền Trung Quốc xác nhận là đà tăng trưởng kinh tế đã giảm hai quý liền và chỉ còn 7,5% nếu quy ra toàn năm.
Từ đỉnh cao là 14,2% vào năm 2007, đà sản xuất của xứ này đang sút giảm đều như các thị trường quốc tế dự báo từ ít lâu nay. Câu hỏi kế tiếp là liệu lãnh đạo Trung Quốc có thể chuyển hướng qua một hình thái phát triển cân bằng và bền vững hơn chăng? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về bài toán này qua phần trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện.

Những khó khăn của Bắc kinh

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Trong quý hai vừa hết, sản lượng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng có 7,5%, tức là còn kém quý một và quy ra toàn năm thì là mức thấp nhất kể từ năm 1990. Đà suy giảm ấy không gây ngạc nhiên và trên diễn đàn này ông nhiều lần tiên đoán như vậy. Ta không quên là giới nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc đã nói đến cái ngưỡng chiến lược là tốc độ tăng trưởng 8% một năm vì thấp hơn là có thể bị nội loạn, hoặc 7% là chỉ dấu "hạ cánh nặng nề" sau nhiều thập niên tăng trưởng trên 10%, với đỉnh cao là 14,2% vào năm 2007.
Ngày nay, dường như kinh tế Trung Quốc bước vào thời chuyển hướng với đà tăng trưởng thấp hơn và lãnh đạo xứ này đang cố điều tiết sự thay đổi mà không gặp loạn. Trong chương trình kỳ này, xin đề nghị là ta cùng tìm hiểu những khó khăn đó của Bắc Kinh sau khi đã làm cả thế giới khâm phục về tốc độ tăng trưởng trong nhiều thập niên. Ông nghĩ sao về đề nghị này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, tôi xin được nhắc đến hội nghị vào hai ngày 10 và 11 tuần qua của hai phái bộ Hoa Kỳ và Trung Quốc tại thủ đô Washington. Đấy là kỳ họp thứ năm của Diễn đàn Đối thoại về Chiến lược và về Kinh tế giữa hai nước, với sự tham gia ở cấp Phó Thủ tướng, Ủy viên Quốc vụ viện hay Tổng trưởng Ngoại giao và Tài chính.
Lần đầu là vào Tháng Bảy năm 2009, khi khối Âu-Mỹ vừa bị biến động tài chính và suy trầm thì phái bộ Bắc Kinh do Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn và Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc cầm đầu đã răn bảo Hoa Kỳ phải cải tổ và chấn chỉnh công chi thu để khỏi gây họa cho thế giới. Lần này thì tình hình đảo ngược khi Tổng trưởng Ngân khố Hoa Kỳ phát biểu là kinh tế Mỹ đã chấn chỉnh nền móng và có 40 tháng tăng trưởng, còn Trung Quốc phải tiến hành chuyển hướng để duy trì tăng trưởng bền vững hơn trong tương lai, qua nhiều cải thiện cơ bản về cấu trúc và chính sách. Phía Mỹ còn chỉ rõ là Trung Quốc phải sửa sai về cả chính sách lẫn thái độ hành xử trong nhiều lĩnh vực như tài chính, ngoại hối, mạng lưới an ninh hay quyền sở hữu trí tuệ, v.v... Dù giới chức lãnh đạo ngoại giao và tài chính ăn nói nhã nhặn thì sự thật vẫn là cái thế nan giải của Trung Quốc trong giai đoạn trước mắt. Vì vậy, đúng là ta nên tìm hiểu vụ này.
Chỉ 10 năm sau cải cách, khủng hoảng bùng nổ với vụ tàn sát Thiên an môn năm 1989, thì lãnh đạo Trung Quốc, từ họ Đặng trở xuống, nghiêng về giải pháp thủ cựu là bảo vệ quyền lực đảng và ưu thế của khu vực kinh tế nhà nước.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Thưa ông, chúng ta đi lại từ đầu vì nhiều người, kể cả giới chức ở Việt Nam, vẫn ngạc nhiên là vì sao kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh, trên hai số trong mấy chục năm, ngày nay lại như hụt hơi đuối sức và được khuyên bảo là nên cải cách. Tại sao lại như vậy?
0c9a9b44-15da-4b10-99e2-7d194a1c0204.jpeg
Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc. AFP photo

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta trở lại thời 1978-1979 sau 30 năm hoang tưởng chết người của Mao Trạch Đông thì ông Đặng Tiểu Bình phải giành lại quyền bính và tiến hành cải cách. Khi ấy, trong ban tham mưu có người chủ trương cải tổ theo quy luật tự do và cho tư nhân nhiều quyền hạn hơn, đó là các nhân vật như Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, sau này họ đều lên làm Tổng bí thư rồi bị thất sủng, thậm chí bị quản thúc đến chết. Khi ấy, cũng có xu hướng thủ cựu như Trần Vân thì cho là nên lấy kế hoạch làm chủ yếu, kinh tế nhà nước là chủ đạo và quy luật thị trường chỉ là phù trợ. Cuộc tranh luận tư tưởng ấy dẫn đến giải pháp tạm bợ mà thành lâu dài.
Đó là đảng nói cải cách mà chưa dứt khoát, tiến hành còn chậm hơn lời nói, trong khi nghe ngóng xem các địa phương thử nghiệm ra sao, nếu thành công thì coi là thí điểm sẽ áp dụng rộng rãi hơn, nếu trở ngại thì lặng lẽ dẹp bỏ. Chỉ 10 năm sau cải cách, khủng hoảng bùng nổ với vụ tàn sát Thiên an môn năm 1989, thì lãnh đạo Trung Quốc, từ họ Đặng trở xuống, nghiêng về giải pháp thủ cựu là bảo vệ quyền lực đảng và ưu thế của khu vực kinh tế nhà nước.
Trong khi ấy, việc cải tổ dù nửa vời thì cũng giải phóng nhân lực từ nông nghiệp và nông thôn và mở ra cơ hội tiếp cận với thị trường quốc tế, được các địa phương duyên hải ào ạt tham gia với các cơ sở liên doanh cùng ngoại quốc. Bên dưới là sự xuất hiện của loại xí nghiệp hương trấn, là tiểu doanh nghiệp của tư nhân nằm dưới trướng của các đảng bộ địa phương. Khi mấy trăm triệu người được khuyến khích làm ăn như vậy thì tất nhiên là kinh tế có tăng trưởng, nhiều hay ít thì còn tùy cách đếm nhưng quả là có khả quan hơn thời xưa. Tuy nhiên tình trạng khả quan ấy đã kết thúc cùng với nạn Tổng suy trầm 2008-2009.
Vũ Hoàng: Cám ơn ông nhắc lại bối cảnh chính trị của sự chuyển hóa lần đầu tại Trung Quốc từ năm 1979 đến 2009, với biến cố bản lề là vụ tàn sát tại Thiên an môn vào năm 1989. Theo như ông phân tích thì tình hình bắt đầu khó khăn từ năm 2009, lại nhồi trong nạn suy trầm của kinh tế toàn cầu thời 2008-2009, khiến lãnh đạo Bắc Kinh mới gặp cảnh ngộ hiện tại, có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đúng là vì Tổng suy trầm thời 2008-2009, Trung Quốc lại ráo riết gia tăng đầu tư với số tín dụng khổng lồ và chất lên một núi nợ cao hơn gấp đôi sản lượng nên sẽ gây ra nguy cơ khủng hoảng tài chính và ngân hàng trong một vài năm tới. Nhưng chìm sâu dưới núi nợ kinh hoàng này còn có nhiều khó khăn sinh tử hơn nữa mà Bắc Kinh sẽ phải vượt qua.

Liên hệ sự tồn vong của chế độ

Vũ Hoàng: Xin được hỏi ngay rằng những khó khăn ấy là gì mà ông gọi là sinh tử vì liên hệ đến sự tồn vong của chế độ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, ta không quên địa dư hình thể cực bất lợi của Trung Quốc mà trên diễn đàn này tôi cứ gọi là "nhất quốc tam kinh", một quốc gia có ba nền kinh tế vì ba khu vực địa dư quá khác biệt. Đơn giản cho dễ nhớ thì khu vực duyên hải tương đối trú phú và giao tiếp với bên ngoài là nơi có hiệu suất đầu tư cao nên thu hút phương tiện cho một dân số quá đông và đang đòi lương cao hơn. Trong khi ấy khu vực nội địa thì chậm tiến và nghèo, cần đầu tư mà kết quả thấp lại là nơi sinh sống của gần một tỷ dân chỉ muốn vươn ra ngoài kiếm sống.
Khi chiến lược thúc đẩy tăng trưởng bằng đầu tư và xuất khẩu hết công hiệu, Bắc Kinh nói đến việc nâng cao khả năng tiêu thụ nội địa thì họ gặp vấn đề là số tiêu thụ ở vùng duyên hải khó tăng mà không gây ra lạm phát, trong khi vùng nội địa đông dân và quá nghèo cũng chưa thể bù đắp cho sự hao hụt của xuất khẩu. Đấy là bài toán xin tạm gọi là "trong ngoài" có thể làm Trung Quốc vỡ đôi và đòi hỏi kế hoạch tái phối trí tài nguyên vào trong mà các đảng bộ và tập đoàn quốc doanh ở vùng duyên hải sẽ chống và cũng vì vậy mà họ cản trở việc cải tổ chế độ hộ khẩu.
Lồng trong vấn đề xuất phát từ địa dư hình thể mà hệ thống chính trị không giải quyết nổi từ hai chục năm nay, còn có bài toán phân bố tài nguyên. Đó là nếu muốn nâng mức tiêu thụ quá thấp hiện nay là 37% Tổng sản lượng thì đà tăng trưởng của mươi năm tới sẽ giảm, có thể là thấp hơn 5% một năm, là hoàn cảnh cực kỳ bất an về xã hội và chính trị. Nhưng sâu xa hơn thế và nhìn vào viễn ảnh dài hơn, Trung Quốc còn có bài toán bất ngờ về dân số.
Vũ Hoàng: Thưa ông, bài toán ấy là gì? Phải chăng là vấn đề nhân khẩu học khi phải nuôi hơn một tỷ 300 triệu người trên một lãnh thổ thật ra không giàu tài nguyên bằng nhiều xứ khác?
image.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama nâng ly cùng Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong một bữa ăn tối tại Nhà Trắng hôm 19/1/2011. AFP photo

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng tài nguyên khan hiếm nhất của Trung Quốc là quyền suy nghĩ tự do, là tinh thần phê phán và trí sáng tạo để mọi người có thể tự tìm ra giải pháp tối hảo cho cuộc sống. Vì vậy, xứ này không thể nào là siêu cường kinh tế trong thế kỷ 21. Còn về bài toán dân số, chúng ta cần thấy ra một vấn đề giải thích vì sao xứ này chưa giàu đã già.
Thế giới sai lầm khi bi quan cho rằng một người sinh ra là thêm cái miệng kiếm ăn mà quên mất bộ não và hai bàn tay lao động. Cũng vì vậy, ít ai chú ý đến một chính sách xã hội triệt để và toàn diện chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Đó là cái lệnh "mỗi hộ một con" mà Bắc Kinh ban hành năm 1978. Hãy tưởng tượng đến một chế độ chính trị mà nhà nước vào tới giường ngủ và quyết định về chuyện sinh đẻ của người dân thì ta mới hiểu ra một nét toàn trị của họ.
Hậu quả 30 năm sau là sự hao hụt của lớp người trẻ và đà gia tăng của người già, khiến một người lao động phải nuôi cha mẹ hai thân và bốn ông bà nội ngoại theo lối ví von của họ. Tỷ lệ quá lớn của thành phần cao niên lệ thuộc vào người khác sẽ là gánh nặng kinh tế và ngân sách cho Trung Quốc. Đấy là chuyện dân Tầu chưa giàu đã già.
Nhìn lại thì xứ này chưa giàu đã già, và chưa hùng mà đã hung khi đe dọa các lân bang, ngày nay họ mới phải xoay vào trong để chuyển hướng mà sợ cỗ xe sẽ bị lật!
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Cụ thể thì trong mươi năm tới, dân số Trung Quốc hết tăng và bắt đầu giảm từ năm 2026 trở đi. Cái ưu thế của một xứ đông dân nhất địa cầu và có nền kinh tế làm hãng xưởng cho thế giới coi như kết thúc và xứ này chỉ có tương lai nếu cải tổ được tư duy và tiến lên trình độ sản xuất cao hơn của hình thái kinh tế tri thức mà thiên hạ đã nói đến từ lâu. Tức là người dân phải có tự do.
Vũ Hoàng: Qua phần trình bày của ông, thính giả của chúng ta có thể mượng tượng ra bài toán nan giải và sâu xa của Trung Quốc. Câu hỏi cuối, thưa ông, có phải là việc chuyển hướng kinh tế của lãnh đạo Bắc Kinh sẽ phải vượt qua một tắc nghẽn về chính trị hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng đấy mới là vấn đề thật vì trước Đại hội 18 năm ngoái, lãnh đạo Bắc Kinh đã cân nhắc cả yêu cầu cải cách kinh tế lẫn chính trị nhưng phải khéo xoay để vẫn bảo vệ được chế độ. Hồi nãy, tôi có nói đến Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn, nay đã vào Bộ Chính trị làm Trưởng ban Kỷ luật Trung ương. Trước Đại hội 18, hình như ông ta có nhắc đến cuốn sách của nhà tư tưởng Pháp Alexis de Tocqueville về cuộc Cách mạng Pháp với hàm ý là vì chế độ quân chủ tiến hành cải cách mà bị sụp đổ năm 1789. Tháng Tư vừa qua, khi sinh hoạt trong đảng, Tổng bí thư Tập Cận Bình cũng nói đến sự sụp đổ của Liên Xô và nhà Mãn Thanh sau khi tiến hành cải cách chính trị. Ta có thể hiểu ra nỗi lo của lãnh đạo Trung Quốc khi biết là phải cải cách chính trị thì mới thăng tiến về kinh tế.
Nhìn lại thì xứ này chưa giàu đã già, và chưa hùng mà đã hung khi đe dọa các lân bang, ngày nay họ mới phải xoay vào trong để chuyển hướng mà sợ cỗ xe sẽ bị lật!
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten