maandag 10 juni 2013

Trung Quốc không mua gạo, Việt Nam bị ép tứ bề

Trung Quốc không mua gạo, Việt Nam bị ép tứ bề Friday, June 07, 2013 5:17:06 PM






HÀ NỘI (NV) - Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA) vừa lên tiếng tố cáo các doanh nghiệp Trung Quốc đã o ép họ cả về giá lẫn về lượng.
Theo chủ tịch VFA, từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất cảng của Việt Nam sụt giảm đáng kể. Theo sau đó là giá gạo xuất cảng của Việt Nam đã giảm 9%, so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc - nơi tiêu thụ khoảng 1/3 lượng gạo xuất cảng của Việt Nam đã đơn phương hủy 64% hợp đồng xuất cảng gạo.
Trữ gạo chờ xuất cảng. Các doanh nghiệp thành viên của Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam đang ôm 2.8 triệu tấn gạo. Thành ra nông dân phải ôm 9 triệu tấn lúa của vụ Hè-Thu. (Hình: Thông Tấn Xã Việt Nam)
Chủ tịch VFA còn tố thêm rằng, các bạn hàng Trung Quốc đã mồi chài để các doanh nghiệp xuất cảng gạo của Việt Nam tham gia “buôn gian bán lận” qua việc đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam trộn gạo thường vào gạo thơm, rồi bán dưới mác gạo thơm để “hai bên cùng có lợi.”

Ðây là lần đầu tiên VFA lên tiếng tố cáo các đối tác Trung Quốc. Chuyện tố cáo xảy ra khi VFA đang bị công chúng Việt Nam chỉ trích kịch liệt, nông dân oán thán.

Tháng trước và tháng này, tại đồng bằng sông Cửu Long, dù lúa chín rục nhưng nông dân không buồn thu hoạch bởi chẳng ai mua.

Tuy chi phí cho một ký lúa ở đồng bằng sông Cửu Long dao động trong khoảng từ 4,100 đồng - 4,500 đồng/ký, song hiện nay, giá bán lúa chỉ còn từ 3,150 đồng - 3,500 đồng/ký. Trung bình, mỗi ký lúa, nông dân lỗ khoảng 1,000 đồng. Nghịch lý nhiều năm vẫn tồn tại: Càng được mùa, lỗ càng nặng. Thậm chí, ngay cả chấp nhận lỗ nặng, nông dân nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn không bán được lúa! Thành ra nông dân vốn đã nghèo lại càng thêm bần cùng.

Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn của Việt Nam ước đoán, riêng vụ Hè-Thu, nông dân đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch khoảng 9 triệu tấn lúa. Cả 9 triệu tấn lúa đang rơi vào tình trạng ế ẩm, bởi VFA còn ôm 2.8 triệu tấn gạo chưa xuất khẩu được.

Trước sự oán giận của nông dân, ông Hoàng Trung Hải, phó thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu các bộ, ngành thực hiện việc mua tạm trữ một triệu tấn gạo (tương đương hai triệu tấn lúa) để “cứu” nông dân. Ðiều này đồng nghĩa với việc chính quyền Việt Nam phải chi thêm từ 300 tỉ đến 400 tỉ đồng cho chuyện “tạm trữ gạo.”

Nghe tin này, nhiều chuyên gia về kinh tế và nông nghiệp công khai bày tỏ sự bất bình đối với việc “cứu” nông dân bằng cách, giao tiền cho VFA mua gạo tạm trữ. Theo họ, “cứu” kiểu đó thì nông dân không phải là đối tượng thụ hưởng những lợi ích được tạo ra từ gói tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Trò chuyện với tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Tiến Sĩ Võ Hùng Dũng, một chuyên gia về thị trường lúa gạo, cho rằng, chính các “chương trình tạm trữ” nhằm “hỗ trợ nông dân” đã góp phần làm gạo xuất cảng của Việt Nam mất giá, vì thời điểm mua lúa gạo ngược với quy luật thị trường (giá gạo trên thị trường quốc tế đang giảm dần) và khách hàng nước ngoài nắm rất rõ lượng gạo tồn kho của Việt Nam ra sao để ép giá.

Mặt khác, theo ông Dũng, “chương trình tạm trữ” thực hiện đối với vụ Ðông-Xuân hồi đầu năm nay, còn làm tăng “nhu cầu ảo,” khiến nông dân tưởng có thể thu lợi nhờ lúa, nên hăm hở dốc vốn cho vụ Hè-Thu. Ông Dũng tin rằng, VFA hiểu rõ cả thị trường lẫn xu hướng về cung-cầu, giá cả song VFA không có bất kỳ khuyến cáo nào đối với ngành nông nghiệp và nông dân.

Khi lên tiếng tố cáo các doanh nghiệp Trung Quốc o ép mình cả về giá lẫn về lượng, VFA tiết lộ, chẳng hiểu vì sao, năm ngoái, lượng gạo mà phía Trung Quốc đặt mua, đột ngột tăng lên tới 2.2 triệu tấn (gấp 10 lần so với năm 2011), chưa kể tới 500 tấn được xuất qua đường tiểu ngạch.

Dù chưa có bằng chứng nào về chuyện các doanh nghiệp Trung Quốc đã có kịch bản, nhằm đẩy từ chính quyền Việt Nam tới VFA và nông dân vào tròng, song khi VFA lên tiếng tố cáo các đối tác Trung Quốc thì chuỗi sự kiện dẫn tới bi kịch “dư gạo, thừa lúa,” có thể tóm tắt như thế này: Tuy gạo trên thị trường thế giới có dấu hiệu dư thừa, năm 2012, Trung Quốc vẫn hỏi mua gạo của VFA với số lượng lớn (gấp 10 lần năm 2011).

Ðiều này làm cho các bên có liên quan ở Việt Nam phấn chấn, chính quyền Việt Nam giao tiền cho VFA mua gạo tạm trữ chờ xuất cảng, nông dân hăm hở dốc vốn để trồng lúa. Sang năm 2013, Trung Quốc đột ngột hủy phần lớn hợp đồng xuất khẩu gạo, VFA ôm gần 3 triệu tấn gạo xuất khẩu, nông dân ôm khoảng 9 triệu tấn lúa vụ Hè-Thu, chính quyền Việt Nam mất thêm từ 300 tỉ đến 400 tỉ để “cứu” nông dân.
(G.Ð.)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten