donderdag 20 juni 2013

Trung Quốc đẩy mạnh quân cờ sang Trung Á

Thứ năm 20 Tháng Sáu 2013

Trung Quốc đẩy mạnh quân cờ sang Trung Á

Mỏ than lộ thiên của Kazakhstan.
Mỏ than lộ thiên của Kazakhstan.
Getty Images/Christopher Herwig

Thu Hằng
Đặc phái viên nhật báo kinh tế Les Echos từ Astana phân tích chiến lược hợp tác của Trung Quốc tại nước láng giềng Kazakhstan trong bài phóng sự đề tựa « Trung Quốc đẩy mạnh quân cờ sang Trung Á ». Kazakhstan nằm giữa hai ông khổng lồ : một bên là Nga - nước lớn nhất, bên kia là Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất.


Nắm quyền sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, tổng thống hiện nay của Kazakhstan đã từ bỏ thủ đô cũ Almaty, cho xây dựng một thủ đô mới, Astana, gần với người anh em đồng bào Kazakh hơn. Việc di chuyển thủ đô cách xa Trung Quốc hơn cũng nhằm tránh khỏi những tham vọng của Bắc Kinh.
Để thỏa mãn nhu cầu dầu lửa và khí đốt, Trung Quốc ngược theo con đường tơ lụa và đặc biệt quan tâm tới Kazakhstan, đất nước có diện tích lớn thứ 9 trên thế giới, với 17 triệu dân, mà trong lòng đất chứa đầy nguồn tài nguyên tự nhiên. Nước Nga đã không thể bỏ qua trước mối lợi này, nhưng hiện giờ phải chia món mồi béo bở đó với Trung Quốc.
Kazakhstan chứa khoảng 3% tổng trữ lượng dầu mỏ và khoảng 1,7% trữ lượng khí đốt trên thế giới. Tổng thư ký Tổ chức quốc tế Energy Charter đánh giá « Từ giờ tới năm 2015, Kazakhstan sẽ lọt vào top 10 các nhà sản xuất dầu lửa thế giới và về mặt địa lý, nước này nằm giữa hai người tiêu thụ năng lượng nhiều nhất : châu Âu và Trung Quốc ». Kazakhstan cũng là nước sản xuất uranium lớn nhất thế giới. Đất nước này trở thành đầu tầu kinh tế tại khu vực Trung Á, chiếm 75% tổng GDP trong vùng.
Cách đây 2 năm, ông Hồ Cẩm Đào, chủ tịch Trung Quốc thời đó, ca ngợi « bùng nổ quan hệ song phương » giữa hai nước. Trao đổi mậu dịch sẽ tăng gấp đôi từ giờ tới năm 2015. Bắc Kinh đã đầu tư nhiều tỉ đô la vào Kazakhstan. Vào năm 2013 hoặc 2014, một công ty liên doanh của hai nước sẽ xây dựng hệ thống ống dẫn khí để hàng năm cung cấp cho Trung Quốc khoảng 40 tỉ mét khối khí đốt. Chủ tịch tập đoàn KazMunaisGas bình luận rằng dự án này sẽ cho phép « đa dạng hóa về lựa chọn xuất khẩu của chúng tôi. Trước đây, chúng tôi xuất khẩu chỉ thông qua Gazprom (tập đoàn Nga) »
Đối với nước Nga, sự thâm nhập của Trung Quốc vào sân sau của họ là một mối thách thức rõ ràng. Ngay giữa những năm 2000, một đường ống dẫn dầu đã nối những mỏ dầu Kazakhstan với vùng Tân Cương. Và người Trung Quốc đang tìm cách mua lại cổ phần của nhà sản xuất dầu lửa Mỹ ConocoPhillips trong tập đoàn khai thác mỏ Kashagan. Nằm tại biển Caspi, Kashagan có trữ lượng ước chừng 30 tỉ thùng dầu, trong đó từ 8 đến 12 tỉ thùng có thể khai thác được.
Trung Quốc thay đổi chiến lược đầu tư
Trung Quốc còn quan tâm tới nhiều nguồn tài nguyên khác, đầu tiên là mỏ quặng. Năm ngoái, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã dành một 1,5 tỉ đô la cho Kazakhmys, nhà khai thác mỏ khổng lồ của Kazakhstan, để phát triển quặng đồng Aktogay. Chủ tịch SB Capital cho biết : « Từ một năm nay, người Trung Quốc không chỉ quan tâm tới dầu mỏ và khí đốt, mà còn đa dạng hóa các mối quan tâm của họ, bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hay ngành nông nghiệp ».
Trung Quốc và Kazakhstan ký kết một thỏa thuận để xây dựng 1200 km đường sắt nối hai thủ đô, cũ và mới, của Kazakhstan. Và không xa thủ đô cũ Almaty (gần Trung Quốc), sẽ mọc lên một công trình gồm khách sạn và sòng bạc, đúng theo kiểu Ma Cao, để phục vụ cho khách hàng từ tây bắc Trung Quốc tới.
Kazakhstan muốn trở thành trung tâm của Trung Á. Trung tuần tháng 6, đất nước vui mừng làm hồi sinh con đường tơ lụa nhờ tuyến đường sắt nối Trung Quốc và châu Âu. Từ giờ trở đi, một xe container chỉ mất 15 ngày để vượt 15 nghìn km từ Trùng Khánh sang Duisburg (thuộc vùng Ruhr của Đức), trong khi đó, bằng đường thủy phải mất 45 ngày.
Trung Quốc quan tâm với Trung Á cũng vì lý do an ninh
Khu vực này nằm ngay cửa ngõ của vùng Tân Cương. Người Ngô Duy Nhĩ thiểu số sống ở khu vực tây bắc Trung Quốc không phải là người dễ bảo. Trong khi đó, bên kia biên giới là người Thổ và người Hồi giáo. Bắc Kinh sợ người dân thiểu số dễ bị kích động. Họ cũng sợ những bất ổn hay khủng bố các công trình đầu tư của mình tại đây.
Hai lý do giải thích cho sự lo ngại này là Khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút khỏi Afghanistan, như vậy các tổ chức Hồi giáo cực đoan sẽ phát triển hơn, và người kế nhiệm tổng thống Nazarbayev sẽ là ai. Chính vì thế, Bắc Kinh sử dụng lá bài Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, chủ yếu nhằm vào việc đảm bảo an ninh, được thành lập năm 2001, bao gồm Trung Quốc, Nga và 4 nước Trung Á (Kazakhstan, Kirghizistan, Tadjikistan và Ouzbékistan).
Sự can thiệp của Trung Quốc vào Trung Á vấp phải hai trở ngại: Mát-xcơ-va và lo ngại của dân chúng địa phương. Mặc dù thường phối hợp ăn ý với nhau trên trường quốc tế, nhưng trong khu vực, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh với Nga. Bắc Kinh kêu gọi thỏa hiệp mậu dịch nhưng Nga làm ngơ và đặt rào cản thuế quan Nga-Kazakhstan-Belarus. Kazakhstan cố gắng cân bằng cán cân Nga-Trung Quốc, nhưng về mặt chính trị thì sẽ ưu ái mối quan hệ với người Nga.
Còn người dân Kazakhstan lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc, thậm chí là bài trừ. Cán bộ một doanh nghiệp nước ngoài tại đây cho biết: « Đúng là hành động bài Trung Quốc đang tăng nhanh, nhưng sao phải ngạc nhiên? Họ hung tợn và ngạo nghễ và coi chúng tôi như một nước hạng hai nơi mà mọi thứ đều có thể mua được ». Về việc bán đất nông nghiệp cho người Trung Quốc, dân Kazakhstan phản đối vì với họ các dự án này chỉ có lợi cho công nhân Trung Quốc « nhập khẩu ». Thế nhưng, bóng của người khổng lồ Trung Quốc sẽ còn in lâu dài trên thảo nguyên mênh mông Kazakhstan.
Điện Elysée sắp đón các siêu sao doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc
Các doanh nghiệp Trung Quốc thể hiện quyết tâm chinh phục thị trường châu Âu. Ngày hôm qua, Hoa Vi làm một « show » lớn quảng bá điện thoại thông minh của mình tại Luân Đôn. Từ ngày 25 tới ngày 30 tháng 6 tới, các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Trung Quốc sẽ có chuyến công du tại Pháp theo lời mời của tổng thống Pháp François Hollande. Báo Le Monde thông tin về sự kiện này.
Phái đoàn thăm nước Pháp sẽ có 42 chủ doanh nghiệp Trung Quốc do ông Liễu Truyền Chí, nhà sáng lập thương hiệu Lenovo, tổ chức. Chuyến thăm được hai nước Pháp, Bỉ và Câu lạc bộ doanh nhân Trung Quốc (China Entrepreneur Club) khởi xướng. Trong danh sách, ngoài trưởng đoàn Liễu Truyền Chí, còn có những tên tuổi sắp đi vào truyền thuyết Trung Quốc như Jack Ma - người sáng lập website Alibaba, hay đồng chủ tịch người Trung Quốc của công ty Fosun (cổ đông của Club Méditerrannée).
Qua chuyến viếng thăm này, các ông chủ Trung Quốc muốn tập trung vào « nền kinh tế mới » và dành thời gian để gặp gỡ giới lãnh đạo doanh nghiệp hay chuyên gia Pháp. Trong buổi họp báo tại Sứ quán Pháp tại Trung Quốc, trưởng đoàn Liễu Truyền Chí cho biết, ngoài các lĩnh vực truyền thống Pháp-Hoa như nguyên tử và hàng không, chuyến công du này nhằm « tìm kiếm các đối tác và các hướng bổ sung », như thực phẩm, tài chính hay hàng xa xỉ, cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Một số ông chủ lớn Trung Quốc sẽ suy nghĩ để đầu tư vào thị trường Pháp, một số khác sẽ nghiên cứu nền kinh tế nước chủ nhà để tìm kiếm đối tác hay giải pháp cho hoạt động của công ty họ tại Trung Quốc.
Ngoài tổng thống Pháp, đoàn doanh nghiệp Trung Quốc sẽ gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng như Ngoại trưởng Laurent Fabius, hay chủ tịch các tập đoàn lớn, cũng như thăm tập đoàn Dassault Système. Từ khi số lượng tỉ phú Trung Quốc không ngừng tăng, tập đoàn này mong muốn sẽ cung cấp cho giới nhà giàu của nước này máy bay hạng sang Falcon.
Cũng liên quan tới sự tăng trưởng nhanh của các doanh nghiệp Trung Quốc, báo Les Echos cho biết tập đoàn Vạn Đạt mới mua lại Sunseeker, tập đoàn sản xuất du thuyền hạng sang của Anh, mà du thuyền của hãng này đã nổi tiếng trong loạt phim của điệp viên 007. Còn báo Le Figaro cho biết « Hoa Vi tuyên bố quan tâm đến hãng Nokia ».
Nhật Bản ca ngợi ngành nguyên tử của mình dựa vào bài học Fukusima
Báo Le Monde cũng đề cập tới tình hình Nhật Bản sau khi phát hiện lượng phóng xạ cao trong nước ngầm tại Fukusima trong bài « Nhật Bản dựa vào « bài học » rút ra từ Fukusima để ca ngợi ngành nguyên tử của mình »
Nhân chuyến thăm chính thức tại Vác-xa-va, thủ tướng Nhật Bản quyết định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nguyên tử dân sự với các đồng nhiệm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia và Hungary.
Sau Trung Đông, Việt Nam và Ấn Độ, Đông Âu trở thành một trong những thị trường được ngành công nghệ nguyên tử Nhật Bản nhắm tới. Trước khi thảm họa Fukusima xảy ra, Nhật Bản chỉ xuất khẩu công nghệ nguyên tử hạt nhân và các trang thiết bị. Nhưng hiện nay, chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe sẽ thực hiện các dự án « chìa khóa trao tay »: xây dựng các lò phản ứng, bảo dưỡng và dịch vụ sau bán hàng, trong đó có quản lý các thiệt hại và bồi thường nếu tai nạn xảy ra.
Để quảng bá cho các dự án trên, thủ tướng Shinzo Abe đưa ra lý do chính phủ Nhật Bản rút kinh nghiệm từ bài học Fukusima, song điều này trái với mong ước của người dân Nhật là ngừng các lò phản ứng hạt nhân. Chính phủ của ông một mặt loại bỏ dự án của người tiền nhiệm là loại bỏ hạt nhân tại Nhật Bản trước cuối năm 2030, mặt khác cho hoạt động trở lại các lò phản ứng hạt nhân bị ngừng. Trong chuyến thăm của tổng thống Pháp tại Nhật Bản vừa qua, nhà lãnh đạo hai nước đã công bố tăng cường hợp tác hạt nhân, cũng như tại thị trường các nước thứ ba.
Pháp: Vấn đề hưu trí và việc làm tại Hội nghị xã hội
Quay lại tình hình tại Pháp, « Hội nghị xã hội » lần thứ hai do tổng thống Pháp làm chủ tọa diễn ra ngày hôm nay là chủ đề được các nhật báo quan tâm.
Hội nghị xã hội được tổ chức nhằm tìm cách thỏa hiệp với các đối tác xã hội những cải cách trong tương lai, đặc biệt là vấn đề hưu trí. Báo Libération cho biết sáu chủ đề được thảo luận bàn tròn là việc làm, sức khỏe lao động, các ngành cho tương lai, vấn đề hưu trí, dịch vụ công và châu Âu xã hội.
Vấn đề đau đầu cho chính phủ Pháp là tình hình hưu trí. Báo La Croix đặt câu hỏi : « Hưu trí, liệu có thể cải cách một lần cho mãi mãi ? » và đánh giá hồ sơ này mang nhiều rủi ro cho tổng thống François Hollande. Còn báo L’Humanité nhận định là « một cuộc hội nghị dưới sức ép lớn » vì « các chủ đề tranh luận là các vấn đề kinh tế và xã hội khẩn cấp ».
Về phần mình, tờ báo thiên hữu Le Figaro, đằng sau thông tin về hội nghị xã hội về việc làm và hưu trí, đặt một câu hỏi thách thức: « Hollande: hội nghị thượng đỉnh xã hội để làm gì? ». Tờ báo cũng tranh thủ vấn đề này để nêu lên tình trạng tân cử nhân Pháp, đặc biệt là tốt nghiệp các trường « lớn », thường rời Pháp để kiếm việc làm ở nước ngoài.
Nhật báo kinh tế Les Echos thì ái ngại cho bối cảnh diễn ra hội nghị, trong bài « Hội nghị xã hội chìm trong khoảng hoảng ». Phóng viên của báo cũng cho biết thêm chính phủ muốn tránh tập trung vào cải cách hưu trí, nhưng khó khăn để thuyết phục trên vấn đề việc làm. Được biết, tỉ lệ thất nghiệp tại Pháp hiện nay là 10,8%, và tỉ lệ này còn cao hơn đối với thanh niên độ tuổi từ 15-24 lên tới 26,4%.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130620-trung-quoc-day-manh-quan-co-sang-trung-a

Geen opmerkingen:

Een reactie posten