woensdag 12 juni 2013

"Trận đấu" uy tín ở Quốc hội : Trương Tấn Sang : 1 – Nguyễn Tấn Dũng : 0

Thứ tư 12 Tháng Sáu 2013

"Trận đấu" uy tín ở Quốc hội : Trương Tấn Sang : 1 – Nguyễn Tấn Dũng : 0

Ông Nguyễn Tấn Dũng (trái) và ông Trương Tấn Sang nhân kỳ Đại Hội XI (Reuters)
Ông Nguyễn Tấn Dũng (trái) và ông Trương Tấn Sang nhân kỳ Đại Hội XI (Reuters)

Trọng Nghĩa
Sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm được đánh giá là "chưa từng thấy" tại Quốc hội Việt Nam vào hôm qua, 11/06/2013, các chuyên gia phân tích quốc tế đều đồng loạt ghi nhận là Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã bị một vố đau. Ngược lại, nhân vật được cho là đối thủ chính trị hiện nay của ông là chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ghi được một bàn thắng trong "trận đấu uy tín".


Phải nói là nhìn một cách tổng quát, kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh quan trọng nhất trong chính phủ và Quốc hội hoàn toàn phù hợp với dự đoán của tất cả mọi người, tức là không có ai bị tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp quá 2/3 đại biểu để bị buộc phải từ chức theo quy định.
Thế nhưng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam bị chậm hẳn lại và chính phủ bị quy trách nhiệm về một loạt những vụ quản lý kém cỏi và để cho tham nhũng tràn lan, nổi bật là hai vụ Vinashin và Vinalines, các nhà quan sát đã quan tâm nhiều hơn đến số phiếu bất tín nhiệm liên quan đến các lãnh đạo.
Sự chú ý lại càng tăng khi trong thời gian qua, giới phân tích đều cho rằng trong hậu trường sân khấu chính trị Việt Nam, đã diễn ra một cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai lãnh đạo cao nhất trong guồng máy chính quyền là chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Cuộc bầu phiếu tín nhiệm vào hôm qua 11/06/2013, do đó là một cơ hội hiếm hoi để đo lường uy tín của hai nhân vật này, ít ra là trong Quốc hội Việt Nam mà tuyệt đại đa số thành viên đều là đảng viên đảng Cộng sản.
Theo kết quả chính thức được công bố, như vậy là trên tổng số 492 phiếu hợp lệ, ông Trương Tấn Sang đã được đến 330 phiếu tín nhiệm cao (66,27%), 133 phiếu tín nhiệm bình thường (26,71%), và chỉ bị 28 phiếu gọi là ‘tín nhiệm thấp’ (5,62%). Ngược lại, ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ được 210 phiếu tín nhiệm cao (42,17%), 122 phiếu tín nhiệm bình thường (24,5%), trong lúc số phiếu tin nhiệm thấp lên đến 160 (32,13%).
Hãng tin Anh Reuters ghi nhận : “Thủ tướng Việt Nam đã bị giáng một đòn công khai hiếm có khi chỉ được không đầy 50% đại biểu hoàn toàn ủng hộ (…), với 210 trên tổng số 498 dân biểu cho ông phiếu tín nhiệm cao, và 160 người cho ông phiếu tín nhiệm thấp”.
Đối với hãng tin Anh, ông Nguyễn Tấn Dũng như vậy chỉ khá hơn một chút so với người có kết quả kém cỏi nhất là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, được vỏn vẹn 88 phiếu hoàn toàn ủng hộ, nhưng bị đến 206 tín nhiệm thấp.
Ngược lại, cũng theo Reuters, các đại biểu Quốc hội Việt Nam đã chọn Chủ tịch Trương Tấn Sang là người đáng tín nhiệm nhất, với 330 phiếu tín nhiệm cao và chỉ có 28 phiếu tín nhiệm thấp.
Đối với Reuters, kết quả kể trên đã củng cố thêm cho các lập luận theo đó đang có chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, giữa hai phái ủng hộ ông Sang hay ông Dũng.
Hãng tin Mỹ AP cũng cùng một phân tích, khi ghi nhận là đã có hơn 30% đại biểu Quốc hội Việt Nam chỉ tín nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở mức thấp. Theo AP, đây là dấu hiệu cho thấy rõ là có chia rẽ trong nội bộ đảng về nhiệm kỳ hai của ông Dũng, trên nguyên tắc sẽ kết thúc vào năm 2016.
Giới phân tích được AP trích dẫn cho rằng kết quả bỏ phiếu vào hôm qua sẽ không tác động gì nhiều đến vị thế hiện tại của Thủ tướng Việt Nam, những sẽ bị các đối thủ của ông sử dụng trong những cuộc mặc cả nội bộ về tương lai của ông. Theo AP, chính chủ tịch Trương Tấn Sang là người được cho là đối thủ chính của ông Dũng trong các hội nghị kín của đảng Cộng sản Việt Nam.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130612-tran-dau-uy-tin-o-quoc-hoi-viet-nam-truong-tan-sang-1-%E2%80%93-nguyen-tan-dung-0

Phê và tự phê
Nguyên Anh (Danlambao) - Ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú, có thể chỉ một chữ hoặc ghép với một từ là ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Phê thường được tín đồ của ả Phù Dung dùng trên cửa miệng khi được hít hay chích thuốc phiện thỏa mãn cơn ghiền nên họ hay nói phê, nói tắt của từ ép phê. Tuy nhiên đảng cũng hay dùng chữ phê một cách nói tắt của cụm từ phê bình, phê phán để gọi là tự răn mình trên tình… đồng chí anh em. Có lẽ phong trào phê và tự phê riết rồi nhàm cho nên mới có việc bỏ phiếu bất tín nhiệm vừa qua, hay là đảng mượn gió bẻ măng dùng chiêu bài để hạ gục đối thủ mà đảng không dám ra tay như anh 3 Ếch?

Bàn dân thiên hạ xem kết quả của cuộc bỏ phiếu xong ai nấy lắc đầu: "Trò khỉ!"

- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, bí danh anh Tư sâu nổi đình nổi đám với tuyên bố một rừng sâu nhưng chả bắt được con nào qua mặt anh 3 Ếch với số phiếu cao ngất ngưỡng.

- Tiếp đến Ngài Nguyễn Thị Dzoan PCT người để đời câu nói Dân chủ xứ ta hơn bọn tư bản chán vạn lần cũng cao không kém đạt 263 phiếu nhưng người dân muốn thể hiện cái quyển dân chủ của mình đều được nhà nước nuôi trong tù!

- Ngài Phan Trung Lý CNUBPL với chương trình Cuội góp ý sửa đổi Hiến pháp đạt 294 phiếu trong khi ngoài xã hội dân chúng kêu tên ngài chửi nhoi trời đất!

- Ngài Nguyễn Tấn Dũng đương kim thủ tướng người đã làm tan nát nền kinh tế VN với quả đấm thép Vinashin 4, 5 tỷ USD đạt 210 phiếu.

- Ngài Hoàng Trung Hải PTT với chủ trương khai thác Bô xít và đem dân Tàu qua VN dành việc làm đạt 186 phiếu.

- Ngài Nguyễn Thiện Nhân PTT người tổ chức các phong trào nhớ ơn tàu khựa đạt 196 phiếu.

- Ngài Hoàng Tuấn Anh BT. BVH. TT. DL người của niềm vui, tổ chức các buổi lễ danh hiệu Unesco và nổi tiếng với chương trình Toàn Dân Bị Lừa của công ty 7 kỳ quan thế giới đạt 90 phiếu.

- Thống đốc Nguyễn Văn Bình bí danh Bình ruồi người đã đầu cơ vàng ăn lời trên đầu trên cổ nhân dân toàn quốc và góp phần bóp chết các doanh nghiệp VN với lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng đạt 88 phiếu.

- Ngài Phạm Vũ Luận BT. BGDĐT sếp của quý thầy cô với đồng lương chết đói đạt 86 phiếu.

- Ngài Phạm Bình Minh BT. BNG người kiên trì đường lối hòa bình, chiến tranh nước bọt với TQ đạt 238 phiếu.

- Ngài Cao Đức Phát BT. BNN&PTNT người quản lý giá nông sản VN lúc nào cũng bị ép giá, người nông dân làm mãi vẫn hoàn nghèo đạt 184 phiếu.

- Ngài Giàng Seo Phừ BT. CNUBST người béo ụt ịt nhưng dân miền núi gầy trơ xương, người nổi tiếng với dự án điện mặt trời được bỏ hoang đạt 158 phiếu.

- Ngài Trần Đại Quang, sếp của ngành côn an mật vụ, người lãnh đạo đội ngũ nhân viên phản biểu tình, chích thuốc vào bụng dân, đánh đập những tiếng nói ôn hòa đạt 273 phiếu.

- Ngài Phùng Quang Thanh BT. BQP người khoanh tay nghe bọn cướp nước dạy bảo và tuyên truyền cho dân chúng công ơn bọn cướp nước đạt số phiếu 323.

- Ngài Đinh La Thăng BT. BGTVT đạt 186 phiếu trong khi tai nạn giao thông ngày nào cũng có người chết, ai chất vấn thì ngài nhăn nhở cười đổ cho đường xá xuống cấp và xin… tiền để làm đường.

- Ngài Nguyễn Thị Kim Tiến BT. BYT người đã phát ngôn bệnh viện không có giường nằm thì hỏi nhà nước chứ đừng hỏi bà đạt 108 phiếu.

- Ngài Huỳnh Phong Tranh TTTCP, người đã chém gió trên DĐQH mà người dân xem thường nhận thức của ông đạt 164 phiếu.

Cuối cùng các hãng truyền thông trong và ngoài nước đưa tin: “Các lãnh đạo VN đều sống sót qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm!” Dĩ nhiên là phải sống thôi vì con cháu các cụ cả, và kỷ luật hết thì lấy ai làm việc! (Nguyễn Sinh Hùng)

Chỉ khi nào các quan chức chính phủ biết đến chữ trách nhiệm với người dân, sẵn sàng từ chức khi trong phạm vi quyền hạn của mình mà để xảy ra tai nạn chết người, vụ việc nghiêm trọng như Nhật Bản và các quốc gia đa nguyên thì VN mới mong khá lên được.

Còn nếu không cái chương trình bỏ phiếu bất tín nhiệm của đảng chỉ là phê, tự phê và… tự sướng với nhau khi những người tham gia bỏ phiếu đều cùng một giuộc.

Lòng vả cũng như lòng sung mà đúng không đảng? Và chúng ta cùng nhau múa gậy vườn hoang chém gió vù vù vì đâu có đảng phái đối lập nào chỉ trích? Nhưng đảng cũng cẩn thận đấy, phê quá, sướng quá nhắm tịt mắt té lúc nào không hay đấy đảng ạ !

Geen opmerkingen:

Een reactie posten