woensdag 12 juni 2013

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại

Thứ ba 11 Tháng Sáu 2013

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
REUTERS/Kim Kyung-Hoon

Thu Hằng
Các nhật báo Le Monde, La Croix ra ngày hôm nay có các bài phân tích và nhận định về sự phát triển kinh tế của cường quốc đông dân nhất thế giới. Xã luận báo Le Monde mang tựa đề « Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại : tin vui ».


Tác giả bài xã luận cảnh báo nên đề phòng với những kết quả mà chính phủ Trung Quốc đưa ra. Họ biết là Bắc Kinh biết cách điều chỉnh các con số và có thể đánh giá thấp hơn sự tăng trưởng kinh tế để thành tích của quốc gia "Siêu Rồng" không làm các quốc gia khác sợ hãi. Nhưng lần này, có vẻ các nhà kinh tế Trung Quốc và thế giới đồng tình với chuẩn đoán là nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại một cách đáng kể.
Được biết, Trung Quốc là quốc gia duy nhất vượt qua cuộc khủng hoảng 2008-2009 thành công hơn các nước khác. Nhờ chính sách phục hồi kinh tế quy mô lớn trong giai đoạn này, Trung Quốc đã vực sự tăng trưởng kinh tế trong nước và giúp các quốc gia khách tránh sa lầy hơn vào cuộc khủng hoảng.
Trung Quốc cũng là nước trong hai thập kỷ liên tiếp, từ 1990 đến 2012, có mức tăng trưởng đạt hai chữ số (dao động trong khoảng 10%). Năm 2001, khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Trung Quốc xếp hạng thứ 6 trên thế giới, cùng vị trí với Ý. Tuy nhiên, Trung Quốc đe dọa vị trí đứng đầu của Mỹ từ giờ tới năm 2020, thậm chí trước đó.
Con số tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 7,8% mà Trung Quốc công bố ngày 8 tháng 6 vừa qua có thể được giải thích bởi nhiều yếu tố : lượng cầu giảm, giá thành sản xuất kém cạnh tranh do tăng lương, tín dụng bất động sản ... Các chuyên gia dự đoán con số này sẽ giảm xuống 7,7% vào năm 2013.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng như các nước trong khu vực nói chung đang là tâm điểm cho mọi chương trình hợp tác song phương của Mỹ hay châu Âu. Tác giả bài phân tích trên báo Le Monde giải thích tại sao Đông Á và Đông Nam Á lại trở thành các khu vực hấp dẫn các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ. Có lẽ căng thẳng trên biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng khiến nhu cầu trang bị vũ khí trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Năm 2012, chi phí cho trang bị vũ khí của châu Á còn nhiều hơn châu Âu. Kết quả chuyến thăm Nhật Bản của tổng thống Pháp François Hollande được đánh dấu bằng các hợp đồng bán vũ khí. Sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á cũng để cân đối thế mạnh Trung-Mỹ tại đây và nhằm ngăn cản Trung Quốc trở thành cường quốc lớn nhất thế giới, không chỉ về kinh tế, mà còn về ngoại giao và quân sự.
Các quốc gia châu Á liên quan cũng không ngừng thể hiện sự bất đồng với Trung Quốc trong các vấn đề biển đảo. Nhật Bản nghi ngờ Trung Quốc muốn biến biển Hoa Đông và biển Đông thành « cái hồ Trung Quốc ». Các nước Đông Nam Á cũng bị chia rẽ trước chiến lược đối phó với Trung Quốc : Philippines gây ngạc nhiên khi dũng cảm chọn đối đầu với Trung Quốc trước luật pháp quốc tế. Bắc Kinh không chấp nhận chiến lược chọn trọng tài quốc tế của Manila vì người Trung Quốc chỉ muốn chọn giải pháp song phương và như thế, họ có thể áp đặt sức mạnh của mình.
Việt Nam cũng tiếp xúc với các luật gia quốc tế của các trường đại học phương tây nổi tiếng nhất và có thể sẽ tiến hành theo hướng mà Philippines đã thực hiện. Điều đáng lưu ý là Việt Nam không được hưởng liên minh quân sự Mỹ và so với Philippines, Việt Nam còn bị phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc.
Các quốc gia khác trong khu vực rộng tay chào đón việc Mỹ tăng cường quân sự tại đây, nhưng cũng tránh đối đầu với Trung Quốc. Tác giả kết luận một cách ví von, sẽ rất khó cưỡng lại được các nàng tiên cá Trung Quốc trong thế kỷ XXI khi mà người ta sống sát sườn.
Bắc-Nam Triều Tiên nối lại đàm phán ?
Vẫn liên quan tới Trung Quốc, các nhật báo Le Monde, Les Echos và L’Humanité đề cập tới vai trò chủ đạo của nước này trong việc hai miền Triều Tiên nối lại đàm phán. Tuy nhiên báo chí Pháp ra sớm nên không kịp cập nhật tin Hàn Quốc vừa hủy bỏ cuộc gặp ở Seoul với Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, các báo đều nhấn mạnh ảnh hưởng của Trung Quốc tới Bắc Triều Tiên. Từ nhiều tuần nay, đồng minh chính của chính quyền Bình Nhưỡng đã gây áp lực lên chế độ Bắc Triều Tiên bằng các công báo chính thức đồng thời bằng các trừng phạt kinh tế để buộc Bình Nhưỡng bớt đe dọa các quốc gia láng giềng và trở lại bàn đàm phán. Hơn nữa, sau cuộc gặp gỡ không chính thức giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, cả hai cường quốc đều thể hiện quan điểm đồng nhất về việc giải trừ hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên. Thế nhưng, trong khi Washington diễn giải vấn đề giải trừ hạt nhân chỉ với Triều Tiên, thì Trung Quốc muốn việc này phải được thực hiện trên cả bán đảo Triều Tiên.
Tác giả báo Le Monde đánh giá việc nối lại đàm phán với Seoul, Bình Nhưỡng cũng muốn đánh giá chủ đích của Tổng thống Hàn Quốc khi bà tuyên bố ủng hộ hòa giải liên Triều dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau và sự phân ly về hợp tác Bắc-Nam về vấn đề hạt nhân.
Tăng trưởng Nhật Bản cao hơn dự đoán trong quý 1
Chuyến công du của Tổng thống Pháp tại Nhật Bản là cơ hội để các báo Les Echos, Le Monde và Libération đề cập lại thành công của chính sách « Abenomics » và kết quả của chuyến viếng thăm đất nước Mặt trời mọc của ông François Hollande.
Nhật báo kinh tế Les Echos thông tin các nỗ lực của chính sách « Abenomics » đã cho kết quả khả quan trong quý một vừa qua. Tác giả bài báo cho biết tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản tăng 1% thay vì 0,9% như dự tính. Niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục tăng thêm 1,2 diểm vào tháng 5, đạt 45,7 điểm thay vì 44,5 điểm vào tháng 4. Theo tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của đất nước Mặt trời mọc sẽ đạt tới 4,1% chứ không phải là 3,5% như chính phủ dự tính.
Thủ tướng Nhật Bản đã công bố nội dung thứ ba trong chính sách phục hồi kinh tế. Sau nỗ lực về ngân sách và chính sách tiền tệ, giờ tới lượt chính sách tự do hóa nền kinh tế và tăng trưởng là chủ đề cho các biện pháp gây sốc. Thế nhưng, tuần qua, thủ tướng Shinzo Abe chỉ công bố những ý chính và không giải thích cụ thể, khiến giới doanh nghiệp và thị trường chứng khoán thất vọng. Theo nhiều dự đoán, ông có thể quyết định giảm thuế các doanh nghiệp với điều kiện các cơ quan này phải đầu tư. Cũng có thể ông sẽ không động tới ngay thuế giá trị gia tăng, mà theo chương trình sẽ phải tăng từ 5% lên 10%, nếu phục hồi kinh tế của quốc gia là xác thực và lâu dài.
Nhật báo cánh tả Libération đăng bài phân tích của một giáo sư kinh tế học về chính sách « Abenomics », cũng như những thăng trầm của Đảng Tự do (DPL) của đương kim tổng thống Shinzo Abe để trở lại nắm quyền sau khi thất bại tại cuộc bầu cử năm 2009. Mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tốt hơn so với dự tính, tác giả vẫn tỏ ra hoài nghi với chính sách này. Ông cho rằng chính sách « Abenomics » biểu tượng cho sự trở lại bán phần của chính sách truyền thống của đảng Tự do hơn là giải pháp độc đáo giúp thoát khỏi khủng hoảng. Việc áp dụng lại các cải cách cấu trúc tân tự do sẽ dẫn tới hậu quả về bất cân bằng như những năm 1990-2000. Việc duy trì sức mua của các gia đình với mức lạm phát 2%, giống như nhằm bảo vệ các tiểu thương và nông dân, sẽ vấp phải các yêu cầu về cạnh tranh của giới chủ công nghiệp. Tương tự như thế, mục tiêu tạo thêm việc làm cho phụ nữ đòi hỏi đầu tư xã hội, mà để thực hiện điều này sẽ xung đột với các chính sách đầu tư các công trình công cộng nếu nhà nước định không tăng thuế và tuân thủ chính sách ngân sách.
Tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản tạo điều kiện cho tổng thống Pháp ký được nhiều hợp đồng về hạt nhân, lĩnh vực bị thờ ơ tại đất nước Mặt trời mọc. Đặc phái viên nhật báo Le Monde công du cùng phái đoàn của tổng thống François Hollande cho biết, hai quốc gia củng cố mối quan hệ song phương trong hai lĩnh vực : hạt nhân và vũ khí. Công ty Pháp Areva đã ký một thỏa thuận với Công ty Nhiên liệu nguyên tử Nhật Bản (Japan Nuclear Fuel Ltd). Tác giả dẫn lại một bình luận trên nhật báo Nhật Bản Asahi cho biết người Nhật thất vọng khi nước Pháp lờ qua yêu cầu của đại bộ phận dân Nhật Bản muốn chính phủ của họ dừng các lò phản ứng hạt nhân.
Về mối quan hệ Trung-Nhật, tổng thống François Hollande tỏ ra thận trọng hơn trong khi Tokyo thường có xu hướng buộc các đối tác của mình phải chọn ở phía này hay ở phía kia. Trước tình hình đó, tổng thống Pháp phát biểu : « Đừng yêu cầu chúng tôi chọn giữa Nhật Bản và Trung Quốc ».
Sức khỏe của Nelson Mandela giảm sút
Từ khi cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela lại phải nhập viện vì vấn đề hô hấp, các nhật báo Pháp chú ý theo dõi tình hình tiến triển sức khỏe của Madiba. Nếu như nhật báo Le Monde « Lo lắng đối với tình trạng sức khỏe của Nelson Mandela », báo La Croix đưa tin « Nam Phi ngóng chờ ».
Cựu tù nhân nổi tiếng nhất thế giới năm nay 95 tuổi, nhập viện tại Pretoria từ nhiều ngày nay. Tình trạng sức khỏe của ông được chính quyền Nam Phi giấu như bí mật quốc gia. Còn người Nam Phi thì cầu nguyện cho ông. Họ biết ngày này sẽ sắp tới và họ cho rằng với tất cả những gì ông đã làm cho đất nước, đã đến lúc để ông ra đi thảnh thơi.
Apple hiện đại hóa phần mềm của iPhone
Đây là môt tin vui cho các fan của hãng Quả táo. Báo Les Echos đăng tin tổng giám đốc Tim Cook thông báo cải tiến phần mềm iOS được sử dụng trong các sản phẩm của hãng như iPhone, iPod, iPad. Hệ thống Apple mới, iOS 7, có thể tải được miễn phí từ mùa thu này cho các sản phẩm iPhone 4, iPad 2 và phiên bản iPod touch mới nhất cũng như iPad mini.
Apple cũng sẽ tung ra ứng dụng iTunes Radio. Đây là đài phát thanh trực tuyến phát các bản nhạc theo sở thích của người sử dụng. MacBook Air mới cũng sớm được tung ra thị trường với trữ lượng pin tới 12 giờ. Tuy nhiên, các fan sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa để khám phá các sản phẩm iPhone 5S và entry-level iPhone.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130611-tang-truong-kinh-te-cua-trung-quoc-cham-lai

Geen opmerkingen:

Een reactie posten