vrijdag 7 juni 2013

Việt Nam : 'Nhịp sống nhanh khó tránh tiểu đường'

'Nhịp sống nhanh khó tránh tiểu đường'



Cập nhật: 13:55 GMT - thứ năm, 6 tháng 6, 2013

Phó Giáo sư Tiến sĩ Tạ Văn Bình. (Ảnh: Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa quốc gia)
Theo PGS TS Tạ Văn Bình, tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường tăng nhanh do thay đổi lối sống
Tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường, thường được gọi là bệnh tiểu đường, đang gia tăng nhanh tại Việt Nam, theo Phó giáo sư Tiến sĩ Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa quốc gia, nói với BBC Việt Ngữ.
Ông Bình cho biết Việt Nam tuy không nằm trong số 10 quốc gia có tỉ lệ cao nhất thế giới nhưng là quốc gia có tỉ lệ cao tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Theo đánh giá của các tổ chức y tế trên thế giới thì ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam khi có thay đổi tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn tới tốc độ làm tăng tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường cao hơn, với tỉ lệ chung là khoảng 170-172% trong vòng 5-10 năm, so với 42% ở các nước phát triển.
“Đối với Việt Nam, có sự tăng trưởng kinh tế, kéo theo rất nhiều thay đổi mà người ta cho rằng nó có liên quan rất nhiều đến bệnh đái tháo đường tuýp 2,” Phó giáo sư tiến sĩ (PGS TS) Tạ Văn Bình nói.

Thay đổi lối sống

Những thay đổi về lối sống cũng như chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của người dân đã dẫn tới con số người mắc bệnh đái tháo đường gia tăng.
“Chế độ ăn uống trước đây ăn thô nhiều hơn, nay ăn tinh nhiều hơn. Hoạt động thể lực của người Việt Nam trước đây nhiều hơn.
Bệnh đái tháo đường tăng nhanh ở VN
Nguyên nhân dẫn tới tỉ lệ mắc đái tháo đường týp 2 gia tăng ở Việt Nam là do thay đổi lối sống trong xã hội phát triển về kinh tế.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
“Như người nông dân chẳng hạn trước đây đi làm đồng cắt lúa, rồi gánh lúa, đập lúa, bây giờ sử dụng máy móc hết. Đi lại thì phương tiện trước đây là đi bộ, đi xe đạp. Nay đi lại thì bằng xe máy, ô tô và xe đạp trở thành phương tiện để tập thể dục.
“Như vậy năng lượng cung cấp cho cơ thể sẽ dư thừa ra trong khi năng lượng tiêu hao cho hoạt động thể lực thì giảm đi. Chính năng lượng dư thừa đó đã tạo ra những bệnh chuyển hóa trong đó đặc biệt là bệnh đái tháo đường, “ PGS TS Bình nói.
Đây cũng là quan điểm được ông Jesper Hoiland, Phó Chủ tịch hãng Novo Nordisk, nhà sản xuât thuốc tiểu đường lớn nhất thế giới, chia sẻ.
Ông Hoiland cho rằng con số người mắc bệnh tiểu đường tại Việt Nam sẽ còn tăng hơn nữa khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng và càng ngày càng nhiều người tại Việt Nam chuyển sang lối sống thành thị hiện đại.
“Chúng ta sẽ chứng kiến một đại dịch thực sự tại Việt Nam trong những năm tới,” ông Jessper Hoiland được Tờ The New York Times trích thuật.
“Ngày nay nhiều người chết vì ăn quá nhiều hơn là vì đói,” ông Hoiland nói.
Các con số chính thức ở Việt Nam cho thấy bệnh tiểu đường túyp 2 gia tăng với chỉ 1% người trưởng thành trong dân số vào năm 1991, năm đầu tiên có khảo sát toàn quốc, lên 6% vào năm ngoái, theo trích dẫn của tờ The New York Times.
Một khảo sát năm 2010 ở thành phố Hồ Chí Minh đưa ra ước tính cứ 10 người lớn thì có một người bị bệnh tiểu đường.
"Chúng ta sẽ chứng kiến một đại dịch thực sự (bệnh tiểu đường) tại Việt Nam trong những năm tới."
Ông Jesper Hoiland, Phó Chủ tịch Novo Nordisk
Liên hiệp Đái tháo đường Quốc tế, một tổ chức thu thập số liệu về căn bệnh này tính rằng 371 triệu người bị bệnh tiểu đường trên khắp thế giới vào năm ngoái.
Cứ năm người thì bốn người bị bệnh đang sống tại nước nghèo hoặc nước có thu nhập trung bình như Ai Cập, Guyana hoặc Việt Nam, tổ chức này nói.
Một nguyên nhân nữa về thay đổi lối sống dẫn tới tình trạng gia tăng con số người mắc bệnh tiểu đường là các stress cả về mặt thực thể lẫn tinh thần trong bối cảnh thay đổi kinh tế thị trường, PGS TS Tạ Văn Binh cho biết thêm.
Vẫn theo ông Bình, đã có những thay đổi lớn về nhận thức tại Việt Nam kể từ năm 2002 so với trước đó khi rất ít người, thậm chí cả nhân viên y tế, biết về bệnh này.
“Trong một điều tra của chúng tôi đã công bố thì tới 80% người tham gia không biết bệnh đái tháo đường là gì và 70% người bị bệnh cũng không biết bệnh này là gì.
“Đây là một điều rất nguy hiểm, nhất là bệnh không lây. Vì thế ý thức của người dân là rất quan trọng,” ông Bình nói.

Can thiệp cộng đồng

Các yếu tố nguy cơ

  • Trong gia đình (thuộc thế hệ cận kề như anh chị em, bố mẹ, v.v.) có người bị mắc bệnh đái tháo đường túyp 2
  • Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 23 (với người Việt)
  • Tăng huyết áp vô căn cứ (trên 130)
  • Phụ nữ sinh con với cân nặng của con từ 3,8kg trở lên hoặc có tiền sử đặc biệt trong sản khoa như xảy thai, thai lưu không rõ lý do
  • Hoạt động thể lực ít
Việt Nam đã có mô hình tổ chức can thiệp cộng đồng cho người mắc bệnh tiểu đường.
“Mô hình cộng đồng chủ yếu là can thiệp vào lối sống, làm sao có chế độ ăn uống hợp lý, khoa học và chế độ hoạt động thể lực phù hợp, làm giảm yếu tố nguy cơ trong nhóm người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh” ông Bình nói.
Việt Nam cũng đã thực hiện một dự án phòng chống đái tháo đường tuýp 2 theo chương trình của Hiệp hội Đái tháo đường Quốc tế bằng can thiệp lối sống trên quy mô lớn, với đối tượng nghiên cứu là 70.000 người ở Ninh Bình.
Phó giáo sư Tiến sĩ Tạ Văn Bình cho biết khó khăn của việc phòng chống căn bệnh này là: “triệu chứng của đái tháo đường tuýp 2 không rầm rộ như túyp 1. Ở túyp 1, triệu chứng là uống nhiều, ăn nhiều, đái nhiều và gầy nhiều.
“Nhưng người đái tháo đường túyp 2 triệu chứng thường không rõ ràng, nó rất âm thầm. Nhiều người bệnh vào bệnh viện cấp cứu hay đi khám vì một bệnh khác thì tình cờ phát hiện đường máu cao và làm nghiệm pháp tăng đường huyết mới phát hiện ra.”
Ông Bình cho biết đã có khuyến cáo, tất cả những người 40 tuổi trở lên nếu có hai trong số 5 yếu tố nguy cơ , hoặc trên 45 tuổi chỉ cần một yếu tố nguy cơ, thì nên đi khám sàng lọc ngay, 6 tháng – 1 năm một lần.

Hậu quả

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Tạ Văn Bình cho biết hậu quả của bệnh đái tháo đường túyp 2 là rất nặng nề nếu không được điều trị.
“Dù chỉ là ở giai đoạn tiền đái tháo đường thì những biến chứng cũng xảy ra như ở người bệnh đái tháo đường túyp 2, chẳng hạn như biến chứng tim mạch, tỉ lệ nhồi máu cơ tim gấp 2-4 lần so với người bình thường,” ông Bình nói.
Các biến chứng khác bao gồm mù lòa do biến chứng võng mạc, biến chứng về suy thận hay các bệnh lý bàn chân do bệnh thần kinh ngoại vi.
“Việt Nam là đất nước nông nghiệp. 85-90% dân số là người nông dân cho nên khi họ mắc bệnh đái tháo đường thì những yếu tố nguy cơ phải cắt cụt bàn chân là rất cao,” ông Bình cho biết thêm.
Muốn giảm con số người mắc bệnh tiểu đường, một việc không dễ dàng, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân, theo PGS TS Tạ Văn Bình.
“Ý thức tự giác của người dân tham gia phòng chống bệnh cho chính mình là yếu tố quyết định nhiều hơn là các biện pháp y tế.
“Chúng tôi nhận thức được điều đó qua kinh nghiệm học hỏi được từ các chuyên gia nước ngoài.
"Chúng tôi tập trung rất nhiều vào tuyên truyền, giáo dục thực tế cho người bệnh và đặc biệt là người thân của những người có yếu tố nguy cơ, qua chương trình D-START đã đăng ký với Hiệp hội Đái tháo đường Quốc tế và đang làm ở Ninh Bình."
Theo ông Bình, không có cách nào khác là chính phủ phải đầu tư cho công tác truyền thông giáo dục và y tế cơ sở bởi vì “vấn đề trung tâm và cũng là vấn đề cuối cùng phải là nhận thức của người dân, người bệnh.”
“Nếu cứ nói bằng biện pháp này kia mà người bệnh không nghe hoặc không thực hiện, hay không tự giác làm theo thì hiệu quả sẽ rất thấp,” PGS TS Tạ Văn Bình kết luận.


Thêm về tin này

Geen opmerkingen:

Een reactie posten