woensdag 26 juni 2013

Làn sóng ca sĩ nhạc kịch châu Á tràn sang châu Âu

Thứ ba 25 Tháng Sáu 2013

Làn sóng ca sĩ nhạc kịch châu Á tràn sang châu Âu

Nữ ca sĩ nhạc kịch Hàn Quốc Sumi Jo. (DR).
Nữ ca sĩ nhạc kịch Hàn Quốc Sumi Jo. (DR).

Minh Anh
Từ ba bốn năm gần đây, trong làng nhạc kịch Opéra Paris, nhiều gương mặt mới đến từ châu Á như Hàn Quốc hay Trung Quốc bắt đầu nổi danh. Nhất là kể từ sau sự thành công rực rỡ của giọng ca nữ soprano Hàn Quốc Sumi Jo, một làn sóng ca sĩ dòng nhạc kịch châu Á đã tràn sang Paris đến mức báo Le Figaro, trong chuyên mục Văn hóa và Độc giả cũng phải thốt lên rằng « Làn sóng châu Á đang tràn đến ».


Theo tờ báo, hiện tượng mới này bắt đầu từ Vòng thi chung kết nhạc kịch Opéra Paris lần thứ nhất vào năm 2010. Năm đó, giọng trầm nữ Kihwan Sim, 28 tuổi, người Hàn Quốc đã giật giải Á quân. Từ đó đến năm 2012, trong mỗi cuộc thi nhạc kịch đều có ít nhất một gương mặt châu Á được xướng tên trong bảng vàng.
Năm 2011, trong cuộc thi Nữ hoàng Elisabeth, lại thêm một giọng ca nữ soprano Hàn Quốc, cô Haeran Hong đã làm cho cả khán phòng phải ngạt thở bởi chất giọng thanh cao và tính chất kỹ thuật ngoại hạng của cô.
Năm 2012, tại cuộc thi hát Quốc tế Capitole của Toulouse, phía nam nước Pháp, ba giọng ca nam đến từ châu Á đã vét hết các giải thưởng cao nhất trong hạng mục « giọng ca nam », bao gồm hai ca sĩ Hàn Quốc Jootaek Kim (26 tuổi), Donghwan Lee (31 tuổi) và nam ca sĩ Trung Quốc Zhengzhong Zhou (28 tuổi).
Các chuyên gia của Hội Tranh tài nhạc kịch Opéra Paris nhận thấy là từ bốn năm nay, sự hiện diện của các ca sĩ Hàn Quốc ngày càng tăng. Theo ước tính, trong số gần 350 thí sinh đăng ký dự thi mỗi năm, lượng thí sinh đến từ châu Á chiếm tỷ lệ khá lớn.
Các nhà tổ chức giải thích rằng chính sự thành công của nữ ca sĩ Sumi Jo, diva nhạc kịch gốc châu Á đầu tiên thành công trên các sàn diễn tại Paris đã thúc đẩy nhiều ca sĩ trẻ Hàn Quốc tìm đến các trường đào tạo có uy tín nhất tại Ý hay Đức để phát triển các kỹ thuật toàn cầu. Nhờ vậy, các thí sinh châu Á có thể tự tin tranh tài với các đối thủ Nga và châu Âu.
Bên cạnh đó, công nghệ thông tin tân tiến tại các nước châu Âu giúp cho các trang mạng xã hội và Internet vận hành hết công suất cũng là những công cụ quan trọng cung cấp các thông tin cần thiết để các thí sinh châu Á tìm kiếm cơ hội.
Theo bài viết, sự hiện diện của các ca sĩ nhạc kịch châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc đông đến mức tại nhà hát kịch Opéra Châtelet, nằm ngay trung tâm thủ đô Paris, "không một xuất diễn quan trọng nào mà không có sự góp mặt của các tài năng châu Á".
Giám đốc nhà hát Châtelet cho rằng sự nổi trội của các ca sĩ nhạc kịch trẻ Hàn Quốc là một lẽ đương nhiên. Tố chất đó tiềm ẩn trong xương thịt. Nhận định này cũng được nữ hoàng nhạc kịch Hàn Quốc Sumi Jo đồng chia sẻ. Cô nói : « Triều Tiên là quốc gia có truyền thống ca hát lâu đời. Chỉ cần nhìn số lượng các phòng karaoké tại đất nước chúng tôi là đủ thấy rõ. Những gì đang thay đổi trong mấy năm gần đây chính là ngày càng có nhiều giáo sư châu Âu và nhiều ca sĩ Hàn Quốc đã thành danh tại châu Âu mở các lớp nhạc và khuyến khích các học trò của mình đến hoàn thiện kỹ thuật tại phương Tây ».

 http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130625-lan-song-ca-si-nhac-kich-chau-a-tran-sang-chau-au

Geen opmerkingen:

Een reactie posten