vrijdag 7 juni 2013

Huyền thoại nhan sắc con gái xứ Nha Mân,Châu Thành,Đồng Tháp

Gái Nha Mân
gainhaman
Ở Đồng Bằng Sông Cữu Long có lẽ câu ca dao “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân” là đúc kết khá chính xác về những miền gái đẹp vùng này. Con gái Nha Mân đẹp nhờ sống ở vùng đất trái ngọt cây lành hay đẹp vì là hậu duệ của lớp cung tần mỹ nữ khắp vùng miền hội tụ vẫn chưa có giải đáp thỏa đáng…
 
Nha Mân là địa danh thuộc xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Hàng trăm năm nay, Nha Mân nổi danh là vùng đất có nhiều người đẹp .
Trận thủy chiến trên sông Tiền Theo những bậc cao niên ở Nha Mân và một số tài liệu ghi lại, khoảng giữa năm 1784 mượn cớ giúp Chúa Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn, khoảng 2 vạn quân Xiêm đã theo hai đường thủy bộ tiến vào địa phận Kiên Giang. Liên quân này có thêm 4.000 lính của Chúa Nguyễn Ánh. Đến cuối năm 1784, liên quân Xiêm - Nguyễn chiếm được một số vùng đất ở phía tây thành Gia Định.

Họ cho đóng quân ở vùng Trà Tân (nay thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) để dự trữ lương thảo, khí tài chuẩn bị đánh thành Mỹ Tho và Gia Định. Lúc này, Chúa Nguyễn Ánh cùng bầu đoàn thê tử hàng trăm người cũng trú tại đây.

Cuối năm 1784, khi liên quân Xiêm - Nguyễn uy hiếp cả thành Mỹ Tho và Gia Định thì Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ liền đưa 2 vạn quân từ Quy Nhơn xuôi xuống thành Mỹ Tho quyết chiến với quân Xiêm. Sau khi điều nghiên địa hình, Nguyễn Huệ quyết định chọn đoạn sông Tiền từ rạch Gầm đến Xoài Mút dài khoảng 6-7km (nay thuộc địa phận huyện Châu Thành, Tiền Giang) làm chiến trường quyết chiến với liên quân Xiêm - Nguyễn.

Đêm 18 tháng 1 năm 1785 (ngày 8 tháng Chạp năm Giáp Thìn), lợi dụng con nước đang xuôi, cả hai đạo thủy bộ quân Xiêm cùng rầm rộ tấn công Mỹ Tho. Khi liên quân Xiêm – Nguyễn vừa lọt vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn, từ hai bờ sông Tiền và dọc bờ cù lao Thới Sơn, các đại bác cùng pháo hỏa hổ của bộ binh Tây Sơn bắn ra uy hiếp dữ dội.

Những chiến thuyền Tây Sơn từ những nhánh rạch nhỏ kéo ra chặn đánh đầu, số khác xông ra đánh vỗ hông nhằm chia cắt đội hình và đánh chặn đường lui, dồn đoàn thuyền của đối phương vào thế tiến thoái lưỡng nan. Cùng lúc ấy những thuyền nhẹ chở đầy những vật liệu dễ cháy đâm thẳng vào những chiến thuyền đang rối loạn làm cho số bị chìm, số bị cháy...

Trời vừa rạng sáng, thì chiến cuộc cũng vừa dứt. Kết quả là 300 chiến thuyền và gần 3 vạn quân Xiêm – Nguyễn bị phá tan.

Chúa Nguyễn Ánh cùng bầu đoàn thê tử và một ít tùy tùng đang đóng quân ở Trà Tân nghe tàn quân báo hung tin thất trận vội quay thuyền chạy theo sông Tiền tìm đường thoát thân. Bị quân Tây Sơn truy đuổi gắt gao, hàng trăm cung tần mỹ nữ chân yếu tay mềm bỗng chốc trở thành “của nợ”. Nhiều người trong số này chịu đựng không nổi cực khổ trên đường trốn chạy nên Chúa Nguyễn Ánh đành gạt nước mắt, bấm bụng bỏ lại hàng trăm cung tần mỹ nữ dọc đường.

Để “nhẹ gánh loạn ly”, những mỹ nhân được ban cho ít vàng bạc rồi lên tá túc ở các làng bên bờ sông Tiền, nay thuộc Nha Mân (Châu Thành, Đồng Tháp) và cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới, An Giang). Theo lời kể của các cụ cao niên, những nhan sắc khuynh nước khuynh thành này nói đủ các giọng ở nhiều vùng miền, nhưng lại hiếm người miền Tây Nam Bộ.
Ông Tám Khai – một người sống gần cả thế kỷ bên bờ Nha Mân cho rằng, chính nhờ nguồn “gen” cung phi mỹ nữ lưu truyền mà xứ Nha Mân mới có nhiều thiếu nữ đẹp như hôm nay. Tương truyền, những mỹ nhân bị “bỏ rơi” đều lấy chồng là người địa phương, trở thành nông dân nhưng con cái do họ sinh ra đều đẹp như tiên đồng ngọc nữ.
Theo nhận xét của nhiều người, nhóm mỹ nữ dạt vào cù lao Ông Chưởng cũng lấy chồng, cũng tạo được một “miền gái đẹp” nhưng không nổi tiếng bằng con gái Nha Mân. “Hồi nhỏ, tôi nghe ông bà kể lại người đẹp xứ Nha Mân đếm không kể xiết. Khoảng đầu thế kỷ thứ 20, các vua xứ Cao Miên mang vàng bạc châu báu xuôi dòng sông Tiền sang tận “miền gái đẹp” Nha Mân để tìm ý trung nhân” – ông Tám Khai quả quyết.
Cho đến nay, người Nha Mân vẫn tự hào vì đàn bà xứ này đẻ 10 đứa con gái thì hết 9 đứa là người đẹp, đứa còn lại cũng trên trung bình. Trong những ngày xuân, trên những con đường dọc theo các bờ kênh, bờ rạch đi dọc hai bờ rạch lúc nào cũng nườm nượp đàn bà con gái đẹp quần là áo lượt muôn màu sắc ngược xuôi, kẻ vào trong ngọn, người ra ngoài vàm thăm viếng thân nhân, bạn bè, nhìn không chán mắt.
 
 

Huyền thoại nhan sắc con gái xứ Nha Mân




                   Theo “Xã Luận”
Trong những cuộc trà dư tửu hậu, luận bàn về sắc đẹp phụ nữ, các bậc cao niên ở miền Tây Nam Bộ đều thừa nhận, đất chín rồng (đồng bằng sông Cửu Long) là nơi có nhiều “miền gái đẹp”. Nhưng nổi tiếng nhất và đi vào ca dao tục ngữ, được truyền tụng lâu đời phải kể đến “miền gái đẹp” Nha Mân, thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Hàng trăm năm trôi qua, nhưng nhắc đến nét đẹp con gái Nha Mân ai cũng nhớ câu “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh, gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Từ xưa, gà Cao Lãnh nổi tiếng đá hay, lì đòn. Còn con gái Nha Mân, nói như ông Tám Khai, người cố cựu xứ Nha Mân, nay đang sinh sống ở thị trấn Cái Tàu Hạ, cách “miền gái đẹp” Nha Mân không xa, thì từ xưa đến nay con gái Nha Mân “nhìn không biết chán vì…ngộ (đẹp) nhất miền Tây”.
Qua khỏi thị trấn Cái Tàu Hạ gần chục cây số là đến địa phận “miền gái đẹp” Nha Mân, thuộc xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Từ năm 1940, ba xã Phú Nhuận, Tân Hựu, và Tân Hựu Đông được ghép thành Tân Nhuận Đông thuộc quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc. Từ năm 1956 đến năm 1965, Nha Mân thuộc quận Đức Tôn, Sa Đéc. Năm 1966, tỉnh Sa Đéc được tái lập, Nha Mân trở lại trực thuộc quận Châu Thành cho đến ngày nay.
Nha Mân, một phía giáp với sông Tiền quanh năm chở nặng phù sa bồi đắp cho những vườn cây ăn trái xanh tốt, một phía gần giáp với sông Hậu gạo trắng nước trong. Rạch Nha Mân bắt đầu từ một nhánh của sông Tiền, chảy quanh co uốn khúc hàng chục cây số trong những khu vườn, những thửa ruộng màu mỡ rồi nối vào rạch Ba Càng của Vĩnh Long, đổ ra phía sông Hậu.
Phía bờ trái sông Nha Mân, từ cầu Nha Mân vào các vườn cây ăn trái trĩu quả, có nhiều rạch nhỏ như rạch Chùa Ông Chiêm, rạch Bà Thiên, rạch Cầu Xoay, rạch Ông Đại, rạch Ông Yên, rạch Tre, rạch Rắn, rạch Cái Ngổ, rạch Da, rạch Cầu, rạch Bằng Lăng, rạch Mương Khai, rạch Ba Càng... Ông Tám Khai nói, con gái Nha Mân hàng trăm năm qua ra đời quanh những cái tên rạch ấy.
Trước đây nhiều người cho rằng, nước rạch Nha Mân trong lành, mát ngọt phù sa ngày đêm vun đắp, làm cho da dẻ các cô gái trắng trẻo mịn màng, giọng nói thanh tao, mắt phụng mày ngài, dáng đi uyển chuyển nhẹ nhàng, thanh thoát. Nhưng những điều võ đoán đó đều không bao giờ đúng, bởi sắc đẹp của con gái Nha Mân chỉ một phần nhờ con nước phù sa sông Tiền, phần chủ yếu làm nên huyền thoại “miền gái đẹp” Nha Mân lại ở tuốt tận kinh đô Huế, cách xa xứ Nha Mân cả ngàn cây số.
Huyền thoại về miền gái đẹp
Ông Tám Khai nói rằng, từ lúc còn nhỏ ông đã nghe ông cố, ông sơ kể lại, tương truyền vào tháng 7/1784, mượn cớ giúp chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) chống lại nhà Tây Sơn, khoảng 50.000 quân Xiêm và hơn 300 chiến thuyền do các danh tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương, Sa Uyển, Chiêu Chuỳ Biện chỉ huy cùng 4.000 quân của chúa Nguyễn Ánh theo hai đường thuỷ, bộ tiến vào địa phận Kiên Giang.
Đến cuối năm 1784, liên quân Xiêm - Nguyễn chiếm được một số vùng đất ở phía Tây thành Gia Định, đóng quân ở vùng Trà Tân (nay có lẽ là vùng Hòa Khánh thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) để dự trữ lương thảo, vật lực chuẩn bị đánh thành Mỹ Tho và Gia Định.
Khi hay tin liên quân Xiêm - Nguyễn uy hiếp thành Mỹ Tho, Gia Định, tháng 1/1785, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đưa 20.000 quân thuỷ, bộ từ Quy Nhơn hành quân cấp tốc vào Gia Định. Sau khi xem xét tình hình, Nguyễn Huệ không chủ trương phòng thủ thành Gia Định đang bị uy hiếp, tức tốc đưa quân xuôi xuống thành Mỹ Tho quyết chiến với quân Xiêm.
Trong những ngày đầu, Nguyễn Huệ dùng lực lượng nhỏ thăm dò, nghi binh, cử người mang của cải cầu hoà với Chiêu Tăng nhằm tạo sự chủ quan, gây chia rẽ nội bộ và dụ liên quân Xiêm - Nguyễn sớm tiến đánh Mỹ Tho. Sau khi điều nghiên địa hình, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ quyết định chọn đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút dài khoảng 6-7 km (nay thuộc địa phận huyện Châu Thành, Tiền Giang) làm nơi quyết chiến với liên quân Xiêm - Nguyễn.
Rạng sáng ngày 19/1/1785, từ Trà Tân, Chiêu Tăng chỉ huy toàn bộ lực lượng hành quân xuôi về hạ lưu sông Tiền, đẩy quân Nguyễn đi trước, tiến đánh thành Mỹ Tho. Khi hầu hết thuyền quân Xiêm - Nguyễn lọt vào trận địa phục kích tại Rạch Gầm - Xoài Mút, quân Tây Sơn dùng pháo đặt trên thuyền, trên bờ và cù lao Thới Sơn bắn áp đảo, đồng thời thuỷ binh từ các nhánh sông tiến ra và từ Mỹ Tho kéo lên chặn đầu, khoá đuôi, đánh tạt sườn.
Bộ binh Tây Sơn đón lõng diệt tàn quân trốn chạy trên bờ. Kết quả là toàn bộ mấy trăm chiến thuyền và phần lớn liên quân Xiêm - Nguyễn bị diệt. Chiêu Tăng, Chiêu Sương cùng vài nghìn quân sống sót mở đường máu rút về Xiêm.
Lúc đó chúa Nguyễn Ánh ở phía sau, nghe tàn quân hớt hãi quay lui báo hung tin thất trận, vội quay thuyền lại đưa toàn bộ bầu đoàn thê tử chạy theo sông Tiền tìm đường trốn sang Xiêm. Trên đường tháo thân, vì bị quân Tây Sơn truy đuổi gắt gao, người đông, thuyền nặng nên các cận thần, quan lại khuyên chúa Nguyễn Ánh cần phải làm cho thuyền nhẹ bớt.
Không còn cách nào khác, chúa Nguyễn Ánh đã gạt nước mắt, bấm bụng bỏ lại hàng trăm cung tần mỹ nữ dọc đường, cho lên tá túc ở các làng bên bờ sông Tiền, nay thuộc Nha Mân (Châu Thành, Đồng Tháp) và Mỹ Luông (Chợ Mới, An Giang) cho “nhẹ gánh loạn ly”.
Những mỹ nhân bị rơi rớt trôi dạt sau đó lấy chồng là người địa phương, sinh con đẻ cái đều là “nam đồng, ngọc nữ”. Chính nhờ nguồn gen cung phi mỹ nữ từ thời xa xưa lưu truyền đến nay, xứ Nha Mân mới có nhiều thiếu nữ đẹp.
Trong khi đó nhóm cung phi mỹ nữ dạt vào cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới, An Giang) cũng lấy chồng, sinh con đẻ cái, cũng tạo được một “miền gái đẹp” nhưng không nổi tiếng bằng con gái Nha Mân. Theo ông Tám Khai, từ xưa đến nay người đẹp xứ Nha Mân đếm không kể xiết, nghe đồn trước đây các vua xứ Cao Miên còn chịu khó xuôi dòng sông Tiền sang tận Nha Mân để chọn vợ.
Nhắc những người đẹp thời xa xưa ở làng Nha Mân, ông Tám Khai kể vanh vách: ông Quản Y có ba người con gái đẹp nức tiếng Nam Kỳ. Ông Quản Chức có chị Tám Ngự, chị Mười Xinh. Hai đứa con gái thứ 11, 13 của ông chủ Trọng cũng là người đẹp vang danh một thời. Thầy giáo Chữ cũng có con gái đẹp.
Chị Bảy Nhẫy, cô Tư Nga là những người đẹp nhìn không chán mắt. Trong vùng còn có anh Hai Rít lai Tây, đẻ ra cô Ba Xê đẹp chim sa cá lặn vì phối hợp được nết đẹp Tây với vẻ đẹp cung đình Việt Nam. Hồi cô Ba Xê chết, đã 70 tuổi mà nhìn cũng còn đẹp lão. Ông Tám Khai kể, hồi xưa cứ Tết đến, đám trai làng rất khoái đi chợ tết để “rửa mắt” vì trong chợ toàn là đàn bà con gái đẹp… “não nùng”.
Ông Tám Khai khẳng định, đàn bà ở Nha Mân đẻ mười đứa con gái thì hết chín đứa là người đẹp, đứa còn lại cũng bậc trên trung bình, và không ở đâu những ngày Tết lại vui bằng Tết ở Nha Mân. Trong những ngày xuân, trên những con đường dọc theo các bờ kênh, bờ rạch lúc nào cũng nườm nượp đàn bà con gái đẹp quần là áo lượt muôn màu sắc ngược xuôi, kẻ vào trong ngọn, người ra ngoài vàm thăm viếng thân nhân, bạn bè, nhìn không chán mắt.
Ly kì những phận hồng nhan
Buổi sáng ngồi nhâm nhi cà phê trong các quán xá quanh chợ Nha Mân, cái nôi của những người đẹp miệt vườn, có thể nghe hàng trăm câu chuyện về những người đẹp Nha Mân. Ông Tám Khai, ông thường có thói quen uống cá phê từ sáng sớm ở các quán quanh chợ Nha Mân, vừa ngồi nhâm nhi ly cà phê vừa nhìn ngắm các bà, các cô đi chợ sớm, tất bật bán mua nhưng vành nón lá vẫn không che hết được vẻ đẹp mặn mòi, duyên dáng.
Lâu dần, ngồi quán uống cà phê ngắm những người đàn bà đẹp trở thành một thói quen kỳ thú, bất di bất dịch của đám đàn ông con trai xứ Nha Mân. Những bậc trưởng thượng ở xứ Nha Mân thường nói, con gái Nha Mân xinh đẹp chim sa cá lặn là niềm hãnh diện của làng xóm, nhưng đó cũng là bi kịch cho không ít người.
Một trong những bi kịch ở “miền nhan sắc” này được bàn tán nhiều nhất mà ông Tám Khai còn nhớ rõ đến giờ là chuyện ăn ở bất nhân thất đức, quả báo nhãn tiền đối với ông bầu gánh hát Quốc Bửu Bang. Chuyện kể rằng, hồi xưa gánh hát Quốc Bửu Bang là một trong những gánh hát nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ.
Trong gánh hát này, có rất nhiều đào tơ xinh đẹp mơn mởn, nhưng không có nhan sắc của cô đào nào có thể sánh với nét đẹp chim sa cá lặn của vợ ông thầy tuồng, là người chuyên viết kịch bản cho đoàn hát diễn, dù cô vợ ông thầy tuồng chỉ đơn thuần làm việc nội trợ, không biết hát hò. Sở dĩ cô vợ của ông thầy tuồng có sắc đẹp ăn đứt các cô đào của gánh hát Quốc Bửu Bang chỉ vì một điều đơn giản: cô ta là con gái Nha Mân chính gốc.
Ông thầy tuồng giấu vợ ở nhà, không dám cho đi theo đoàn hát vì biết rõ tính háo sắc, hoang dâm vô độ của ông chủ gánh Quốc Bửu Bang.
Ông thầy tuồng cũng không bao giờ dám mời ông chủ gánh hát đến nhà và cũng chưa bao giờ dám tiết lộ nơi ở của mình cho ông chủ gánh hát biết. Nhưng trong một lần ông thầy tuồng lâm bệnh kéo dài, gánh hát không còn tuồng mới để hát, túng thế, ông chủ gánh hát phải dò hỏi khắp nơi và tìm được nhà ông thầy tuồng.
Ban đầu, ông chủ gánh hát Quốc Bửu Bang chỉ định đến nhà ông thầy tuồng để thăm bệnh và lấy vở mới đem về cho đoàn hát diễn. Nhưng khi bước vào nhà, vừa nhìn thấy nhan sắc của cô vợ ông thầy tuồng, ông chủ gánh hát Quốc Bửu Bang hồn xiêu phách lạc, hai con mắt nhìn người đẹp thiếu điều… rớt xuống đất.
Máu háo sắc bốc lên phừng phừng, từ đó ông chủ gánh hát Quốc Bửu Bang càng ngày càng chăm lui tới nhà của ông thầy tuồng, ban đầu còn e dè nhìn ngắm lén lút cô vợ, nhưng càng về sau ông chủ gánh hát càng công khai, không thèm giấu diếm chuyện ông ta đang chết mê chết mệt nhan sắc của cô vợ thầy tuồng, và tuyên bố trước sau gì ông ta cũng sẽ tìm cách chiếm đoạt cho bằng được mỹ nhân.
Làng xóm, người đời dị nghị cười chê, ông chủ gánh hát mặc kệ. Vợ con ghen tuông chửi mắng om sòm, ông chủ gánh hát bỏ ngoài tai. Trong lòng chủ gánh hát bây giờ không còn gì quan trọng bằng việc phải tìm mọi mưu ma chước quỷ để chiếm đoạt cho bằng được cô vợ mỹ miều của ông thầy tuồng.
Ông thầy tuồng thấy sự tình như vậy, nhiều lần năn nỉ, lạy lục van xin ông chủ gánh hát buông tha cho vợ chồng ông, tha cho cái gia đình nhỏ của ông, nhưng lão chủ gánh hát tham lam háo sắc và bất nhân không thèm đếm xỉa, càng ngày càng túc trực ở nhà ông thầy tuồng, hoặc tìm mọi cách đón đường cô vợ xinh đẹp của thầy tuồng để giở trò ghẹo nguyệt trêu hoa, tìm cách cưỡng bức mỹ nhân. Ông thầy tuồng đã vài lần dời nhà để tránh chủ gánh hát, nhưng không biết bằng cách nào, lão chủ gánh hát háo sắc lại tìm được, mò tới.
Làm đủ mọi cách cũng không thể tránh khỏi chủ gánh hát, một ngày mưa tầm tã ông thầy tuồng phẫn chí lấy dao mổ bụng tự sát, còn cô vợ xinh đẹp của ông cũng biến mất tăm, không ai biết cô ta đi tu hay đã nhảy xuống sông Tiền tự tử chết theo ông thầy tuồng. Nhưng khi câu chuyện bi thảm của vợ chồng ông thầy tuồng vẫn còn nóng hổi, làng xóm vẫn còn bàn tán râm ran thì gánh hát Quốc Bửu Bang đột nhiên lụi bại, tan rã.
Mấy cụ cao niên ở xứ Nha Mân nói rằng, từ khi ông thầy tuồng chết, gánh hát Quốc Bửu Bang không còn người viết tuồng mới nên cứ đem tuồng cũ ra diễn tới diễn lui nên ai cũng chán, chẳng ai thèm coi hát nữa, khiến gánh hát ngày càng lụi bại. Nhưng ở góc độ tâm linh, có nhiều người cho rằng gánh hát Quốc Bửu Bang tan rã là do trời quả báo, trời cao có mắt, nhìn thấy dã tâm cướp đoạt vợ người khác một cách bất nhân của ông chủ gánh hát Quốc Bửu Bang nên đã khiến cho gánh này suy tàn.
Từ ngày gánh hát tan rã, ông chủ gánh Quốc Bửu Bang từ chỗ giàu có vô song trở thành kẻ sạt nghiệp, trắng tay, vợ con của lão cũng chẳng thèm nhòm ngó, nên cuối cùng lão phải quay về ngồi lay lắt ngoài rìa chợ Nha Mân ăn xin. Nhưng khi nhìn thấy sự suy sụp của lão chủ gánh hát háo sắc, người ta chẳng những không thương hại cho tiền, mà còn đem chuyện ông ta hại chết ông thầy tuồng, làm gia đình người khác tan nhà nát cửa, để phỉ nhổ, thóa mạ thậm tệ.
Cuối cùng ông chủ gánh hát bất nhân bất nghĩa phải lâm vào cảnh chết không có hòm chôn, chỉ được người đời thương tình bố thí cho manh chiếu rách đem vùi thân ở bãi tha ma.
Câu chuyện về người đẹp Nha Mân được nhiều người biết và truyền tụng nhất, chính là chuyện về cô Hai Hiên. Ông Tám Khai nói, các bậc bô lão ngày xưa kể rằng, hơn 150 năm trước, vợ chồng ông Phạm Văn Cần, làm ăn sinh sống ở khu vực vàm sông Nha Mân, lúc bấy giờ thuộc làng Phú Nhuận, tổng An Mỹ, Sa Đéc, sinh được một người con gái đặt tên là Phạm Thị Liên, nhưng trong gia đình thân tộc và bà con lối xóm thường gọi là Hai Hiên.
Cô Hai Hiên là con gái duy nhất của ông bà Cần, từ nhỏ đã xinh đẹp mỹ miều nổi tiếng trong vùng. Đã có nhiều đám ngấp nghé, mai mối muốn kết tình thông gia với ông bà Cần, hỏi cưới cô Hai Hiên về làm dâu, nhưng ông bà Cần chưa kịp chọn ai thì đột ngột cô Hai Hiên qua đời.
Cái chết của cô Hai Hiên làm cho người cha hết sức buồn đau, khóc hết nước mắt thương tiếc và không giấu được sự oán hận trời xanh không công bằng. Hết than khóc đến trách trời xanh không có mắt mà cô Hai Hiên vẫn không thể sống lại, ông Cần phẫn chí quay sang trách móc Quan Thánh Đế Quân (Quan Công, Quan Vân Trường). Từ lâu trong nhà ông Cần luôn có bàn thờ và bức tượng Quan Công, biểu trưng cho lòng trung cang nghĩa khí.
Khi cô Hai Hiên lâm bệnh chết khi tuổi đời còn quá trẻ, ông Cần cho rằng ngài Quan Công đáng lý ra phải soi xét công minh, không thể để ông phải mất đi đứa con gái mà ông yêu quý nhất trên đời. Nhưng đức Quan Thánh Đế Quân không công bằng nên đã khiến ông Cần phải lâm vào cảnh mất đứa con gái độc nhất mà vợ chồng ông vô cùng yêu quý, khiến vợ chồng ông phải chịu cảnh “tre khóc măng, cha mẹ già khóc con trẻ bạc phận”. Càng đau thương, oán trách, ông Cần càng như phát điên.
Trong cơn nóng giận, ông Cần nghĩ rằng ngài Quan Công dứt khoát phải được chôn theo con ông để còn phân giải, đối chất khi Diêm vương phán xét. Nghĩ như vậy nên khi chuẩn bị khâm liệm cô Hai Hiên, ông Cần không ngần ngại lấy ngay bức tượng Quan Công đắp lên thi hài cô Hai Hiên và đóng nắp hòm lại.
Sự việc này đã gây kinh động cả xứ Nha Mân lúc bấy giờ, bởi xưa kia người dân Nha Mân có tín ngưỡng thờ phụng Quan Thánh Đế Quân. Chính vì vậy mà hành động chôn tượng Quan Thánh Đế Quân theo thi hài cô Hai Hiên của ông Cần làm kinh động người dân bản xứ.
Không biết ngài Quan Công có phần trần gì với Diêm Vương ở chốn âm ty địa ngục hay không, nhưng sau khi an táng cô Hai Hiên được ba ngày, nhiều người dân xứ Nha Mân tận mất nhìn thấy cô hiển linh, hiện về thăm cha mẹ và giúp đỡ dân nghèo, những người bệnh tật. Đến lúc này thì xứ Nha Mân lại lan truyền tin đồn, cô Hai Hiên được Quan Thánh Đế Quân phù trợ nên không phải về chầu Diêm Vương, sống lây lất trong cõi u minh mà hóa thành cốt linh của người con gái đồng trinh, ngày ngày hiển linh giúp đỡ mọi người.
Nhiều người dân xứ Nha Mân nói, cô Hai Hiên trở nên hiển linh là vì cô, người con gái đồng trinh, chết nhằm giờ thiêng và có bức tượng Quan Thánh Đế Quân được chôn theo. Cô Hai Hiên chết đi nhưng vẫn hiển hiện trên đời, do cô còn rất trẻ, đang tràn đầy nhựa sống. Những người rành chuyện cô Hai Hiên ở xứ Nha Mân kể rằng, chỉ ba hôm sau khi chôn cất, cô Hai Hiên trở về để thăm cha mẹ.
Người ta kể, cô Hai Hiên hiển hiện khắp nơi, trong đó có câu chuyện kỳ thú về việc cô quá giang ghe bầu của những người buôn bán ra thăm xứ Huế, vì khi còn sống cô Hai Hiên có ước nguyện được thăm kinh thành Huế, nguồn cội của những cung tần mỹ nữ do loạn ly đã phải lưu lạc tận xứ Nha Mân.
Lần đó, đoàn ghe bầu chở hàng hóa ra Huế khi đi trên sông Tiền ngang qua xứ Nha Mân thì có một người con gái xinh đẹp gọi lại xin quá giang về Huế thăm lại quê xưa. Dù không biết cô gái là ai nhưng những chủ ghe tốt bụng hô phu chèo ghé vào bến, cho cô gái quá giang. Trên đường theo ghe bầu vượt biển ra Huế, suốt nhiều tháng trời, nhiều lần cô Hai Hiên ngấm ngầm trợ giúp những người đi thuyền có lòng tốt vượt qua phong ba bão dữ, nhưng cũng không ai hay biết.
Ra đến Huế, sau khi thăm thú các nơi, cô Hai Hiên gửi về cho cha mẹ ở quê nhà Nha Mân một cây quế và nhánh bưởi Thanh Trà, đặc sản của xứ Huế, nhờ các chủ ghe khi đi ngang qua Nha Mân thì chuyển cho ông bà Cần. Khi đoàn ghe bầu về ngang qua xứ Nha Mân, ghé lại tìm nhà ông bà Cần để đưa cây quế và nhánh bưởi của cô Hai Hiên gửi tặng, mọi người mới tá hỏa khi được ông bà Cần cho hay cô Hai Hiên chết đã lâu và hai ông bà già còn dẫn họ ra thăm mộ cô Hai để chứng minh.
Đến khi người dân trong xứ Nha Mân hay tin, đến xem và kể cho các chủ ghe bầu những việc hiển linh giúp đời, giúp người của cô Hai Hiên và qua miêu tả của dân làng, những chủ ghe bầu mới biết chính cô Hai Hiên đã hiển linh đi cùng họ trong suốt nhiều tháng trời từ Nam ra Huế.
Ông Tám Khai nói, theo lời ông bà xưa kể lại thì cây quế và nhánh bưởi Thanh Trà của cô Hai Hiên trồng trong vườn nhà ông bà Cần rất tươi tốt. Cây bưởi năm nào cũng trĩu quả và được ông bà Cần chia cho dân làng Nha Mân cùng ăn lấy thảo, còn cây quế thì được dùng làm thuốc để chữa bệnh cho dân làng.
Nhưng đến đầu năm 1946, khi quân Pháp quay lại Cái Tàu Hạ, Nha Mân, cây quế và cây bưởi Thanh Trà của Cô Hai Hiên gửi cho cha mẹ đã bị giặc Pháp ra tay đốn hạ. Vì vậy mà hiện nay ở xứ Nha Mân vẫn còn lưu truyền câu ca: “Thương thay cây quế vườn Nha, thù giặc Pháp, ghét gian tà đốn đi”.
Ông Tám Khai nói, sau nhiều lần cô Hai Hiên hiển linh giúp đời, giúp người, nhiều nhà lập bàn thờ cô Hai để thờ phụng nhang khói, nhiều xóm ấp xây miếu thờ cô và cô Hai Hiên đã trở thành một tín ngưỡng dân gian.
Ở Chùa Tây An dưới chân Núi Sam, Châu Đốc, tỉnh An Giang, trong điện thờ Phật có đặt ban thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Tiên và cả Cô Hai Hiên mà nhiều người quen gọi là bàn thờ Phật Cô Hai. Hàng năm, vào ngày 25 tháng 8 Âm lịch, người dân xứ Nha Mân thường tổ chức trọng thể Ngày vía Cô để cúng bái cô Hai Hiên, cầu mong cô phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Ông Tám Khai kể, trong ngày vía Cô Hai Hiên, những ông già bà cả thường hay kể cho đám con cháu hậu sinh nghe nhiều chuyện ly kỳ về việc cô Hai Hiên hiển linh giúp đời, giúp người.
Nhưng ngày nay “miền gái đẹp” Nha Mân đang có nhiều thay đổi. Ông Tám Khai dẫn tôi ra chợ Nha Mân, nơi được xem là chiếc nôi của “miền gái đẹp”. Chợ vẫn náo nhiệt, nhưng khó tìm đâu ra một bông hoa đặc sắc tiêu biểu cho “miền gái đẹp”, thiếu nữ 18 tuổi đến 25 đẹp rực rỡ càng khó, dù trong nhiều cuộc thi nhan sắc, con gái Nha Mân từng đoạt các giải thưởng lớn.
Ông Tám Khai nói, giống như nhiều vùng quê ở miền Tây, do cuộc sống khó khăn quá nên các cô gái xinh đẹp đã rủ nhau lên Sài Gòn mưu sinh. Những năm gần đây tiếng đồn gái Nha Mân đẹp người, tốt nết đã lan ra khỏi biên giới Việt Nam và nhờ miệng lưỡi dẻo quẹo của đám mai mối lấy chồng nước ngoài mà rất nhiều gái đẹp xứ Nha Mân đã lên máy bay, về làm dâu xứ Đài Loan, Hàn Quốc, để lại nỗi buồn da diết trong lòng đám trai làng dọc theo bờ rạch Nha Mân. Ông Tám Khai bùi ngùi nói, cứ đà nay, không khéo vài năm nữa “miền gái đẹp” Nha Mân sẽ không còn gái đẹp.


http://hkhls.dongthap.gov.vn/wps/portal/hkhls/!ut/p/c0/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os_jQEDc3n1AXEwMDC383A88QC59QJ2MTQ38nY_2CbEdFAJ4_LiA!/?WCM_PORTLET=PC_7_UTFFLUD4008OF0IT8LUB341OR1_WCM&WCM_GLOBAL_CONTEXT=/wps/wcm/connect/HKHLS/sithkhls/sitaditichlsvh/6092012+gai+dep+nha+man


Thứ Tư, 15/05/2013 13:00 (GMT+7)

Về miền gái đẹp Nha Mân

GiadinhNet - Con gái Nha Mân, Đồng Tháp nổi tiếng có sắc đẹp chim sa cá lặn, nhưng khi về nơi miền đất chín rồng này thì mới biết cái đẹp một thời nay đã tàn phai khá nhiều.

Về miền gái đẹp Nha Mân 1
Cô gái Nha Mân hạnh phúc bên người chồng Hàn Quốc.
 
Về miền đất “sắc”
 
Cách TP HCM 130 km, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp được mệnh danh là “cái nôi của nét đẹp cung tần mỹ nữ”. Anh Huỳnh Hoàng Quân, Trưởng ấp Tân Lập, xã Tân Nhuận Đông dắt chúng tôi đi gặp các mỹ nhân từng vang bóng một thời. Dù bước sang cái tuổi xế chiều, nhưng nét đẹp vẫn còn in đậm trên khuôn mặt của cụ Phạm Thị Cám, 94 tuổi. Cụ nhớ lại: “Lúc nhỏ được ba mẹ nhiều lần kể về sự kiện năm 1785, Nguyễn Huệ cầm quân Tây Sơn đánh tan quân Xiêm liên minh với Nguyễn Ánh trên sông Rạch Gầm-Xoài Mút. Trước khi tháo chạy ra đảo Phú Quốc, Nguyễn Ánh đã bỏ lại hàng trăm cung tần mỹ nữ. Sau đó, các cung phi sắc nước nghiêng thành này đã lấy các chàng trai ở đất Nha Mân. Chính vì vậy, con gái Nha Mân tuy xuất thân từ nông dân nhưng rất đẹp. Đầu thế kỉ 20, nghe danh gái Nha Mân, vua Cao Miên cũng tìm sang kiếm vợ”.

Cụ Huỳnh Thị Sáu, 84 tuổi, cũng là một trong những mỹ nhân ở vùng đất Nha Mân một thời. Cuộc sống của cụ gặp nhiều trắc trở. Hồi ở cái tuổi đôi mươi, rất nhiều người khá giả đến dạm hỏi nhưng cụ nhất quyết không chịu. Cuối cùng, cụ chọn người đàn ông “chân lấm tay bùn” xuất thân như mình. Nhưng đến cái tuổi hồi xuân rạo rực, cụ phải gánh chịu nỗi đau mất chồng. “Chịu tang ổng mới có vài tháng là có nhiều người giàu đến dạm hỏi, nhưng tui từ chối hết để giữ son sắt với chồng. Lúc chưa có gia đình, ba mẹ răn dạy lễ nghĩa “công dung ngôn hạnh” của người con gái ở xứ Đồng Tháp Mười này kĩ lắm nên tui không dám làm trái”.

Anh Quân dắt chúng tôi đi khắp ấp để tìm các cô gái Nha Mân ở tuổi đôi mươi với chiếc áo bà ba truyền thống. Nhưng đi tới đâu người dân cũng lắc đầu nói: “Không có ai nữa đâu mà kiếm, tụi trẻ cưới chồng Đài Loan, Hàn Quốc và đi lên Sài Gòn hết rồi. Còn chiếc áo bà ba tụi nó chê quê mùa có mặc nữa đâu”.
 
Cái đẹp tàn phai


Bà Nguyễn Thị Lan, 61 tuổi, ngụ ấp Tân Lập nói: “Tôi không hiểu lũ trẻ lên Sài Gòn làm gì trên đó, nhưng mỗi khi về quê là chúng nó ăn mặc, đi đứng đều thay đổi. Nói chuyện với ai cũng chê là “đồ hai lúa quê mùa”. Những ngày Lễ, Tết, khu Nha Mân như trở thành nơi trình diễn thời trang “thiếu áo, thiếu quần” rất kì quái. Cái nết, cái bảnh đã bị lớp trẻ làm mai một rồi. Chiếc áo bà ba tụi nó chê là lạc hậu, nghĩ mà xót xa”.

Từ ngày phong trào lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc lan về đã làm cho xứ Nha Mân loạn nhịp. Nhiều năm qua, “cò” luôn lùng sục từng nhà để tìm các cô gái trẻ có nhan sắc. Nhiều lần những người môi giới đem 30 triệu đồng đến năn nỉ bà Lan gả con gái cho một người Đài Loan, nhưng bà không đồng ý. Gần nhà bà Lan cũng có hai cô gái trẻ lấy chồng Hàn Quốc. Mẹ của hai cô gái này cho biết: “Số tiền mấy chục triệu mà “cò” đem tới là để dàn cảnh thôi, họ rước con tôi xong là lấy lại số tiền đó”.

Năm 2005, tại nơi Nguyễn Ánh năm xưa cùng đoàn phi tần dừng chân nghỉ ngơi, được chọn để xây chợ Nha Mân. Trong lúc đào hệ thống thoát nước, đơn vị thi công phát hiện dưới lớp đất sâu có 2 chiếc hòm, bên trong chứa hàng trăm cân tiền xu. Số tiền này được Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp lưu giữ. Để tưởng nhớ sự kiện lịch sử này, UBND xã Tân Nhuận Đông lấy hình ảnh đĩnh vàng và đồng xu để làm biểu tượng của chợ. Họa tiết trang trí hàng chục ngôi nhà xung quanh chợ Nha Mân cũng được lấy hình ảnh đồng tiền xu. Họ cho rằng, đó là sự giàu sang trù phú người đi trước để lại. 

Ông Trần Thanh Tươi, Chủ tịch UBND xã Tân Nhuận Đông cho biết, một năm ở xã có khoảng 1.000 người đang ở độ tuổi lao động đi làm ăn xa. “Nét đẹp con gái Nha Mân mất đi buồn lắm. Nơi này đã sinh ra những người con gái đẹp người, đẹp nết nhất các tỉnh miền Tây. Vì vậy chúng tôi đang cố gắng khôi phục lại, không để sắc đẹp bị “chảy máu” nữa. Từ đầu năm đến nay, xã mở 3 lớp đan thêu cho phụ nữ và xây dựng dự án các khu công nghiệp để thu hút nguồn nhân lực”.

Chuyện khôi phục hình ảnh con gái Nha Mân không phải nói là làm được, vì hiện tại cái đẹp, cái bảnh trong câu ca dao lưu truyền “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân” giờ chỉ còn là kí ức.
 
Du Nguyễn
 



 
Đời nữ phục vụ: Kỳ 1: Con gái Nha Mân
Thứ Hai, 23 Tháng tám 2010, 16:08 GMT+7

Nữ phục vụ với những chiếc áo khá mát mẻ
Con gái Nha Mân ít học, có tí tuổi đã bôn ba mưu sinh. Họ nổi tiếng là đẹp nên dễ dàng xin vào làm phục vụ ở quán bar, nhà hàng. Họ luôn hãnh diện vì ta là gái Nha Mân nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng màu hồng như họ nghĩ…
“Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”
Gần đây, cư dân mạng hầu như ai cũng đọc được mẩu thông tin tìm việc cực sốc của một cô gái trẻ đăng trên một diễn đàn tuổi mới lớn. Nội dung của thông tin tóm tắt như sau: “Nguyễn Thúy A., 21 tuổi (gái Nha Mân, Đồng Tháp) cần việc phục vụ quán nhậu, nhà hàng sân vườn. Ngoại hình: chân dài, trắng trẻo, 2 năm kinh nghiệm làm quán bar, tiếp thị bia 7 tháng, không vướng bận gia đình, sẵn sàng làm bạn nhậu với khách tới sáng với thù lao vừa phải…”.
Không đơn thuần trong mẩu tin này người tìm việc cố ý “nhấn” gái Nha Mân. Dân nhậu thứ thiệt thường truyền miệng câu: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh, gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Theo tài liệu xưa, thời khởi nghĩa Tây Sơn, vua quan nhà Nguyễn lánh về phương Nam dắt theo cung tần mỹ nữ. Trên đường đi, ngoài sự mong muốn của vua quan, các người đẹp bị bỏ lại dọc đường. Thị trấn Nha Mân, đoạn chạy qua quốc lộ 80, nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp được “thừa hưởng” cái đẹp trời ban ấy. Con gái Nha Mân từ bao đời nay luôn hãnh diện vì có sắc đẹp chim sa cá lặn. Những người kinh doanh nhà hàng kinh nghiệm trong việc tuyển phục vụ. Nguyễn Phú, quản lý nhà hàng Phố (quận 1) cho biết: “Đọc hồ sơ của nhân viên xin vào làm phục vụ, thấy gái Nha Mân là kết liền”. Phú lý giải: “Gái Nha Mân không chỉ có ngoại hình ưa nhìn mà rất chịu “quậy”. Mấy cha nhậu ưa lắm”.
Nhiều năm trước, con gái Nha Mân lớn lên thường ít học. 16, 17 tuổi đã đi bán cà phê, quán nhậu trên thành phố. Cái tuổi bé tẻo teo ấy đã trở thành lao động trụ cột trong gia đình. Con gái Nha Mân đi làm phục vụ nhà hàng, quán bar nhiều vô số kể. Nhiều đến nỗi có người thốt lên: “Dường như con gái Nha Mân sinh ra là để làm nghề này”. Tìm hiểu kỹ, câu nói này không ngoa chút nào. Đến quán nhậu Sông Thương (quận 7), chúng tôi gặp cô gái 18 tuổi Nguyễn Thị Mận, được xem là “hồn” của quán. Cái tên Mận cũng đã đổi bằng một cái tên khác là Thúy Liễu theo ý của quản lý “cho ra gái Nha Mân”. Thúy Liễu đẹp tự nhiên, không cần đến son phấn. Thúy Liễu làm quen với bia rượu sau một cuộc tình chóng vánh. Ở quán này, cái tài nốc bia của Thúy Liễu được đồng nghiệp ví von: “Uống bia như trâu uống nước đìa”. Mà thật, bàn nào có Thúy Liễu ngồi thì y như rằng bàn đó xôm tụ hẳn lên, bia bật nắp liên tục.
Thúy Liễu làm phục vụ với mức lương 1,6 triệu đồng/ tháng. Những ông khách háo sắc đến quán luôn yêu cầu Liễu phục vụ. Tất nhiên, nhiệm vụ của phục vụ chỉ dừng lại ở việc khui bia và trò chuyện với khách.
Lời tự tình của gái Nha Mân
Dân nhậu ở TP.HCM không còn ai xa lạ nhà hàng Tràm Chim nằm ở trung tâm quận 3. Ở đó, các cô gái phục vụ có đến 80% đến từ Đồng Tháp, trong đó chiếm phân nửa là gái Nha Mân. “Anh Nguyễn Vũ, chủ doanh nghiệp vận tải hành khách Ái Vũ là người sinh ra tại đất Nha Mân. Từ cái thời anh còn tham gia công tác Đoàn Thanh niên ở địa phương, anh biết rõ các cô gái học giỏi lắm là hết cấp 2 rồi theo chị, theo cô lên Sài Gòn tìm việc. Anh Vũ khẳng định: “Có chút nhan sắc, ăn mặc thời trang sành điệu thì dư điều kiện vào làm việc ở những dịch vụ nhạy cảm. Họ mê tiền hơn mê cái chữ. Không ít cô chỉ chịu trở về khi dính líu vào chuyện làm ăn phi pháp hoặc luống tuổi, không còn khả năng làm ra tiền ở đất khách…”.
Đồng lương của phục vụ cũng chỉ đủ nuôi cái bao tử. Các khoản tiền thuê nhà, tiền gửi về quê, son phấn, quần áo… thì phải trông chờ vào những khoản tiền boa. Thúy Liễu nói: “Muốn có tiền boa thì phải “dẹo”, ngọt ngào, ai muốn có nhiều tiền thì chấp nhận “đi mây về gió” với khách. Cô nào may phước cặp với một đại gia, chấp nhận làm bé để có được một ngôi nhà thuê hợp đồng 12 hoặc 24 tháng. Ông nào chịu chi thì hàng tháng còn được nhận khoản “trợ cấp” không nhỏ… Nói gì thì nói chứ ở đời chẳng ai cho không mình bao giờ”.
11 giờ đêm, quán chỉ còn vài bàn khách, ai nấy đều say mèm say khướt. Anh đồng nghiệp của tôi đề nghị Liễu ngồi uống bia. Một lon bia ướp lạnh Liễu “tu” một phát đến phân nửa lon. Thả lon bia xuống bàn, Liễu thở dài: “Đêm nào cũng thế này chắc chết sớm”. Liễu mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng “điệp khúc” hoàn cảnh gia đình. Đó là câu chuyện cũ rích nhưng luôn được lặp đi lặp lại của những cô gái làm nghề phục vụ như Liễu. Liễu chủ động nâng ly mời khách, chốc chốc lại nghía mắt sang bàn khác. Trái ngược với lúc đầu, Liễu nhìn hai ông khách kè nhau ra bãi xe, văng tục: “Hai con sò lông, ngồi từ chiều đến giờ, nhìn thấy ghét”. Sò lông là tiếng lóng của dân phục vụ ám chỉ các ông khách keo kiệt, trùm sò, không boa cho phục vụ.
Liễu nhắc đến đàn ông với giọng thù hận. Suốt năm đầu lên thành phố, không chỉ gửi tiền về gia đình hàng tháng mà còn lo cơm nước cho người tình. Không có gì đáng nói nếu anh ta yêu thương cô hết mực, đằng này anh ta lại trăng hoa… và họ chia tay nhau từ đó. Liễu tâm sự: “Cái buồn đó rồi cũng nguôi ngoai nhưng bây giờ lại là gánh nặng gia đình. Người chị gái lấy chồng Đài Loan 5 năm giờ về nước với thân tàn ma dại. Thằng em trai nghiện ngập còn cha thì rượu chè…”.
Bài, ảnh: Trần Trần
Có dịp về chợ Nha Mân, thử hỏi bất kỳ một tiểu thương hay một người đi chợ nào họ đều thừa nhận họ có con cháu đi làm phục vụ trên thành phố. Con cái mình làm ăn thế nào, kiếm đồng tiền lương thiện hay không… tất cả họ đều mù tịt nhưng hầu như các ông bố bà mẹ đều tỏ ra hãnh diện vì điều đó”. Anh bạn đồng nghiệp của tôi, quê ở Nha Mân khẳng định.
 
Kỳ tới: 0 giờ, chuyển địa điểm nhậu. Chúng tôi thuê Liễu và người bạn gái của cô làm bạn nhậu với giá 700 ngàn đồng cho đến sáng.


Geen opmerkingen:

Een reactie posten