donderdag 20 juni 2013

Chợ trời ở Paris

Thứ năm, 20/6/2013, 17:14 GMT+7
Twitter
Facebook

Chợ trời ở Paris

Sau 2 năm học tập và làm việc ở đây, Paris còn có một cái khác ngoài các danh thắng nổi tiếng, làm tôi yêu thích hơn hết, bởi ở đó tôi được hòa mình vào văn hoá Pháp. Đó là chợ trời.

Chợ trời ở Pháp không phải nằm trong các khu ổ chuột, nhếc nhác, ngoài vòng pháp luật như chúng ta vẫn nghĩ. Mà chợ trời ở Pháp rất hoành tráng, được tổ chức bài bản bởi chính quyền, và được xem như là một hoạt động văn hóa truyền thống của từng địa phương, từng khu phố. Đó là nơi mà theo định kỳ người dân Pháp họp chợ ngoài trời, giữa thanh thiên bạch nhật. Họ bày bán ngay trên đường phố, tại các quảng trường rộng lớn, ngoài công viên, dọc bờ sông và trên cả những cây cầu lớn…

Chỉ tính riêng ở Paris hàng tuần có cả chục, cả trăm phiên chợ trời. Chợ trời nhiều đến nỗi dù có rảnh rỗi ở đây suốt một năm tôi nghĩ mình cũng không thể nào đi hết được. Số lượng chợ nhiều là vậy nhưng mà không có chợ nào vắng vẻ cả. Nguyên nhân một phần cũng vì chợ trời thường được tổ chức vào cuối tuần, dịp mà ai cũng muốn ra ngoài sau một tuần làm việc căng thẳng. Ở các nước Phương Tây một ngày làm việc thường kết thúc rất muộn, nên không còn thời gian ra ngoài nhiều như ở Việt Nam.

Có những khu chợ chỉ tổ chức vào những khoảng thời gian nhất định trong năm, được quảng cáo khắp nơi và được người dân chờ đợi. Cũng có những phiên chợ diễn ra hàng tuần, ví dụ như vào mỗi sáng thứ tư ở khu phố “La butte aux cailles” chẳng hạn. Đó là nơi mà người ta đem bán những sản phẩm tươi sống mới thu hoạch từ những vùng ngoại ô, đồng quê, duyên hải khắp nơi đổ về.
Nào là rau quả, nào là phó mát (fromage), nào là hải sản, nào là rượu nho… Có cả những chiếc đùi cừu, đùi heo xông khói to đùng treo lủng lẳng, ai mua bao nhiêu cắt bấy nhiêu. Vì là đặc sản đồng quê, nên giá cả vì thế cũng không rẻ chút nào. Một kilôgam tôm tươi mới đánh bắt từ vùng biển Điạ Trung Hải có giá gấp đôi tôm đông lạnh trong siêu thị có xuất xứ từ Việt Nam.

Cũng có những khu chợ không bán thức ăn mà chủ yếu bán đồ điện tử, quần áo, đồ gia dụng... như khu Porte de Montreuil hay Porte de Saint-Ouen. Người bán đồ mới cũng có, mà đồ cũ cũng rất nhiều. Không biết có phải do thói quen hay không, khi dọn nhà người Pháp thường thẳng tay quẳng vào sọt rác những món mà họ không thích nữa. Tuy chúng vẫn còn xài được, thậm chí còn mới chưa hề dùng qua. Thật là lãng phí.
Cũng chính vì thế chính phủ Pháp khuyến khích người dân chia sẻ đồ dư thừa của mình cho nhau, bằng cách mở ra nhiều phiên chợ trời đồ cũ (brocante, vide-grenier) cho từng khu phố theo định kỳ hàng năm, hay 6 tháng. Người dân trong khu phố đó thoải mái mang đồ cũ của mình ra ngoài đường bày bán với giá rẻ bèo. Thế là cuối tuần thiên hạ kéo nhau ra brocante, vừa đi dạo mát tản bộ, vừa được mua những món đồ mình thích với giá hời, vừa được hòa vào không khí vui như lễ hội, vừa có cơ hội thưởng thức những đặc sản trong vùng.

Paris còn đặc biệt thu hút tôi ở những khu chợ trời chuyên bán đồ sưu tầm, đồ xưa, đồ cổ. Thât kỳ lạ và ngoài sức tưởng tượng của tôi khi có quá nhiều người Pháp quan tâm đến việc sưu tầm ở những phiên chợ trời như thế! Có gì trong những chợ trời đồ cổ đó? Dĩ nhiên là không thiếu đồ xưa, đồ cổ, vật phẩm sưu tầm các loại. Nhưng cũng có thể là giả cổ hoặc là đồ mới tinh, nhưng chúng đều phải ít nhiều mang tính mỹ thuật. Tùy cảm nhận và gu sưu tập của từng người.

Nếu không kể những du khách hiếu kỳ, thì những người đến với chợ trời đồ cổ thường là những người hay sưu tầm, chuộng mỹ thuật và thích cái xưa. Đương nhiên họ cũng có thể tìm đến những tiệm đồ cổ "trong nhà" chứ không cần ra "ngoài trời" như ở đây. Nhưng khó có tiệm đồ cổ nào phong phú hàng hoá và giá cả dễ chịu như ở đây.
Chúng ta có thể dễ dàng tìm được những cuốn sách quý, những bức tranh sơn dầu, tượng đồng, đèn dầu thủy tinh, đèn treo bằng pha lê, những bộ bàn ghế, tủ kệ, ly tách, chén dĩa... cả trăm năm tuổi ở nơi này. Không chỉ có đồ cổ Âu châu, mà chúng ta cũng có thể bắt găp những món đồ có xuất xứ từ châu Á, châu Phi.
Đa phần đồ cổ ở Pháp được sưu tập và gìn giữ qua nhiều thế hệ, qua tay nhiều nhà sưu tầm. Và đến khi có buồi họp chợ gần nhà, người ta có thể mang đồ trong nhà của mình ra bày bán. Ngay cả khi không có gì để mua bán, người ta vẫn có thể mang cây đàn dương cầm ra tấu vài bản nhạc, mang giá bút ra vẽ, mang nghệ thuật đến với mọi người.

Người Pháp sành về ăn uống, chuộng cái đẹp cổ kính, thích mỹ thuật, và hơn hết họ biết giữ gìn vốn văn hoá truyền thống của mình. Vì thế mà chính phủ không ngăn cấm việc buôn bán ngoài trời, ngược lại còn tổ chức bài bản, phân luồng giao thông để người dân đi chợ trời thuận lợi hơn. Nhiều nơi còn được miễn giảm thuế, có lưc lượng bảo vệ an ninh. Có cả những tạp chí, sách báo chuyên viết về thú vui đi chợ trời. Vì thế chợ trời ở Pháp ngày càng phát triển, mở rộng cả về không gian lẫn thời gian, tần suất họp chợ.
Có thể nói không ngoa rằng chợ trời là một nét văn hoá cực kỳ sinh động của Paris nói riêng và cả nước Pháp nói chung. Đối với tôi, nước Pháp tôi yêu chính là không gian văn hóa hội tụ ở những phiên chợ trời.
Nguyễn Đỗ Như Anh
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten