zaterdag 15 juni 2013

Bình Ðịnh, vùng đất võ

Bình Ðịnh, vùng đất võ Friday, June 14, 2013 7:51:47 PM






 
Nam Sơn Trần Văn Chi/Người Việt
Ai về Bình Ðịnh mà coi
Con gái Bình Ðịnh đi roi, đi quyền
(Ca dao)
Bình Ðịnh là tỉnh thuộc duyên hải miền Trung Việt Nam. Hình thể trải dài 110 km theo hướng Bắc-Nam. Bình Ðịnh là một trong những cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Lào.

Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố cảng Qui Nhơn nằm cách thủ đô Hà Nội 1,065 km về phía Bắc và cách Sài Gòn 649 km về phía Nam. Bình Ðịnh có diện tích tự nhiên 6,039 km2, thống kê năm 2005, toàn tỉnh có 1,600,400 người.

Bảo tàng và đền thờ vua Quang Trung ở Bình Ðịnh. (Hình: binhdinh.gov.vn)

Từ năm 1773 đến 1797, nhà Tây Sơn chiếm cứ đất này.

Sau khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Ánh đã chiếm được thành Qui Nhơn; vào thành, phủ dụ dân chúng rồi đổi tên Qui Nhơn ra Bình Ðịnh sai Võ Tánh và Ngô Tùng Châu trấn thủ.

Sự đổi tên này mang một ý nghĩa vì là thành này đã bị quân loạn tặc Tây Sơn chiếm cứ và nay chúa Nguyễn đã “bình định” được.

Bình Ðịnh xưa và nay
Ðất Bình Ðịnh ngày xưa thuộc Chiêm Thành.

Kể từ khi Nguyễn Hoàng được vào trấn thủ đất Thuận Hóa thì Chiêm Thành trở thành lãnh thổ Việt Nam.

Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Qui Nhơn thuộc dinh Quảng Nam.

Năm 1651, chúa Nguyễn Phúc Tần, đã đổi tên phủ Qui Nhơn thành phủ Quy Ninh.

Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lấy lại tên cũ là Qui Nhơn.

Từ 1773 đến 1797, nhà Tây Sơn chiếm cứ đất này.

Sau khi lấy lại thành Qui Nhơn, Nguyễn Ánh đổi tên đất này là dinh Bình Ðịnh.

Năm 1890, Pháp sát nhập thêm Phú Yên vào tỉnh Bình Ðịnh thành tỉnh Bình Phú, tỉnh lỵ là Quy Nhơn. Nhưng đến năm 1899, Phú Yên tách ra khỏi Bình Phú.

Năm 1913, Pháp lại sát nhập Phú Yên vào Bình Ðịnh thành tỉnh Bình Phú và thành lập tỉnh Kontum làm tỉnh riêng; địa bàn tỉnh Kontum bao gồm Ðại lý Kontum tách từ tỉnh Bình Ðịnh.

Năm 1921, Pháp cắt tỉnh Phú Yên ra khỏi tỉnh Bình Ðịnh và kéo dài cho đến năm 1945.

Thời Việt Nam Cộng Hòa tỉnh Bình Ðịnh có 11 quận, 1 thị xã, trong đó có 4 quận miền núi.

Tháng 2 năm 1976, hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Ðịnh hợp nhất thành tỉnh Nghĩa Bình.

Năm 1989, Bình Ðịnh tách ra từ tỉnh Nghĩa Bình để tái lập lại tỉnh và kéo dài như vậy cho đến nay.
Hát Bội Bình Ðịnh
Bình Ðịnh là nơi có nghệ thuật hát bội/ tuồng rất phát triển gắn liền với tên tuổi của Ðào Duy Từ.

Tuồng còn gọi là “hát bội” hay hát bộ sở dĩ nó có tên gọi như thế là vì ngoài việc hát thì yếu tố chánh là điệu bộ của các đào kép.

Trước kia khi hát bội còn thịnh hành thì Bình Ðịnh có nhiều đoàn hát nhưng những năm gần đây nhiều đoàn dần giải tán, bộ môn văn hóa nghệ thuật dân tộc này có nguy cơ thất truyền.
Bình Ðịnh vùng đất võ
Bình Ðịnh đất thơ, đất tuồng, đất võ.

Gương mặt cô gái Bình Ðịnh bí ẩn chập chờn sau đường roi xé gió đã trở thành lời mời gọi lạ lùng, quấn quýt bao trái tim người.

Võ thuật Bình Ðịnh là sự đa dạng, khác biệt trong kỹ thuật giữa các hệ phái mang tên Bình Ðịnh.

Võ Bình Ðịnh thể hiện rõ tính liên hoàn, tinh tế, uyên thâm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương và nhu, giữa công và thủ, giữa mạnh và yếu, giữa bên trong (tinh, khí, thần) với bên ngoài cơ thể (thủ, nhãn, chỉ và thân).

-Về khía cạnh đạo đức, ngoài những đức tính mà con người đề cao trong rèn luyện đạo đức là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, đạo đức của người luyện võ.

-Về nội dung, võ cổ truyền Bình Ðịnh vô cùng phong phú, đa dạng nhưng tựu trung có 4 nội dung cơ bản là: luyện công, quyền thuật, võ với binh khí, luyện tinh thần.

Nhạc võ Tây Sơn
Nhạc võ Tây Sơn là một nét văn hóa độc đáo của vùng đất Bình Ðịnh xuất phát từ phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ 18. Ðây là loại võ nhạc nhằm kích thích sĩ khí của ba quân trong luyện tập cũng như trong chiến đấu.

Theo truyền thuyết thì tiếng võ nhạc Tây Sơn cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng oanh liệt của vua Quang Trung trong cuộc chiến chống ngoại xâm phương Bắc.

Nhạc võ Tây Sơn gồm một bộ 12 cái trống tượng trưng cho 12 con giáp. Bộ trống được dựng thành dàn, theo thứ tự ba hàng từ lớn đến bé. Người cử trống đánh cả 2 tay và cùi chỏ, cùng hai dùi trống (gọi là roi).
Ðặc sản Bình Ðịnh
Bình Ðịnh có rất nhiều món ăn ngon: Tré, nem và rượu bầu đá uống nửa chén đã say.

Có người nói, nếu đã một lần lỡ thưởng thức các món ngon của đất võ, bạn sẽ nhớ mãi.
Tré Bình Ðịnh
Tré là món ăn phổ biến ở nhiều tỉnh miền Trung. Mỗi địa phương có cách làm riêng, Tré Bình Ðịnh được du khách gần xa nhớ tới bởi cái vị chua chua, ngọt ngọt, thơm dịu.

Tré Bình Ðịnh chủ yếu được làm từ thịt tai heo, thịt đầu heo, thịt ba chỉ cùng với gia vị đăng trưng: Vừng (mè), thính (gạo, thính bánh tráng giã nhỏ), riềng, ớt hiểm (cực cay), lá ổi non để cuốn bên ngoài, tỏi...
Rượu Bầu Ðá
Rượu Bầu Ðá (RBÐ) là đặc sản của quê hương Bình Ðịnh, có xuất xứ từ thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc (An Nhơn). Nấu rượu là nghề truyền thống của người dân nơi đây. Tương truyền từ ngày xưa, khi Bình Ðịnh còn là kinh đô của Chiêm Thành, RBÐ là thức uống chỉ được dùng để tiến cống lên vua Chế Mân, và nguồn nước dùng để nấu rượu cũng chỉ duy nhất lấy từ một bầu đá trong vùng. Không dùng loại nước này, RBÐ sẽ bị thay đổi mùi vị và màu sắc, mất đi cái đặc trưng cần có của rượu.

Ðưa rượu lên rót, tiếng rượu thánh thót trong veo, hơi rượu thơm nồng dịu, nước rượu trong như pha lê. Rượu rót ra chén sủi tăm, ngát hương, uống vào cho cảm giác lâng lâng, bay bổng. Chính nhờ những đặc trưng này mà danh tiếng của RBÐ vang xa, RBÐ đã có mặt khắp nơi trong cả nước và được người tiêu dùng chấp nhận.

***
Theo Quách Tấn, người Bình Ðịnh phần đông tính tình chất phác, đôn hậu, chuộng khí tiết, trọng nhân nghĩa.
Người Bình Ðịnh có những đức tính rất tốt và quý như cương trực, chân thành, can đảm, cương quyết; biết nhẫn nhục, chịu đựng; hiếu khách, khách đến nhà càng lâu càng quý, không gà thì vịt đem ra đãi khách. Những tính tốt có thể kể đến nữa là tri ân, đã mang ơn thì luôn luôn lo trả ơn, trả được rồi còn nhớ mãi và tính hiếu nghĩa, thấy việc nghĩa là làm, nghe điều nghĩa là theo.



Sách mới phát hành

Tuyển tập biên khảo

Phong Tục-Văn Hóa

Trần Văn Chi

Xin hỏi nhà sách hoặc liên lạc:
tranvannamson@gmail.com

Ðiện thoại: 714-702-4048

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=167904&zoneid=430#.UbzcUPnCTL8
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten