woensdag 5 juni 2013

81 ngày giam giữ của Ngải Vị Vị tại Triển lãm Venise

Thứ bảy 01 Tháng Sáu 2013

81 ngày giam giữ của Ngải Vị Vị tại Triển lãm Venise

Ngải Vị Vị tái tạo cảnh giam cầm trong cuộc triển lãm tại Venise (REUTERS)
Ngải Vị Vị tái tạo cảnh giam cầm trong cuộc triển lãm tại Venise (REUTERS)

Trọng Thành
Ngày 30/05/2013, nghệ sĩ ly khai Trung Quốc Ngải Vị Vị trở lại Châu Âu với loạt tác phẩm mới, được trưng bày tại triển lãm nghệ thuật Biennale Venise lần thứ 55 với chủ đề trung tâm « Đồng tiền vua, những thảm kịch và sự hủy diệt ». Bản thânNgải Vị Vị không sang được Ý, vì hộ chiếu bị nhà cầm quyền tịch thu, nhưng một lần nữa môn nghệ thuật sắp đặt - lấy mình làm trung tâm gây khuấy đảo của ông - lại đưa công chúng đến với một giai đoạn rất kịch tích trong cuộc đời người nghệ sĩ : 81 ngày bị giam giữ trong một nhà tù bí mật ở Bắc Kinh.


Khách xem triển lãm bước vào nhà thờ Saint-Antonin tao nhã của thành phố Venise ắt hẳn sẽ ngạc nhiên khi thấy sáu hộp sắt gỉ lớn, có chiều cao một mét rưỡi, dài ba mét rưỡi. Đưa mắt nhìn qua các khe nhỏ, người xem có thể thấy bên trong những hộp kim loại đó những cảnh tượng tái hiện như thực các hoạt động chủ yếu của tù nhân đặc biệt Ngải Vị Vị trong gần ba tháng bị giam cầm hồi giữa năm 2011, đúng vào thời điểm tại Trung Quốc bắt đầu lan tỏa những lời kêu gọi cách mạng mang hương vị Hoa nhài.
Trưng bày tác phẩm của Ngải Vị Vị tại nhà thờ thánh Antonin mang tên S.A.C.R.E.D. Đây là sáu chữ đầu tượng trưng cho sáu hoạt động tiêu biểu trong thời gian Ngải Vị Vị bị biệt giam : Supper (Ăn), Accusers (Thẩm vấn), Cleansing (Tắm), Ritual (Đi bộ), Entropy (Ngủ) và Doublt (Đi vệ sinh).
Những cảnh tượng nói trên chắc chắn là một điều quá đỗi bình thường đối với nhiều người, nếu như không có sự hiện diện thường xuyên của hai người lính gác, không rời mắt khỏi người tù nổi tiếng một giây nào, kể cả khi ông ta làm những việc thầm kín nhất.
Theo người tổ chức cuộc trưng bày, 81 ngày bị giam cầm trong những điều kiện hết sức đặc biệt kể trên « đã gây những tổn thương sâu xa đối với Ngải Vị Vị, và ông ấy thấy cần phải tống ra ngoài hết thảy những thứ đó ». Cuộc trưng bày kể trên, như vậy, là « một cuộc tìm lại bản sắc của một con người ».
Ngải Vị Vị ra album nhạc rock đầu tiên
Song song với tác phẩm vừa ra mắt tại Venise về câu chuyện 81 ngày trong nhà tù bí mật, Ngải Vị Vị còn dấn thân vào một thể loại nghệ thuật mới : nhạc rock. Ngày 22/05 vừa qua, clip nhạc mang tên « Hài kịch Thần thánh » (lấy lại tên trường ca nổi tiếng về địa ngục của đại thi hào Ý Dante), với bài hát mở đầu mang tựa đề « Dumbass » (Kẻ xuẩn ngốc), đưa cư dân mạng đến gần hơn với những gì ông trải nghiệm trong 81 ngày đó.
Video clip dựng lại những cảnh y như thực trong thời gian ông bị giam giữ, với cảnh tượng đầu tiên là hình ảnh người tù đầu chùm kín trong một chiếc túi có chữ « nghi phạm ».
Ngải Vị Vị kể lại : hai người lính gác liên tục có mặt sát cạnh ông với khoảng cách chưa đầy 80 centimet, mỗi khi ông tắm, chắc họ phải hết sức khó chịu, nhưng đây có lẽ là thời điểm duy nhất mà họ được thư giãn, vì không bị camera ghi hình.













Ở một khoảng cách hết sức gần trong một thời gian liên tục như vậy, trong quan hệ giữa người tù và các lính gác diễn ra những điều kỳ lạ. Ngải Vị Vị hiểu rằng, đối với những lính gác, âm nhạc là phương tiện duy nhất để giúp họ vượt qua khoảng thời gian lê thê nhàm chán.
Câu nói đầu tiên của họ với ông là để đề nghị ông hát cho nghe và họ thường xuyên bí mật yêu cầu ông điều này. Vào lúc đó, Ngải Vị Vị không hề muốn hát, và ông cũng nhận ra rằng, cho đến giờ những bài hát duy nhất mà ông thuộc là « các bài hát cách mạng », « những bài hát đỏ » ông và rất nhiều người thế hệ ông đã từng hát thời trẻ. Và như vậy, Ngải Vị Vị nhận ra rằng sáng tác ca khúc, đối với ông, chính là một cách thức để phá vỡ tình trạng mà ông vừa ý thức được trong thời gian bị giam giữ.
Nhà nghệ sĩ ly khai tâm sự, ông đã nghĩ ngay sẽ làm album này sau khi được trả tự do, nhưng ông trở nên trễ nải, vì thiếu tự tin. Chính nghệ sĩ rock Zuoxiao Zuzhou (Tả Tiểu Tổ Chú) đã thúc đẩy ông hoàn thành clip « Hài kịch Thần thánh ». Ngải Vị Vị đã sáng tác lời của 9 bài hát trong vòng một tuần, còn âm nhạc do Tả Tiểu Tổ Chú thực hiện.
Chương trình ghi hình và ghi âm được tiến hành trong 10 tiếng đồng hồ trong một studio rất tồi tàn nằm dưới hầm, không khí không đủ để thở. Nhưng chất lượng của clip không phải là điều Ngải Vị Vị quan tâm hàng đầu, điều chủ yếu ông muốn là tác phẩm của mình truyền đi một sự thật và buộc họ - tức những người phụ trách ngành an ninh Trung Quốc - phải hiểu rằng Ngải Vị Vị vẫn tồn tại.
Thế giới 81 ngày tù của Ngải Vị Vị qua clip vừa hết sức hiện thực, lại đầy tưởng tượng. Những sinh vật không thể thiếu trong clip là con lạc đà không bướu vùng núi Nam Mỹ lai với loài dê thảo nguyên Mông Cổ (« Caonima » – phát âm nghe như một tiếng chửi) và những con cua (« Hexia » phát âm giống chữ « Hài hòa »/học thuyết hài hòa chính thống) – các chơi chữ nhạo báng nhằm vào chế độ độc đảng tại Trung Quốc.
Thực ra clip kể trên không phải là cuộc lấn sân đầu tiên của Ngải Vị Vị sang lãnh địa âm nhạc. Cuối năm ngoái, vào lúc phong trào Gangnam Style tràn đi khắp thế giới, Ngải Vị Vị đã tự tạo ra một phiên bản tiếng Trung và nhảy Gangnam với động tác hất tung chiếc còng số tám.

DR


Lời hát Gangnam của Ngải Vị Vị, chuyển sang tiếng Trung thành « Caonima ! », trở thành một đòn vỗ mặt nhắm vào giới cầm quyền. Clip về điệu Gangnam này ngay sau đó đã bị ngăn chặn trên các mạng tại Trung Quốc. Còn lần này thì chính Ngải Vị Vị trở thành người sáng tác.
Trong clip về 81 ngày ở tù của nhà nghệ sĩ ly khai có cả các mỹ nữ… Những người lính gác hỏi ông : Phụ nữ phương Tây như thế nào ?... Đây là những giây phút đầu tiên ông cảm thấy hơi thở con người hiện hữu trong phòng giam. Những người lính gác chia sẻ với ông về các mong muốn riêng tư, về cuộc sống của họ ...
Ngải Vị Vị hình dung ra cuộc sống của những người lính rất trẻ, 19-20 tuổi, sống tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, chỉ làm mỗi nhiệm vụ là canh chừng ông. Ba năm liền họ phải sống khép kín trong khu nhà tù, để rồi sau đó, khi hết nghĩa vụ trở lại ngôi làng nhỏ bé xa xôi nào đó của họ, họ sẽ không hiểu thế nào là Bắc Kinh …
« Ai Weiwei Never Sorry »
Vào năm ngoái, trong thời gian Ngải Vị Vị bị chính quyền Trung Quốc hành lên hạ xuống trong vụ án quy tội công ty của vợ ông trốn thuế, một bộ phim tài liệu về cuộc đời nghệ sĩ ly khai đã được thực hiện. Bộ phim « Ai Weiwei : Never Sorry / Ngải Vị Vị không bao giờ xin lỗi », của nữ nhà báo Mỹ Alison Klaymen, cho thấy hành trình đấu tranh vì quyền con người và dân chủ của nhà nghệ sĩ đa tài, đặc biệt bắt đầu với sự dấn thân của ông trong việc phơi bày những sự thực về thiệt hại của thảm họa động đất tại Tứ Xuyên năm 2008, mà chính quyền cố sức che giấu.
Trong vòng một năm, với sự hỗ trợ của một nhóm nhỏ cộng tác viên, ông đã lập được danh sách của những người thiệt mạng. Để tưởng nhớ các nạn nhân của thảm họa, Ngải Vị Vị đã sáng tác « Remembering », một tác phẩm sắp đặt đầy ấn tượng, với 9.000 chiếc cặp sách học sinh với đủ sắc màu được trưng bày tại Nhà nghệ thuật Munich (Đức). Vào thời điểm đó, nhà nghệ sĩ phản kháng đã phải trả giá cho cuộc truy tìm sự thực : ông bị một công an đánh trọng thương.
Bộ phim tài liệu « Ai Weiwei, Never Sorry », theo một số bình luận, không chỉ truyền lại những gì hết sức hấp dẫn, sống động trong cuộc đời nhà nghệ sĩ tài ba chọn thái độ đương đầu trực diện, khiêu khích toàn bộ hệ thống quyền lực để khẳng định quyền tự do sáng tạo, tự do ngôn luận, bộ phim còn phác họa được cả phần bóng tối trong con người ông, nhiều nghịch lý trong ông, đặc biệt là quan hệ nhiều khi mang tính nước đôi của ông với chính quyền.
Trở lại với clip Hài kịch Thần thánh, cũng phải nói rõ là, trong thời gian 81 ngày bị cầm tù, Ngải Vị Vị không bị tra tấn hay hành hạ thể xác. Trả lời phỏng vấn của AFP, tác giả clip Hài kịch Thần thánh ghi nhận rằng « còn có bao nhiêu tù nhân chính trị tại Trung Quốc bị giam giữ trong những điều kiện tồi tệ hơn ông ».
Dù sao, với album âm nhạc đầu tiên về các trải nghiệm đặc biệt trong một nhà tù đen ở Bắc Kinh, nhà nghệ sĩ sắp đặt, nổi tiếng với các tác phẩm khiêu khích và khuấy đảo, một lần nữa lại hướng ngón tay bỉ báng nhằm thẳng vào các đại diện của chế độ toàn trị.
Các tin bài liên quan
Ngải Vị Vị công bố điều tra về cái chết đáng ngờ của một trưởng thôn
Elton John vinh danh nhà ly khai Ngải Vị Vị ngay tại Bắc Kinh
Nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị vẫn bị truy thu khoản thuế khổng lồ
Bắc Kinh bị mất mặt trong vụ đòi truy thu thuế Ngải Vị Vị
Chính quyền Bắc Kinh buộc Ngải Vị Vị phải gỡ bỏ webcam
Ngải Vị Vị đặt webcam trong phòng ngủ công khai sinh hoạt cá nhân
"Ngải Vị Vị : Entrelacs" - Triển lãm đầu tiên của nghệ sĩ ly khai Trung Quốc tại Pháp
Pháp triển lãm ảnh của nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị
Ngải Vị Vị : 81 ngày bị giam, 50 lần bị thẩm vấn
Ngải Vị Vị cứng đầu : Bắc Kinh nhức óc
Dân Trung Quốc đi ngàn dặm đến tặng tiền cho Ngải Vị Vị
Ngải Vị Vị tố cáo chính phủ Trung Quốc coi thường đạo lý

http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20130601-81-ngay-giam-giu-cua-ngai-vi-vi-tai-trien-lam-venise

Thứ ba 21 Tháng Hai 2012

"Ngải Vị Vị : Entrelacs" - Triển lãm đầu tiên của nghệ sĩ ly khai Trung Quốc tại Pháp

Nghệ sĩ Ngải Vị Vị tại xưởng nghệ thuật ở Thượng Hải, sau khi bị phá hủy đầu năm 2011.
Nghệ sĩ Ngải Vị Vị tại xưởng nghệ thuật ở Thượng Hải, sau khi bị phá hủy đầu năm 2011.
DR

Trọng Thành
Từ nay cho đến ngày 29/04/2012, Bảo tàng nghệ thuật Jeu de Paume (Paris) trưng bày các tác phẩm của nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị. Đây là lần đầu tiên mà các tác phẩm của nhà nghệ sĩ ly khai nổi tiếng này ra mắt công chúng tại thủ đô nước Pháp. “Ngải Vị Vị : Entrelacs”, tên gọi chính thức của cuộc triển lãm, gợi lên nhân cách đa dạng và phức tạp của người nghệ sĩ và những liên hệ không ngừng của ông với xã hội.


Cùng với triển lãm tại Berlin (Bảo tàng nghệ thuật Martin-Groupius-Bau) (tiếp tục cho đến ngày 18/03/2012), cuộc trưng bày tại Bảo tàng Jeu de Paume (Paris) cho người xem đến với cuộc đời nghệ thuật của Ngải Vị Vị, bắt đầu từ những năm 1980 ở New York, nơi ông đã sống qua hơn mười năm. Chính ở đây, ông đã quyết định chọn chụp ảnh làm một hoạt động nghệ thuật chính của mình. Trong vòng một thập kỷ này, Ngải Vị Vị đã chụp tới hơn 10.000 tấm hình.
Năm 1993, trở lại Trung Quốc, Ngải Vị Vị tiếp tục chụp ảnh. Ông đã dùng ảnh để ghi lại toàn bộ cuộc sống hàng ngày của mình. Theo đánh giá của một số nhà chuyên môn, ảnh là một phần hấp dẫn nhất trong cuộc triển lãm. Rất nhiều hình ảnh được trưng bày đến từ trang blog của ông, được lập ra vào năm 2005, với sự khuyến khích của chính quyền, nhưng sau đó đã bị buộc phải đóng cửa vào năm 2009, sau biến cố Tứ Xuyên.
Các tác phẩm nghệ thuật của Ngải Vị Vị cho thấy một tinh thần phản kháng chống lại mọi sự áp đặt của giới cầm quyền đối với quyền tự do sáng tạo và sự dấn thân của một công dân có trách nhiệm với đất nước mình.
Năm 1994, ông chụp hình người vợ chưa cưới tốc váy để lộ quần lót ngay chính trên quảng trường Thiên An Môn, nơi hàng năm vào dịp ngày 4/6, cùng với nhiều người đồng chí hướng, ông đến đây để âm thầm tưởng niệm các sinh viên đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh vì dân chủ Mùa Xuân năm 1989. Đằng sau hình tượng người phụ nữ tốc váy là bức hình Mao và đội lính gác.
Một năm tiếp theo, cũng trên quảng trường Thiên An Môn, Ngải Vị Vị đã thực hiện bức ảnh đầu tiên trong loạt ảnh nổi tiếng “nghiên cứu viễn cận”, trong đó ông giơ thẳng ngón tay trỏ - ngón tay “tục tĩu” - trong tư thế của một họa sĩ đang đo lường cảnh quan, ngón tay hướng thẳng vào bức ảnh Mao Trạch Đông. Trong bộ ảnh này, có cả hình họa sĩ giơ ngón tay hướng về tháp Eiffel. Loạt ảnh nghiên cứu viễn cận mời gọi người xem, xét lại chính sự kính nể của bản thân mình trước bất cứ thứ uy quyền nào.
Trong gian đầu của Bảo tàng, người xem có thể ngắm loạt các bức ảnh nằm trong nhóm đề tài “Provisional landscapes” (Cảnh quan tạm) được thực hiện trong những năm 2002-2008. Đây là các bức ảnh ghi lại quá trình phá hủy nhà cửa ở các vùng nông thôn truyền thống, tình trạng xây dựng bừa bãi ... Các hình ảnh được Ngải Vị Vị ghi lại cho thấy những thay đổi đang diễn ra tại Trung Quốc, một đất nước mà chính quyền không lưỡng lự hủy hoại các di sản quý giá để đầu tư cho một sự phát triển không định hướng, không có tương lai.
Sau khi được mời thiết kế sân vận động Bắc Kinh vào dịp Olympic năm 2008, nổi tiếng với tên gọi “tổ chim”, Ngải Vị Vị đã lên án chính quyền sử dụng ngày hội thể thao toàn cầu này làm công cụ tuyên truyền.
Xung đột với chính quyền lên đến đỉnh điểm vào thời điểm động đất tại Tứ Xuyên tháng 5/2008, khi người nghệ sĩ ly khai quyết định trực tiếp đến nơi xảy ra thảm họa, chụp ảnh và tìm cách công bố danh tính của các nạn nhân, nhằm lên án thái độ vô trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc trong thảm họa này. Hoạt động xã hội của Ngải Vị Vị khiến trang blog của ông bị đóng cửa, bản thân ông bị đánh chấn thương sọ não, nhưng Ngải Vị Vị vẫn tiếp tục gửi đi các tác phẩm của mình qua mạng twitter. Các bức ảnh qua twitter cũng đến với công chúng qua triển lãm tại Bảo tàng Jeu de Paume.
Vừa là nhà kiến trúc, điêu khắc, nhiếp ảnh gia, người làm nghệ thuật sắp đặt, người dùng blog và twitter, tác phẩm của Ngải Vị Vị liên tục chuyển đến công chúng các thông điệp về những vấn đề trầm kha của xã hội Trung Quốc, sự thối nát của hệ thống quyền lực độc đoán. Là một con người sáng tạo, Ngải Vị Vị thổ lộ : Ông không thích sử dụng từ này để nói về nghệ thuật. Các từ ngữ mà ông ưa thích là : “tưởng tượng phóng túng”, “ngờ vực”, “phát hiện”, “lật đổ” hay “phê phán”...
Triển lãm của Ngãi Vị Vị tại Paris diễn ra đúng vào lúc ông đang bị quản chế tại Bắc Kinh, trong thời gian chờ ra tòa xét xử về tội "trốn thuế", tội danh mà chính quyền quy gán cho ông. Trước đó, nhà nghệ sĩ đã bị giam giữ 81 ngày trời trong những điều kiện hết sức hạ nhục và khắc nghiệt. Tuy nhiên, theo nhiều nhân chứng, Ngải Vị Vị vẫn luôn bình tĩnh, quả quyết và sẵn sàng đối mặt với các áp lực mới.
Các tin, bài liên quan
Pháp triển lãm ảnh của nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị
Ngải Vị Vị : 81 ngày bị giam, 50 lần bị thẩm vấn 
Ngải Vị Vị cứng đầu : Bắc Kinh nhức óc
Bắc Kinh bị mất mặt trong vụ đòi truy thu thuế Ngải Vị Vị
Ngải Vị Vị tố cáo chính phủ Trung Quốc coi thường đạo lý

http://www.viet.rfi.fr/node/67867

Thứ tư 09 Tháng Mười Một 2011

Ngải Vị Vị cứng đầu : Bắc Kinh nhức óc

Nghệ sĩ Ngải Vị Vị tại Bắc Kinh. Ảnh chụp hồi tháng 10/2011 (Reuters)
Nghệ sĩ Ngải Vị Vị tại Bắc Kinh. Ảnh chụp hồi tháng 10/2011 (Reuters)

Mai Vân
Giới lãnh đạo Bắc Kinh hiện đang phải đau đầu với Ngải Vị Vị, người nghệ sĩ Trung Quốc tài ba nhưng nổi tiếng là hay nói thẳng. Để khóa miệng ông, chính quyền đã dùng biện pháp bắt giam, nhưng không mấy hiệu quả. Gần đây, họ dùng thủ đoạn tài chánh, truy thuế cực cao, và đòi trả thật nhanh. Âm mưu này cũng có nguy cơ thất bại vì nghệ sĩ đang được dân chúng hết lòng ủng hộ.


Báo giới Pháp ngày 09/11/2011, từ Le Figaro đến Libération, đã theo dõi diễn biến tình hình một cách lý thú, nhất là trước cảnh hàng chục ngàn người ồ ạt bỏ tiền ra giúp ông Ngải Vị Vị trả thuế. Phải nói là chính quyền Trung Quốc đã giam giữ ông Ngải Vị Vị trong hai tháng trời (từ tháng Tư đến tháng Sáu). Hành động này đã làm dấy lên là sóng phản đối ở ngoài nước, buộc chính quyền phải thả ông ra.
Không chịu thua, chế độ đã sử dụng một biện pháp tài chính "chính đáng" để đánh gục ông : Truy thuế thật cao - 15 triệu yuan (1, 7 triệu euro) – và phải trả trước ngày 15/11. Thế nhưng chính quyền không ngờ là họ lại phải đứng trước một tình huống khó xử : người Trung Quốc ồ ạt quyên góp giúp người nghệ sĩ cứng đầu này trả thuế.
Le Figaro trong hàng tựa ở bài báo trang quốc tế ghi nhận : « Hàng ngàn người Trung Quốc đã góp tiền giúp Ngải Vị Vị » và nhìn thấy là ông đang trở thành mối nhức óc khó xử đối với Bắc Kinh. Việc hàng ngàn người động viên nhau để giúp Ngải Vị Vị là một thất bại mới trên mặt hình ảnh đối với chính quyền, bị gậy ông đập lưng ông.
Le Figaro nhắc lại chỉ trong 4 ngày, hơn 20.000 người đã đóng góp khoảng 6 triệu yuan. Mỗi sáng, ông Ngải Vị Vị đều thấy tiền rải rác trên sân của nhà của ông, bọc quanh trái cây, hay xếp thành hình máy bay. Tiền cũng được chuyển qua bưu điện, qua internet. Chính quyền Bắc Kinh không ngờ là có một phản ứng như thế từ phía người dân.
Không chỉ góp tiền, nhưng người góp tiền cũng kèm theo những bình luận khó chịu đối với chính quyền. Một người cho biết đã cho 289,64 yuan, con số nhắc đến cuộc đàn áp phong trào dân chủ Thiên An Môn 4/6/1989.
Libération chạy tựa : « Thất bại của chính quyền vang dội » cho bài phỏng vấn dài mà ông Ngải Vị Vị dành cho thông tín viên của tờ báo tại Bắc Kinh Philippe Grangereau thực hiện.
Trong phần mở đầu, Liberation giải thích là đối với người Trung Quốc bây giờ, nghệ sĩ Ngải vị Vị là người đấu tranh cho tự do của họ. Ông đã không ngừng lên tiếng chỉ trích chính quyền Trung Quốc vi phạm quyền người dân. Tờ báo trích lời một đạo diễn, cùng với một chục người khác đến tận nơi hôm qua trao tiền giúp ông Ngải Vị Vị trả thuế. Đạo diễn này giải thích : « Tại vì Trung Quốc không có bầu cử tự do cho nên đối với tôi, đây là cách để nêu thái độ bất bình của tôi trước đường lối độc đoán của chính quyền ».
Bên cạnh nhà đạo diễn, có một doanh nhân mang đến 3 xấp tiền dầy, cũng giải thích : « Phong trào dân chủ đã bắt đầu với bức tường dân chủ năm 1979 và đấu tranh không ngơi nghỉ từ thời đó. Những gì chúng tôi không đạt được với phong trào Thiên An Môn 1989, chúng tôi tiếp tục đeo đuổi bây giờ ».
Trả lời câu hỏi Libération, ông Ngải Vị Vị cho biết phần đông những người gởi tiền cho ông là thanh niên, họ thường sử dụng Internet và biết ông, họ nói với ông ‘’chúng tôi ủng hộ ông’’, và họ biết là sẽ lấy lại được tiền của họ một khi ‘’chúng tôi đưọc sống trong tự do’’.Họ cũng nói với ông là ‘’họ biết những gì ông làm và giúp đỡ ông không khác gì tự giúp mình’’.
Ông Ngải Vị Vị cho biết ông còn rất phân vân là có trả thuế bị truy đòi hay không. Trả thuế truy đòi tức là ông thừa nhận có gian lận thuế, tức là phạm pháp nhưng không trả thì có thể bị kết án 7 năm tù. Ông chưa biết sẽ quyết định ra sao.
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đang gây tranh luận
Cũng nhìn về Trung Quốc, Le Monde nêu bật ví dụ về một nhân vật khác cũng đang làm cho Bắc Kinh khó chiụ, và gây ra tranh cãi, nhưng giữa một số cư dân mạng và báo giới. Tờ báo giới thiệu trong hàng tựa : « Người Mỹ, đại sứ và anh hùng của người dân Trung Quốc ». Ai cũng đoán được rằng nhân vật này không ai khác hơn là ông Gary Locke, đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh.
Thông tín viên Le Monde tại thủ đô Trung Quốc mở đầu bài viết với hình ảnh ông Gary Locke, mặc một chiếc sơ mi, tay áo xắn lên, cắm nhang trước một ngôi mộ. Cảnh diễn ra ngày 04/11 vừa qua, gần một ngôi làng tỉnh Quảng Đông, gần thành phố Đài Sơn. Vây quanh ông Locke có khoảng 40 dân làng.
Theo Le Monde, với cử chỉ thắp nhang trước mộ tổ tiên trên đây, đại sứ Mỹ đã tô thêm một điểm son nơi gương mặt mới của nước Mỹ, gương mặt khá bất ngờ mà Gary Locke là đại diện ở Trung Quốc. Sự kiện này cũng làm cho chính quyền Bắc Kinh bất ngờ và bối rối, khó chiụ, trước cảm tình mà cư dân mạng dành cho ông vì bị quyến rũ trước thái độ đơn giản, bình dân của một nhân vật cấp cao như thế và lại là.. người Mỹ, đại diện cho Hoa Kỳ.
Ông Gary Locke đã trở nên một gưong mặt rất quen thuộc đối với nguời Trung Quốc, do nhiệm vụ của ông nhưng cũng đồng thời do gốc gác của ông. Nhưng theo Le Monde, chính là tư cách đơn giản của ông ở vị trí một đại sứ đã được cảm tình cư dân mạng Trung Quốc.
Trên các blog, họ đã chuyền nhau hình chụp lén ông Gary Locke ở sân bay Seattle vào tháng 8, ông đứng trước quầy cà phê Starbucks, một túi đeo lưng trên tay. Rồi ảnh chụp gia đình ông đến sân bay Bắc Kinh, từ vợ chồng, con cái, mỗi người tự kéo va li của mình, họ đi máy bay hạng thông thường.
Ông Gary Locke đã chinh phục được cảm tình, vì đó là điều rất nhạy cảm ở Trung Quốc, nơi cư dân mạng thường xuyên chế nhạo cảnh hách dịch của các quan chức Trung Quốc, mà theo họ, không thể tự tay xách chiếc ô hay chiếc cặp nhỏ của mình. Tháng 9 vừa qua, thì ông Locke và gia đình lại thu hút chú ý khi xếp hàng như mọi người để lên toa cáp treo xem Vạn Lý Trường Thành.
Thái độ này của Đại sứ Mỹ ngược lại, đã bị tờ báo Quang Minh chỉ trích. Theo tờ báo, tư cách người gốc Hoa của ông Locke dễ thu hút cảm tình người dân thường. Đối với tờ báo này, ai có thể khẳng định đấy không phải là ý đồ của Mỹ, sử dụng một người Trung Hoa để gây xáo trộn chính trị ở Trung Quốc. Tờ báo tố cáo Gary Locke mang nặng chủ nghiã thực dân mới của Mỹ.
Một cư dân mạng Trung Quốc đã trả lời : thực dân mới kiểu đó này thì đáng « mở rộng vòng tay đón chào ».
Lụt lội tại Thái Lan : Doanh nhân cố vớt vát những mất mát
Nhìn sang châu Á, Le Figaro theo dõi tình hinh lụt lội Thái Lan, nhưng chú ý đền thiệt hại của các công ty xí nghiệp, đặc biệt trong ngành điện tử. Thiệt hại tính đến hàng tỷ đô la.
Tác động rất lớn đối với thế giới. Tờ báo nêu lên con số 1000 công ty trong ngành điện tử và xe hơi bị đóng cửa, trong lúc 25% đĩa cứng trên thế giới được sản xuất tại Thái Lan. Nhìn chung có đến 20.000 nhà máy đóng cửa, di tản nguời ở 7 khu công nghiệp.
Thiệt hại to lớn như thế, cho nên giới sản xuất ra sức vớt vát được gì thì cứ làm. Le Figaro mô tả cảnh tại khu công nghiệp Ban Pa - in, từ công nhân đến lãnh đạo xí nghiệp đều ngụp lặn trong nước để cứu vớt sản phẩm của mình. Ca nô, thuyền bè tấp nập : những người lặn ngụp dưới cả mét nước chuyển cho người mang áo phao những sản phảm, linh kiện lấy ra được.
Le Figaro cũng tả cảnh một giám đốc người Pháp của một công ty vải sợi, từ một tuần nay, mỗi ngày chân quấn bao nylon, lội trong nước bùn, đi đến các nơi gia công để cứu hàng của mình. Ông tự lập bản đồ tỉ mỉ những nơí trọng yếu bị nước dâng lên.
Điều đáng ngại hiện nay trong thiên tại tại Thái Lan, là tình hình rối ren. Đến giờ không ai nói được lúc nào thì nước rút. Và ngược lại với Nhật Bản các tập đoan hiện nay ở Thái Lan không ước lượng được thời điểm hoạt động trở lại bình thường.
Bị chỉ trích trong cách xử lý, đối phó với nạn lụt, thời hậu thiên tai cũng sẽ là một thách thức lớn đối với chính chính quyền Bangkok. Theo Le Figaro, các tập đoàn nước ngoài sẽ không ồ ạt rời Thái Lan, nhung chắc chắn họ phải xét lại kế hoạch đặt cơ sở ở Thái Lan, để công việc sản xuất của họ không quá lệ thuộc vào cơ sở tại nước này.
Ý : Berlusconi bị thị trường tống khứ
Hồ sơ thời sự lớn thu hút báo giới Pháp hôm nay hiển nhiên là tình hình khủng hoảng tài chính vùng đồng euro, và thông báo từ chức của thủ tướng Ý Berlusconi. Les Echos nêu mối liên hệ giữa hai sự kiện ngay trong hàng tít trang nhất, và tóm lược nhận định chung : ‘‘Các thị trường đẩy Berlusconi ra cửa’’.
Nhắc lại thủ tướng Ý đã hứa ra đi sau khi những biện pháp khắc khổ được thông qua, Les Echos tiết lộ là số phận của thủ tướng Ý đã được an bài vào chiều qua, ngay sau kết quả bỏ phiếu ở Quốc hội. Tuy giành phần thắng nhưng thủ tưóng Ý đã mất đa số trong trong cuộc biểu quyết về bản kết toán tài chính ngân sách 2010, và đồng minh của ông là Liên Đoàn Phưong Bắc đã thẳng thừng yêu cầu ông nhường chỗ lại cho người khác.
Trong bài xã luận, tờ báo nhận thấy là việc ông Berlusconi từ chức là điều hợp lý. Bị mất đa số, lại bị đồng minh là chủ tịch Liên đoàn Phương Bắc, Umberto Bossi bỏ rơi thì ông Berlusconi quả là đã lâm vào tình thế khó chiụ nổi.
Les Echos cho là không phải lần đầu tiên mà chính trường Ý rơi vào sóng gió, nhưng trong tình cảnh khủng hoảng nợ hiện nay thì duy trì ông Berlusconi đứng đầu chính phủ là điều không thể đươc nữa. Ông đã không đưa ra được một kế hoạch khả dĩ để vực dậy tài chính nhà nước, lại dính đến đầy rẫy những vụ tai tiếng mất uy tín, ông Berlusconi đã trở nên yếu tố gây bất ổn định, hỗn loạn.
Tổng thống Ý đã thấy rõ điều này và đã đề nghị thủ tướng từ chức. Les Echos nêu bật nhũng con số đáng ngại : nợ công của Ý lên hơn 1.900 tỳ euro, 1200% GDP, lãi suất công trái của Ý lên mức không chiụ nổi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ủy ban Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đang đặt Ý trong vòng giám sát của họ. Khủng hoảng của Ý là khủng hoảng của cả Châu Âu, vì đây là nền kinh tế thứ 3 của Châu Âu.
Đối với Les Echos, rút kinh nghiệm thời kỳ Berlusconi, Ý phải có được một ê kíp lãnh đạo nghiêm túc, đó là điều khẩn cấp đối với Ý và cả đối với Châu Âu.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20111109-ngai-vi-vi-nguoi-nghe-si-trung-quoc-dang-lam-cho-bac-kinh-nhuc-dau

Geen opmerkingen:

Een reactie posten