donderdag 16 mei 2013

Việt Nam hưởng đất tô nhượng nhiều thứ hai ở Campuchia

Việt Nam hưởng đất tô nhượng nhiều thứ hai ở Campuchia

Quốc Việt, thông tín viên RFA, Campuchia
2013-05-12
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

000_Hkg8507310-305.jpg
Một phụ nữ Campuchia khu vực hồ Boeung Kak trong cuộc biểu tình chống thu hồi đất tại Phnom Penh vào ngày 22 tháng 4 năm 2013.
AFP photo



Vấn đề Chính phủ Campuchia cấp đất tô nhượng làm kinh tế cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn là đề tài nóng đem ra bàn luận tại Quốc hội.

Chặt cây, phá rừng...

Sau nhiều lần bị đảng đối lập cáo buộc chính phủ buông tay cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hưởng đất tô nhượng làm kinh tế với thời hạn 99 năm và phá hoại rừng hàng trăm ngàn hécta, hôm ngày 8/5, Chính phủ đã giải thích trước Quốc hội.
Chính phủ và Quốc hội Campuchia vừa cho biết kể từ năm 1996 đến nay, chính phủ thông qua Bộ Nông Lâm và Ngư nghiệp cấp đất tô nhượng làm kinh tế cho 117 công ty trong và ngoài nước, trên tổng diện tích 1,5 triệu ha.
Bộ trưởng Bộ Nông Lâm và Ngư nghiệp Chan Sarun giải thích trước Quốc hội sau khi dân biểu từ đảng đối lập Mou Sochua đặc vấn đề về lĩnh vực cấp đất tô nhượng làm kinh tế. Phía đối lập cho rằng tranh chấp đất đai xảy ra là do chính phủ cấp đất tô nhượng làm kinh tế cho 250 công ty, trên tổng diện tích 3 triệu ha. Hầu hết công ty hưởng được đất tô nhượng là công ty Việt Nam và chính công ty này đang khai thác gỗ ngoài phạm vi cho phép.
Trong khi đó, Bộ trưởng Chan Sarun cho biết người dân Campuchia có đất khoảng 3 triệu ha để làm ruộng mỗi năm. Việc cấp đất tô nhượng làm kinh tế không ảnh hưởng cho nông dân. Bên cạnh đó, ông bác bỏ cáo buộc vô căn cứ của phe đối lập.
Theo ông Chan Sarun, trong số 117 công ty hưởng đất tô nhượng làm kinh tế đã có 39 công ty Campuchia, tổng diện tích 593.000 ha; 31 công ty Việt Nam, tổng diện tích 231.000 ha; 25 công ty Trung Quốc, tổng diện tích 193.000 ha; 5 công ty Hàn Quốc, tổng diện tích 37.000 ha; 5 công ty Thái Lan, tổng diện tích 38.000 ha; 2 công ty Mỹ, tổng diện tích 19.000 ha; 3 công ty Ấn Độ, với tổng diện tích 17.000 ha; 3 công ty Malaysia, với tổng diện tích 23.000 ha; một công ty Australia hưởng được diện tích 8.977 ha; một công ty Thụy Điển và một công ty của Israel.
Ông Chan Sarun phát biểu: “Số liệu vừa thống kê cho thấy phát biểu của đảng đối lập có 250 công ty là số liệu vô căn cứ. Còn tranh chấp ở tỉnh Kampong Speu và một số tỉnh khác chúng tôi đã giải thích nhiều lần. Chính phủ có chính sách cấp đất tô nhượng làm kinh tế, chính phủ đã giám sát và kiểm tra cụ thể từng công ty. Ngành nông nghiệp đang góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế.”
Campuchia còn rất nhiều đất đai màu mỡ để phát triển nông nghiệp, trong đó có nhiều vùng rất phù hợp để trồng lúa và cao su. Mặt khác, có tới 85% người dân Campuchia làm nông nghiệp, nhưng chưa có mô hình tổ chức sản xuất như các công ty lớn. Do vậy, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại xứ này.
Năm 2012, kinh tế Campuchia đạt mức tăng trưởng khoảng 7,3%, trong đó nông nghiệp tiếp tục được xác định là lĩnh vực đóng góp rất lớn của cây cao su với sự tham gia của các Công ty Việt Nam, cụ thể là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Chính phủ Campuchia nhiều lần thừa nhận sự có mặt của các Công ty Việt Nam có tác động quan trọng đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt phát huy hiệu quả trong công cuộc giảm nghèo tại Campuchia.
Tuy nhiên, dân biểu Mou Sochua cho rằng chính các Công ty Việt Nam đang khai thác rừng bừa bãi, chiếm đất dân và vi phạm thủ tục pháp lý để hưởng đất tô nhượng làm kinh tế.
Cụ thể Công ty phát triển Cao su C.R.C.K ở tỉnh Kampong Thom đã bị người dân tuần tra bắt được nhiều quả tang. Ngoài ra, còn có trường hợp 3 Công ty cùng chung một ông Chủ được cấp đất tô nhượng để trồng cây cao su ở tỉnh Ratanakiri.
Công ty Hoàng Anh Andong Meas, Công ty Hoàng Anh Lumphat và Công ty Hoàng Anh Ouyadav là Công ty con của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Tập đoàn này hưởng được đất tô nhượng làm kinh tế trên tổng diện tích 30.000 ha, trái với luật pháp Campuchia quy định mỗi cá nhân hay Chủ Công ty được phép hưởng đất tô nhượng làm kinh không quá 10.000 ha.

Gây tranh chấp đất đai

P-3-250.jpg
Dân biểu Mou Sochua, đảng đối lập tại cuộc biểu tình đòi bầu cử tự do và công bằng hôm 24/4/2013. RFA photo/Quốc Việt

Dân biểu Mou Sochua: “Tôi yêu cầu Bộ trưởng và các cơ quan, ban ngành liên quan cùng đảng đối lập đến giải quyết xung đột ở tỉnh Ratanakiri. Chúng ta hãy cùng đến kiểm tra có bao nhiều mét khối gỗ bị Công ty Việt Nam khai thác và vận chuyển gỗ trái phép mỗi ngày.
Tôi vẫn cho rằng có khoảng 3 triệu ha đất tô nhượng làm kinh tế được cấp cho các Công ty nước ngoài. Phần lớn là Công ty từ Việt Nam. Những Công ty này đã và đang chặt cây hàng ngàn mét khối…”
Còn Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đồng Nai-Kratie, ông Ngô Toàn cho biết Công ty của ông được cấp đất trồng cây cao su với tổng diện tích là 6.200 ha. Bên cạnh việc hoàn thành kế hoạch trồng cây cao su, Công ty của ông và các Công ty khác thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao sau Việt Nam còn xây dựng những phúc lợi như nhà ở cho công nhân, trường học, bệnh xá, chùa chiền, hệ thống nước sạch và điện…
Trong sử dụng lao động, Công ty Cổ phần Cao su Đồng Nai-Kratie đã cố gắng đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động địa phương và tuân thủ luật lao động. Ông Toàn khẳng định không có trường hợp khai thác gỗ bừa bãi hoặc lấn đất của cộng đồng.
Ông Ngô Toàn cho biết: “Tạo công ăn, việc làm và cung cấp lương công nhân. Ngoài ra, công ty còn đóng góp, hỗ trợ cho địa phương, xây trường học, trạm y tế và đóng góp tiền…v.v.”
Lãnh đạo điều phối tổ chức nhân quyền ADHOC ông Chan Soveth cho biết kết quả điều tra của tổ chức ADHOC từ đầu năm 2011 đến cuối năm 2012 cho thấy chính phủ đã cấp đất tô nhượng làm kinh tế cho 225 công ty, với diện tích trên 2 triệu ha. Ông nói giải thích của Bộ trưởng Nông Lâm và Ngư nghiệp không sai nhưng Bộ trưởng Chan Sarun đã quên mất ngoài Bộ Nông Lâm và Ngư nghiệp, còn có Bộ Môi trường và Bộ Công nghiệp Mỏ và Năng lượng có quyền cấp đất cho các doanh nghiệp đầu tư.
Ông Chan Soveth phát biểu: “Có một số công ty tiến hành khảo sát, chặt gỗ khi chưa được đăng ký tại Bộ. Nếu tính cả đất trồng cao su, dự án khai thác mỏ, khoáng sản và khai thác rừng thì diện tích cấp cho các doanh nghiệp đầu tư lớn hơn nhiều so với con số Bộ đưa ra. Một số công ty đầu tư trong lĩnh vực mỏ, khoáng sản, đã bắt đầu khảo sát, chặt gỗ khi vừa nhận được thông báo của Bộ Nội các.”
Mặt khác, bài viết số ra ngày 6/12/2012 đăng trên trang mạng của Đài phát thanh và Truyền hình Cần Thơ cho biết tính đến cuối năm 2012 có 39 công ty Việt Nam đã trồng được 81.000 ha cao su tại Campuchia. Trong đó các công ty thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trồng được 70.000 ha, trên tổng diện tích đất tô nhượng và sang nhượng hơn 270.000 ha. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cam kết sẽ hoàn thành trồng 100 nghìn ha cao su tại Campuchia trong năm 2014, sớm 1 năm so với mục tiêu ban đầu được chính phủ hai nước thông qua.
Chính phủ cũng thu hồi đất tô nhượng làm kinh tế từ 34 Công ty trên tổng diện tích 268.696 ha do không triển khai theo thỏa thuận, vi phạm thủ tục hành chính, không thực hiện dự án, chặt rừng khu vực bảo tồn, không chăm sóc đất và sang nhượng, thăm dò tìm kiếm khoáng sản trái phép và lấn chiếm đất của dân.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten