donderdag 16 mei 2013

Trung Quốc : ô nhiễm không lối thoát

Thứ ba 14 Tháng Năm 2013

Trung Quốc : ô nhiễm không lối thoát

Ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc. Ảnh chụp 24/02/2013.
Ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc. Ảnh chụp 24/02/2013.
REUTERS/Stringer

Lê Vy
Biểu tình phản đối ô nhiễm, báo động kinh tế đang mắc nợ tại Trung Quốc, bầu cử tại Bulgari, đánh thuế lên các máy kết nối internet và hiện tượng tạo sơ yếu lý lịch giả tại Pháp là các đề tài xuất hiện trên các tờ báo Paris.


Nạn ô nhiễm tại Trung Quốc lâu nay vốn là một đề tài nóng bỏng và được báo chí quan tâm nhiều. Hôm nay, báo Libération có bài viết cho biết tại nhiều địa phương trên toàn quốc, người dân xuống đường biểu tình phản đối các dự án xây dựng công xưởng và các nhà máy lọc dầu. Sự phẫn nộ của dân chúng phần nào buộc chính quyền phải minh bạch hóa hơn các hồ sơ dự án.
Tờ báo nhắc lại một số vụ biểu tình trước đây tại Trung Quốc lên án nạn ô nhiễm như biểu tình phản đối dự án nhà máy lọc dầu ở Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) vào ngày 4/5 vừa qua. Cuộc biểu tình này đã quy tụ hàng nghìn người xuống đường. Họ yêu cầu chính phủ phải quan tâm hơn đến ý kiến người dân. Mới đây vào thứ sáu tuần trước, bất chấp lực lượng cảnh sát đông đảo, hàng trăm người tại Thượng Hải vẫn xuống đường biểu tình chống việc xây dựng một xưởng sản xuất pin lithium, nguồn gốc gây ô nhiễm cho cuộc sống tại đây.
Biểu tình phản đối nạn ô nhiễm môi trường do công nghiệp gây ra tại Trung Quốc diễn ra khắp nơi với những mức độ lớn nhỏ khác nhau. Đôi khi có tới 70 000 người tham gia  và thỉnh thoảng những cuộc tập hợp đó dẫn tới bạo động. Nếu chính phủ Trung Quốc cứ nhắm mắt làm ngơ trước các làn sóng biểu tình trên thì khủng hoảng về môi trường sẽ biến thành một vấn đề chính trị và xã hội vô cùng đau đầu cho giới chức trách Trung Quốc.
Theo thống kê, 70% sông hồ tại Trung Quốc và 90% mạch nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng thậm chí là không thể cho súc vật uống. Giới chuyên gia đánh giá tình trạng ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh còn đáng sợ hơn cả dịch bệnh hô hấp cấp tính nặng SARS.
Theo những người biểu tình, việc xây dựng các khu công nghiệp sẽ không gây tác hại đến môi trường và sức khỏe con người, nếu như nó tôn trọng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Đằng này, dường như chính quyền đang đồng lõa với các nhà công nghiệp trong các hồ sơ này, bởi hình phạt cho việc gây ô nhiễm rất nhẹ. Hầu như tòa án không bao giờ chấp thuận đơn kiện của nạn nhân nhắm vào một cơ sở gây ô nhiễm.
Theo một báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới, hằng năm, có 760 000 người Trung Quốc chết trước tuổi do ô nhiễm môi trường không khí, nước.
Trung Quốc : Lo ngại tăng trưởng quanh một nền kinh tế đang mắc nợ
Báo chí vẫn luôn ca tụng mức độ tăng trưởng kinh tế vũ bão của Trung Quốc, một siêu cường trong tương lai. Thế nhưng, báo Kinh tế Les Echos hôm nay đăng tin là ngày càng có nhiều nhà kinh tế học nhận thấy Trung Quốc đang tiêu một lượng tín dụng lớn để phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Nợ của Trung Quốc cao hơn hẳn các quốc gia đang trỗi dậy khác.
Les Echos báo động nền kinh tế Trung Quốc trượt dốc. Mối quan ngại về nợ nần của kinh tế Trung Quốc ngày càng rõ rệt. Vào tháng 3/2013, ngân hàng Nomura của Nhật cảnh báo nguy cơ khủng hoảng tài chính. Tiếp đến tháng 4, cơ quan thẩm định tài chính Fitch hạ điểm tín nhiệm đối với các khoản nợ của Trung Quốc được phát hành bằng đồng nhân dân tệ. Tín dụng của Trung Quốc tăng quá nhanh. Vừa mới hôm qua, hai cơ quan tài chính CLSA và Moody’s cũng vừa đánh chuông báo động cho tình trạng trên.
Tờ báo nhận định rằng nợ của Trung Quốc đã gần đuổi kịp Hoa Kỳ. Nhìn sang các nền kinh tế đang trỗi dậy, thì nợ của Trung Quốc cao hơn hẳn so với Brazil, Ấn Độ, Nga. Trong bốn năm nay, các luồng tín dụng mới đã tăng gần gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Tờ báo đặt câu hỏi liệu có nên hoảng hốt trước tình hình này hay không. Câu trả lời là có lẽ là không. Bởi vì theo như nhận xét của một số chuyên gia thuộc ngân hàng UBS, nợ tích lũy của chính phủ địa phương và trung ương hiện ở mức 55% tổng sản phẩm nội địa. Điều này chứng tỏ trong trường hợp suy thoái, Bắc Kinh vẫn có phương tiện để cứu vãn nền kinh tế của mình. Thế nhưng, hình ảnh bộ máy vận hành Trung Quốc cũng suy giảm phần nào vì điều đó chứng tỏ tính không hiệu quả của nền tài chính Trung Quốc.
Pháp : điện thoại thông minh và máy tính bảng cũng bị đánh thuế
Hàng loạt các báo chí Pháp hôm nay quan tâm đến báo cáo được ông Lescure trình lên tổng thống Pháp nhằm đánh thuế điện thoại smartphone và máy tính bảng. Báo Le Monde chạy tựa lớn : « Bản báo cáo Lescure : loại thuế mới để bảo tồn bản sắc văn hóa Pháp». Báo kinh tế Les Echos đăng bài : « Một loại thuế mới để bảo vệ văn hóa », báo Công giáo La Croix với dòng tựa : « Nhiệm vụ của bản báo cáo Lescure là chấm dứt nạn tải nội dung bất hợp pháp trên mạng »
Các tờ báo trên đưa tin ông Pierre Lescure đã trình lên tổng thống bản báo cáo bao gồm 80 biện pháp nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa của Pháp thích ứng với thời đại kỹ thuật số hiện nay. Theo đó, ông đề nghị đánh thuế lên các máy có kết nối với internet như : điện thoại di động, máy tính các loại.... Đồng thời, nên cho phép người sử dụng tự do hơn trong việc tải nhạc, vidéo, các trò chơi điện tử trên mạng về máy cá nhân, để công chúng sử dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, báo cáo Lescure cũng quan niệm là cần xóa bỏ luật mang tên « Hadopi » phạt nặng những trường hợp tải trái phép các chương trình trên mạng.
Nguồn tài chính thu được từ hai loại thuế này sẽ được sử dụng để ủng hộ các sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác. Hãy đợi xem các đề nghị trên có được mọi người đồng ý hay không và đến khi nào thì chúng sẽ được áp dụng trên mạng.
Hiện tượng làm sơ yếu lí lịch giả tại Pháp bùng nổ
Chuyển sang tình hình xã hội tại Pháp, báo Le Monde đăng bài : « Công ty Pháp đối mặt với sự bùng nổ sơ yếu lí lịch giả ». Bài viết cho biết có một lượng lớn « sơ yếu lí lịch » mang tính lừa đảo và không chính xác theo nguồn tin từ các văn phòng tuyển dụng.
Theo một kết quả nghiên cứu được đăng tải vào tháng 2/2013 do văn phòng tư vấn tuyển dụng Florian Mantione Institut : 75% sơ yếu lý lịch lừa đảo. Tệ hơn nữa là 90% người dự tuyển xem việc gian lận là bình thường bởi « sự cạnh tranh giữa các hồ sơ lý lịch khi xin việc càng ngày càng khốc liệt ». Do đó, cần phải biết cách quảng cáo, tô điểm lý lịch của mình để lọt vào mắt nhà tuyển dụng. Kết quả nghiên cứu còn cho biết 30% ứng viên viết lên « hồ sơ » của mình một văn bằng mà anh ta không có.
Tờ báo lấy ví dụ một giáo viên luật và kinh tế « dỏm » vừa bị phát giác vào đầu năm 2013. Nhân vật này đã ngụy trang hồ sơ lí lịch cá nhân với các bằng cấp mà anh ta không có nhằm được nhận vào giảng dạy tạm thời tại một trung tâm đào tạo tại vùng Charente. Khi tiến hành điều tra thì nhân vật này chỉ có mỗi một tấm bằng tú tài chuyên nghiệp vào năm 1990 !
Theo tờ báo, công ty Pháp chú trọng đến bằng cấp khi tuyển dụng nhưng dường như không có thói quen kiểm tra bằng cấp. Theo văn phòng tuyển dụng Florian Mantione, 2/3 nhà tuyển dụng không kiểm tra bằng cấp. Đặc biệt khi ứng cử viên có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp thì nhà tuyển dụng càng lơ là chuyện bằng cấp. ¼ trong số các nhà tuyển dụng đòi hỏi được xem bằng gốc và 1/6 trong số họ gọi điện thoại cho người tuyển dụng cũ của ứng cử viên để kiểm tra thông tin. Đây chính là điểm khác nhau về văn hóa Pháp với các nước Anh, Mỹ. Tại các nước này, việc điều tra ứng viên là chuyện bình thường.
Trước đây vài năm, các công ty Pháp còn ít chú tâm đến vấn đề này thế nhưng các vụ giả tạo sơ yếu lí lịch vừa được phơi bày làm cho các nhà tuyển dụng phải thận trọng hơn khi tuyển nhân viên.
Bulgari : Nền cộng hòa đang trong khủng hoảng nghiêm trọng
Liên quan đến tình hình chính trị tại Đông Âu, báo Le Monde hôm nay đăng bài cho biết đa số cử tri Bulgari không muốn đi bầu cử quốc hội vào chủ nhật vừa qua. Nguyên nhân là do đất nước đang bị khủng hoảng và các vụ tai tiếng tham nhũng vây hãm. Báo Libération thì cho biết thủ tướng tiền nhiệm, ông Boiko Borissov đã chiến thắng trong lần bầu cử với một kết quả được dàn xếp trước.
Đặc phái viên của tờ báo tại thủ đô Sofia cho biết những người nào vẫn còn lạc quan thì mới đi bầu cử. Thế nhưng chẳng biết lá phiếu của mình có mang lại được cải thiện gì không cho đất nước nghèo nhất và nổi tiếng nhất châu Âu về nạn tham nhũng. Họ đã thực sự không còn tin tưởng vào nền chính trị tại đây. Chỉ có gần phân nửa số người đăng ký đi bầu đã tới phòng bỏ phiếu vào chủ nhật vừa rồi. Trong lần bầu cử này, hai đảng lớn của Bulgari là đảng trung hữu mang tên Công dân Bulgaria vì Phát triển Châu Âu (GERB) và Đảng Xã hội Bulgaria (BSP) bị tố cáo tham nhũng. Hơn nữa, lần này Bulgari bị nghi ngờ gian lận bầu cử. Người ta vẫn thầm thì với nhau rằng mỗi người đi bầu sẽ được trả 10 euro tại các trại của người « rom », tức là những người nghèo nhất.
Thứ bảy, người ta còn tìm thấy 350 000 phiếu bầu giả bên cạnh một xưởng in thân cận của đảng Công dân Bulgaria vì Phát triển Châu Âu (GERB). Thêm một vụ tai tiếng nữa là theo một số nguồn thông tin, có 800 000 cử tri ma. Tờ báo dí dỏm với lời châm chọc của một cử tri : « Chỉ có hòm phiếu trong suốt bằng thủy tinh được xem là minh bạch trong lần bầu cử này ».
Màn kịch này còn làm cho người dân thêm chán chường bởi họ đã quá mệt mỏi trước nạn thất nghiệp, khủng hoảng, bị chặn tiền lương, tiền phụ cấp từ năm 2009 đến nay. Một người dân tuyệt vọng lên tiếng : « Tôi muốn ở lại nước mình, có một cuộc sống bình thường nhưng xem ra thật khó ». Bà cũng đi bầu trong vô vọng.

http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20130514-trung-quoc-o-nhiem-khong-loi-thoat
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten