zondag 12 mei 2013

'Thủ tướng cho phép triển khai dự án lọc dầu 27 tỷ USD' ở Nhơn Hội, Bình Định

Chủ nhật, 12/5/2013, 12:21 GMT+7
Twitter
Facebook

'Thủ tướng cho phép triển khai dự án lọc dầu 27 tỷ USD'

Thông tin này được ông Hồ Quốc Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết tại buổi tọa đàm về thu hút đầu tư trên địa bàn.
> Chính phủ không nên nóng vội với dự án 27 tỷ USD
> Dự án 27 tỷ USD khó thu xếp đủ vốn

Tính khả thi của dự án lọc dầu quy mô lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay là chủ đề được quan tâm trong buổi tọa đàm trực tuyến về thu hút đầu tư vào Bình Định, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay. Tham gia chương trình có ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; ông Man Ngọc Lý, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định
Sau 3 năm đàm phán, tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) đã ký biên bản ghi nhớ về việc triển khai dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD, dự kiến đặt tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam, nhưng cũng dấy lên nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi, sự cam kết của nhà đầu tư cũng như các bước để triển khai dự án.
Trước những câu hỏi này, tại buổi tọa đàm trực tuyến chủ đề "Thu hút đầu tư - Kinh nghiệm từ Bình Định" tổ chức sáng nay 12/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định: "Dự án rất khả thi ở nhiều khía cạnh".
Theo ông, PTT là tập đoàn có sức mạnh về tài chính với tổng tài sản hơn 150 tỷ USD, nằm trong danh sách 100 tập đoàn có tài sản lớn nhất thế giới. Doanh thu hằng năm theo báo cáo tài chính của Tập đoàn là hơn 80 tỷ USD, lợi nhuận gần 3,5 tỷ USD.
Trong chiến lược phát triển, PTT cũng đề ra việc xây dựng nhà máy lọc dầu trong khu vực để nâng cao năng lực cạnh tranh. "Như vậy, năng lực và kế hoạch của nhà đầu tư đã có", vị này nhấn mạnh.
Chính phủ cho phép triển khai 'siêu' dự án lọc hóa dầu tại Bình Định. Ảnh: Bloomberg
Chính phủ cho phép triển khai "siêu" dự án lọc hóa dầu tại Bình Định. Ảnh: Bloomberg
Cũng theo ông Dũng, PTT từng khảo sát nhiều vị trí ở Việt Nam, Malaysia, Myanmar… trước khi chọn Khu kinh tế Nhơn Hội của Bình Định để triển khai nhà máy lọc hóa dầu. Ông khẳng định các ý kiến hoài nghi hiện nay chủ yếu tập trung vào năng lực tài chính của chủ đầu tư, chứ chưa ai khẳng định khu kinh tế Nhơn Hội không bảo đảm điều kiện xây dựng nhà máy lọc hóa dầu.
Ông Dũng cho biết khu kinh tế Nhơn Hội đã có sẵn hạ tầng, đầy đủ điều kiện để có thể triển khai dự án ngay lập tức, giá thuê đất rẻ nhất hiện nay trong khu vực. Nhơn Hội cũng có cảng nước sâu, kín gió, nằm trên đường giao thương quốc tế, có thể ra Bắc, vào Nam, đi ra với khu vực và trên thế giới.
"Cách đây 2 ngày, Thủ tướng đã ký văn bản chính thức cho triển khai dự án lọc hóa dầu tại khu kinh tế Nhơn Hội", ông Hồ Quốc Dũng thông tin tại buổi tọa đàm.
Nêu quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về "siêu dự án lọc hóa dầu tại Bình Định", ông Vũ Đại Thắng - Trưởng ban quản lý các khu kinh tế nhận xét, đây là một dự án rất "táo bạo" trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, do vậy Bộ đã liên tục lập báo cáo để đánh giá.
Trước việc Thủ tướng đồng ý bổ sung sự án lọc hóa dầu Nhơn Hội vào quy hoạch, ông Thắng đánh giá cao sự kiện này nhưng cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt liên quan đến những chính sách ưu đãi đặc thù nhà đầu tư đặt ra và sự đáp ứng yêu cầu về kết cấu hạ tầng triển khai dự án.
Ông Man Ngọc Lý cho biết Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã ký văn bản giao UBND Bình Định hướng dẫn Tập đoàn Dầu khí Thái Lan lập dự án đầu tư. Tỉnh sẽ trình báo cáo dự án khả thi để Bộ Công Thương thẩm định, Thủ tướng ra quyết định chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, dự án cần được thẩm định về môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Tiếp theo nhà đầu tư dành thời gian 12 tháng lập hồ sơ mời thầu, 5 tháng chào thầu và xét duyệt kết quả đấu thầu trong khoảng 6 tháng. Sau bước này tiến hành thủ tục cấp phép xây dựng dự án và thời gian xây dựng kéo dài từ 2016 đến giữa năm 2020 trong khoảng 48 tháng, sẽ có sản phẩm đầu tiên của dự án.
Dự án có công suất khoảng 30 triệu tấn mỗi năm. Nguyên liệu dầu thô sẽ nhập khẩu từ Trung Đông, châu Phi, Nam Trung Mỹ với hơn 20 dòng sản phẩm lọc dầu và hóa dầu, chủ yếu để xuất khẩu.
Tổng vốn đầu tư cho nhà máy khoảng 27 - 28 tỷ USD. PTT đưa hai phương án là tỷ lệ vốn vay sẽ chiếm 50% hoặc 60% tổng vốn đầu tư, số còn lại là vốn tự có. Tập đoàn này sẽ bỏ ra 5 tỷ USD trong cả 2 trường hợp, còn lại là huy động từ đối tác trong và ngoài nước.
Trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có văn bản phản đối việc triển khai nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội vì cho rằng không nằm trong quy hoạch và sẽ gây mất cân bằng cung cầu, vì hiện nay lọc dầu Dung Quất đã cung cấp 30% xăng dầu trong nước, sắp tới sẽ có thêm Nghi Sơn, Vũng Rô, Vân Phong... đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết quan điểm của Bộ là "ủng hộ" dự án.
Bình Định gần đây đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Năm 2012, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Định tăng từ vị thứ 38 năm 2011 lên vị thứ 4.
Huyền Thư
 
 
 
Chủ nhật, 12/5/2013, 06:33 GMT+7
Twitter
Facebook

Bình Định đối thoại trực tiếp về lọc dầu 27 tỷ USD

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết hiện chưa có cơ sở khẳng định dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD khả thi, song có những dấu hiệu cho thấy dự án có thể thành hiện thực. Trong buổi tọa đàm sáng nay, Bình Định mong làm rõ thắc mắc này.
>Dự án lọc dầu 27 tỷ USD khó thu xếp đủ vốn
>Không nên vội vàng với dự án lọc dầu tại Bình Định

Trong bối cảnh nhiều cơ quan và chuyên gia đặt câu hỏi về dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD được đề xuất triển khai, Bình Định cho biết, sáng nay sẽ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Thu hút đầu tư - Kinh nghiệm từ Bình Định", với sự tham gia của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo địa phương.
Lãnh đạo Bình Định sẽ đối thoại trực tiếp về dự án lọc dầu 27 tỷ USD. Ảnh; Trí Tín
Lãnh đạo Bình Định sẽ đối thoại trực tiếp về dự án lọc dầu 27 tỷ USD. Ảnh: Trí Tín
Ông Man Ngọc Lý, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định, cho biết, trong số câu hỏi gửi về trước buổi tọa đàm, nhiều ý kiến thắc mắc tính khả thi của dự án khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng không nằm trong quy hoạch và gây mất cân đối cung cầu, Bộ Công Thương cũng đặt vấn đề cam kết của nhà đầu tư chưa mạnh mẽ.
Ngoài ra, một số câu hỏi cũng đề cập đến việc sẽ phải làm những gì để được chấp thuận, đến năm 2016 dự án có thể khởi công.
Ông Man Ngọc Lý nói: "Đây chưa phải thời điểm khẳng định dự án khả thi hay không bởi mới chỉ ở giai đoạn đánh gia tiền khả thi". Tuy nhiên, theo ông, khi nghiên cứu, UBND Bình Định nhận thấy có những dấu hiệu để dự án có thể thành hiện thực.
Theo ông Lý, Bình Định và PTT đánh giá rằng từ nay tới năm 2015 và tầm nhìn đến 2025, một số dự án lọc dầu có khả năng không triển khai được, và nếu có triển khai các dự án như Vân Phong, Long Sơn thì đến năm 2015 vẫn có thể thiếu 1-2 triệu tấn dầu. Do vậy, cho rằng những lo ngại của PVN "không như người ta nghĩ", vị này giải thích, nếu một số nhà máy lọc dầu không triển khai thì cả nước có thể thiếu 17 triệu tấn xăng dầu, nhưng theo kế hoạch, dự án lọc dầu tại Bình Định chỉ sản xuất 12,5 triệu tấn là xăng dầu, còn 17,5 triệu tấn là sản phẩm hóa dầu.
Còn với cam kết của nhà đầu tư Thái Lan, lãnh đạo ban quản lý khu công nghiệp Bình Định cho hay, Tổng giám đốc PTT đã ký một văn bản rằng nếu báo cáo tiền khả thi được Chính phủ phê duyệt thì nhà đầu tư cam kết triển khai đúng tiến độ.
Nhà đầu tư Thái Lan PTT dự kiến không có mặt tại buổi tọa đàm sáng nay. Ông Lý cho biết do chủ đề của cuộc tọa đàm là Bình Định tăng tốc đầu tư, dự án lọc dầu chỉ là một nội dung nên không cần thiết phải mời nhà đầu tư Thái Lan.
Hiện nay, trong khu kinh tế Bình Định có những lĩnh vực như du lịch, đô thị, công nghiệp. Ông Lý đánh giá, do khó khăn về điều kiện kinh tế nên các dự án du lịch chậm triển khai, khu đô thị cũng mới quy hoạch xong và đang triển khai thu hút đầu tư. Với khu công nghiệp khoảng hơn 2.000 hecta, nếu có dự án lọc hóa dầu thì sẽ lấp gần hết, còn 40 hecta giao cho các nhà đầu tư thứ cấp.
"Khi vào khu kinh tế Bình Định, nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi như dự án lớn có thể kéo dài thời gian thuê đất đến 70 năm, so với mức 50 năm bình thường và được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm mà ở khu công nghiệp thì không được. Đối với dự án lọc hóa dầu, nhà đầu tư đang đề xuất được kéo dài thời gian hưởng thuế ưu đãi lên 30 năm, cũng như được áp thuế xuất nhập khẩu ưu đãi với các sản phẩm của nhà máy", vị này nói.
Theo chương trình, tham gia buổi tọa đàm có ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và ông Man Ngọc Lý, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định.
Khu kinh tế Nhơn Hội tỉnh Bình Định được thành lập ngày 14/6/2005 với diện tích 12.000 ha trên địa bàn thành phố Quy Nhơn và một phần của các huyện Tuy Phước, Phù Cát. Đây được quy hoạch là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có quy chế hoạt động riêng, bao gồm: khu phi thuế quan, khu công nghiệp, khu cảng biển và dịch vụ cảng biển, các khu du lịch, dịch vụ và khu đô thị mới. Khu kinh tế Bình Định được coi là trung tâm và động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của khu vực miền Trung.
Đến 20/4/2013, có hơn 57 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Bình Định còn triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD.
Huyền Thư

http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/vi-mo/2013/05/binh-dinh-doi-thoai-truc-tiep-ve-loc-dau-27-ty-usd/

 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten