dinsdag 14 mei 2013

"Sách đen về bạo lực tình dục" và cuộc chiến chống nạn hãm hiếp

Thứ tư 08 Tháng Năm 2013
"Sách đen về bạo lực tình dục" và cuộc chiến chống nạn hãm hiếp
Bác sĩ Muriel Salmona, tác giả quyển "Sách đen về bạo lực tình dục" (DR)
Bác sĩ Muriel Salmona, tác giả quyển "Sách đen về bạo lực tình dục" (DR)
Trọng Thành
Cưỡng hiếp - hành vi bạo lực tình dục rất phổ biến trên thế giới - ngày càng được nhìn nhận như một trọng tội. Trong thời gian gần đây, một loạt các vụ cưỡng hiếp kinh hoàng tại Ấn Độ, mà tiêu biểu là vụ một nữ sinh bị bạo hành tập thể trên xe buýt tại New Delhi đã đánh động công luận, làm dấy lên một làn sóng phản kháng mãnh liệt buộc chính quyền Ấn Độ phải trừng phạt nặng những hung thủ. RFI Việt ngữ tuần này giới thiệu một số nội dung chính của cuốn « Sách đen về các bạo lực tình dục » của nhà tâm thần học Pháp Salmona, đặc biệt qua chuyên mục « Sách Pháp » của RFI.
Theo ước tính của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc, có gần 1/5 phụ nữ trên thế giới từng bị cưỡng hiếp hay có nguy cơ bị cưỡng hiếp một lần trong đời mình.
Liên quan đến các hành động cưỡng hiếp tập thể, được sử dụng một cách có chủ ý, năm 2001, lần đầu tiên Tòa hình sự quốc tế khép hành động bạo lực này vào loại « tội ác chống nhân loại », trong các phiên tòa xét xử những thủ phạm các bạo lực dã man tại Nam Tư cũ trong thời kỳ nội chiến thập niên 1990. Năm 2008, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cáo buộc các thủ lĩnh quân sự ở Cộng hòa dân chủ Congo sử dụng cưỡng hiếp như một « vũ khí chiến tranh » để reo rắc nỗi sợ hãi nhằm làm tê liệt tinh thần kháng cự của đối phương.
Bên cạnh việc cưỡng hiếp được dùng như vũ khí chiến tranh, trong khá nhiều xã hội, hiếp dâm trở thành một tệ nạn hết sức phổ biến trong xã hội, điển hình là Nam Phi với kỷ lục đau buồn về con số khoảng 500.000 vụ một năm, và có đến một phần tư đàn ông Nam Phi thừa nhận đã từng cưỡng hiếp người khác.
Trong thời gian gần đây, một loạt các vụ cưỡng hiếp man rợ tại Ấn Độ, mà tiêu biểu là vụ một nữ sinh, đi chơi với bạn trai, bị bạo hành tập thể trên xe buýt tại New Delhi và tử vong sau đó ít lâu, một lần nữa lại đánh động công luận của quốc gia này trước tình trạng những kẻ thủ ác được chính quyền và xã hội dung thứ, làm dấy lên một làn sóng phản kháng chưa từng có buộc chính quyền Ấn Độ phải thay đổi luật, trừng phạt nặng các thủ phạm.
Cuốn « Le livre noir des violences sexuelles »/« Sách đen về các bạo lực tình dục » của bà Muriel Salmona, nhà tâm thần học Pháp, chuyên gia về chấn thương tâm lý, do Nhà xuất bản Editions Dunod ra mắt hồi tháng 4 năm nay, gây chú ý trong công luận. Cuốn sách nói về những di hại ghê gớm của hành động bạo lực kể trên, sự thờ ơ và thái độ tiêu cực của xã hội xung quanh khiến các nạn nhân thường rơi vào tình trạng không lối thoát.
Cuối tháng 4/2013, tạp chí Y tế của RFI – Đài phát thanh quốc tế Pháp – có một chương trình phỏng vấn tác giả cuốn sách, cùng một số nhân chứng tại Pháp và một số nước Châu Phi. Chủ nhật trước 05/05, mục giới thiệu "Sách Pháp" của RFI cũng dành riêng một chương trình để giới thiệu về tác phẩm qua cuộc trò chuyện với tác giả. Trước hết để có thêm thông tin về bối cảnh ra đời của Sách đen về các bạo lực tình dục, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị một đôi nét về thực trạng của nạn cưỡng hiếp tại Pháp và phong trào nữ quyền chống tệ nạn này trong thời gian gần đây.
« Tuyên ngôn 313 » và phong trào chống hiếp dâm ở Pháp
Từ vài thập niên gần đây, ở Pháp cũng như nhiều quốc gia khác, hãm hiếp bị coi như một tội phạm hình sự nghiêm trọng - một trọng tội. Theo đánh giá của các chuyên gia, luật pháp nước Pháp hiện nay rất chính xác trong lĩnh vực này và dành các hình thức trừng phạt hết sức nghiêm khắc đối với các thủ phạm. Thủ phạm có thể bị kết án từ 15 năm tù cho đến chung thân.
Kể từ hơn ¼ thế kỷ nay, số điện thoại SOS của hiệp CFCV– Hiệp hội nữ quyền chống hãm hiếp của Pháp (Collectif féministe contre le viol), nhận được khoảng từ 6.000 đến 8.000 cuộc gọi hàng năm, trong đó khoảng 1/3 số cuộc gọi là lời lên tiếng tố cáo lần đầu tiên của các nạn nhân.
Nhưng con đường kiện tụng đầy chông gai. Nhìn chung, một số nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng 1/10 nạn nhân lên tiếng cáo giác thủ phạm và tỷ lệ kẻ gây ác bị kết tội còn thấp hơn rất nhiều. Chỉ chưa đầy 1/30 vụ việc bị đưa ra xét xử và chỉ chưa đầy 1/100 thủ phạm bị kết án, mà thường là chỉ bị kết án tại các phiên tòa tiểu hình, như một tội « hành hung » thông thường, chứ không bị đưa ra xét xử tại các tòa đại hình, như thủ phạm của một trọng tội. Theo một số nghiên cứu, ước tính có khoảng từ 70.000 đến hơn 100.000 người là nạn nhân của bạo lực cưỡng dâm hàng năm tại Pháp.
Cuối tháng 6/2012, CFCV– Collectif féministe contre le viol/Hiệp hội nữ quyền chống hãm hiếp Pháp – mở một chiến dịch truyền thông mang tên « Không gì có thể xóa tội cho một kẻ cưỡng hiếp ». Bạo hành tình dục trong gia đình, tại nơi công sở hay ở những tụ điểm vui chơi ban đêm là những hành động tội ác, thường bị chìm vào quên lãng, trở thành đối tượng lên án chủ yếu của chiến dịch này. Mục tiêu của CFCV là tấn công vào các cội rễ tâm lý của tệ nạn. Đó là các định kiến xã hội dung dưỡng cho những hành động bạo lực tình dục, như : Tâm lý gán cho các nạn nhân vì ăn mặc khêu gợi hay có thái độ quyến rũ nên đã khuyến khích hành động bạo hành từ phía nam giới, hay nhấn mạnh đến nghĩa vụ của người vợ trong việc thỏa mãn các đòi hỏi tình dục từ phía người chồng...
Tâm lý hổ thẹn, mặc cảm tội lỗi là điều cơ bản khiến các nạn nhân chọn cách im lặng và để cho những chấn thương của việc bị bạo hành tình dục hủy hoại dần mòn con người mình. Cuối tháng 11/2012, ít hôm trước Ngày Quốc tế chống bạo hành phụ nữ (25/11), nhóm 313 phụ nữ Pháp từng bị cưỡng hiếp ra một tuyên ngôn chung, được đăng tải trên tạp chí « Le Nouvel Observateur », công khai « tuyên bố đã từng là nạn nhân ». « Tuyên ngôn 313 » do nhà hoạt động chính trị cánh tả Clémentine Autain khởi xướng, được sự tham gia của các phụ nữ đủ mọi lứa tuổi, từ 18 cho đến 87, thuộc các ngành nghề khác nhau, trong đó có một số nhân vật nổi tiếng như vợ cũ của cựu thủ tướng Pháp Marie-Laure de Villepin, tiểu thuyết gia Frédérique Hébrard. Cuối tháng 11/2012, tổng cộng hơn 700 phụ nữ đã ký tên vào bản tuyên ngôn trên. Tuyên ngôn 313 khiến công chúng nhớ đến bản « Tuyên ngôn 343 » nổi tiếng cách đây hơn 40 năm của các phụ nữ Pháp đấu tranh cho quyền nạo thai.
Cũng như chiến dịch nói trên của Hiệp hội nữ quyền chống hãm hiếp Pháp, bản tuyên ngôn 313 của các phụ nữ Pháp - nạn nhân của bạo hành tình dục - được đánh giá là một « hành động chính trị », nhằm xóa tan vô số các định kiến bao quanh hành động tội ác này. Theo tuyên ngôn 313, khác với hình ảnh tưởng tượng phổ biến trong xã hội Pháp, đa số các vụ cưỡng hiếp không diễn ra « trong một ngõ hẻm tăm tối với thủ phạm là một kẻ xa lạ đáng sợ », mà ước tính có đến 80% số thủ phạm lại là những người quen thuộc của nạn nhân, là người thân trong gia đình hay ông chủ…, mà phương tiện gây sức ép thường là dọa dẫm mặc cả về tình cảm hay áp lực về tài chính.
Cũng trong dịp Ngày Quốc tế chống bạo hành phụ nữ, cuối tháng 11/2012, hai bộ phim tài liệu « Viol, double peine » (Nạn nhân cưỡng hiếp – một hình phạt kép) et « Viol, elles se manifestent » (Cưỡng hiếp, các nạn nhân bày tỏ), đã được phát đi trên hai kênh truyền hình lớn của nước Pháp, France 2 và France 5, với sự tham gia công khai của hàng chục nạn nhân. Tháng 3/2013, ra đời cuốn sách « Elles se manifestent » (Họ bày tỏ) của Clémentine Autain - Editions Don Quichotte - với lời chứng của 100 nạn nhân nữ. Trả lời phỏng vấn trang mạng Rue89, nữ tác giả nhận xét rằng lên án tệ nạn hãm hiếp không phải là điều mới, nhưng cái mới mẻ và mang tính đảo lộn ở đây là các nạn nhân nữ đã thể hiện điều này một cách công khai : « các nạn nhân có một gương mặt và một giọng nói. Họ có thể phá vỡ luật im lặng bao phủ hành động hãm hiếp. Họ phá tan phép lịch sự thông thường buộc người ta không được nói về những điều này, ngoại trừ trong mục ‘‘faits-divers’’ (chuyện vặt) ». Tác giả cuốn sách tập hợp các nhân chứng nạn nhân của cưỡng hiếp cũng khẳng định là : Vụ xì căng đan DSK tại khách sạn Sofitel ở New York tháng 5/2011 đã có một tác dụng đáng kể trong việc giúp cho nhiều kiêng kỵ đè nặng lên xã hội cho đến lúc đó có cơ hội được cởi bỏ, và điều này không chỉ có ý nghĩa đối với xã hội Pháp.
Về phía chính phủ Pháp, trước đó tháng 10/2012, phát biểu trên France Info, bộ trưởng Bộ nữ quyền Najat Vallaud-Belkacem tuyên bố cần phải hành động khẩn cấp trước thực trạng hết sức đáng báo động này, đặc biệt với các biện pháp như : Xóa bỏ các định kiến kiêng kỵ, có chương trình đào tạo đặc biệt cho những người chuyên nghiệp trong các ngành tư pháp, cảnh sát, y tế, xã hội, để mang lại các trợ giúp thích đáng cho nạn nhân, các nạn nhân cần phải được chăm sóc hỗ trợ thường xuyên, và các thủ phạm cũng cần phải được theo sát để tránh tái diễn các hành động bạo lực. Cũng theo bộ trưởng Nữ quyền, chính phủ Pháp đang chuẩn bị một dự luật khung chống bạo lực đối với phụ nữ để trình Quốc hội trong tháng 5/2013.
Cuốn Sách đen về các bạo lực tình dục của bà Muriel Salmona, nhà tâm thần học, chuyên gia về chấn thương tâm lý, ra đời trong bối cảnh phong trào chống tệ nạn hãm hiếp tại Pháp đang có những hành động quyết liệt mới.
Phẫn nộ trước sự thờ ơ vô cảm của giới y khoa
Trong chuyên mục Sách Pháp của RFI, nhà báo Alain Renon nhận xét : Nhà nghiên cứu và trị liệu Muriel Salmona đã trình bày một cách sáng tỏ và chính xác về các hậu quả của hành động hãm hiếp, được đặt ngang hàng với tra tấn về mức độ ảnh hưởng đến nạn nhân. Cụ thể là cũng trạng thái sững sờ, cũng trạng thái phân liệt của hệ thần kinh đối diện với nỗi sợ hãi kinh hoàng, và sau đó, cũng cùng một ký ức bị chấn thương, vì không được chăm sóc, nên khiến cho nạn nhân phải sống lại các cảm xúc tương tự khi bị bạo hành, chỉ cần sự nhắc gợi của một từ, một cử chỉ, một mùi vị, một màu sắc… liên quan đến biến cố này.
Trong cuốn Sách đen về các bạo lực tình dục, tác giả mô tả tỷ mỉ các cơ chế sinh học thần kinh, hóa học cũng như các triệu chứng về thể chất và tâm lý mà các bạo lực tình dục gây ra, thường xuyên mang lại nỗi đau đớn và thường khiến nạn nhân rơi vào trạng thái tê liệt như : nhược cơ, mất ký ức, mặc cảm tội lỗi, xấu hổ, mất tự tin, sợ hãi…
Trong phần dẫn nhập vào tác phẩm, bác sĩ tâm thần Muriel Salmona đã bày tỏ sự phẫn nộ của bà thời trẻ, khi chứng kiến « sự thờ ơ và vô cảm của nhiều bác sĩ trước các bệnh nhân, nạn nhân của bạo lực, nhất là các nạn nhân của bạo lực tình dục ». Theo Muriel Salmona, tình hình hiện nay trong lĩnh vực này không thay đổi đáng kể.
Những bằng chứng về nỗi đau khổ của nạn nhân rất thường được sử dụng để chống lại chính nạn nhân, để trách cứ nạn nhân, nếu không phải là để những người thân, bác sĩ, cảnh sát, công tố viên, luật sư, thẩm phán, truyền thông, và cuối cùng là tất cả mọi người, nghi ngờ về tính xác thực của hành động bạo lực tình dục đã xảy ra. Đây là điều mà Muriel Salmona gọi là « hình phạt kép » đối với các nạn nhân. Nói một cách khác, chính nạn nhân bị phán xét (và nhiều khi tự cảm thấy) như là người phải chịu trách nhiệm đối với các bạo lực xảy ra. Để làm điều này, người ta đã viện ra cách ăn mặc của nạn nhân, thái độ, những nơi thường lui tới, các quan hệ tình dục trước đó, và nhiều điều khác nữa. Kẻ thủ ác, về phần mình, lại được rũ bỏ gần như hoàn toàn khỏi trách nhiệm đối với hành động bạo lực, được bào chữa với lý do « bị khêu gợi, nên tự nhiên mà có ham muốn không cưỡng lại được ».
Những trói buộc khiến nạn nhân không thể lên tiếng
Trong cuộc trò chuyện với nhà báo Alain Renon, tác giả cuốn sách cho biết những khó khăn cản trở người bị hại lên tiếng :
Bác sĩ Muriel Salmona : « Rất khó lên tiếng tố cáo thủ phạm sau khi bị hãm hiếp. Các vụ cưỡng hiếp thường xảy ra trong các môi trường, mà về mặt lý thuyết, được coi là rất an toàn đối với phụ nữ. Điều này trái ngược hoàn toàn với quan niệm phổ biến về cưỡng hiếp trong xã hội, với bối cảnh là đường phố, trong đêm tối, trong các hoàn cảnh không an toàn.
Trên thực tế, tội ác cưỡng hiếp xảy ra ở khắp các tầng lớp xã hội, liên quan đến mọi lứa tuổi. Hơn 50% nạn nhân của hãm hiếp là người chưa trưởng thành. Rất nhiều vụ bê bối, mới được phát lộ, xảy ra trong các môi trường thể thao, tôn giáo, tại những nơi chữa bệnh. Các nạn nhân bị những kẻ thủ ác ép buộc phải im lặng, nhưng đồng thời cả xã hội xung quanh cũng đòi hỏi nạn nhân phải tự chịu đựng, phải ‘‘trung thành’’, không được làm gì ảnh hưởng đến hệ thống, làm xâm hại đến hình ảnh của gia đình, của tổ chức, của một cơ sở nơi người đó làm việc... Luật im lặng đã được áp đặt triệt để lên các nạn nhân.
Bên cạnh đó, thủ phạm lại dàn dựng cả một tình thế khiến người bị hại rơi vào trạng thái bị sỉ nhục tuyệt đối, khiến nạn nhân có cảm giác chính mình là thủ phạm, cảm thấy nhục nhã. Sau khi đã làm những điều hết sức tồi tệ, kẻ thủ ác lại gán cho nạn nhân những gì bẩn thỉu, khiến người đó không thể thuật lại sự việc. Hung thủ cũng dàn dựng cả cảm giác khoái lạc của hắn ta trước nỗi đau khổ của nạn nhân. Nạn nhân phải sống một trạng thái hết sức khủng khiếp, không thể tưởng tượng nổi, đặc biệt nếu thủ phạm là một người thân.
Trong khi đó, phía các bác sĩ, kể cả các bác sĩ tâm thần, đều không có một đào tạo thích ứng để chăm sóc các nạn nhân trong lĩnh vực này, trong đào tạo đại học, cũng như đào tạo bổ sung sau này. Phải đợi đến các phong trào nữ quyền tại Mỹ những năm 1970, 1980, người ta mới công nhận rằng các nạn nhân hãm hiếp có cùng mức độ ‘‘tổn thương tâm thể’’ như các nạn nhân sống sót qua thời gian bị đày đọa trong các trại tập trung, những người bị tra tấn. Cũng cùng các dấu hiệu về mức độ nghiêm trọng như vậy, cũng với cùng ý đồ hủy diệt (tinh thần và thể chất của nạn nhân) như vậy. Cũng cùng một ý chí bẻ gãy nhân cách của nạn nhân, hủy hoại bản sắc của nạn nhân. Đối với nạn nhân, đấy là một điều kinh khủng. Hành động bạo lực cưỡng hiếp không chỉ hủy hoại chính nạn nhân, mà hủy hoại kể cả khả năng tin tưởng vào người khác của nạn nhân. »
Chứng mất cảm giác
Nhà tâm thần Muriel Salmona nhấn mạnh đến phản ứng đặc thù của các nạn nhân hãm hiếp, giống như những người trải qua các bạo lực kinh hoàng, đối diện với những ký ức đau đớn in sâu trong cơ thể và tinh thần.
Bác sĩ Muriel Salmona : « Để kiểm soát được ký ức bị chấn thương này, nạn nhân đã tạo ra một sách lược tránh né, tránh né một loạt các giao tiếp và hết sức cảnh giác, thường xuyên ở trong trạng thái bất an, sợ hãi. Một khi người bị hại rơi vào trạng thái thoái lui, thì không còn có thể làm gì để cải thiện được tình hình. Nạn nhân hãm hiếp thường tạo ra cho mình một trạng thái gọi là ‘‘phân ly tinh thần để xoa dịu phần ký ức bị chấn thương’’. Những ký ức như vậy có thể được đánh thức dậy mỗi khi gặp hoàn cảnh. Như vậy, nạn nhân thường rơi vào các ứng xử có nguy cơ, như nghiện ma túy, nghiện rượu…, hay ‘‘nghiện stress’’ nói chung.
Càng tạo ra các căng thẳng, thì nạn nhân càng tăng khả năng tách khỏi các ký ức đau đớn, gắn liền với biến cố bị hãm hiếp. Vào thời điểm lâm nạn, bộ não của nạn nhân tiết ra các chất giống như morphine hay kétamine để giúp cho nạn nhân sống qua được trạng thái kinh hoàng cận kề cái chết này. Sau này, nạn nhân tiếp tục tạo lại cùng một phản ứng như vậy, để cách ly bản thân khỏi những hồi ức đau đớn, để được giải thoát hoặc để chuẩn bị đón nhận các tình huống kinh hoàng trong tương lai. Như vậy, các nạn nhân thường để mình rơi vào các trạng thái nguy hiểm theo nhiều cách khác nhau, đây là điều thường khiến mọi người ngạc nhiên, ví dụ như những người từng bị hãm hiếp sẵn sàng có những quan hệ dẫn đến nguy cơ bị bạo hành tình dục cao, như tham gia vào các cuộc làm quen trên mạng, hay đi cùng những thành phần nguy hiểm... Ở các nạn nhân, thường tồn tại chứng mất cảm giác ».
Giải thoát khỏi ký ức bị chấn thương
Trong phần cuối của cuộc trao đổi, nhà tâm thần học Muriel Sahnona lưu ý đến một số hạn chế của nền y tế trong lĩnh vực này và đề xuất một nguyên tắc chủ yếu để mang lại sự trợ giúp hiệu quả cho các nạn nhân.
Bác sĩ Muriel Salmona : « Các nghiên cứu thường không liên hệ với nhau. Mỗi nhà nghiên cứu làm việc theo chuyên ngành hẹp của mình. Rất ít các nghiên cứu tổng hợp trong lĩnh vực này để xây dựng được một mô hình, và đặc biệt là để đối chiếu với thực tế lâm sàng. Trong ngành sinh học thần kinh, các nhà khoa học thường tập trung hoàn toàn vào nghiên cứu cơ bản, họ không có các kinh nghiệm lâm sàng.
Hiện tại, có một club về stress thuộc hội nghiên cứu sinh học thần kinh, ở đó người ta đối chiếu các nghiên cứu cơ bản với thực tiễn lâm sàng, kết quả là mang lại những phát hiện rất đáng quan tâm. Từ mươi, mười lăm năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu được soi sáng bởi thực tiễn lâm sàng đã cho ra đời được các mô hình giải thích có sức nặng. Thực tế lâm sàng cho phép thẩm định các mô hình này. Vấn đề là, các hiểu biết mới chưa đi vào được trong các đào tạo. Người ta không quan tâm đến chủ đề bạo lực. Hiện nay, về mặt khoa học, chúng ta đủ khả năng chăm sóc phần ký ức bị chấn thương của các nạn nhân bị hãm hiếp.
Trong lĩnh vực này, càng can thiệp sớm thì việc phục hồi càng nhanh chóng. Nạn nhân đã từng bị bạo hành vẫn luôn luôn là một nạn nhân, vì đây là một thực tại, không thể bác bỏ được. Nhưng điều có thể thay đổi được, chính là việc chấm dứt trạng thái liên tục bị các ký ức đau đớn ám ảnh, xâm chiếm. Thoát khỏi các ký ức đó, đấy chính là mục tiêu cơ bản của việc trị liệu. Nạn nhân không quên biến cố đau đớn đã xảy ra, nhưng không để cho ký ức về biến cố đó ảnh hưởng đến cuộc sống, đến tương lai của mình. Cuối cùng thì, người bị hại có thể giải thoát khỏi những gì tồi tệ mà kẻ thủ ác đã từng muốn áp đặt lên mình, muốn biến nạn nhân thành một đồ vật, một tồn tại hoàn toàn bị khuất phục ».
Bài giới thiệu sách của nhà báo Alain Renon khép lại với nhận định : với tác phẩm « Sách đen về các bạo lực tình dục », bác sĩ Muriel Salmona hy vọng đóng góp vào việc chuyển biến cách nhìn nhận của xã hội đối với các nạn nhân. Thông điệp chủ yếu của cuốn sách là : Những người bị hại rất cần được bảo đảm an toàn, được lắng nghe, được công nhận và được chăm sóc. Trải qua hơn 20 năm hoạt động lâm sàng, cùng với nghiên cứu và hoạt động hiệp hội, nhà tâm thần học và tâm lý học chấn thương đã thể hiện điều này với sức nặng và niềm tin vững chắc
Các tin bài liên quan
Nạn buôn phụ nữ Đông Nam Á làm gái mại dâm ngày càng nghiêm trọng
Hơn 50% phụ nữ Việt Nam bị bạo hành gia đình
Liên Hiệp Quốc thông qua tuyên bố chống bạo hành đối với phụ nữ
Nỗ lực chống bạo hành phụ nữ của LHQ bị một số nước ngăn cản
Phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi
Vụ cưỡng hiếp tập thể làm thức tỉnh xã hội Ấn Độ
Phim ‘‘Lấy chồng người ta’’: Khi phụ nữ bị đẩy đến đường cùng...
Nạn bạo hành gia đình ở Việt Nam ngày càng trầm trọng
Sự sụp đổ của một trong những nhân vật sáng chói nhất trên chính trường Pháp
Nạn bạo hành phụ nữ tại Việt Nam : Cần nhìn thẳng vào sự thật

http://www.viet.rfi.fr/khoa-hoc/20130508-%E2%80%98%E2%80%98sach-den-ve-bao-luc-tinh-duc%E2%80%99%E2%80%99-va-cuoc-chien-chong-nan-ham-hiep

tư 01 Tháng Năm 2013

Nạn buôn phụ nữ Đông Nam Á làm gái mại dâm ngày càng nghiêm trọng

Alliance Anti-trafic Thailand Vietnam prostitution buôn người mãi dâm (http://allianceantitrafic.org)
Alliance Anti-trafic Thailand Vietnam prostitution buôn người mãi dâm (http://allianceantitrafic.org)

Arnaud Dubus / Trọng Nghĩa
Buôn bán phụ nữ để khai thác tình dục là một tệ nạn càng lúc càng nghiêm trọng trong những năm gần đây tại khu vực Đông Nam Á. Thái Lan là một trong những trạm trung chuyển của các tuyến buôn người, không chỉ giữa các nước trong khu vực, mà còn tỏa đến các nước xa xôi hơn, chẳng hạn như Nhật Bản và vùng Trung Đông.


Mới đây, Arnaud Dubus, thông tín viên RFI phụ trách khu vực Đông Nam Á đã cố gắng điều tra tìm hiểu vấn đề trong nhiều tuần lễ, và anh đã phát hiện được hai khía cạnh chính về tệ nạn này :
Arnaud Dubus : Cuộc điều tra được tiến hành tại Thái Lan. Chúng ta thấy được hai hiện tượng khác biệt nhau. Trước tiên là hiện tượng phụ nữ Thái Lan hay một số nước khác trong vùng Đông Nam Á, bị đánh lừa và bị bắt buộc đến làm nghề mãi dâm ở những nước xa xôi như Nhật Bản, Bahrein (ở Trung Đông) hay Ý, Thụy Sĩ …
Nếu dựa trên số lượng các trường hợp đã được phát giác, thì đây không phải là hiện tượng gọi là ồ ạt, nhưng lại biểu hiện một sự vi phạm dai dẳng quyền phụ nữ. Tôi đã tiếp xúc được với một số cô gái bị bán đi Barhein, Ý, và Nhật Bản. Họ cho biết là phần lớn thời gian họ bị nhốt và bị đe dọa hành hung.
Hiện tượng thứ hai là trường hợp buôn bán phụ nữ trong các nước Đông Nam Á. Các luồng chính xuất phát từ Miến Điện và Lào, băng qua Thái Lan để cuối cùng đến Malaysia và Singapore. Đó là hai điểm đến quan trọng nhất của tệ nạn buôn phụ nữ để cưỡng bức hành nghề mại dâm.
Trong thực tế, Thái Lan chủ yếu là nơi quá cảnh. Tuy vậy, ở Thái Lan người ta phát hiện được mỗi năm khoảng 200 trường hợp buôn bán phụ nữ để khai thác tình dục. Nạn nhân thường là những thiếu nữ dưới 18 tuổi.
Luật pháp Thái Lan nói rõ là nếu một thiếu nữ dưới 18 tuổi tự đi vào con đường mãi dâm và hoạt động này mang lại tiền cho chủ nhân một phòng Karaoke hay mát xa chẳng hạn, thì đó là một trường hợp buôn người để khai thác tình dục.
RFI : Thưa anh, những vụ buôn người này được tổ chức như thế nào ?
Arnaud Dubus : Đây là những màng lưới buôn người được tổ chức rất chặt chẽ. Tôi đơn cử một ví dụ cụ thể : Chủ nhân một nhà hàng karaoké ở Malaysia chẳng hạn muốn có 10 cô gái xinh đẹp để chiêu dụ khách. Người này sẽ liên lạc với một tay tổ chức buôn người.
Nhân vật đó sẽ cho đàn em ở Lào chẳng hạn, đi dụ dỗ các cô gái Lào, lừa gạt họ bằng cách nói là sẽ đưa họ đi làm nhà hàng ở nước ngoài. Giữa hai biên giới Lào và Malaysia sẽ có cả một mạng lưới trung gian - đôi khi lên đến 15 nhóm - thực hiện nhiệm vụ chuyên chở các cô gái này đến nơi. Họ phải liên tục đổi xe để xóa nhòa dấu vết.
Một khi đến nhà hàng ở Malaysia, giấy tờ các nạn nhân bị tịch thu, và khi ấy các cô gái mới hiểu rằng họ bị đưa đến làm việc tại một ổ mãi dâm. Họ bị đe dọa là sẽ bị bỏ đói, sẽ bị đánh đập nếu không chịu tiếp khách. Đây là những đường dây mafia rất nhạy bén và luôn luôn thích nghi với các phương thức điều tra của cảnh sát.
RFI : Như thế thì cảnh sát và các tổ chức bảo vệ phụ nữ đã đấu tranh chống lại nạn buôn người này như thế nào ?
Arnaud Dubus : Một số tổ chức phi chính phủ như Alliance Anti-trafic chẳng hạn, đang hoạt động tích cực ở Thái Lan, Lào và Việt Nam. Họ có các nhà điều tra riêng. Những người này giả dạng khách hàng và đến các ổ mãi dâm như các quán karaoké, nhà hàng hay những phòng mát xa. Họ kín đáo dọ hỏi các cô gái, họ vẽ lại sơ đồ những nơi này và giám sát việc ra vào những nơi đó.
Khi có đủ bằng chứng là có tình trạng buôn người ở đó thì họ liên hệ với cảnh sát. Khi đó thì cảnh sát mở chiến dịch truy bắt ở những điểm cụ thể này. Cảnh sát Thái Lan chẳng hạn, hàng năm đều mở ra hàng chục chiến dịch truy bắt như vậy.
RFI : Sau khi các phụ nữ được giải cứu, thì tình hình diễn biến ra sao trên bình diện pháp lý ?
Arnaud Dubus : Ở Thái Lan, một số đông phụ nữ được cứu thoát đã đệ đơn kiện những kẻ đã lừa gạt và bán họ đi. Thông thường là vào lúc đầu, họ được một người quen biết trong làng khuyến khích đi nước ngoài. Đấy là những cò mồi tại chỗ của đường dây, có thể xem những kẻ này là mắt xích đầu tiên của mạng lưới buôn người.
Có điều là các mạng lưới đó lại có phương tiện tài chính dồi dào. Những tay buôn người đó, nhờ có tiền nên được trọng vọng và có ảnh hưởng lớn đối với dân làng. Hệ quả là các nạn nhân, khi đi kiện những người này, lại bị trách cứ là tại sao đi kiện.
Ngay cả trong trường hợp thắng kiện trên mặt hình sự, thì cũng hiếm khi mà nạn nhân được bồi thường về mặt tài chánh cho các thiệt hại to lớn mà họ phải gánh chịu.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130501-dong-nam-a-nan-buon-phu-nu-de-lam-nghe-mai-dam-ngay-cang-nghiem-trong

 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten