donderdag 23 mei 2013

Quả bom nổ chậm trong nền kinh tế Trung Quốc đang ngày một lớn?

Friday, May 24, 2013

Quả bom nổ chậm trong nền kinh tế Trung Quốc đang ngày một lớn?

QLB 
(Tạp chí “ Tuần tin tức Trung Quốc ” số ra ngày 29/4/2013) Ngày 21/4, tạp chí “Quan sát kinh tế Trung Quốc” thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế vĩ mô Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh tổ chức buổi họp về Báo cáo quý I năm 2013. Tại hội nghị, Giáo sư Học viện nghiên cứu phát triến quốc gia, Đại học Bắc Kinh Tống Quốc Thanh trong phần diễn giảng của mình đã không hề né tránh kết quả dự báo sai lệch nên tự chế nhạo “đây là một buổi họp kiểm thảo đối với tôi”.
Số là trước đó 6 ngày số liệu vĩ mô của nền kinh tế quý I đã được công bố, GDP so với cùng kỳ năm ngoái tăng 7,7%, trong khi cách đó mấy hôm các cơ quan chuyên môn vẫn phổ biến dự báo con số này sẽ là trên 8%, còn dự báo của Giáo sư Tống Quốc Thanh là 8,3%. Số liệu bình quân của các con số dự báo thuộc 29 cơ quan chuyên ngành được Trung tâm nghiên cứu kinh tế vĩ mô Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh, mời dự hội nghị đã cho kết quả trung bình là 8,2%. Giáo sư Tống Quốc Thanh vì thế đã tự cảm thấy không được “vẻ vang”.

Điều trớ trêu là, quy mô huy động vốn xã hội quý I lại tăng mạnh, đạt 616 triệu nhân dân tệ, tăng 22.700 nhân dân tệ so với cùng kỳ năm trước. Sai số linh động của các số liệu lớn như vậy khiến cho chúng không những không thống nhất mà còn xa rời hẳn với nền kinh tế thực thể. Theo cách nhìn nhận của rất nhiều nhà kinh tế, phía sau sự “xa rời” nói trên đã tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Chủ tịch Hội đồng quản trị của cơ quan tài chính có tên “Vốn Xuân Hoa” Hồ Tổ Lục cho biết nợ chưa trả của các địa phương là rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc. Vào trung và hạ tuần tháng 4, thậm chí đã có cơ quan tài chính ngừng cho địa phương vay tiền.

Theo tìm hiểu của “Tuần tin tức Trung Quốc”, phía sau sai số của các số liệu nói trên là thực tế “vay mới để trả cũ” liên quan đến con số nợ khổng lồ trên mặt bằng huy động vốn của các chính quyền địa phương. Nói cách khác, những con số với mức độ sai số lớn nói trên hoàn toàn chưa gắn vào với các lĩnh vực kinh tế thực thể, và như vậy “quả bom nổ chậm” đang ngày càng lớn thêm. Vì thế, một loạt chính sách từ cuối năm 2012 đến nay cho thấy Chính phủ trung ương đã phải ra tay, việc “tháo bom nổ chậm” đang được thúc đẩy một cách ổn định.

1- Đầu tư tài chính “trở mặt”

Cuối tháng 5 năm 2012, công tác xây dựng kinh tế cơ bản của Chính phủ đã kích thích khởi động trở lại, kéo nền kinh tế vĩ mô sau tháng 5 đã trở lại khởi sắc, quý 4 năm 2012 ấm lên khiến không ít nhà kinh tế nhận định kinh tế Trung Quốc đi đến phục hồi.

Nhận định lạc quan nói trên trước ngày 15/4/2013 vẫn còn tiếp tục. Ngày 12/4 Công ty trách nhiệm hữu hạn tài chính quốc tế Trung Quốc (CICC) công bố báo cáo, đánh giá một cách “bảo thủ” về GDP quý I tăng 8,1%, cho rằng mặc dù tốc độ tăng trưởng về sản xuất công nghiệp quý I có thể giảm nhẹ so với quý IV năm trước, nhưng bất động sản quý I vẫn tăng rõ rệt, có hy vọng thúc đẩy GDP tăng nhẹ trở lại.

CICC dẫn ra một loạt số liệu, “chứng thực” cho lôgích này. Trước hết, diện tích bất động sản tiêu thụ từ tháng 1 đến tháng 2 trong cả nước tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trong tháng 3 có phần giảm nhưng vẫn ở mức cao. Xét tỉ trọng của ngành bất động sản trong GDP chiếm khoảng 6% thì tốc độ tăng cao của ngành này có thể hy vọng sẽ đóng góp trong GDP quý I là 1,8%, tăng gần 1% so với quý IV của năm trước, “đủ để triệt tiêu xu hướng chậm lại của ngành công nghiệp và các ngành dịch vụ khác”.

Thứ hai, đầu tư phát triển bất động sản tăng từ 18% trong quý IV năm ngoái lên đến 23% trong quý I, từ đó thúc đẩy đầu tư tài sản cố định trên tổng thể tăng nhẹ. Đầu tư tài sản cố định tăng trở lại khiến có hy vọng kéo theo giá trị gia tăng của ngành xây dựng vốn dĩ chiếm khoảng 7% GDP tăng lên nhanh hơn.

Ngoài ra, với sự tác động từ việc tiêu thụ bất động sản, hoạt động tín dụng quý I tăng tương đối nhanh, khoản tiền cho các chủ hộ có quyền sở hữu bất động sản vay đã tăng 476,6 tỉ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm trước. CICC cho rằng hoạt động tín dụng tăng như vậy sẽ khiến cho giá trị gia tăng về nghiệp vụ tài chính vốn chiếm tỉ trọng tương đối lớn trong ngành nghề thứ ba (các ngành văn hóa-giáo dục-dịch vụ-du lịch…ngoài nông-lâm-ngư nghiệp và công nghiệp-xây dựng) tăng lên mạnh.

Tuy nhiên, sau khi công bố số liệu vĩ mô của quý I, ngày 22/4, khi CICC công bố báo cáo vĩ mô của kỳ mới nhất, tiêu đề “trở mặt” trong báo cáo là sự “tiếp tục của sự phục hồi yếu”, cách đề cập cũng theo đó thay đổi. Trong báo cáo có nói giá trị gia tăng trong các ngành bất động sản, tài chính và xây dựng trong quý I có phần tăng lên nhưng vẫn không thể bù lại phần chậm lại trong các ngành công nghiệp, dịch vụ tiêu dùng và ngành nông nghiệp.

Số liệu của Cục Thống kê nhà nước cho thấy trong quý I năm nay tiêu dùng đóng góp 4,3% trong GDP, giảm 1,9% so với năm ngoái.

Tổng kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng cũng phản ánh thông tin tương tự: Tổng kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng quý I tăng 12,4%, sau khi điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ, tỉ lệ tăng so với quý trước là -0,7%, một con số thấp kỷ lục trong lịch sử.

Bởi nhu cầu tiêu dùng giảm, đồng thời đầu tư trong ngành chế tạo cũng vẫn tiếp tục giảm nên nhu cầu cuối cùng vì thế cũng không có được chuyển biến tích cực về thực chất, thực tế này đã đem lại áp lực điều chỉnh mới đối với tình hình tồn đọng kho. Đồng thời mức độ giảm trong giá cả xuất xưởng hàng công nghiệp (PPI) của quý 1/2013 so với quý IV/2012 cũng mở rộng hơn nên trong điều kiện giá cả hàng công nghiệp vẫn tiếp tục giảm, động cơ để cho “hàng đọng kho” của doanh nghiệp trông đợi giá cao lên cũng tiếp tục giảm xuống.

Nhà kinh tế hàng đầu của CICC Bành Văn Sinh nhận định: Tiêu dùng không mạnh và tồn đọng kho của công ty là hai nhân tố lớn, là nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho tăng trưởng của GDP đi xuống.

2-“Mức độ dung thứ” đối với dự báo sai lệch

Phía sau việc “dung thứ” cho xu hướng kinh tế đi xuống của tầng quyết sách là sự đi xuống về tỉ lệ tăng trưởng tiềm tàng và chuyển biến tích cực trong tình hình việc làm.

Con số của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội cho thấy năm 2012 Trung Quốc đại lục đã tạo được 12,66 triệu việc làm mới ở khu vực thành thị, đó là mức cao nhất trong 9 năm qua, vượt trước thời hạn hai tháng so với chỉ tiêu tạo việc làm đặt ra cho cả năm. Bước sang năm 2013, trong quý I các đơn vị ở khu vực thành thị đã tạo được hơn 3 triệu việc làm mới. Tuy nhiên, con số điều tra về tình hình nông dân của Cục thống kê nhà nước cho thấy số nông dân bỏ nông thôn ra ngoài làm thuê trong quý I tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội còn cho thấy tỉ lệ giữa cung và cầu về sức lao động cũng tăng từ 1/1,05 của quý I năm ngoái lên thành 1/1,1 trong quý I năm nay, chỉ số về mức cung không đủ cầu như vậy đã tiếp tục mở rộng.

Tại buổi họp báo ngày 15/4, Người phát ngôn báo chí Cục thống kê nhà nước Thịnh Lai Vận cho biết trước khi có được bước đột phá lớn về kỹ thuật, hiệu quả và lợi ích cận biên từ việc đầu tư cho các yếu tố sản xuất có phần giảm đi, nói cách khác, theo quan điểm kinh tế học là phát triển đến một giai đoạn nào đó, nhất là sau khi bước vào thời kỳ chuyển đổi kết cấu sẽ đứng trước hiện tượng cận biên phổ biến như vậy (càng về sau, hiệu quả cũng như giá trị và lợi ích của đầu tư sẽ càng giảm đi vì sẽ càng tiến gần hơn đến điểm bão hòa so với nhu cầu đòi hỏi-ND). Giống như các nước Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc trước đây, trong thời kỳ chuyển đổi mô hình phát triển, tỉ lệ tăng trưởng tổng hợp của các nước này đều đã giảm xuống một mức so với trước. Trung Quốc sau hơn 30 năm phát triển, năng suất lao động tiềm tàng có phần giảm đi, đó là xu hướng tất yếu sau khi xã hội phát triển đến giai đoạn nhất định nào đó.

Hai năm gần đây, Báo cáo công tác của Chính phủ đều xác định mức tăng trưởng GDP một năm là 7,5%, chính là đã đi theo hướng như vậy. Áp lực việc làm ở đất nước đông dân số nhất thế giới đã giảm thì cố gắng vượt qua mức tăng trưởng tiềm tàng để kéo nền kinh tế tăng trưởng cao là việc không thích hợp. Cuối năm 2012 thái độ của chính phủ trung ương đã thay đổi hẳn, chi ngân sách đã không theo cách “tiêu tiền gấp” như trước. Theo học giả Tống Quốc Thanh, đây là nguyên nhân căn bản của kinh tế quý I tăng trưởng chậm lại, cũng là biến lượng cơ bản khiến có sự sai lệch trong cách dự tính của mình về mức tăng trưởng.

Theo cách tính của Tống Quốc Thanh, năm 2012 mức chi trong dự toán ngân sách chỉ là 14,1% nhưng vào thời điểm tháng 7 mức chi này vẫn còn cao ở mức 23,4%. Trong bối cảnh không tăng dự toán, “quý IV sẽ phải thắt chặt chi tiêu mạnh mẽ”. Tống Quốc Thanh nói chi ngân sách tháng 12 luôn cao hơn các tháng 1 và 2 nhiều lần, vì thế số chi của tháng 12 dù có tăng chút ít so với cùng kỳ năm trước thì các tháng 1-2 cũng rất khó có thể bù lại được.

Tài liệu trong kho dữ liệu Chứng khoán Quang Đại cho thấy tháng 12/2012 chi ngân sách là 208,2 tỉ nhân dân tệ, chỉ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, không những thấp hơn nhiều so với mức 23,4% trong các tháng 1- 7 mà cũng thấp hơn cả mức tăng bình quân 14,1% của cả năm. Nói cách khác, con số tuyệt đối về mức chi tài chính ngân sách tháng 12 đã giảm từ 20 tỉ đến 40 tỉ nhân dân tệ.

Bước sang năm 2013, tốc độ tăng về chi ngân sách chỉ vừa bắt đầu trở lại, mức tăng ở các tháng 1 và 2 là 19,1% và 12,2%. Tuy nhiên, bởi giá trị tuyệt đối về chi ngân sách các tháng 1 và 2 thường vẫn thấp, lần lượt với các mức chi là 83,7 tỉ và 77,4 tỉ nhân dân tệ, như vậy vẫn khó bù lại được cho con số chi “mất máu” của tháng 12.

Giảm chi tiêu tài chính cũng đồng thời phải thực hiện theo đòi hỏi về chống tham nhũng. Đầu tháng 12/2012, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ban hành “Quy định 8 điểm về cải tiến tác phong làm việc, quan hệ chặt chẽ với quần chúng”. Sau đó, tiêu dùng cho ẩm thực cao cấp có giảm.

Theo Cục thống kê nhà nước, nhìn từ con số phân theo ngành nghề về tổng kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng, tỉ lệ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước của ngành ẩm thực đã giảm từ 14,6% trong quý IV năm ngoái xuống còn 8,5% trong quý I năm nay. Trong đó, mức tăng trong quý I của các đơn vị thuộc ngành dịch vụ ăn uống lớn trên mức hạn ngạch được ấn định (các cửa hàng ăn uống cao cấp, thu nhập chiếm trên 50% toàn bộ thu nhập của các doanh nghiệp ngành dịch vụ ăn uống) đã trượt xuống đến -2,6%. Nhà kinh tế Bành Văn Sinh cho biết đó là nguồn sức mạnh chủ yếu làm tổng kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng giảm đi.

3-“Tháo gỡ bom nổ chậm”

Tỉ lệ tăng trưởng tiềm tàng giảm và tình hình việc làm chuyển biến tốt còn tạo không gian cho tầng quyết sách “tháo ngòi quả bom nổ chậm” về rủi ro tài chính. Tháng 6/2012, trong nội bộ, Giám đốc Ngân hàng nhân dân Chu Tiểu Xuyên đã nói: Ở Trung Quốc hiện nay ngân hàng huy động vốn ở cả hai đầu, kinh tế của anh tăng trưởng nhanh thế, tiền cho vay của tôi cũng phải tăng 10%. Như vậy, rõ ràng là trong bối cảnh tỉ lệ tăng giảm xuống, thu hẹp vốn đã trở thành sự lựa chọn của tầng quyết sách. Bản kỷ yếu vào đầu tháng 12/2012 về Hội nghị báo cáo của ủy ban quản lý giám sát ngành ngân hàng Trung Quốc đối với tình hình kinh tế tài chính quý III/2012 cho biết từ quý IV Chủ tịch ủy ban Thượng Phúc Lâm đã cảnh báo về rủi ro tài chính. Chủ tịch Thượng Phúc Lâm nói từ năm 2012 do ảnh hưởng của các yếu tố như tiền vay tập trung đáo hạn phải trả, thu ngân sách của địa phương giảm mạnh, các dự án không có khả năng kịp thời đầu tư sản xuất… nên áp lực bồi hoàn trả nợ tăng lên, ý nguyện và khả năng trả nợ đều giảm, các khoản nợ quá hạn của không ít địa phương lần lượt nổi lên, xu hướng nợ xấu cho thấy rõ rệt, đồng thời còn lộ rõ xu hướng mở rộng từ điểm ra đến diện rộng hơn.

Vào thời điểm đó ông Thượng Phúc Lâm đã nêu rõ đối với các khoản nợ thuộc diện đi ngược lại chính sách nhưng lại bằng mọi danh nghĩa để “lòng vòng lảng tránh” thì phải áp dụng biện pháp xiết nợ. Phải nắm vững một cách toàn phương vị về tình hình mà mặt bằng chung là thông qua các kênh như trái phiếu, ủy thác… để huy động vốn.

Ngày 24/12/2012, 4 bộ ngành trong đó có Bộ Tài chính, ủy ban quản lý giám sát ngành ngân hàng Trung Quốc… đã ra một văn bản liên ngành số 463 có tên “Thông tri về việc ngăn cấm các chính quyền địa phương huy động vốn đầu tư trái pháp luật”, triển khai đợt hoạt động “tháo gỡ bom” đầu tiên.

Bước sang năm 2013 tại một số hội nghị, Quốc vụ viện (Chính phủ) khóa mới đã nhấn mạnh “ổn định tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, đề phòng rủi ro”, rõ ràng có khác với chủ trương trước đây là “ổn định tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, điều chỉnh kết cấu”. Trong bối cảnh đó, biện pháp “đề phòng rủi ro” đã liên tiếp được đưa ra. Ngày 27/3, ủy ban quản lý giám sát ngành ngân hàng Trung Quốc đã công bố văn bản số 8 năm 2013 có tên “Thông tri của ủy ban quản lý giám sát ngành ngân hàng Trung Quốc về những vấn đề liên quan đến nghiệp vụ đầu tư của Ngân hàng thương mại”; Ngày 15/4, Ủy ban quản lý giám sát ngành ngân hàng Trung Quốc công bố văn bản số 10 năm 2013 của ủy ban là “Ý kiến chỉ đạo quản lý giám sát rủi ro vay vốn trên bình diện đầu tư của chính quyền địa phương năm 2013”, tiếp tục “gỡ bom” về rủi ro tiềm tàng trong hệ thống tài chính.

Phan Hướng Đông, nhà kinh tế hàng đầu của Công ty chứng khoán Ngân Hà cho biết “chính sách đã bắt đầu chuyển biến”. Việc chuyển biến tư duy trong tầng quyết sách có thể thấy được qua hai lần thể hiện thái độ của Chủ tịch ủy ban giám sát quản lý chứng khoán Trung Quốc Tiêu Cương trong tháng 9 và tháng 11 năm 2012, nói rằng hiện nay sản phẩm hoạt động thông qua vận hành của “Trung tâm vốn” do ngân hàng phát hành, bởi có hiện tượng không ăn khớp nhau về kỳ hạn, phải dùng cách “phát hành mới để trả nợ cũ” nhằm thỏa mãn trả nợ đáo hạn nên về bản chất là “kiểu lừa Ponzi” (một kiểu đánh lừa cổ điển nhất và thông thường nhất trong hoạt động chứng khoán, thủ phạm ban đầu nghĩ ra cách đánh lừa là Charles Ponzi từ thời Chiến tranh thế giới thứ nhất-ND). Bởi đến lúc nào đó nhà đầu tư mất lòng tin, giảm hoặc từ bỏ sản phẩm tài chính thì chuỗi vốn sẽ bị đứt lìa, người bị thiệt hại lợi ích vẫn là nhà đầu tư.

Đối với việc “tháo quả bom” rủi ro tài chính, Phan Hướng Đông cho rằng như vậy cũng có tác dụng buộc phải hành động, Trung ương và địa phương sẽ buộc phải chấp nhận giảm bớt tốc độ tăng trưởng kinh tế./.
TTXVN From Beijin
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten