woensdag 22 mei 2013

Mỹ, Ấn, Trung : Thiên đường đại học thế giới ?

Thứ hai 20 Tháng Năm 2013

Mỹ, Ấn, Trung : Thiên đường đại học thế giới ?

Stephen Schwarzman (phải), chủ tịch quỹ học bổng mang chính tên ông, đi cùng phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Dương Đông (giữa) trong lễ khai trương chương trình học bổng Schwarzman tại Đại lễ đường Nhân Dân ở Bắc Kinh
Stephen Schwarzman (phải), chủ tịch quỹ học bổng mang chính tên ông, đi cùng phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Dương Đông (giữa) trong lễ khai trương chương trình học bổng Schwarzman tại Đại lễ đường Nhân Dân ở Bắc Kinh

Lê Phước
Du học hiện trở thành một trào lưu trên thế giới . Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển châu Âu OCDE, trong vòng 10 năm số du học sinh đã tăng gấp đôi, lên đến hơn 4 triệu người trên toàn thế giới. Ba điểm đến hiện được cho là hấp dẫn nhất : Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ. Tuần báo Courrier international dành một hồ sơ khá dài cho chủ đề này với dòng tựa lớn chạy trên trang nhất : «Sinh viên : Đi học nơi khác luôn có vẻ tốt hơn ».


Dẫn lại bài của các tờ The Daily Beast, The New York Times tại New York, tờ Der Spiegel tại Hambourg-Đức, tờ La Republica tại Ý, tờ Publico tại Tây Ban Nha, và tờ Quảng Châu Thời Báo tại Trung Quốc, Courrier International đề cập trước tiên đến động cơ du học. Các tờ báo nhấn mạnh đến việc muốn làm quen với một nền văn hóa khác, học tiếng và tăng cơ hội kiếm được việc làm ổn định và có lương cao. Liên quan đến các địa điểm đào tạo đang trở nên thu hút, các tờ báo cho biết, Trung Quốc nói chung và Bắc Kinh nói riêng là trung tâm giáo dục ngày càng thu hút du học sinh quốc tế.
Chỉ tính số lượng học bổng chương trình Schwarzman Scholars do nhà tỉ phú Mỹ Stephen Schwarzman vừa thành lập và bắt đầu từ năm 2016, có đến 200 du học sinh được học bổng của quỹ này (40% quốc tịch Mỹ và 60% các quốc tịch khác) sẽ theo học tại trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nơi đã đào tạo nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng Trung Quốc. Mục đích là để khám phá thế mạnh nền kinh tế đang xếp thứ hai thế giới.
Ý tưởng dự án được giám đốc đại học Thanh Hoa đề xuất với tỉ phú Mỹ, nhân kỉ niệm 100 năm thành lập Đại học, năm 2012, nhằm « giảm bớt căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước phát triển, do kinh tế Trung Quốc tăng gấp 2, 3 lần so với các nước công nghiệp hóa ».
Ngoài giờ học, các sinh viên sẽ được gặp các nhà lãnh đạo cao cấp, đi thực tế tại các vùng khác nhau của Trung Quốc và mỗi người sẽ có một người hướng dẫn. Chương trình nhận được sự ủng hộ của chủ tịch nước Tập Cận Bình vì « một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ là nâng các trường đại học lên tiêu chuẩn quốc tế ».
Tỉ phú Stephen Schwarzman đã thuyết phục được nhiều nhà lãnh đạo chính trị và các nhân vật quốc tế đỡ đầu cho chương trình của mình, trong đó có cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, ba cựu ngoại trưởng Mỹ là Henry Kissinger, Colin Powell và Condoleezza Rice và ngoài ra còn có cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.
Nước láng giềng Ấn Độ lại là « cõi thần tiên » đối với du học sinh ngành quản trị, đặc biệt là du học sinh Đức. Đất nước hơn 1,2 tỉ dân này nổi tiếng nhờ 13 Học Viện Quản lý và các trường thương mại, với điều kiện tuyển sinh khó khăn và chỉ tiêu tuyển sinh rất thấp. Chính vì thế, số du học sinh nước ngoài may mắn theo học tại các trường này đều nằm trong chương trình hợp tác trao đổi. Các trường thương mại của Đức đặc biệt quan tâm tới Ấn Độ vì nền kinh tế nước này ngày càng tăng sức nặng trên thế giới.
Từ khi tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai tại Thổ Nhĩ Kỳ, sinh viên nước này ưu tiên chọn du học tại Mỹ. Sinh viên Thổ Nhĩ Kì ngày càng nhắm đến Mỹ nhiều hơn so với Anh và Pháp bởi Anh thắt chặt việc cấp visa và tiếng Pháp ít được sử dụng. Với gần 12 000 sinh viên theo học trên các giảng đường đại học Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua các nước Anh (với 9 000 sinh viên) hay Đức (với 9 300 sinh viên).
Nếu như sinh viên Đức đi du học ở Mỹ, các trường đại học nước này lại làm điểm đến lý tưởng thứ hai (sau Achentina) cho sinh viên Ý, nhờ vị trí giáp biên giới và kinh tế phát triển hơn. Với sinh viên Ý, du học là cơ hội tìm chân trời mới, để tránh thất vọng và tình trạng thất nghiệp : 22,1% trong số họ chọn điểm đến lý tưởng là châu Mỹ, 13,7% chọn châu Á và 34,6% chọn châu Âu. Tương tự trường hợp sinh viên Ý, sinh viên Tây Ban Nha chọn ra nước ngoài vì đất nước họ không có khả năng tạo việc làm cho cử nhân trẻ. Từ cuộc khủng hoảng năm 2008, số người Tây Ban Nha sống ở nước ngoài tăng 5,5%.
Ngược lại với xu hướng du học để tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, trong vòng 5 năm trở lại đây, số du học sinh Trung Quốc về nước rất đông, khoảng 800 000 người. Tuy vậy, việc làm tại Trung Quốc cũng chẳng dễ dàng gì. Một cuộc thăm dò cho biết, khoảng 60% du học sinh Trung Quốc về nước ít hài lòng với công việc và mức lương hiện tại, 79% muốn quay về Trung Quốc và muốn làm việc cho các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, chủ yếu là các công ty châu Âu và Mỹ. Những lĩnh vực đặc biệt thu hút cựu du học sinh là tin học, tài chính và công nghiệp tiêu dùng.
Miến Điện : Chính phủ giật dây các trang mạng bài Hồi Giáo?
Nhìn sang Miến Điện, Courrier International đăng bài đáng chú ý : «Các trang mạng xã hội của sự hận thù ». Bài viết được dẫn lại của tờ Băngkok Post tại Thái Lan, cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ Miến Điện giật dây các trang mạng bài Hồi Giáo.
Dấu hiệu nghi ngờ đầu tiên mà tờ báo đưa ra đó là, tại Miến Điện nhiều trang facebook và blog tràn ngập thông tin ủng hộ quân đội và chính phủ, đồng thời bài Hồi Giáo và chống nhà lãnh đạo phe đối lập bà Aung San Suu Kyi. Điều đáng chú ý là đa số những trang này có đăng ảnh quốc kỳ hoặc là chọn biểu tượng là bức tượng chiến binh trước Học viện quốc phòng Miến Điện ở thành phố Pyin Oo Lwin. Điều đó làm nảy sinh nghi ngờ các trang xã hội này có liên quan đến quân đội Miến Điện.
Chưa hết, Bangkok Post cho hay đã xem xét 10 trang mạng nặc danh ở Miến Điện thì tất cả đều có nội dung ủng hộ quân đội, chống Hồi Giáo và chống phe đối lập của bà Aung San Suu Kyi. Để thu hút người đăng nhập, các trang này sử dụng cả những hình ảnh tươi mát.
Tờ báo cũng đề cập đến phong trào bài Hồi Giáo của các nhà sư Phật Giáo mang tên 969. Theo tờ báo, phong trào này được sự ưu ái đáng ngờ của chính phủ. Một chi tiết đáng ngờ khác nữa là, thời gian qua, có rất nhiều cán bộ quân đội Miến Điện được chính phủ cử đến Nga du học trong các ngành liên quan đến tin học và an ninh mạng.
Tờ báo nhận định, các trang mạng kiểu này gây chia rẽ sắc tộc và tôn giáo, khiến người Hồi Giáo bị hà hiếp bởi người Phật Giáo. Tờ báo nhấn mạnh, chiêu bài tạo nguy cơ bất ổn và gây ra một không khí nghi ngờ và sợ hãi giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau vốn hay được các chính phủ trên thế giới sử dụng để duy trì quyền kiểm soát đất nước và để tạo cái cớ cho quân đội tham chính.
Malaysia : Sức mạnh tuổi trẻ trong đời sống chíng trị
Cũng trên trang Châu Á, Courrier International nhìn lại cuộc bầu cử quốc hội vừa qua ở Malaysia và trích dẫn bài viết của tờ The Malaysian Insider tại Kuala Lumpur với dòng tựa dí dỏm : « Tối thứ Bảy : đi biểu tình chứ không đi hộp đêm ».
Bài viết muốn đề cập đến cuộc biểu tình tối hôm thứ Bảy ngày 12/5 vừa qua thu hút được nhiều thanh niên tham gia dưới sự chủ xướng của liên minh đối lập PR để phản đối kết quả bầu cử hôm 5/5 với phần thắng nghiêng về liên minh cầm quyền BN. Từ đó, tờ báo đề cập đến vai trò ngày càng nặng ký của tuổi trẻ Malaysia.
Tờ báo nhắc lại, trong cuộc bầu cử ngày 5/5, Malaysia có thêm 3,4 triệu cử tri so với năm 2008, trong đó có đến 40% dưới 40 tuổi. Đa số tuổi trẻ ủng hộ liên minh chính trị PR. Tuy nhiên, hiểu được tầm quan trọng của cử tri trẻ, nên trước khi bầu cử diễn ra, liên minh cầm quyền đã tiến hành nhiều biện pháp « dụ » tuổi trẻ, các chính sách đi từ lợi ích vật chất đến cả việc sử dụng hoa hậu hay ca sĩ nổi tiếng để kêu gọi cử tri trẻ tuổi.
Dù chiến thắng với gần 60% số ghế trong quốc hội, nhưng theo tờ báo, liên minh cầm quyền BN sẽ phải có những cải tổ thực chất để thu hút tuổi trẻ, chứ không chỉ là những lời nói suông như trước đến nay. Bởi vì, cử tri trẻ đang lớn mạnh, và đang dần sẵn sàng hy sinh thú vui đi hộp đêm để xuống đường tham gia các hoạt động chính trị.
Nạn nô lệ vẫn còn nhức nhối trong thế giới Ả Rập
Nô lệ tưởng chừng đã là chuyện của quá khứ, nhưng hiện tại vẫn còn khá nhức nhối ở một số nước Ả Rập. Tuần san L’Express bàn về chủ đề này qua bài : «Mali : Sự nổi dậy của nô lệ ».
Tờ báo cho biết, tại Mali, hiện có ít nhất 300 000 nô lệ. Nhưng nếu tính luôn thế hệ con cháu của nô lệ và của các nô lệ đã được tự do thì con số này phải lên đến 850 000 người, tức chiếm khoảng 7% dân số. Đã có những phong trào chống nô lệ nổi lên ở nước này, nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân sâu xa nhất đó là do nạn nô lệ vốn có từ lâu đời ở Mali. Nô lệ ở đây thường là nô lệ lao động, nô lệ theo kiểu « cha truyền con nối ».
Nhìn sang một số nước khác, tờ báo cho biết, hiện có khoảng 200 000 nô lệ tại Mauritania, 200 000 tại Niger, hàng trăm ngàn ở Ả Rập Xê Út và các vương quốc vùng Vịnh, hàng triệu trẻ em sống đời nô lệ từ Tây Phi, Indonesia, Pakistan, Ấn Độ cho đến Trung Quốc.
Chuyện quan tham tại Pháp
Liên quan đến Pháp, tạp chí L’Express dành trang nhất chạy tựa : « Những kẻ đạo đức giả », hé lộ đôi điều về thực trạng lời nói không đi đôi với việc làm của các chính trị gia.
Tờ báo dành một hồ sơ khá dài nhìn nhận về hiện tượng tham nhũng hay thâm lạm công quỹ bằng cách này hay cách khác của một số chính trị gia tại Pháp trong đó có cả cựu tổng thống Nicolas Sarkozy và đương kim tổng thống François Hollande cùng các cựu và đương kim bộ trưởng.
Riêng đối với đương kim tổng thống Hollande, tờ báo cho biết, tài sản mà ông khai báo khi bước chân vào phủ tổng thống là 1,17 triệu euro !
Hành chính của Pháp quá quan liêu
Cũng liên quan đến Pháp, Courrier International dẫn lại một góc nhìn từ Mỹ của tờ Washington Post với hàng tựa : «Nước Pháp ngộp thở bởi giấy tờ ».
Tờ báo Hoa Kỳ cho hay, nước Pháp quá nhiêu khê về giấy tờ, và hiện tại có đến 400 000 quy định các loại, từ quy định vĩ mô đến những điều ràng buộc hết sức vi mô. Bên cạnh đó, tệ quan liêu của Pháp cũng rất trầm trọng.
Hậu quả thì có nhiều, nhưng một hậu quả nhãn tiền trong cái lúc Châu Âu khủng hoảng này, thì đó là việc sức cạnh tranh của Pháp bị ảnh hưởng tai hại. Đến mức mà, tháng rồi tổng thống François Hollande đã cam kết sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, một lời hứa mà Washington Post cho rằng không trấn an được người Pháp chút nào bởi từ thời Charles de Gaulle đến người tiền nhiệm của ông Hollande, vị tổng thống nào khi tại chức mà cũng hứa như vậy.
Mozambique : đổ xô tìm gỗ
Nạn phá rừng vẫn như là một căn bệnh ung thư cho lá phổi xanh của thế giới. Courier International quan tâm đến nạn phá rừng tại Mozambique với bài dẫn lại của tờ Popoli tại Milan. Bài viết cho biết, nạn chặt phá rừng đang diễn ra nghiêm trọng tại Mozambique mà người hưởng lợi lại chính là Trung Quốc.
Bài báo nhận định tình hình khai thác gỗ quý làm tăng tình trạng tham ô hối lộ tại nước Mozambique. Các băng nhóm tự định giá gỗ, hối lộ chính quyền để khai thác rừng và để xuất khẩu gỗ. Thị trường xuất khẩu chính của các loại gỗ này chính là Trung Quốc. Như vậy, Mozambique mất đi một nguồn thu thuế quan trọng do tình trạng buôn lậu qui mô này.
Phá rừng, khai thác gỗ bừa bãi và đốt than làm tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn. Nhiều tổ chức ONG quốc tế triển khai các dự án tái trồng rừng và các chương trình giáo dục trẻ em trước nạn phá rừng nhằm thay đổi cách nhìn và tập tính của người dân.
Nhật Bản và trào lưu giả gái
Trong hồ sơ xã hội, Courrier International trích dẫn bài của tờ Mainichi Shimbun tại Tokyo cho hay : « Đàn ông Nhật Bản không còn muốn là đàn ông nữa ».
Bài viết đề cập đến một hiện tượng đang có chiều hướng lan rộng trong xã hội Nhật Bản, đó là có những đấng mày râu về đêm thích hóa trang thành phụ nữ để ra phố. Điều đáng chú ý là họ không phải là dân đồng tính hay là dân muốn chuyển giới, mà họ là những người thuộc phái nam 100%, cũng muốn có vợ, cũng muốn là đàn ông, và không hề có ham muốn đối với người cùng giới.
Thế thì tại sao họ phải giả gái để làm gì ? Tờ báo Tokyo cho biết, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đến từ các bất bình đẳng xã hội đối với cánh mày râu và những ưu ái của xã hội đối với phụ nữ như việc được chiều chuộng, được chăm sóc và nhiều thứ dễ dàng khác. Vì thế các chàng muốn hóa thân thành phụ nữ để được hưởng chút niềm hạnh phúc của chị em.
Liên hoan phim Cannes lần thứ 66
Liên hoan phim Cannes lần thứ 66 đã khai mạc hôm 15/05/2013 và kéo dài trong 12 ngày. Tạp chí L’Express nhìn về sự kiện này với dòng tựa cảnh báo: “Coi chừng những cú đấm tại Cannes”.
Những cú đấm mà tờ báo nêu ra đó chính là rất nhiều khó khăn ẩn dưới tấm thảm màu đỏ thắm trước sảnh đường của khu festival, nhất là những khó khăn đối với các nhà làm phim. Từ những thử thách tài chính khi đầu tư làm phim đến việc đến tham dự festival với bao chông gai chờ đón: phần thì lo không được giải, phần thì sợ có gì thất thoát sẽ lọt vào tầm ngắm của giới truyền thông. Chưa kể là những tình tiết thuộc loại “hậu trường” của việc xét chọn các danh hiệu.
Cũng trong lĩnh vực điện ảnh, phụ trang cuối tuần báo Le Monde đăng bài về thị trường điện ảnh khổng lồ của Trung Quốc.
Tờ báo cho biết, hồi năm 2012, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để giành vị trí số 2 của thị trường điện ảnh thế giới với 2,7 tỷ đô la thu được từ việc bán vé ở các rạp chiếu phim tại nước này. Tuy vậy, nếu so với thị trường số 1 thế giới là Hoa Kỳ thì vẫn còn một khoảng cách khá xa: Doanh thu từ việc bán vé ở các rạp phim tại Mỹ năm 2012 lên đến 10,8 tỷ đô la. Chưa kể là các phim Mỹ thì vẫn theo phong cách Mỹ, còn các phim Trung Quốc thì ngày càng mang màu sắc Hollywood, bên cạnh đó phim Mỹ cũng rất được người Trung Quốc ưa chuộng.
Âm nhạc giúp đàn ông tăng quyến rũ?
“Âm nhạc có thể làm dịu con tim?”, đó là tựa đề bài thông tin đăng trên phụ trang cuối tuần báo Le Monde bàn về sức quyến rũ của âm nhạc.
Tờ báo cho hay, theo một nghiên cứu gần đây tại Pháp, trong việc các chàng trai mới lớn muốn làm quen với các thiếu nữ lạ, thì có 30 trường hợp xin được số điện thoại và 30 trường hợp này là các chàng trai có mang đàn ghi ta ở bên mình, trong khi đó chỉ có 9 trường hợp như vậy đối với các chàng đeo túi thể thao.
Một nghiên cứu khác của Israel thì cho biết, facebook của các chàng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nàng khi các chàng đăng ảnh avatar trong tư thế ngồi đàn ghi ta.

http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20130519-my-an-trung-thien-duong-dai-hoc-the-gioi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten