zondag 12 mei 2013

Làng chài Bình Sơn (Quảng Ngãi) khá giả nhờ xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc

Chủ nhật, 12/5/2013, 16:49 GMT+7
Twitter
Facebook

Làng chài khá giả nhờ xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc

Rời làng chài xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, nhiều thanh niên xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) thu nhập mỗi tháng 1.000-1.500 USD, tích góp gửi về quê xây nhà cửa khang trang.

Nhờ xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, nhiều thanh niên ở thôn Định Tân, xã Bình Châu gửi tiền về gia đình xây nhà cửa khang trang trị giá tiền tỷ. Ảnh: Trí Tín.
Nhờ xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, nhiều thanh niên ở thôn Định Tân, xã Bình Châu gửi tiền về gia đình xây nhà cửa khang trang trị giá tiền tỷ. Ảnh: Trí Tín.
Lớn lên trong gia đình nghèo ở làng chài Định Tân, xã Bình Châu, Phạm Thị Như Ý sớm bước vào đời mưu sinh. Thấy các anh chị trong thôn xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc mỗi tháng gửi về nhà đều đặn từ 7 đến 10 triệu đồng, Ý ấp ủ cơ hội đổi đời.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, cô gái trẻ này quyết định xin phép gia đình đến Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh học tiếng Hàn, rồi đăng ký xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Ý kể, lúc đầu sang trúng vào tiết trời mùa đông, buốt lạnh thấu xương. Hái rau ở ngoài trang trại chừng 20 phút phải chạy đến lò sưởi để sưởi ấm. Sau vài tháng bắt đầu thích nghi thời tiết, nhờ cần mẫn, nhanh nhẹn trong công việc, Ý được công ty chuyển sang bộ phận đóng gói sản phẩm rau nên thu nhập hiện nay khoảng 1.100 USD mỗi tháng.
Hầu hết thanh niên trẻ ở làng chài Bình Châu xuất khẩu sang Hàn Quốc, đối với phụ nữ chủ yếu là làm nông nghiệp còn nam thì làm công nhân xây dựng, lắp ráp tại các công trường, nhà máy. Theo nhiều lao động phổ thông Việt Nam, trừ chi tiêu, mức thu nhập trung bình mỗi tháng của công nhân Việt tại Hàn Quốc khoảng 12 đến 17 triệu đồng là tương đối ổn định.
Về thôn Định Tân, xã Bình Châu, những ngôi nhà mới, biệt thự khang trang tiền tỷ mọc lên san sát trên khắp đường làng, ngõ xóm minh chứng cho sự đổi thay lớn ở vùng quê nghèo.
Ngồi giữa căn nhà bề thế mang dáng dấp biệt thự, vợ chồng ông Phạm Mạnh ở làng chài Định Tân tự hào, có được cuộc sống hôm nay là nhờ các con lao động ở Hàn Quốc làm ăn khá giả gửi tiền về quê phụ giúp cha mẹ già. " Vợ chồng tôi có hai vợ chồng đứa con trai và cô con gái út sang Hàn làm việc hơn 3 năm qua. Nhờ các con chung tay gửi tiền về nên vợ chồng chúng tôi mới xây được căn nhà rộng rãi, thoáng mát hơn 1 tỷ này", ông Mạnh nói.
Ông Phạm Mạnh trong căn nhà khang trang do các con lao động ở Hàn Quốc góp tiền xây dựng ở làng chài Định Tân. Ảnh: Trí Tín.
Ông Phạm Mạnh trong căn nhà khang trang do các con lao động ở Hàn Quốc góp tiền gửi về quê xây dựng ở làng chài Định Tân. Ảnh: Trí Tín.
Vừa từ xứ sở Kim Chi trở về quê nhà chờ sinh con đầu lòng, Nguyễn Thị Xuân (29 tuổi) hàn huyên bên người mẹ cặm cụi đan lưới sau ngày, tháng dài xa cách. Xuân kể, chồng làm nghề xây dựng cầu cho đường cao tốc ở trung tâm thành phố còn tôi làm nông nghiệp ở vùng nông thôn miền Bắc Hàn Quốc. Dịp cuối tuần, anh ấy phải đi tàu điện ngầm suốt 3h đến thăm. Xa nhau là vậy nhưng bù lại môi trường làm việc, mức thu nhập ở xứ Hàn tương đối cao nên cuộc sống cũng thoải mái.
"Lương mỗi tháng của anh ấy 1.500 USD (chưa tính thưởng) còn tôi thì 1.100 USD. Hai đứa dự định sau khi sinh con, tiếp tục sang bên ấy lao động đến khi kết thúc hợp đồng, tích góp vốn trở về quê làm ăn kinh doanh sống gần gũi gia đình", Xuân tâm sự.
Sau những giờ phút lao động mệt nhọc, Xuân bảo, vui nhất là dịp cuối tháng nhận lương, anh em đồng hương góp tiền cùng nấu bữa ăn, trò chuyện với nhau cho vơi đi nỗi nhớ nhà. Khi lao động nào có thành tích lao động tốt được thưởng cao, công ty tạo điều kiện cho nghỉ phép về thăm nhà đúng vào dịp nghỉ tết Nguyên đán thì có hạnh phúc nào sánh bằng.
Bà Lý Thị Danh ở xã Bình Châu cho biết, từ ngày con cái sang lao động ở Hàn Quốc gia đình thoát cảnh khốn khó, túng quẫn. Tháng nào các con cũng gửi về nhà từ 10 đến 15 triệu đồng để xoay sở vốn liếng làm ăn, nâng cao thu nhập đáng kể cho gia đình. "Giờ đây chúng tôi đã xây được nhà khang trang. Trước đây con cái chen chúc trong ngôi nhà lụp xụp, chật hẹp, lúc ấy tôi có nằm mơ cũng không dám nghĩ có ngày mình có mái ấm tơm tất thế này", bà Danh phấn khởi nói.
Nguyễn Thị Xuân(trái) vừa từ Hàn Quốc trở về quê chờ sinh con đầu lòng đang hàn huyên bên mẹ ở làng chài . Ảnh: Trí Tín.
Nguyễn Thị Xuân (trái) vừa từ Hàn Quốc trở về quê chờ sinh con đầu lòng đang hàn huyên bên mẹ ở làng chài. Ảnh: Trí Tín.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn lý giải, sức hấp dẫn thanh niên địa phương đi Hàn Quốc chính ở mức lương trả cho người lao động phổ thông tương đối cao. Mỗi khi gặp rủi ro, tai nạn lao động, các công ty sử dụng lao động tại Hàn Quốc hỗ trợ mức bảo hiểm khá cao. 5 năm trước, thanh niên xứ chài nghèo này chỉ hành nghề đánh bắt cá trên biển là chủ yếu, mỗi lần xã thông báo đăng ký xuất khẩu lao động là họ e ngại từ chối ngay. Nhưng những năm qua, nhiều thanh niên làng chài đổ xô đăng ký tham gia lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc.
Thống kê của UBND xã Bình Châu, hiện tại, toàn xã có hơn 120 thanh niên tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài, trong đó nhiều nhất ở Hàn Quốc. Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu khẳng định, thanh niên xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho gia đình, tạo động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển nhanh, bền vững.
"Những năm gần đây thanh niên xuất khẩu lao động đã gửi khoản tiền lớn về quê xây dựng nhà cửa khang trang, tạo nguồn vốn cho gia đình kinh doanh, buôn bán góp phần nâng cao thu nhập, cuộc sống khá giả dần lên. Hiện tại nhu cầu xuất khẩu lao động của thanh niên tại địa phương là rất lớn", ông Nguyên nhấn mạnh.
Để đáp ứng nhu cầu này, UBND xã Bình Châu vừa phối hợp với Sở lao động thương binh & xã hội Quảng Ngãi mở đợt tư vấn, tuyên truyền cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo quyền lợi cho thanh niên địa phương tham gia xuất khẩu lao động đúng qui định pháp luật.
Trí Tín
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten