zondag 19 mei 2013

Giải pháp nào cho phiến quân Hồi giáo Nam Thái Lan?

Giải pháp nào cho phiến quân Hồi giáo Nam Thái Lan?

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2013-05-18
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

000_Hkg8470143-305.jpg
Một vụ đánh bom của dân quân Hồi Giáo tại tỉnh Pattani, Thái Lan hôm 11 tháng 4 năm 2013.
AFP photo



Ngày 16 tháng 5 năm 2013, tại Bangkok các tổ chức HRW thế giới, HRW Thái Lan và nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đã tổ chức một hội thảo với nội dung về vấn đề quyền con người và tình trạng bất ổn ở miền Nam Thái Lan. Cho dù cuộc đàm phán giữa chính phủ Thái Lan và các tổ chức phiến quân Hồi giáo ở ba tỉnh miền Nam Thái Lan đã tiến hành nhưng đang đi vào bế tắc, tưởng như không thể giải quyết được.
Chính quyền Thái Lan đang cố gắng để biến quốc gia của họ thành quốc gia trung tâm của khối Asean với Bangkok là thủ đô. Song một trong những trở ngại lớn là tình trạng bất ổn ở ba tỉnh miền Nam Thái Lan. Tình trạng này đã là một thách thức không nhỏ và rất khó có thể giải quyết.
Ba tỉnh miền Nam Thái Lan hiện nay gồm ba tỉnh Yala, Narathiwat, Patani và bốn huyện thuộc tỉnh Songkhla với đa số là dân sắc tộc Malayu theo tín ngưỡng đạo Hồi cũng là kết quả của chính sách bành trướng đó. Sau khi Vương quốc Ayuthya giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh với Vương quốc Patani vào khoảng năm 1848 thì chính thức các tỉnh và huyện kể trên thuộc về Vương quốc Thái Lan.
Kể từ khi lấy được ba tỉnh thuộc Vương quốc Patani tiền thân của quốc gia Malayxia hiện nay, chính quyền Thái Lan nhanh chóng thiết lập hệ thống tổ chức hành chính cho phù hợp. Bằng cách chia nhỏ vương quốc Patani cũ thành 7 tỉnh, mà ngường đứng đầu các tỉnh do trung ương bổ nhiệm để dễ trị. Tuy nhiên tình trạng chống đối đòi độc lập ở khu vực ba tỉnh miền Nam qua các thời kỳ không hề giảm. Song tất cả đều bị trấn áp và dẹp yên.

Bế tắc

BRN cũng đòi hỏi những quyền lợi cho họ mà không có bất cứ thiện chí nào trong việc ngưng tấn công thường dân cũng như lấy thường dân ra làm mục tiêu.
-Ông Sunai Phasuk
Trước năm 2004, tình hình ba tỉnh miền Nam Thái Lan tương đối yên tĩnh. Từ năm 2004, tình trạng chống đối bằng bạo động ở đây bắt đầu bùng phát và ngày càng gia tăng mức độ khốc liệt. Tới mức bắt đầu từ ngày 20/7/2005, thủ tướng Thái Lan Thakshin Shinnawatra phải ra lệnh ban hành tình trạng khẩn cấp cho đến nay.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, theo người dân ở đây cho biết là do có sự phân biệt đối xử đối với sắc dân gốc Mã lai trong vấn đề nhân quyền, giáo dục và thực thi luật pháp. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là việc thủ tướng Thái Lan Thakshin Shinnawatra đã sai lầm trong việc dùng bạo lực để  khuất phục sắc tộc Malayu.
Người sắc tộc Malayu không được tôn trọng và đối xử bình đẳng. Họ bị bắt giữ tùy tiện vô cớ, đối xử vô nhân đạo và đánh đập khi bị bắt giữ. Điển hình là vụ một luật sư người Thái, người bảo vệ quyền lợi cho một vụ án mà các bị cáo là người gốc Malayu. Ông luật sư này đã bị cho là chính quyền tổ chức bắt cóc và thủ tiêu mất tung tích vào năm 2003. Cộng với vụ lực lượng quân đội Thái Lan đã bắn chết hàng chục tín đồ trong nhà thời Hồi giáo ở Khuase, khi cho rằng họ là những phiến quân. Những sự việc trên được cho rằng chính là ngòi nổ của tình trạng bất ổn trong lần này.
Trong cuộc hội thảo lần này đại diện tổ chức nhân quyền Thái Lan là ông Sunai Phasuk phát biểu:
000_Hkg4774161-250.jpg
Tướng Prayut Chan-O-Cha (giữa) trong một chuyến viếng thăm tỉnh miền nam Narathiwat vào ngày 7 tháng 4 năm 2011. AFP PHOTO / MADAREE TOHLALA.

“Tôi không thấy một nỗ lực nào giữa hai phía. Chính phủ Thái chỉ xem xét những khía cạnh nào mà họ cho là có lợi cho lãnh đạo BRN, trong khi đó BRN cũng đòi hỏi những quyền lợi cho họ mà không có bất cứ thiện chí nào trong việc ngưng tấn công thường dân cũng như lấy thường dân ra làm mục tiêu.”
Tình trạng bất ổn ở miền Nam Thái Lan được các nhóm phiến quân áp dụng bằng bạo lực với chiến thuật chiến tranh du kích hết sức đa dạng. Chủ yếu bằng cách đốt trường học và ám sát nhân viên chính phủ đặc biệt là giáo viên, nhà sư. Sử dụng mìn đặt trên các trục giao thông đường bộ hoặc đường sắt, dùng  bom xe trên cả xe hơi và gắn máy tấn công các khu dân cư, chợ búa, các trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng... Với mục đích tạo nên tình trạng bất ổn cao nhất ở ba tỉnh miền Nam Thái Lan nhằm đòi ly khai hoặc được hưởng quy chế tự trị từ chính quyền trung ương.

Tình trạng bất ổn

Trong gần 10 năm bền bỉ, các tổ chức khủng bố ở Thái Lan đầu não đặt tại Malayxia đã tạo nên một tình trạng bất ổn vô cùng trầm trọng ở các tỉnh miền Nam Thái Lan. Tình trạng ám sát và nổ bom hàng ngày đã gây sức ép buộc chính phủ Thái Lan phải ngồi vào bàn đàm phán thông qua trung gian là Malayxia. Điều mà trước đây chính quyền Thái Lan không bao giờ chấp nhận.
Vòng đàm phán đầu tiên được diễn ra tại Malayxia giữa Tổng thư ký Ủy ban An ninh quốc gia Hoàng gia Thái Lan và đại diện của hai nhóm phiến quân BRN và FULO với sự dàn xếp của Malayxia. Theo nguyên tắc vòng đàm phán sau sẽ nhóm họp lại sau 30 ngày, là thời gian để cho mỗi bên hoạch định các bước tiếp theo. Đồng thời hai bên cam kết mọi thông tin về cuộc đàm phán hai bên phải tuyệt đối giữ bí mật, không để lọt ra ngoài.
Các cuộc đàm phán được giám sát bởi ASEAN và các nước Hồi giáo. Trả tự do vô điều kiện cho tù nhân hồi giáo và BRN phải được thừa nhận là một tổ chức tự do.
-Ông Ustaz Hassan Taib
Tuy nhiên, trước vòng đàm phán thứ hai, ngày 28.4.2013 thì phía BRN và FULO đã vi phạm thỏa thuận, bằng cách phát tán một clip video trên mạng You tube tuyên bố lập trường 5 điểm, trong đó điểm chính là đòi ly khai và yêu cầu quốc tế hóa vấn đề này. Malayxia sẽ nắm vài trò trung gian hòa giải, nếu không phiến quân sẽ gia tăng số vụ và mức độ khủng bố nếu yêu cầu nói trên không được chấp nhận.
Ông Ustaz Hassan Taib, đại diện cho BRN phát biểu:
“Thái Lan phải chấp nhận Mã Lai như trung gian hòa giải không chỉ là một điều tra viên. Các cuộc đàm phán phải liên quan đến người Mã Lai trong các phán quyết. Các cuộc đàm phán được giám sát bởi ASEAN và các nước Hồi giáo. Trả tự do vô điều kiện cho tù nhân hồi giáoBRN phải được thừa nhận là một tổ chức tự do và không phải là một chủ trương ly khai.”
Về phía Thái Lan trong vòng đàm phán thứ hai đã giữ nguyên lập trường trước sau như một, đó là mọi thỏa  thuận giữa hai bên phải tuân thủ mọi điều khoản của Hiến pháp Thái Lan và đây là vấn đề nội bộ. Đồng thời kiên quyết không chấp thuận ly khai bằng mọi giá.
Cuộc đàm phán thứ hai kết thúc chóng vánh với nhiều bế tắc xem chừng khó có lối thoát và phía phiến quân lập tức đẩy mạnh việc khủng bố. Việc này đã đẩy chính quyền Thái Lan vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong việc giải quyết vấn đề bất ổn ở ba tỉnh miền Nam Thái Lan.
Qua cuộc họp báo này giới quan sát quốc tế chưa thấy được lối thoát nào khả thi cho bàn đàm phán giữa hai phía. Tuy nhiên khi vấn đề được thế giới chú ý và nhất là các tổ chức nhân quyền lên tiếng chính là lúc bạo động có thể giảm thiểu từ chính quyền Thái Lan dẫn đến sự lên án gắt gao của quốc tế nếu phiến quân vẫn tiếp tục lún sâu hơn vào các cuộc đánh bom vào thường dân vô tội.
Anh Vũ, thông tín viên RFA từ Bangkok.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten