zondag 12 mei 2013

'Cuộc chiến' cà phê ở Sài Gòn

'Cuộc chiến' cà phê ở Sài Gòn Friday, May 03, 2013 6:34:06 PM






 
Văn Lang/Người Việt
Sự kiện đình đám nhất trong dịp Tết Nguyên Ðán vừa qua tại Sài Gòn là những hàng dài người rồng rắn trong cái nắng trưa gay gắt chờ đợi cả tiếng đồng hồ để được thưởng thức một ly cà-phê của Starbucks.
Starbucks không phải là sản phẩm cà-phê ngoại đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn, trước đó vào năm 2007 Gloria Jeans Coffee (của Úc) đã có mặt tại Sài Gòn.
Cà phê “The Bean” và “nydc” đối diện nhà thờ Ðức Bà. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Năm 2008 cà-phê Mỹ “The Bean” (The Coffee Bean & Tea Leaf) cũng đã có mặt tại Sài Gòn. Xa hơn nữa thì phải kể tới chuỗi cà-phê Highlands của một Việt kiều Mỹ mở tại Sài Gòn với phong cách cà-phê theo lối Mỹ và Châu Âu, khác với “gu” cà-phê lâu nay của người Việt.

Trong khi tất cả những cà-phê thương hiệu ngoại đều “im hơi lặng tiếng” trước sự xuất hiện của Starbucks thì ông chủ hãng cà-phê Trung Nguyên tại Việt Nam lại lên tiếng rất ồn ào về sự xuất hiện của Starbucks, với những lời lẽ chê bai mà không có căn cứ, như gọi Starbucks là “không có bản sắc,” là “mất gốc” v.v và v.v.
Ðồng thời ông chủ cà-phê Trung Nguyên cũng không ngừng “nhấn mạnh” là ông sẽ lãnh đạo cà-phê thế giới, đồng thời sẽ “chinh phạt” (sic) nước Mỹ.

Nằm tọa lạc tại một địa điểm đắc địa bậc nhất Sài Gòn, lưng dựa vô khách sạn New World, mặt tiền hướng ra phía tượng Thánh Gióng (dân Sài Gòn quen gọi là ngã sáu Phù Ðổng), với logo là nàng tiên cá dịu dàng nhìn xuống dòng người qua lại, Starbucks không có một lời bình luận nào về những lời lẽ “xách động” của ông chủ cà-phê Trung Nguyên.

Xuất thân từ anh sinh viên nghèo của trường Y Tây nguyên, lúc còn đi học ông N. Vũ đã cùng nhóm bạn nghiên cứu cách rang cà-phê và dùng xe đạp mang đi bỏ mối.

Giữa năm 1996 thương hiệu cà-phê Trung Nguyên chính thức ra đời, tới năm 1998 mở được quán cà-phê đầu tiên mang bảng hiệu Trung Nguyên tại đường Nguyễn Kiệm-Sài Gòn. Năm 2003 sản xuất cà-phê hòa tan (instant coffee) mang nhãn hiệu G7.
Quán cà phê Trung Nguyên tại ngã tư chợ Nancy (cũ). (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Hiện nay (theo lời “tự khai” của Trung Nguyên) thì họ có 500 tiệm cà-phê khắp Việt Nam và 5 cửa hàng tại Singapore. Doanh số năm 2012 của Trung Nguyên đạt 200 triệu USD, dự kiến tới năm 2016 họ sẽ đạt doanh số 1 tỷ USD.

Ðể thực hiện điều này, Trung Nguyên đã đầu tư một nhà máy sản xuất cà-phê hòa tan tại tỉnh Bắc Giang để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, với phương châm: “Mỗi năm chỉ cần lấy được 1 đô la của một người Trung Quốc.”

Hiện doanh số xuất khẩu của Trung Nguyên vào thị trường Trung Quốc mới chỉ đạt ở mức 50 triệu USD/1 năm.

Starbucks khi tiến vào Trung Quốc đã ký kết hợp tác với tỉnh Vân Nam xây dựng vùng trồng cà-phê chất lượng cao làm vùng nguyên liệu cho mình, ký kết này được nhà nước Trung Quốc nhiệt liệt “Welcome,” có lẽ cả hai “đế quốc” đều cùng cảm thấy sự thỏa mãn trong việc hợp tác lâu dài này.

Tại Sài Gòn, cà-phê Trung Nguyên gần như đơn độc một mình giữa những bảng hiệu ngoại, nếu như ở vùng quận 1, chỉ tính riêng cà-phê, Trung Nguyên đã bị bao vây bởi những Starbucks, Highlands, Gloria Jeans, The Bean... chưa kể tới những “nycd” (New York dessert café), “Mylife coffee”...

Tại ngã tư Nancy, nơi mật độ quán cà-phê không còn dày như khu trung tâm thì xung quanh Trung Nguyên vẫn là những bảng hiệu ngoại, như đối diện cà-phê Trung Nguyên phía Trần Hưng Ðạo là KFC, phía bên đường Nguyễn Văn Cừ (Cộng Hòa cũ) là Jollibee, còn đầu bên Nancy là thức ăn nhanh và cà-phê “Pang-Pang” của Nam Hàn.

Ðối diện Diamond Plaza (nơi mặt tiền là cà-phê Highlands), trên đường Nguyễn Văn Chiêm có một quán cà-phê Trung Nguyên rộng lớn, gần như được xem là “đại bản doanh” của Trung Nguyên. Tại đây, một ly cà-phê đen giá chót của Trung Nguyên là 46 ngàn đồng, cao hơn thì có giá từ 55 ngàn tới 80 ngàn đồng. Như các quán sang khác Trung Nguyên tại đây không phục vụ nước trà, chỉ có nước đá (nước lọc) và nước đậu ván.

Trung tuần Tháng Tư mới đây, chúng tôi có mặt tại cà-phê Starbucks, lúc đó là 11 giờ trưa của một ngày đầu tuần nhưng cũng phải đứng chờ gần 10 phút chúng tôi mới có được ly cà-phê. Quán trang nhã và giản dị tạo cảm giác thân thiện rất khác với Gloria Jeans coffee của Úc (cũng là một loại cà-phê tự phục vụ như Starbucks).

Giá của cà-phê Starbucks bên bảng Frappuccino cao nhất là Java Chip với giá từ 90-100-105 ngàn đồng cho 3 loại ly tương ứng là nhỏ-vừa-lớn; bên bảng Coffee thì cao giá nhất là Caffe Latte có giá là 70-75-80 ngàn đồng/1 ly; thấp giá nhất là Espesso có giá là 35 ngàn đồng cho loại “solo.”

Chúng tôi chọn uống loại Americano, uống nóng, ly nhỏ (dung tích cỡ bằng một lon 33 khoảng 330ml) với giá là 55 ngàn đồng. Vị cà-phê dịu, nhẹ rất khác với loại cà-phê “nguyên chất” đậm đặc của những tiệm cà-phê nội đắt tiền và càng khác xa với cà-phê vỉa hè chúng tôi uống hàng ngày. Ly cà-phê nóng nhấm nháp từng “ngụm” nhỏ mà vẫn thấy sảng khoái trong cái nóng trưa gay gắt của Sài Gòn đủ để giải thích là đã gần 12 giờ trưa mà lượng khách vẫn nườm nượp đổ vô Starbucks.
Cà phê vỉa hè đường Lê Thánh Tôn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Tín đồ cà-phê Sài Gòn với hơn 90% thuộc về những quán cà-phê bình dân (không thương hiệu) hoặc là cà-phê vỉa hè. Cà-phê nhiều khi không chỉ thuần túy là cà-phê mà còn là phong cách sống.

Cà-phê vỉa hè ở Sài Gòn không hề bị “đè bẹp” bởi Trung Nguyên, cũng không hề bị mất địa vị bởi các thương hiệu ngoại như Starbucks, mà chính là hàng gian, hàng giả làm cho khách hàng e ngại chuyện bị suy thận, suy tủy bởi cà-phê pha tẩm hóa chất, do nguồn hóa chất nhập lậu từ Trung Quốc được bán đầy ở chợ Kim Biên.

Hiện tại Sài Gòn có một số quán cho rang, xay cà-phê tại chỗ để “khôi phục” niềm tin của khách hàng, cách này thu hút khách khá đông, giá tiền thì bằng khoảng giữa của ly cà-phê bình dân (từ 5-7 hoặc 12 ngàn đồng) với ly cà-phê Trung Nguyên. Cách nữa là quay về với ly cà-phê hòa tan tại nhà...

Cà-phê hòa tan (instant coffee) hiện nay ở Việt Nam là cuộc chiến tay ba giữa G7 của Trung Nguyên với Vinacafe và Nescafe của hãng Nestle. G7 từ con số không năm 2003 đã vươn lên đẩy Vinacafe (gần 20 năm độc quyền sau 1975) trở về thế cầm cự và đẩy Nescafe vào thế phải bản địa hóa để bảo vệ thị phần khi cuối cùng Nescafe phải tung ra slogan quảng cáo: “Nescafe là cà-phê của người Việt.”

Với bất cứ thị trường nào, khi sản phẩm cũng như sự phục vụ của nhà kinh doanh thỏa mãn được ý muốn và túi tiền của khách hàng thì nhà kinh doanh đó chiến thắng.

Mất thị trường tại Việt Nam, Trung Nguyên (có thể) sẽ mất tất cả.

Ngược lại, nếu kinh tế Việt Nam không phát triển, không hình thành được lối sống công nghiệp trẻ trung, năng động thì Starbucks sẽ không phát triển được thị phần của họ, nhưng mất Việt Nam thì có lẽ Starbucks hầu như vẫn chưa mất gì, vì khi những nền kinh tế lạc hậu phát triển đến một mức nào đó thì Starbucks sẽ quay lại để làm “ngư ông đắc lợi.”
 
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten