zondag 19 mei 2013

Châu Âu nêu tên 2 tập đoàn truyền thông Trung Quốc phá giá là Hoa Vi và ZTE

Thứ bảy 18 Tháng Năm 2013

Châu Âu nêu tên 2 tập đoàn truyền thông Trung Quốc phá giá

Karel De Gucht, Ủy viên phụ trách Ngoại thương của Liên Hiệp Châu Âu (REUTERS /F. Lenoir)
Karel De Gucht, Ủy viên phụ trách Ngoại thương của Liên Hiệp Châu Âu (REUTERS /F. Lenoir)

Anh Vũ
Trong một cuộc phỏng vấn đặc biệt của Reuters tại New York tối qua, 17/5/2013, Ủy viên phụ trách Ngoại thương của Liên Hiệp Châu Âu lần đầu tiên đã tố cáo đích danh hai tập đoàn Trung Quốc sản xuất các thiết bị viễn thông là Hoa Vi và ZTE bán phá giá, vi phạm các quy định về cạnh tranh.


Ông Karel De Gucht khẳng định Bruxelles đã chuẩn bị mở điều tra chính thức về những cáo giác vị phạm quy định chống phá giá và trợ giá sản phẩm của hai công ty Trung Quốc nói trên để bảo vệ lĩnh vực « chiến lược » của kinh tế Liên hiệp châu Âu này.
Trong cuộc phỏng vấn, ủy viên Ngoại thương châu Âu khẳng định : « Hoa Vi và ZTE đã bán phá giá các sản phẩm của mình trên thị trường châu Âu ». Từ hôm thứ Tư vừa qua, trong thông báo thống nhất trên nguyên tắc mở điều tra chống bán phá giá, Liên Hiệp Châu Âu đã nhắc đến tên hai tập đoàn Trung Quốc.
Đáp lại, trong một thông cáo gửi đến Reuters, tập đoàn Hoa Vi phủ nhận các cáo giác cho rằng họ vi phạm luật cạnh tranh ở châu Âu cũng như ở các nơi khác và rằng Hoa Vi luôn tôn trọng các luật lệ và "chiếm được thị phần và lòng tin của khách hàng là nhờ vào công nghệ cải tiến và chất lượng dịch vụ chứ không phải nhờ vào giá cả hay việc trợ giá của Nhà nước".
Nếu châu Âu mở điều tra nhắm vào hai công ty Trung Quốc thì đây là lần đầu tiên, vì từ trước tới nay, việc làm như vậy vẫn do các tổ chức chuyên ngành thực hiện. Trung Quốc cho biết sẵn sàng đáp trả lại mọi điều tra của Liên Hiệp Châu Âu.
Trên thực tế gần đây, các nhà sản xuất thiết bị viễn thông nổi tiếng như Ericsson, Alcatel-Lucent và Nokia Siemens Network vẫn kêu bị thiệt hại bởi hai công ty Trung Quốc xuất vào thị trường châu Âu những sản phẩm với giá quá rẻ. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại Bắc Kinh có thể trả đũa bởi các quyết định của Liên Hiệp Châu Âu.
Ngược lại, trong một cuộc phỏng vấn của báo Trung Quốc China Daily, chủ tịch Hoa Vi phụ trách thị trường Tây Âu đã tố cáo các đối thủ cạnh tranh của Liên Hiệp Châu Âu đã đổ lỗi cho các tập đoàn Trung Quốc trong việc thua lỗ của mình, nhưng thực chất là lười, không chịu cải tiến.
Liên Hiệp Châu Âu vẫn luôn là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Trung Quốc. Ngược lại với châu Âu thì Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 sau Hoa Kỳ. Năm ngoái, Trung Quốc xuất khẩu sang 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu một khối lượng hàng hóa trị giá 290 tỷ euros, trong khi chiều ngược lại chỉ đạt 144 tỷ.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130518-chau-au-neu-dich-danh-2-hang-truyen-thong-trung-quoc-pha-gia

Thứ năm 16 Tháng Năm 2013

Bắc Kinh cảnh báo châu Âu về chiến tranh thương mại

Getty Images/ Luis Padilla Silva
Getty Images/ Luis Padilla Silva

Thụy My
Bắc Kinh hôm nay 16/05/2013 đã kêu gọi Liên hiệp châu Âu hãy từ bỏ cuộc điều tra chống trợ giá và chống bán phá giá đối với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc, cũng như việc áp thuế lên sản phẩm pin mặt trời của nước này.


Hôm qua, Bruxelles loan báo sẽ tiến hành điều tra về các thiết bị viễn thông Trung Quốc, tuy nhiên trước tiên cũng sẽ đối thoại để xem có tìm ra được một giải pháp hữu nghị hay không. Theo số liệu của Bruxelles, thì xuất khẩu thiết bị viễn thông của Trung Quốc sang Liên hiệp châu Âu lên đến 1 tỉ euro một năm.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đan Dương (Shen Danyang) trong một cuộc họp báo đã khẳng định, các công ty châu Âu trong lãnh vực viễn thông có thị phần « lớn hơn hẳn » tại Trung Quốc, chứ không phải ngược lại, và bày tỏ hy vọng là Liên hiệp châu Âu sẽ không sử dụng các biện pháp bất lợi cho cả đôi bên. Trung Quốc sẽ « bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình » theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới nếu châu Âu tiếp tục điều tra.
Giữa châu Âu và Trung Quốc – mà thương mại song phương trong năm qua theo hải quan Trung Quốc lên đến 546 tỉ đô la – có nhiều bất đồng trên nhiều loại sản phẩm, từ nông sản cho đến ống thép. Vấn đề thiết bị viễn thông diễn ra tiếp theo bất đồng về pin mặt trời.
Tuần rồi, Ủy ban châu Âu đã đề nghị các nước trong Liên hiệp châu Âu thông qua việc đánh thuế tạm thu trung bình 47% kể từ ngày 5/6 đối với sản phẩm pin mặt trời nhập từ Trung Quốc, để bảo vệ các công ty châu Âu trong lãnh vực này đang có nguy cơ phá sản. Ủy ban có thể sẽ đưa ra quyết định trừng phạt chính thức vào tháng 12.
Về phía Bộ Thương mại Trung Quốc, hồi tháng 11 đã tiến hành điều tra chống trợ giá và chống bán phá giá đối với chất polysilicium được sử dụng để sản xuất các tế bào quang điện cho pin mặt trời.
Theo nhận định của một chuyên gia Trung Quốc, thì dư luận càng thiên về mặt bảo hộ hơn khi kinh tế chưa được phục hồi, trong bối cảnh khu vực đồng euro tiếp tục suy thoái trong quý 1 năm nay. Còn Trung Quốc có tăng trưởng đang chậm lại trong cùng thời kỳ, « không muốn có chiến tranh thương mại với châu Âu ».
Xuất khẩu các sản phẩm về năng lượng mặt trời của Trung Quốc trong năm ngoái có giá trị được ước tính lên đến 35,8 tỉ đô la, trong đó 60% được xuất qua Liên hiệp châu Âu. Trung Quốc nhập khẩu 7,5 tỉ đô la nguyên liệu và thiết bị từ châu Âu trong lãnh vực này.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130516-trung-quoc-canh-bao-chau-au-ve-chien-tranh-thuong-mai

Geen opmerkingen:

Een reactie posten