zondag 12 mei 2013

Châu Âu : Kiến nghị một ngày tưởng nhớ nạn nhân chế độ nô lệ và thực dân

Thứ sáu 10 Tháng Năm 2013

Châu Âu : Kiến nghị một ngày tưởng nhớ nạn nhân chế độ nô lệ và thực dân

Tổng thống François Hollande (phải) và chủ tịch Thượng viện Pháp Jean-Pierre Bel (trái) tại nghi lễ tưởng niệm nạn nhân chế độ nô lệ, vườn Luxembourg, 10/05/2013.
Tổng thống François Hollande (phải) và chủ tịch Thượng viện Pháp Jean-Pierre Bel (trái) tại nghi lễ tưởng niệm nạn nhân chế độ nô lệ, vườn Luxembourg, 10/05/2013.
REUTERS/Gonzalo Fuentes

Trọng Thành
Năm nay là năm thứ 8, nước Pháp kỷ niệm ngày chính thức hủy bỏ chế độ nô lệ, cách đây 165 năm. Cho đến nay, Pháp là quốc gia duy nhất công nhận nô lệ là « tội ác chống nhân loại », tuy nhiên, trong quá khứ Pháp không phải là quốc gia Châu Âu duy nhất làm giàu nhờ ở chế độ này. Một nhóm các nghị sĩ Châu Âu vừa lên tiếng yêu cầu có một ngày tưởng nhớ chung cho toàn Châu Âu đối với các nạn nhân của chế độ nô lệ và thực dân.


Nghị sĩ Châu Âu Jean-Jacob Bicep, thuộc đảng Xanh, được sự ủng hộ của hơn 10 nghị sĩ, và một nhóm các hiệp hội, đã thảo ra một tuyên bố yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu có một ngày tưởng nhớ đến các nạn nhân của chế độ tàn bạo này, cùng với các nạn nhân của chế độ thực dân.
Trước nghị sĩ Jean-Jacob Bicep, đã từng có hai đề nghị về việc này, vào năm 2006 và 2008. Mặc dù hai đề nghị trên không được chấp thuận, nhưng nghị sĩ đảng Xanh rất lạc quan. Trả lời phỏng vấn tờ Libération, nghị sĩ Bicep cho biết ông tin tưởng vào khả năng đề nghị sẽ được chấp thuận, bởi vì trong văn bản đề nghị không có khái niệm « bồi thường », một kiến nghị thường gây tranh luận. Bên cạnh đó, khác với các đề nghị trước, chỉ mang tính cá nhân, lần này đề nghị của nghị sĩ đảng Xanh nhận được sự ủng hộ của tổng cộng 12 nghị sĩ thuộc các đảng phái khác nhau và đến từ các nước thành viên khác nhau của Liên Âu. Để được chấp thuận, tuyên ngôn kể trên phải được 378 nghị sĩ (trên tổng số 736), ký tên trước ngày 15/07/2013. Cho đến nay, đã có 30 nghị sĩ ký vào tuyên ngôn. Người chủ trì sáng kiến này cũng sẵn sàng cho một phương án khác, nếu tuyên ngôn không nhận được đủ số nghị sĩ ủng hộ, nhóm chủ xướng sẽ tiến hành một đợt lấy ý kiến rộng rãi nhân dân Châu Âu.
Việc Liên Hiệp Châu Âu công nhận các nạn nhân là rất quan trọng đối với những người đang đòi hỏi được bồi thường. Theo một điều tra dư luận của Ifop phối hợp với Cran – Hội đồng đại biểu các hiệp hội người da đen Pháp -, thì hơn nửa dân cư Pháp hải ngoại đồng tình với điều này. Chủ tịch Cran cho biết « 63% dân Pháp hải ngoại đồng ý với việc cần có một sự bồi hoàn về tinh thần và vật chất ».
Tuần lễ Châu Âu về chế độ nô lệ và thực dân
Một tuần lễ Châu Âu về chế độ nô lệ, chế độ thực dân và các biện pháp khắc phục hậu quả sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 17/05 ở Bruxelles, để giúp công chúng hiểu rõ hơn vấn đề này. Nhân dịp này, nhiều nghị sĩ và hiệp hội sẽ tổ chức các hoạt động nhằm đánh động Châu Âu về những hậu quả vẫn còn cho đến nay của quá khứ thực dân. Nghị sĩ Jean-Jacob Bicep, đại diện nhóm các nghị sĩ, yêu cầu công nhận và bồi thường cho các nạn nhân chế độ nô lệ và thực dân, giải thích rằng : « các tranh luận mở ra với sự tham gia của xã hội dân sự và những người thuộc giới lãnh đạo Châu Âu, có mục đích giúp các công dân và các dân biểu Châu Âu hiểu được tầm quan trọng của việc thừa nhận (những hệ quả của) chế độ thực dân Châu Âu, bởi sự giầu có của Châu Âu có được một phần nhờ chế độ thực dân ».
Quyết định hủy bỏ chế độ nô lệ tại các thuộc địa Pháp, 1848.
© Auguste François Biard

Nghị sĩ Jean-Jacob Bicep cũng nhắc đến những hệ quả tại Châu Phi, do hội nghị Berlin, cách đây hơn một thế kỷ để lại. Hội nghị Berlin, được tổ chức từ tháng 11/1884 đến tháng 2/1885, là dịp các cường quốc thực dân Châu Âu bàn bạc và hợp tác trong việc xâm chiếm và chia cắt Châu Phi. Cũng theo nghị sĩ Bicep, Pháp là nước Châu Âu duy nhất mà nhiều vùng thuộc địa cũ trở thành các "tỉnh hải ngoại" và Pháp là nước duy nhất của Liên Âu thừa nhận tội ác chống nhân loại của chế độ nô lệ, với luật Taubira 2001.
Hôm nay, chủ trì lễ tưởng niệm quốc gia các nạn nhân nô lệ, tổng thống  François Hollande khẳng định, những thiệt hại trong quá khứ là "không thể đền bù" về mặt tài chính. Ngược lại, tổng thống Pháp nhấn mạnh đến nghĩa vụ bảo vệ các hồi ức về chế độ nô lệ : "Sự lựa chọn duy nhất, lựa chọn cao quý nhất, lớn lao nhất, có trách nhiệm nhất, là phải ghi nhớ". Đồng quan điểm này, có Ủy ban tuần hành 23 tháng Năm (Comité  marche du 23-Mai). Hiệp hội này bác bỏ hoàn toàn việc đền bù tài chính, vì cho rằng "những đau khổ của các thế hệ trước không thể dùng tiền để chuộc lại được".
Nô lệ gia đình – một hình thức nô lệ hiện đại ít được biết đến
Mặc dù chế độ nô lệ đã bị hủy bỏ cách đây 165 năm, hiện tại vẫn còn có hàng chục triệu người phải sống như nô lệ. Theo một báo cáo mới đây của Bộ Ngoại giao Mỹ, có 27 triệu người, trong đó có gần 6 triệu trẻ em, bị đày đọa trong cảnh lao nô. Hiện tượng này tồn tại khắp nơi trên thế giới, ngay cả ở Pháp.
Nô lệ hiện đại bao gồm những hình thức khác nhau : bóc lột tình dục, lao động cưỡng bức, ép buộc ăn xin, bóc lột lao động tại gia… Bóc lột lao động tại gia là hình thức nô lệ hiện đại diễn ra âm thầm nhất, bởi vì nó được thực hành trong nội bộ các gia đình, nên cuộc sống đau khổ của những người lao động như nô lệ này thường không được bên ngoài biết đến.
Nô lệ gia đình là đề tài chính của chương trình Phóng sự lớn của RFI hôm nay.
Hai hiệp hội lớn của Pháp, hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ các nạn nhân nô lệ - Ủy ban chống nô lệ hiện đại (CEM - Comité contre l'esclavage moderne) và Triệt để chống Nô lệ (ETZ - Esclavage tolérance zéro), có trụ sở tại Marseille -, ước tính có khoảng từ 3.000 đến 5.000 người đang phải sống cuộc đời nô lệ trong các gia đình tại Pháp.
Theo các số liệu thống kê của Ủy ban CEM, 80% số nạn nhân là phụ nữ, thường là các thiếu nữ, phần lớn đến từ các nước Bắc Phi, Tây Phi, Châu Á và Đông Âu.
Bà Sylvie O’Dy, tác giả cuốn sách Những nô lệ tại Pháp (Esclaves en France), chủ tịch Ủy ban chống nô lệ hiện đại CEM, những kẻ buôn người thường sử dụng một người bạn, một người thân với gia đình, hay một người môi giới tới tận gia đình các cô gái trẻ để đưa ra những lời hứa hẹn ngọt ngào về việc con cái họ sẽ được đi học tại Pháp, và để đổi lại việc này, con gái họ sẽ phụ giúp việc cho một gia đình Pháp. Người ta cũng hứa sẽ trả thêm tiền hàng tháng cho gia đình.
Áp phích của CEM - Ủy ban chống nô lệ hiện đại Pháp

Trên thực tế, các lời hứa trên chỉ là hão. Một khi đến Pháp, thường là nhập cư lậu, các thanh niên, thanh nữ bị giam trong nhà của chủ nô. Họ không được đến trường và buộc phải làm việc liên tục từ 15 đến 18 tiếng/ngày, không có nghỉ phép. Họ phải sống trong những hoàn cảnh khốn khổ, phải ngủ trên đất và ăn những gì chủ để thừa lại.
Theo nữ chủ tịch hiệp hội Triệt để chống Nô lệ, thì những người sử dụng lao động đã dùng mọi phương tiện để cô lập và bẻ gãy ý chí phản kháng của nạn nhân : tịch thu giấy tờ, cắt đứt các liên lạc với gia đình hay kiểm soát chặt các liên lạc... Họ cư xử với người làm công như những chủ nô, buộc những người này phải chịu nhiều bạo hành, kể cả bạo hành tình dục (hơn 60% nạn nhân buôn người bị bóc lột tình dục) và tra tấn.
Các chủ nô sử dụng lao động tại gia như vậy có mặt trong tất cả các môi trường xã hội, ở các tầng lớp người giầu cũng như người nghèo, tại các khu phố sang trọng ở Paris, hay các khu phố nghèo ngoại ô. Theo báo cáo của ETZ, trường hợp người nghèo bóc lột như nô lệ người nghèo có xu hướng ngày càng phổ biến.
Theo luật của Pháp, việc buôn bán lao động làm nô lệ bị trừng phạt tối đa 7 năm tù và 150.000 euro tiền phạt. Nhưng việc truy tố các thủ phạm gặp nhiều cản trở : thiếu nhân chứng và bằng chứng, thời hiệu khởi kiện, quy định miễn trừ ngoại giao (ước tính có khoảng 20% thủ phạm thuộc giới ngoại giao). Các thẩm phán thường lưỡng lự trong việc sử dụng tội danh « buôn bán người » trong hồ sơ điều tra, thay vào đó, họ thường sử dụng cụm từ « giúp đỡ người nước ngoài nhập cảnh và cư trú bất hợp pháp tại Pháp ». Thỉnh thoảng cũng có một số vụ kết án, nhưng các án phạt thường là tù treo và tiền bồi thường cho nạn nhân hiếm khi vượt quá vài ngàn euro.
Châu Âu tăng cường chống nạn nô lệ hiện đại
Theo bà Cécilia Malmstrom, ủy viên phụ trách nội vụ Châu Âu, trong cuộc trả lời phỏng vấn được đăng tải trên Le Huffingtonpost ngày 15/04/2013, thì trong những năm gần đây, các lãnh đạo Liên Âu đã ý thức được tầm mức nghiêm trọng của nạn buôn người hiện đại tại chính Châu Âu. Tuy nhiên, mặc dù hiệp ước cấm buôn người, lạm dụng tình dục và lao động khổ sai đã được 27 nước phê chuẩn và có hiệu lực từ 2008, nhưng chỉ có 16 nước ký kết và trong đó mới chỉ có 6 nước nội luật hóa hiệp ước này và đáng tiếc là Pháp không nằm trong số đó. 6 nước đã nội luật hóa toàn bộ hiệp ước Châu Âu trong lĩnh vực này là : Cộng hòa Séc, Lithuania, Phần Lan, Hungari, Ba Lan và Thụy Điển, và 3 nước đang tiến hành là : Bỉ, Litva và Slovenia. Tháng 10/2012, Tòa án Châu Âu về nhân quyền đã phạt Pháp vì không xây dựng « một khuôn khổ pháp lý và hành chính » để chống lại nạn nô lệ mới.
Theo ước tính của một báo cáo của Ủy ban Châu Âu, trên toàn Châu Âu, số nạn nhân của buôn người đã được phát hiện hoặc bị nghi ngờ là 9.500 năm 2010 (so với 7.800 người năm 2009). Tuy nhiên, cũng theo ủy viên nội vụ Châu Âu Cécilia Malmstrom thì con số này là ít hơn rất nhiều so với thực tế. Điều đáng lo ngại là, dù số lượng các nạn nhân tăng lên, nhưng số nghi phạm trong cùng thời gian bị kết án lại giảm xuống. Gần đây, có nhiều nỗ lực quan trọng để diệt trừ nạn buôn người đang được Châu Âu thực hiện, đặc biệt với sự tham gia của Europol và Eurojust. Trong năm nay, Ủy ban Châu Âu có kế hoạch xây dựng một chương trình hành động, cho phép các tổ chức của xã hội dân sự phối hợp trong cuộc chiến chống nạn nô lệ hiện đại.
Tin bài liên quan
Django Unchained, khi nô lệ bứt gông xiềng
Nạn buôn phụ nữ Đông Nam Á làm gái mại dâm ngày càng nghiêm trọng
Thảm cảnh của lao động Việt bất hợp pháp tại Nga
Một tổ chức nhân quyền mở chiến dịch tẩy chay hạt điều từ Việt Nam
Những nô lệ người Việt trồng cần sa tại Alsace
Từ Việt Nam, gia đình nạn nhân một vụ buôn nô lệ kêu cứu
Khảo cổ học về người nô lệ thời thực dân : Hội thảo quốc tế tại Paris
Hai công ty của chính phủ Việt Nam bị kiện tại Hoa Kỳ vì tội buôn người
Người bệnh tâm thần Trung Quốc bị bán làm nô lệ
Việt Nam chưa có đủ quyết tâm chống nạn buôn người

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20130510-mot-nhom-nghi-si-yeu-cau-chau-au-danh-mot-ngay-tuong-nho-cac-nan-nhan-cua-che-do-no

Geen opmerkingen:

Een reactie posten