zondag 5 mei 2013

Ai sẽ về đích Bộ Chính Trị trước?

Ai sẽ về đích Bộ Chính Trị trước?
QLB 

 Hội nghị Trung Ương 7 có lẽ là cái mốc lịch sử quan trọng bởi lần đầu tiên Bộ chính trị của Việt Nam buộc phải đưa ra số lượng ứng viên bầu bổ sung nhiều hơn con số dự kiến! Người 'yêu' Tổng bí thư thì nói "Dân chủ", người khác thì nói rằng "Tổng Trọng thất thế nên không cầm trịch nổi đành phải chấp nhận đưa hết ra Hội nghị Trung Ương để chấm dứt cuộc 'mổ bò' trong BCT"

Hiện nay các ứng viên như Trưởng ban Nội chính Trung Ương, Trưởng ban kinh tế Trung Ương, Hai Ủy viên Ban Bí Thư Nguyễn Thị Kim Ngân và Trương Hòa Bình đang 'nín thở' chờ ngày bầu bán của Trung Ương...
BCT khóa 11 đã thể hiện rõ sự thất thế của khu vực Miền Nam khi những ủy viên của Miền Bắc lấn áp về số lượng trong khi những ủy viên từ Miền Nam ra đã ít hơn đến 03 người nếu so với nhiệm kỳ trước. 

Một tiền lệ bất thành văn đã có từ nhiều đại hội: Giới chóp bu trong Đảng và trong Chính Phủ đều được phân chia cơ cấu theo vùng miền. Vậy mà Đại hội 11 khu vực Miền Bắc đã lật thế cờ chiếm thế thượng phong bởi chính sự 'đấu đá' của chính các Ủy viên đại diện Miền Nam. Trong đó có lỗi rất lớn của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tại thời điểm đó. Khi đó ông Triết mà người ta vẫn gọi thân mật là 'anh Sáu Phong' là người có uy tín lớn trong Đảng, trong dân. Nhất là ông lại là người 'nhất định dứt gánh ra về' trong khi không thiếu cán bộ lão thành, những 'cây cổ thụ' viết thư bày tỏ mong muốn ông ở lại. Do vậy tiếng nói của ông vô cùng quan trọng, nhưng ông đã chẳng làm gì bởi ông đã chán cảnh quan trường hay bởi ông chẳng ủng hộ ai cả Tư Sang và ba Dũng?

Cái ngày ông ra về tại Quốc Hội người ta cũng chẳng thèm sắp xếp cho ông được nói lời cuối cùng! Thậm chí người ta còn hỏi như là quan tâm lắm "Nếu anh Sáu có nhu cầu phát biểu thì chúng tôi cũng sắp xếp được"! Tất nhiên anh Sáu trả lời "Tôi chẳng có nu cầu gì cả..."..

Người duy nhất nhắc đến anh Sáu lại là Trương Tấn Sang - Vị Chủ tịch mới được bầu, cũng là người nhiều năm anh Sáu 'chống'! Song ít nhất phát biểu của Tân Chủ tịch nước phần nào làm ấm lòng Cựu chủ tịch, đến lúc cửa 'vườn nhà' rộng mở mà 'cửa quan trường đóng sập lại, anh Sáu mới thấm thía cái thói đời 'bạc như vôi' của chính trường, dù trước đó đã tự chuẩn bị trước cho mình cũng vẫn bị hụt hẫng bởi nó quá ê chề và trắng trợn... Chưa kể chỉ ít lâu sau chiếc xe anh Sáu đi cũng bị người ta buộc trả lại!

Đó có lẽ cũng là 'Nhân - Quả' bởi anh Sáu đã sớm buông trôi không làm tròn nhiệm vụ của mình với nhân dân, đất nước để lại một hậu thế 'không hơn cha' nên 'Nhà mất hết cả Phúc'! 

 Do vậy, lần bổ sung Ủy viên BCT này sẽ là cơ hội để Miền Nam lập lại thế cân bằng.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Vừa là Phó chủ tịch Quốc Hội, vừa có chân trong Ban Bí Thư của Đảng và điều không kém quan trọng bà là 'Hoa hậu' duy nhất ứng cử. Với cơ cấu nữ trong BCT khi mà bà Tòng Thị Phóng sẽ phải ra về vào năm 2016 thì bà Ngân gần như chắc chắn nắm chiếc vé đầu tiên vào BCT đợt này. Hơn nữa bà Ngân lại vừa có lợi thế đại diện Nam bộ và cũng là 'Hoa Hậu' được đồng chí X sủng ái như dân Hưng Yên nói vậy!

Nguyễn Bá Thanh cũng là ứng viên tương đối nắm chắc chiếc vé vào BCT khi đại diện cho Miền Trung và đặc biệt vị thế Trưởng Ban Nội chính buộc phải có mặt ở BCT mới có thể làm được 'gì đó'. Ông Bá Thanh được cả Tổng Bí Thư và Chủ tịch nước cùng những người ôn hòa trong BCT ủng hộ. Ông đã bị Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng 'quyết liệt' phản đối khi BCT họp bàn bổ nhiệm vị trí Trưởng ban nội chính. Ông Bá Thanh đã bị Thủ Tướng dùng cả 'bom bẩn', lẫn 'bom vi trùng' tấn công nhưng rồi ông vẫn được bổ nhiệm vào chức vụ hiện nay với nhiều kỳ vọng có thể giúp Đảng CS trong sạch hóa nội bộ chính là để cứu chính Đảng CS. Tuy nhiên ông này cũng chưa thể làm được gì khi mà cái chức vụ 'cỏn con' ngoài cuộc của ông Trưởng ban nội chính mà không phải Ủy viên BCT. Vì vậy ông Bá Thanh cũng là ứng viên tương đối chắc chắn nắm vé thứ 2 vào BCT. Tuy nhiên vẫn còn một tình huống có thể kết liễu sự nghiệp của ông này khi mà Đảng X 'quyết liệt' chống lại 'việc trong sạch hóa Đảng CS. Đảng X càng lớn mạnh thì Đảng CSVN tất yếu sẽ bị 'teo' lại và hậu quả nhãn tiền: Đảng X lớn mạnh thì Đảng CS sẽ mất đi và chế độ sẽ tuy vong - đó chính là một sự thật mà không những ông Tổng Bí Thư mà các đảng viên đang CS sẽ phải đối mặt.

Dù rằng đến 90% đảng viên cộng sản 'đều nhúng chàm' chỉ là ít, hay nhiều, do vậy thực tế Hội nghị Trung Ương 6 đã cho thấy: Chính sự đe dọa từ đội ngũ an ninh của Tô Lâm buộc họ đều phải 'gia nhập' Đảng X. Tuy nhiên, thực tâm chưa chắc hẳn họ đã muốn mất Đảng CS, mất chế độ mà trong đó lợi ích của họ là lâu dài... Hãy chờ xem ...

Vương Đình Huệ, một trí thức có tài, có tâm và còn rất trẻ, ông sinh năm 1959, ông có rất nhiều triển vọng để gia nhập đội ngũ Chóp bu Hà Nội chuẩn bị đội ngũ kế thừa. Tuy nhiên điều trở ngại lớn nhất đối với ông này là ông đã bị cả Thủ Tướng và Chủ tịch Quốc Hội 'bắn đại bác, bỏ bom tấn' ngay từ khi BCT họp bàn nhân sự cho Trưởng Ban kinh tế. 'Tội' của ông này là biết 'sợ những con số biết nói' bởi ông đã từng giữ chức Tổng kiểm toán Nhà nước, chính vì vậy mà ông không thể 'múa' con số, mà cũng không dám ra nhập đội ngũ Đảng X 'để chia phần' các nguồn tài trợ ODA, các dự án từ ngân sách, cũng như 'vẽ' các khỏan nợ xấu, thất thoát, tham nhũng của Vinashin, Vinaline, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty than cùng hàng loạt các 'Quả đấm thép' khác cho nói 'nhỏ nhỏ, xinh xinh' như yêu cầu của đồng chí X...

Vương Đình Huệ sẽ không dễ dàng dành được chiếc vé thứ ba bởi 'sự trong sach' và 'trí tuệ' đang là những cái 'tội' lớn ở chính trường Việt Nam. Người ta sẽ viện cớ ông này tuổi còn trẻ, ông lại là người Miền Bắc, trong khi đó cần bổ sung người từ Miền Nam để đảm bảo đủ cơ cấu!

Nếu so với Vương Đình Huệ và ông Chánh án Tòa Án Tối cao Trương Hòa Bình thì ông Huệ 'thua rất xa', bởi ông Bình đã nổi tiếng với câu nói "Anh ơi ai mà không tham nhũng chứ...." từ rất xa xưa! Ông Bình cũng là 'anh Sáu' của bố già Nguyễn Đức Kiên từ mấy chục năm về trước khi ông còn giữ cái chức con con ở Tổng cục cảnh sát! Điều đó cho thấy Trương Hòa Bình cũng là một thành viên 'cốt cán', không những hoàn toàn 'tán thành' cương lĩnh của Đảng X mà còn tích cực tham gia Tham nhũng!

Trương Hòa Bình mặc dù là người cùng quê hương bản quán với Chủ tịch nước khiến ai cũng nói ông này là đệ tử của ông Trương Tấn Sang, tuy nhiên ông này lại có công rất lớn thành công trong 'hoạt động 'mớm' cung cho các đại biểu Quốc Hội, thậm chí ngay cả đoàn đại biểu Tỉnh Long An, cũng đươc ông gọi từng người 'giao nhiệm vụ' phải đặt câu hỏi 'MỒI' cho Thủ Tướng có cơ hội 'hùng biện' biểu diễn trước Quốc dân đồng bào cả nước trong các buổi truyền hình trực tiếp. Chưa kể việc ông thậm thụt lui tới nhà Thủ Tướng như cơm bữa trước Đại hội 11.

Như vậy đứng về vị thế thì Trương Hòa Bình sẽ được mọi phe phái ủng hộ trong khi ông Vương Đình Huệ có thể chỉ được những người trong sạch ủng hộ!

Nếu BCT chỉ bổ sung thêm 03 ủy viên thì sẽ là một thử thách rất lớn cho Vương Đình Huệ. Trường hợp Vương Đình Huệ không 'len chân' vào nổi mà Trương Hòa Bình 'hốt hụi chót' là báo hiệu sự thắng thế của Đảng X, Chủ tịch nước 'được tiếng' người cùng quê, nhưng chỉ có Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ được thêm vây cánh và chắc chắn ông Tổng Bí Thư chuẩn bị về vườn giữa nhiệm kỳ! 

Nguyễn Thiện Nhân cũng là một ứng viên chạy đua chiếc 'vé' vào 'nhà Đỏ' từ Đại Hội 11, nhưng đã bị 'rớt' tại Đại hội Đảng. Nay ông này cũng ngấp nghé chạy nước rút, tuy nhiên hầu như từ khi rời chiếc ghế Phó Chủ tịch Tp. HCM ra Hà Nội đến nay ông này hầu như không làm được gì. Ngành giáo dục ngày càng xuống cấp, vừa rồi oan uổng cho Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận bị chất vấn, song thực chất đó chính là 'sản phẩm' của Nguyễn Thiện Nhân - ông Phó Thủ Tướng trước đây người ta chỉ thấy ở ông này 'hiền lành', thì qua hai nhiệm kỳ Phó Thủ Tướng, người Hà Nội đã nhìn rõ một Nguyễn Thiện Nhân 'trí trá' với những 'sở đòn, sở đoản' chính trị khá lão luyện của kẻ biết 'thờ' cả Vua mà kính cả lẫn Chúa. 

Hai mươi chín Tết người ta nhìn thấy Nguyễn Thiện Nhân đi trước, tài xế khệ nệ 'bưng bê' đến Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM thì tối ngày mùng một Tết Nguyên đán cũng đã có mặt tại Thạch Thị Thanh... Hay ngày 17-11 hàng năm, từ tối hôm trước đám cận vệ đã phải đăng ký xếp hàng cho Nguyễn Thiện Nhân mang hoa và lễ vật cún tế sinh nhật Thủ Tướng thì  đến cuối tháng 1 người ta lại nhìn thấy chậu hoa Phong Lan to tướng "Gia đình em Nguyễn Thiện Nhân kính mừng Sinh nhật anh" ở 'nhà hàng xóm'....


Vài chục năm trước, Nguyễn Thiện Nhân ít nhiều còn được tiếng thơm 'trong sạch', nhưng nhiệm kỳ Phó Thủ Tướng đã 'dạy' cho Nguyễn Thiện Nhân biết 'đi với ma mặc áo giấy'. Là người học giỏi, thông minh nên Nguyễn Thiện Nhân 'học bài' khá nhanh... chả thế mà ở nhà ông ta đã có 'nữ tướng' luôn thay mặt chồng nhận giải quyết mọi sự, ai muốn thành lập trường Đại học chỉ cần gặp 'nữ tướng' của ông là 'đầu xuôi đuôi lọt'...


Cái 'hay' của Nguyễn Thiện Nhân là cả Phủ Chúa, cung Vua đều nhận là 'đệ tử' của mình và do chính mình đưa lên! Có thể vì vậy mà Nguyễn Thiện Nhân dễ dàng nhận được sự ủng hộ của mọi phe phái chính trị trong BCT. Nếu phương án này xảy ra, cái ghế của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ chỉ còn là 'hữu danh vô thực'.

Song cũng không ai dám đảm bảo Hội Nghị Trung Ương không thể hiện sự độc lập của mình như đã xảy ra tại Đại Hội 11, đặc biệt suốt 02 năm qua, người ta đã không hề thấy ở Nguyễn Thiện Nhân một minh chứng nào biểu hiện cho tương lai tương sáng của ngành giáo dục Việt Nam cũng như ngành ngoại giao Việt Nam ngoài việc Phó Thủ Tướng chỉ biết đi thăm heo và bắt gà lậu cùng với sự nhu nhược, đớn hèn trong ứng xử với Trung Nam Hải về biển đông, về người biểu tình chống bảo vệ biển đảo...

Phạm Bình Minh - Bộ trưởng Bộ ngoại giao cũng là một trong ứng viên Bộ chính trị. Tiền lệ từ trước đến nay ghế Bộ Trưởng ngoại giao phải do Phó Thủ Tướng Ủy viên Bộ chính trị đảm trách mới đủ 'tầm' để đối ngoại. Chính từ việc mất uy tín của Nguyễn Thiện Nhân tại Đại Hội 11 đã để mất chiếc 'vé' Ủy viên BCT khiến cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đành ngậm ngùi bỏ rơi 'đệ tử' để thỏa thuận với cựu Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiêm đưa Phạm Bình Minh lên nắm ghế Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao. Nếu phe cánh 'Bắc kỳ' của Tổng Bí Thư đủ mạnh thì Phạm Bình Minh sẽ phải vào được BCT đợt này, bằng không ông này sẽ chỉ là Quan Văn mà phải 'cầm quân' đánh võ miệng, nhưng vừa đánh vừa run bởi không biết 'đi lệch đường lối của BCT' bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra...

Trần Quốc Vượng -  cũng đang được đồn đoán là một ứng viên đáng kể, ông này đã có một thời là Viện Trưởng Viện Kiểm sát tối cao nhưng đã đồng ý từ bỏ cái ghế 'nhiều bổng lộc' về Văn Phòng Trung Ương chẳng 'ai biết đến' cũng chỉ vì trông chờ đến đại hội giữa nhiệm kỳ để dành 'một xuất' vào BCT. Liệu ông Vượng có dành được chiếc 'vé' này hay không cũng khó dự báo trước. Khi ông còn ở Viện Kiểm sát, ngay khi vừa buốc chân vào phòng làm việc của ông, đập vào mắt là hình Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Nhưng nhìn ngay trước mặt bàn làm việc của ông lại là tấm ảnh Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn tươi cười nhắc nhở, do vậy khó mà đoán được khuynh hướng chính trường của ông...
Hội nghị Trung Ương 7 thật sự là một thách thức lớn cho ông Tổng Bí Thư. Mặc dù được tiếng trong sạch, 'tốt bụng', nhưng ông không làm được gì cho nhân dân, cho đất ước thì đó chính lại cái tội lớn mà hậu quả chính ông sẽ phải gánh chịu! Nhất là trong lúc này ông đã đánh mất hoàn toàn sự ủng hộ của nhân dân bởi những quan điểm lạc lõng, giáo điều, ấu trĩ về Đảng cầm quyền, về Dân chủ, về con người, về kinh tế...

Đàm Đức Đam
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten