dinsdag 14 mei 2013

50.000 dân Đông Đức từng là « chuột bạch » của các hãng dược phẩm

Chủ nhật 12 Tháng Năm 2013

50.000 dân Đông Đức từng là « chuột bạch » của các hãng dược phẩm

Theo báo Der Spiegel các phòng thí nghiệm Bayer đã  sử dụng người làm "vật thí nghiệm" cho các sản phẩm thuốc .
Theo báo Der Spiegel các phòng thí nghiệm Bayer đã sử dụng người làm "vật thí nghiệm" cho các sản phẩm thuốc .
AFP PHOTO DDP/JENS SCHLUETER GERMANY OUT

Trọng Thành
Tuần báo Đức Der Spiegel, số ra hôm nay, Chủ nhật 12/05/2013, công bố thông tin về việc hơn 50.000 cư dân của Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây, đã từng làm vật thí nghiệm cho nhiều hãng dược phẩm Phương Tây. Một số người đã trả mạng sống cho chuyện này và nhiều người bị sử dụng mà không hay biết.


Der Spiegel cho biết, có tổng cộng hơn 600 nghiên cứu về các dược phẩm mới, được thực hiện tại 50 cơ sở chữa bệnh ở Đông Đức, trong thời gian trước khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Thông tin này dựa trên các tài liệu chưa từng được công bố của Bộ Y tế Đông Đức và Viện Dược phẩm Đức.
Theo các hồ sơ kể trên, có hai người chết tại Đông Berlin, sau khi thử thuốc Trental, một dược phẩm có mục tiêu cải thiện lưu thông máu của hãng dược phẩm Tây Đức Hoechst (nay đã hợp nhất với hãng Sanofi), hai người khác gần Magdebourg bị thiệt mạng do một dược phẩm điều trị huyết áp cao của Sandoz, hiện nay thuộc hãng Novartis của Thụy Sĩ.
Theo Der Spiegel, nhiều bệnh nhân không ở trong tình trạng đủ trí tuệ để đưa ra quyết định tham gia thực nghiệm, như trường hợp 30 trẻ thiếu tháng tại một bệnh viện Berlin, theo yêu cầu của một nhóm dược phẩm Tây Đức, hay những người nghiện rượu đang ở tình trạng mê sảng sau khi cai rượu (delirium tremens), phải dùng thuốc Nimodipin của Bayer.
Der Spiegel cho biết, các cơ sở bào chế chi cho mỗi nghiên cứu đến 800.000 mark Tây Đức (tương đương 400.000 euro). Trả lời phỏng vấn tuần báo Đức, các hãng dược phẩm liên quan nhấn mạnh là những việc kể trên đã diễn ra từ quá lâu, và về nguyên tắc các trắc nghiệm dược phẩm đều tuân thủ các quy trình rất nghiêm ngặt. Về phần mình, liên đoàn các nhà nghiên cứu của ngành công nghiệp dược phẩm thì khẳng định “hiện tại, không có bất cứ lý do gì để nghi ngờ là các trắc nghiệm đã diễn ra trái phép”.
Vào năm 2010, kênh truyền hình khu vực Đức MDR đã loan tin về sự tồn tại của các trắc nghiệm dược phẩm trên các cư dân Đông Đức, nhưng lúc đó thông tin chỉ liên quan đến 2.000 bệnh nhân tham gia thực nghiệm thuốc chống trầm cảm Brofaromin, do một chi nhánh của hãng Novartis thực hiện.

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20130512-50000-dan-dong-duc-tung-la-%C2%AB-chuot-bach-%C2%BB-cua-cac-hang-duoc-pham

Geen opmerkingen:

Een reactie posten