zondag 12 mei 2013

110 tỷ USD trong tay 10 doanh nhân giàu nhất châu Á

Chủ nhật, 12/5/2013, 08:12 GMT+7
Twitter
Facebook

110 tỷ USD trong tay 10 doanh nhân giàu nhất châu Á

Đứng đầu danh sách những doanh nhân giàu nhất châu Á, theo Wealth-X, là tỷ phú Hong Kong (Trung Quốc) - Li Ka-shing.
>Từ đáy xã hội thành người giàu nhất Trung Quốc
>10 tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2013

Châu Á là quê hương của các nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Vì vậy, số người siêu giàu tại đây cũng ngày càng nhiều lên. Hai năm trước, châu Á còn lần đầu tiên vượt Bắc Mỹ để trở thành nơi có nhiều triệu phú nhất thế giới, theo số liệu của Capgemini và RBC Wealth Management.
Dưới đây là danh sách 10 doanh nhân giàu có nhất châu Á, theo dữ liệu từ công ty chuyên nghiên cứu người giàu Wealth-X, tính đến hết 31/3. Tổng tài sản của những người này lên tới hơn 110 tỷ USD.

1. Li Ka-shing


Tuổi: 84
Tài sản: 29,7 tỷ USD
Quốc tịch: Hong Kong (Trung Quốc)
Li Ka-shing là người giàu nhất châu Á và cũng là tỷ phú tự thân giàu nhất trong danh sách. Tỷ phú rời Trung Quốc đến Hong Kong cùng gia đình năm 1928. Nhưng sau đó, ông đã phải bỏ học đi làm năm 12 tuổi vì cha mắc bệnh nặng. Từ một công nhân, Li dần thăng chức thành quản lý nhà máy nhựa năm 19 tuổi.
Ông lập công ty riêng có tên Cheung Kong Industries năm 22 tuổi, sau đó bắt đầu gia nhập thị trường bất động sản. Đến nay, việc kinh doanh của tỷ phú đã trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ viễn thông, vận chuyển đến công nghệ sinh học với nhân viên tại 52 quốc gia.

2. Zong Qinghou


Tuổi: 67
Tài sản: 14,9 tỷ USD
Quốc tịch: Trung Quốc
Zong Qinghou là tỷ phú và đại biểu quốc hội giàu nhất Trung Quốc. Ông hiện là Chủ tịch kiêm CEO Hangzhou Wahaha - tập đoàn nước giải khát lớn nhất Trung Quốc. Năm 1987, Zong thành lập hãng cùng hai giáo viên nghỉ hưu bằng 22.000 USD đi vay. Công ty hiện đã có 60 nhà máy tại 29 thành phố trên cả nước với sản phẩm chính là soda, thức ăn và quần áo trẻ em. Hồi tháng 1, Hangzhou Wahaha cũng ký hợp đồng tài trợ 3 năm với Câu lạc bộ bóng đá Anh Manchester United.

3. Tatparanandam Ananda Krishnan


Tuổi: 74
Tài sản: 11,2 tỷ USD
Quốc tịch: Malaysia
Tatparanandam Ananda Krishnan là người giàu thứ nhì Malaysia, sở hữu đế chế doanh nghiệp trải khắp các lĩnh vực viễn thông, bất động sản, dầu mỏ và truyền hình trả tiền. Sinh ra trong một gia đình nhập cư từ Sri Lanka, tỷ phú tốt nghiệp Đại học Harvard này đã kiếm được hàng triệu USD đầu tiên nhờ kinh doanh dầu mỏ.
Ông cũng là một trong những giám đốc đầu tiên của đại gia dầu mỏ Petronas. Thông qua công ty của mình - Usaha Tegas, Krishnan đã giành quyền kiểm soát nhiều doanh nghiệp Malaysia. Ông cũng nổi tiếng tính toán chính xác thời cơ trên sàn chứng khoán.

4. Charoen Sirivadhanabhakdi


Tuổi: 69
Tài sản: 10,7 tỷ USD
Quốc tịch: Thái Lan
Charoen Sirivadhanabhakdi là ông chủ hãng bia lớn nhất Thái Lan - Thai Bev và cũng là người giàu thứ ba nước này. Thập niên 70, Charoen khởi nghiệp bằng một công ty nhỏ kinh doanh bia - rượu. Đến thập kỷ sau, ông mới lấn sân làm nhà máy đường, ngân hàng và bảo hiểm.
Bước ngoặt đến với ông khi năm 1995, ông hợp tác với hãng bia Đan Mạch - Carlsberg để sản xuất Chang Beer. Tài phiệt này cũng đầu tư mạnh vào bất động sản, như trung tâm mua sắm hay khách sạn, trải dài từ Singapore đến New York. Hồi tháng 1, Charoen cũng gây chú ý khi thâu tóm tập đoàn khổng lồ Fraser and Neave của Singapore với giá 11 tỷ USD.

5. Henry Sy, Sr.


Tuổi: 88
Tài sản: 10 tỷ USD
Quốc tịch: Philippines
Henry Sy Sr. là người cao tuổi nhất trong danh sách và cũng là tỷ phú số một Philippines. Ông là dân di cư từ Trung Quốc, sau đó khởi nghiệp bằng cửa hàng bán giày nhỏ ở Manila năm 1985. Cửa hàng này đã phát triển thành tập đoàn tỷ USD - SM Investments ngày nay. Hãng cũng đang phát triển thành một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước với hệ thống trung tâm thương mại, bất động sản, ngân hàng và khách sạn khổng lồ. SM Investments hiện là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất Philippines với 17,2 tỷ USD.

6. Masayoshi Son


Tuổi: 55
Tài sản: 8,8 tỷ USD
Quốc tịch: Nhật Bản
Masayoshi Son là nhà sáng lập kiêm CEO Softbank - nhà mạng lớn thứ ba Nhật Bản. Theo Forbes, ông cũng là người giàu thứ ba nước này. Son lớn lên tại một vùng nông thôn ở Tây Nam Tokyo trước khi chuyển đến California để học trung học và đại học.
Sau khi về nước, ông thành lập Softbank năm 1981, chuyên kinh doanh máy tính và phần mềm. Sau đó, hãng nhanh chóng phát triển thành đại gia viễn thông và đầu tư vào hàng loạt công ty như Yahoo, Aozora Bank hay Nasdaq Nhật Bản. Năm ngoái, Son được giới truyền thông chú ý khi tuyên bố kế hoạch mua lại 70% nhà mạng Sprint Nextel (Mỹ) với giá 20,1 tỷ USD.

7. Liang Wengen


Tuổi: 56
Tài sản: 7,9 tỷ USD
Quốc tịch: Trung Quốc
Liang Wengen là Chủ tịch Sany Group - một trong những hãng sản xuất thiết bị xây dựng lớn nhất Trung Quốc. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hồ Nam (Trung Quốc), Liang đã nỗ lực lấy bằng đại học và cùng ba người bạn thành lập Sany năm 1989. Đến nay, tập đoàn đã có 5 khu công nghiệp tại Trung Quốc, 5 nhà máy sản xuất tại Mỹ, Đức, Ấn Độ, Brazil và Indonesia, cùng 21 công ty kinh doanh trên khắp thế giới.

8. Wan-Tsai Tsai


Tuổi: 83
Tài sản: 7,2 tỷ USD
Quốc tịch: Đài Loan (Trung Quốc)
Wan-Tsai Tsai là người giàu thứ ba tại Đài Loan (Trung Quốc), theo danh sách của Forbes. Ông là nhà sáng lập Fubon, một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Đài Loan. Fubon kinh doanh cả xây dựng, viễn thông và truyền thông.
Hồi tháng 3, Fubon Financial đã được chấp thuận mua 80% cổ phần ngân hàng Trung Quốc Firstsino Bank. Đây là lần đầu tiên một nhà băng Đài Loan được phép mua cổ phần trong ngân hàng Trung Quốc.

9. Sunil Mittal


Tuổi: 55
Tài sản: 6,5 tỷ USD
Quốc tịch: Ấn Độ
Sunil Bharti Mittal là nhà sáng lập Bharti Enterprises và là Chủ tịch Bharti Airtel - nhà mạng lớn nhất Ấn Độ. Ông cũng là tỷ phú giàu thứ 8 nước này, theo Forbes. Mittal thành lập công ty năm 1976 khi mới 18 tuổi, với 500 USD vay từ cha. Khi ấy, hãng chỉ sản xuất phụ tùng xe đạp. Đến nay, tập đoàn của ông đã có rất nhiều mảng kinh doanh, như bán lẻ, dịch vụ tài chính và sản xuất với hoạt động tại 20 quốc gia.

10. Robin Yanhong Li


Tuổi: 44
Tài sản: 4,9 tỷ USD
Quốc tịch: Trung Quốc
Robin Yanhong Li là người trẻ nhất trong danh sách. Anh là nhà đồng sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO website tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc - Baidu năm 2000. Trước đó, Li từng phát triển phần mềm cho hai hãng công nghệ Mỹ là IDD và Infoseek.
Đây cũng là công ty Trung Quốc đầu tiên được đưa vào danh sách Nasdaq 100 Index năm 2007. Ba năm sau, Li cũng lọt top 100 người có ảnh hưởng lớn nhất thế giới của tạp chí Time nhờ đi tiên phong trong ngành công nghiệp tìm kiếm tại Trung Quốc.
Thùy Linh (theo CNBC)
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten