vrijdag 19 april 2013

Triển lãm 150 năm thời trang cao cấp Paris

Thứ sáu 19 Tháng Tư 2013
Triển lãm 150 năm thời trang cao cấp Paris
Thời trang cao cấp Chanel, bộ sưu tập Thu Đông 2012/2013 (Reuters)
Thời trang cao cấp Chanel, bộ sưu tập Thu Đông 2012/2013 (Reuters)
Tuấn Thảo
Lần đầu tiên, Tòa Đô chính Paris tổ chức một cuộc triển lãm lớn để kỷ niệm 150 năm ngành thời trang cao cấp. Hơn một trăm kiểu áo thời trang, đa phần là áo dạ hội phản ánh bề dày lịch sử và cảm hứng sáng tạo của các nhà thiết kế lừng danh. Cuộc triển lãm tại Tòa Đô chính Paris, vào cửa miễn phí, diễn ra từ đầu tháng Ba cho tới đầu tháng Bảy năm 2013. 
Cuộc triển lãm về thời trang cao cấp Paris đáng xem vì có khá nhiều giá trị. Trong bộ sưu tập được trưng bày lần này, có nhiều kiểu áo chẳng những rất đắt tiền mà còn quý hiếm, do được cất giữ nhiều thập kỷ qua và ít khi nào được đem ra giới thiệu với công chúng.
Hầu hết những kiểu áo và phụ kiện thời trang cao cấp xuất phát từ kho lưu trữ của Viện bảo tàng thời trang Galliera ở Paris. Ông Olivier Saillard và cô Anne Zazzo, thuộc ban giám đốc bảo tàng Galliera đã chọn ra một trăm kiểu áo tiêu biểu nhất trong số hơn 10.000 bảo vật mà viện bảo tàng này đang nắm giữ.
Thời trang cao cấp, trong tiếng Pháp là Haute Couture, ra đời vào năm 1858 khi nhà thiết kế Charles Frederick Worth (học trò của nhà may Gagelin) mở cửa hiệu may đo cao cấp tại Paris, ở số 7 rue de la Paix, nằm trước mặt nhà hát lớn Opéra Garnier. Nhà may này thật ra tiếp nối con đường của bà Rose Bertin (sinh năm 1747 – mất năm 1813), có thể được xem như là nhân vật tiên phong, khai phóng thời trang cao cấp của Pháp.
Sau khi mở tiệm may vào năm 1770 trên góc phố Faubourg Saint-Honoré, bà Rose Bertin được tuyển vào hoàng cung Pháp. Những kiểu áo mà bà may cho hoàng hậu Marie Antoinette và vua Louis XVI chẳng những phải thể hiện nét quý phái cao sang của vua chúa mà còn phải phản ánh thế lực hoàng gia, hào nhoáng vương quyền. Tính chất cơ bản đầu tiên của Haute Couture theo quan niệm phong kiến thời bấy giờ, là kiểu áo chỉ được may một lần, dành riêng cho vua chúa, không ai khác có thể mặc được.
Ý tưởng này sau đó được các nhà may khác triển khai, mở rộng ra cho giới thượng lưu quý tộc, từ cuối thế kỷ XVIII trở đi. Các gia đình trưởng giả, một khi trở nên giàu sang nhờ kinh doanh buôn bán, cũng có nhu cầu ăn mặc. Thời trang Paris vì thế mà phát triển mạnh mẽ. Đến đầu thế kỷ XIX, thủ đô nước Pháp có tới hơn 2.400 cửa hiệu may đo cao cấp.
Ban đầu là một ngành nghề, thời trang cao cấp trở thành một kỹ năng chính thức, được luật pháp công nhận và bảo vệ từ năm 1945, với những quy tắc hẳn hoi. Điều đó có nghĩa là để được gọi là Haute Couture, một kiểu áo thời trang phải hội tụ nhiều tiêu chuẩn cơ bản : đầu tiên hết là y phục không được may sẵn, sản xuất theo hàng loạt mà là may đo bằng tay theo từng kiểu, rồi chỉnh theo kích thước của mỗi khách hàng.
Các hiệu thời trang cao cấp thường sử dụng nhiều thợ lành nghề trong các xưởng may, tối thiểu là 15 thợ khéo tay, họ không chỉ biết may mà còn dùng kim khâu thêu đan nhiều chất liệu khác nhau vào kiểu áo, từ ngọc trai đến kim loại, từ pha lê đến lông thú …Các hiệu thời trang buộc phải trình làng mỗi năm hai bộ sưu tập xuân hạ và thu đông, mỗi bộ sưu tập phải gồm ít nhất là 30 kiểu y phục dùng để mặc ban ngày và áo dạ hội, và theo thông lệ kiểu áo cuối cùng được hoàn tất thường là một bộ áo cưới.
Tại cuộc triển lãm ở Tòa Đô chính Paris, nếu các kiểu áo không có ghi rõ năm tháng và tên tuổi của nhà thiết kế, thì khách tham quan sẽ khó mà đoán ra được kiểu áo đã được may vào lúc nào. Theo ông Olivier Saillard, giám đốc viện bảo tàng thời trang Galliera, ban tổ chức triển lãm đã cố tình sắp đặt các kiểu áo bên cạnh nhau mà không theo trình tự thời gian. Điều này cho thấy có một sự đối đáp giữa các trường phái với nhau, có người thích lối thiết kế tối thiểu, người thì chuộng lối thiết kế công phu với nhiều chi tiết cầu kỳ.
Khác với y phục may sẵn có thể thay đổi theo từng mùa, từ màu sắc chủ đạo cho tới chất liệu được sử dụng, thời trang cao cấp biến chuyển theo từng chu kỳ, nó có thể là tầm nhìn dự phóng của một nhà thiết kế, nhưng cũng có thể là một cảm xúc sáng tạo gợi hứng từ một thế giới xa xưa, của những thế kỷ trước.
Một ví dụ điển hình là hơn một thế kỷ cách biệt hai nhà thiết kế Charles Frederick Worth thời xưa và Christian Lacroix thời nay, nhưng cả hai tên tuổi này dù ở hai thời điểm khác nhau nhưng vẫn có một hướng tìm tòi giống nhau, trong cách kết hợp màu sắc, trong cách dùng y phục như một biểu tượng hoá thân. Cả hai đều gợi hứng ít nhiều từ thế giới của sân khấu, trang phục phải đẹp như mơ, lộng lẫy huyền ảo chứ không thể nào mà phản ánh thực tế đơn thuần.
Do đa số khách hàng chuyên mua sắm thời trang cao cấp thường là giới thượng lưu, giàu sang cho nên các kiểu áo may phản ánh ít nhiều nếp sống xa hoa của giới này vào mỗi thời kỳ. Những năm 1920, 1930, thời mà Paris tưng bừng náo nhiệt như mùa lễ hội theo cách gọi của nhà văn Ernest Hemingway (tiểu thuyết A Moveable Feast Paris est une fête), các kiểu áo dạ hội của phái nữ ít gò bó cơ thể, may ngắn mà thướt tha, tà áo mềm mại lụa là, chuộng màu sẫm nhưng lại đan xen các sợi chỉ vàng óng ánh như kim tuyến.
Một điều khá dễ hiểu vì thú vui thời thượng lúc bấy giờ là các buổi tiệc không ngừng tại các vũ trường trứ danh, khách sạn năm sao hay nhà hàng sang trọng. Những kiểu áo màu sẫm nhưng lại lấp lánh phản chiếu ánh đèn màu, tà áo mềm mại trong các điệu nhảy cặp, nhưng vẫn tung bay khi bốc lửa điệu vũ charleston. Kiểu áo Bel Oiseau điển hình cho những trang phục khiêu vũ. Trong giai đoạn này hiệu thời trang Lanvin ngự trị trên đỉnh cao.
Thập niên 1940, 1950 đánh dấu ngày xuất hiện của phong cách New Look của Christian Dior và ngày đăng quang của nữ hoàng Chanel. Mỗi người một phong cách nhưng người xem triển lãm có cảm tưởng lạc vào thế giới điện ảnh. Sang trọng mà kín đáo, quý phái mà không khoe khoang. Người phụ nữ khoác áo dạ hội như ngôi sao màn bạc bước lên thảm đỏ. Dior và Chanel, cũng như Givenchy và Balenciaga đẩy đường nét thiết kế lên hàng nghệ thuật.
Y phục của họ chuộng những nét không quá cầu kỳ, không hoa mà chẳng lá cành, trung thành với phương châm nét đơn giản tạo nên vẻ thanh lịch (la simplicité fait l’élégance). Nhưng đó cũng là thời kỳ mà các hiệu thời trang cao cấp khai thác tối đa các phụ kiện thời trang, dùng một chi tiết nhỏ nhưng lại rất bắt mắt làm điểm nhấn cho bộ y phục. Chỉ cần nhìn cách ăn mặc của ngôi sao điện ảnh Audrey Hepburn qua cách thiết kế của Hubert Gienchy là ta hiểu ngay. Một xâu chuỗi ngọc trai tột cùng đơn giản nhưng lại tăng thêm nét quý phái của một bộ tailleur theo cách nhìn của Chanel.
Từ những năm 1960 trở đi, luồng gió của tự do sáng tạo thổi mạnh vào ngành thời trang cao cấp. Các tên tuổi đi sau Dior và Chanel phát huy tài thiết kế theo nhiều hướng khác nhau. Yves Saint-Laurent với tài cắt may có một không hai, ngang tầm với bậc thầy Balenciaga, thiết kế mỗi bộ y phục tựa như một làn da thứ nhì cho người đàn bà, các kiểu áo vét thu hẹp ở lưng che khuất những khuyết điểm, mà vẫn đề cao những đường cong của phụ nữ. Cardin và Courrèges lao vào khai thác những đường nét vuông vức hình học, sử dụng nhiều chất liệu mới để làm nổi bật nét bằng phẳng họ thiết kế thời trang như họa sĩ vẽ tranh lập thể.
Y phục trở nên tiện dụng và linh hoạt hơn theo nhu cầu của phụ nữ, không muốn bị gò bó trong cách ăn mặc. Paco Rabanne thì mở ra trường phái của các nhà luyện kim, kết hợp những chất liệu mà thoạt nhìn không thể kết hợp được. Thời trang theo cách nhìn của ông tựa như áo giáp, nhiều mảnh gắn kết, chồng lớp lên nhau tựa như vỏ côn trùng. Thập niên 1960 cũng là thời kỳ trỗi dậy của tầng lớp jet set, nếp sống xa hoa phô trương đi ngược lại phần nào tư tưởng của thế hệ đi trước.
Thập niên 1970 là thời kỳ tương đối khó khăn đối với thời trang hạng sang, sự phát triển tột bực của ngành công nghiệp may sẵn, một mặt có thể sản xuất hàng loạt các sản phẩm có chất lượng, mặt khác nhiều tên tuổi của thời trang hạng sang chuyển sang khai thác may sẵn, ít công phu mà lợi nhuận cao hơn.
Mãi đến đầu thập niên 1980 trở đi, các tên tuổi như Karl Lagerfeld, Christian Lacroix hay Jean Paul Gaultier mới giúp khôi phục lại hào quang của ngành này. Thời trang cao cấp trở thành một tủ kính trưng bày, một phòng thí nghiệm sáng tạo, nghiên cứu tìm tòi các màu sắc và chất liệu mới, mà mãi đến vài năm sau mới đem ra ứng dụng và phổ biến cho ngành y phục may sẵn.
Các hiệu thời trang có thể sinh lợi từ dòng sản phẩm cao cấp của họ có thể được đếm trên đầu ngón tay. Qua hai bộ sưu tập thời trang mỗi năm, các nhà thiết kế cho thấy kỹ năng cũng như uy tín xưởng may của mình. Họ kiếm tiền nhờ dòng sản phẩm trung cấp hay y phục may sẵn mang thương hiệu của họ.
Khi biết rằng giá tiền của một bộ y phục thời trang cao cấp có thể lên tới 100 ngàn euro, ta có thể đoán rằng số lượng khách hàng có đủ sức mua một sản phẩm như vậy không phải là nhiều. Trong vòng một thời gian dài, đối tượng mua sắm Haute Couture thường là các gia đình cực kỳ giàu sang đến từ các xứ dầu hỏa, các nhà tỉ phú Âu Mỹ, hay các doanh nhân giàu có đến từ châu Á.
Nhưng từ khoảng một thập niên trở lại đây, đơn đặt hàng bắt đầu gia tăng trở lại, với sự hình thành của một tầng lớp khách hàng mới đến từ Trung Quốc, Brazil và Nga. Hiện tại, có khoảng 7 ngàn công ty ở Paris vẫn còn hoạt động nhờ sản xuất các mặt hàng cần thiết cho ngành thời trang cao cấp (may dệt, thêu ren, lông thú, đồ da). Để đáp ứng đủ mọi tiêu chuẩn của ngành này, thì Paris hiện chỉ có khoảng hai mươi hiệu thời trang cao cấp, tức là chỉ bằng một phần ba so với 50 năm về trước.
Thế nhưng, Haute Couture vẫn được xem là một ngành mũi nhọn, vì nó giúp xuất khẩu các dòng sản phẩm có liên quan, từ kính râm cho đến xách tay, từ áo quần may sẵn cho tới nước hoa mỹ phẩm. Điều đó làm cho ta nhớ lại câu nói của quan Colbert, bộ trưởng Tài chính dười thời vua Louis XIV : Vào thời xưa, các nhà thám hiểm Tây Ban Nha lặn lội đi tìm vàng đến tận Nam Mỹ, dân Pháp thì không cần phải đi đâu cho xa, vì nhờ vào ngành thời trang mà họ được ngồi trên một mỏ vàng.

http://www.viet.rfi.fr/phap/20130419-trien-lam-150-nam-thoi-trang-cao-cap-paris

Geen opmerkingen:

Een reactie posten