dinsdag 16 april 2013

Tranh chấp Preah Vihear: Thái – Cam Bốt sẵn sàng đối đầu pháp lý , Tòa Án Công Lý La Haye

Chủ nhật 14 Tháng Tư 2013

Tranh chấp Preah Vihear: Thái – Cam Bốt sẵn sàng đối đầu pháp lý

Khu đền cổ Preah Vihear, di sản văn hóa nhân loại.
Khu đền cổ Preah Vihear, di sản văn hóa nhân loại.
DR

Phạm Phan / Đức Tâm
Kể từ khi tổ chức UNESCO của LHQ quyết định xếp hạng đền cổ Preah Vihear làm di sản văn hóa của nhân loại thì cũng kể từ đó, bang giao hai nước Thái – Cam Bốt căng thẳng với nhiều vụ đụng độ đổ máu giữa quân đội hai bên. Sắp tới từ ngày 15 đến 19 tháng 4/2013, sẽ diễn ra phiên điều trần quan trọng tại Tòa Án Công Lý La Haye về tranh chấp này. Ngoài các giới chức của Tòa Công Lý, cả Thái và Cam Bốt đều cử một phái đoàn cao cấp đến tham dự, cùng với các luật sư.


Từ Phnom Penh, thông tín viên Phạm Phan tường trình.
Thông tín viên Phạm Pham (Phnom Penh)
 
14/04/2013
 
 

1/ Thái và Cam Bốt ra điều trần trước Tòa án Công lý Quốc tế La Haye – Hà Lan
Vào tháng 7/2008, khi tổ chức UNESCO của LHQ đưa ra quyết định chọn ngôi đền cổ Preah Vihear là một trong những di sản văn hóa của nhân loại thì cũng kể từ đó, bang giao hai nước Thái – Cam Bốt căng thẳng dần lên dẫn tới nhiều vụ đụng chạm đổ máu giữa quân đội hai bên.
Để giải quyết bế tắc này, phía Cam Bốt trong vị thế yếu hơn đã phải nhờ đến sự can thiệp của Tòa Án Công Lý Quốc Tế La Haye ở Hòa Lan giải quyết. Và đây cũng hợp lý trong trình tự pháp lý quốc tế, do vì vào ngày 15/6/1962, chính Tòa Án Công Lý đã đưa ra phán quyết nói rằng ngôi đền cổ Preah Vihear thuộc chủ quyền của quốc gia Cam Bốt.
Phiên điều trần quan trọng tại Tòa Án Công Lý sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 19 tháng 4/2013. Ngoài các giới chức của Tòa Công Lý, cả Thái và Cam Bốt đều đề cử một phái đoàn cao cấp đến tham dự và các luật sư biện hộ. Về phía Thái có những nhân vật đứng đầu ngành ngoại giao, quốc phòng, giáo dục, và cơ quan chuyên về biên giới. Phía Cam Bốt, Ngoại Trưởng Hor Namhong dẫn đầu phái đoàn bao gồm cả các chuyên gia pháp lý.
Phiên điều trần kéo dài 5 ngày chỉ để nghe hai bên trình bày các lập luận, chứng cứ, tài liệu mà họ cho rằng đền cổ Preah Vihear và vùng đất nhỏ chung quanh đền thuộc về quốc gia họ. Tuy nhiên còn phải chờ đến 6 tháng sau mới biết được phán quyết sau cùng do Tòa Án Công Lý đưa ra.
Vào năm 1962, phán quyết của Tòa Công Lý nói đền Preah Vihear thuộc chủ quyền của Cam Bốt thì đương nhiên vùng đất nhỏ 4,6 km² cũng phải thuộc về Cam Bốt, bởi vì nếu vùng đất này thuộc lãnh thổ Thái thì ngôi đền của Cam Bốt nằm trong đất người Thái.
Ngay từ lúc có phán quyết của Tòa Công Lý, thành phần bảo thủ và quốc gia cực đoan ở Thái nói rằng quyết định của người da trắng là bất công đối với họ.
2/ Thái độ trước phiên tòa của Thái Lan
Ngay trước lúc diễn ra phiên điều trần thì phía Thái nói họ đã chuẩn bị cho cuộc chiến giành lại đền cổ Preah Vihear. Và cùng thời gian đó, một số người thuộc thành phần quốc gia quá khích đã tìm cách kéo về vùng biên giới Thái-Cam Bốt sát cạnh đền cổ để đánh động dư luận cũng như phản đối phiên điều trần. Trước đây họ cũng từng làm nhằm ủng họ cho tuyên bố của họ là đền Preah Vihear thuộc về người Thái.
Trong phái đoàn cao cấp của Thái đến tham dự cuộc điều trần, có 3 giới chức quân sự cao cấp, đó là Bộ Trưởng Quốc Phòng Sukumpol Suwanatat, Tướng Nipat Thonglek người giữ vai trò ngang cấp bộ và phụ trách công tác Thường Trực Bộ Quốc Phòng, và Trung Tướng Voravit Darunchu phụ trách về Ủy Ban Biên Giới. Sự chọn lựa thành phần tham dự cho thấy phía Thái muốn biểu hiện một quan điểm cứng rắn khi ra điều trần.
Trước đó vài tháng thì dọc theo tuyến biên giới Thái – Cam Bốt, các giới chức quân sự Thái đã lập một kế hoạch phòng thủ mới, thực ra đó là một kế hoạch tái phối trí lực lượng để gia tăng khả năng chủ động đối phó bằng các phương tiện mạnh của quân đội Thái tại sát biên giới Cam Bốt.
3/ Cam Bốt điềm tĩnh
Cam Bốt giữ thái độ hòa dịu hơn. Trong phái đoàn tham gia cuộc điều trần, Cam Bốt chính yếu nhấn mạnh đến tính cách pháp lý mà họ đang có như bản đồ xưa cổ, các chứng tích lịch sử về việc xây dựng ngôi đền Preah Vihear.... Thêm vào đó, Thủ Tướng Hun Sen trong buổi lễ tại ngôi chùa ở tỉnh Prey Veng phía Đông Cam Bốt hôm thứ Năm tuần trước nói rằng người dân Cam Bốt và lực lượng võ trang cần giữ thái độ im lặng, tránh bị khiêu khích mặc dù có một số người hiếu chiến của Thái đã tập họp gần ngôi đền trước ngày phiên điều trần khai mạc.
Ngày 15/4 cũng là ngày người dân Cam Bốt đang ăn mừng năm mới, và đó cũng là năm mới của người Thái, Lào, và Miến Điện. Tuy nhiên, sau năm mới, vấn đề Preah Vihear sẽ lại được báo chí nhà nước hâm nóng và công luận Cam Bốt lại đổ dồn vào diễn biến phiên điều trần.
4/ Viễn cảnh giải pháp
Sáu tháng sau tức là khoảng tháng 10/2013 mới có quyết định chính thức của Tòa Án Công Lý Quốc Tế về ngôi đền cổ Preah Vihear. Chắc chắn rằng phán quyết sau này không thể đi ngược lại phán quyết đưa ra vào năm 1962, tức là ngôi đền cổ Preah Vihear phải thuộc về Cam Bốt. Và để không mâu thuẫn với phán quyết thì vùng đất nhỏ rộng 4,6 km² nằm chung quanh đền cũng phải thuộc chủ quyền của Cam Bốt. Vì nếu Tòa Công Lý giao ngôi đền cho Cam Bốt, mà lịch sử Cam Bốt đã minh định, còn vùng đất 4,6 km² thì lại dành cho phía Thái, thì không khác gì Tòa Công Lý châm ngòi cho cuộc chiến tranh triền miên giữa hai quốc gia.
Một khi đã có luật pháp quốc tế can thiệp giải quyết thì để tránh xung đột xảy ra, hai quốc gia phải kêu gọi dân chúng hai bên tôn trọng luật pháp quốc tế, cạnh đó chính quyền hai bên cũng phải có biện pháp hữu hiệu đi đôi với lời kêu gọi này để giữ vững hòa bình trên biên giới cũng như sự ổn định cho toàn khối ASEAN.
Thực tế trong quá khứ, phía Thái đã không làm được điều này sau phán quyết năm 1962. Và gần đây nhất, những lần xâm phạm lãnh thổ Cam Bốt từ năm 2008 cho đến năm 2011, không phải do thành phần quá khích tiến hành, trái lại tất cả đều do chính quyền Thái chủ trương đưa quân đội can thiệp. Và hầu hết biến động xảy ra do vì mục tiêu chính trị nhất thời của những đảng phái khi lên cầm quyền tại Bangkok.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130414-tranh-chap-chu-quyen-den-preah-vihear-thai-%E2%80%93-cam-bot-san-sang-cho-cuoc-chien-phap-ly

Geen opmerkingen:

Een reactie posten