dinsdag 16 april 2013

Thiên đường thuế, một cột trụ của chủ nghĩa tư bản

Thứ ba 16 Tháng Tư 2013
Thiên đường thuế, một cột trụ của chủ nghĩa tư bản
REUTERS/Heinz-Peter Bader
Thanh Hà
Bài trừ tận gốc rễ các thiên đường thuế khóa là nhiệm vụ bất khả thi, khi 1/3 các chương trình đầu tư trực tiếp của các tập đoàn đa quốc gia đều được thực hiện từ các « trung tâm tài chính hải ngoại » này. Hai phần ba các quỹ đầu tư trên thế giới được đặt tại các thiên đường thuế khóa.
Toàn cảnh chính trị tại Pháp đang hoang mang sau vụ tai tiếng Cahuzac : cựu bộ trưởng đặc trách về ngân sách thú nhận gửi tiền ở các địa điểm được gọi là thiên đường thuế khóa để trốn thuế.
Khoản tiền không khai báo đó lên đến 600 000 hay 15 triệu theo tiết lộ của một ngân hàng Thụy Sĩ ? Điều quan trọng hơn cả là dư luận Pháp không chấp nhận cựu bộ trưởng đặc trách về ngân sách Jérôme Cahuzac đã muốn chơi trò « vừa đá bóng vừa thổi còi ». Nhưng vụ án Cahuzac là cơ hội để dư luận tập trung vào hoạt động của các thiên đường thuế khóa, còn được gọi một cách ngoại giao là những « trung tâm tài chính hải ngoại ».
Đặc điểm của các thiên đường thuế khóa là gì họ hoạt động ra sao ? Daniel Lebègue, chủ tịch Transparency International chi nhánh đặt tại Pháp, trả lời :
« Những trung tâm tài chính offshore hoạt động một cách không minh bạch, rất mù mờ, nếu không muốn nói là mờ ám. Luật tài chính ở những nơi này rất lỏng lẻo, thậm chí là không có. Chính quyền ở những nơi ấy cũng không hề quan tâm đến việc kiểm tra về tính hợp pháp của các khoản tiền đổ họ nhận vào. Ở những nơi này, người ta gần như không phải đóng thuế.
Hiện có khoảng từ 70 đến 80 thiên đường thuế khóa như vậy trên thế giới, từ châu Á đến Cận Đông, từ châu Mỹ đến Châu Âu.
Thêm một điểm khác nữa là những ‘điểm đến’ đón nhận các nguồn tư bản này, giữ bí mật ngân hàng rất kỹ. Họ không tiết lộ gì về danh tánh các thân chủ. Đó có thể là tư nhân, hay là những doanh nghiệp, những công ty… Tôi xin nhấn mạnh, thất thoát do trốn thuê gây thiệt hại đến 30 tỷ euro mỗi năm cho nền kinh tế Pháp. 30 tỷ là khoản tiền tương đương với những gì mà chính phủ Pháp liên tục đòi người dân phải đóng góp thêm trong hai tài khóa 2012 và 2013 ».
Hiện có khoảng từ 70 đến 80 địa điểm đã được mệnh danh là thiên đường thuế khóa. Số này đã tăng đáng kể vì vào thập niên 1970 chỉ có khoảng 25 địa điểm được coi là những thiên đường trốn thuế.
Vào tuần trước nhiều tờ báo lớn của châu Âu đã cùng lúc tung ra một danh sách gọi là OffshoreLeaks, trong đó có tên tuổi những nhân vật gửi tiền tại những thiên đường này để trốn thuế. Nhưng theo giới trong ngành hành vi gian lận thuế của các nhà tỷ phú hay các chủ tập đoàn giàu sụ chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động của các thiên đường thuế khóa.
Báo cáo năm 2010 của Bruxelles cho thấy, tiền tham nhũng hay từ các tổ chức phi pháp không phải là các « nguồn vào » chính, nuôi sống các thiên đường thuế khóa. Các hoạt động rửa tiền, hay các khoản ký gửi từ những tổ chức tội phạm theo thứ tự chiếm 5 và 35 % vốn đổ vào các thiên đường thuế khóa. Như vậy, 60 % còn lại là tiền của các tập đoàn đa quốc gia ký gửi. Cũng không nên quên rằng, hai phần ba các quỹ đầu tư trên thế giới được đặt tại các thiên đường thuế khóa, và cứ trên ba dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của một tập đoàn đa quốc gia thì lại có một đổ tiền vào một « trung tâm tài chính hải ngoại » nơi mà luật tài chính được coi là dễ dãi và không mấy ai quan tâm nhiều đến « nguồn gốc của các khoản tiền ký gửi ».
Trả lời trên đài RFI pháp ngữ, Daniel Lebègue người đứng đầu chi nhánh tại Pháp của tổ chức Transparency International France không ngạc nhiên trước những tiết lộ được gọi là « OffshoreLeaks » :
« Chúng tôi biết được tầm mức của các hành vi trốn thuế quan trọng đến chừng nào. Các dịch vụ trốn thuế, được thực hiện qua trung gian những ‘thiên đường thuế khóa’. Đó là những trung tâm tài chính ở hải ngoại không bị đánh thuế và không ai biết những thiên đường thuế khóa đó hoạt động ra sao. Có một điều chắc chắn : đấy là nơi mà các nhà đầu tư hay những tập đoàn gửi tiền vào đó để giảm bớt thuế họ phải đóng ở nguyên quán. Theo thống kê của Quốc hội Hoa Kỳ thì các hành vi trốn thuế như vậy gây thiệt hại cho bộ Tài chính Mỹ mỗi năm 100 tỷ đô la. Còn tại châu Âu, bộ Tài chính Pháp và Đức, mỗi quốc gia thất thu đến 30 tỷ euro một năm ».
Cửa ngõ đầu tư
Những thiên đường thuế khóa không chỉ là nơi để các đại gia trốn thuế, mà đấy chính là địa bàn để các tập đoàn đa quốc gia phác thảo ra những chiến lược đầu tư : một phần ba các chương trình đầu tư trực tiếp của các tập đoàn đa quốc gia đều được thực hiện từ các « thiên đường thuế khóa » . Các nhà tỷ phú hay các tổ chức tội phạm cất giấu tiền để không phải kê khai tài sản và nộp thuế chỉ là một phần các chức năng của các thiên đường thuế khóa trên thế giới.
Mục tiêu chính của các địa điểm tài chính hấp dẫn đó là để phục vụ quyền lợi của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới, của các quỹ đầu tư với khối lượng vốn tính bằng bạc tỷ đô la. Đó chính là điều giải thích vì sao, quần đảo nhỏ xíu British Virgin Islands của Anh, một vùng đất với vỏn vẹn chưa đầy 25 000 dân cư trên một diện tích 150 mét vuông, nhưng lại là nhà đầu tư số 1 vào Trung Quốc, trước cả Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Tương tự như vậy đảo Maurice cũng là nơi đầu tư quan trọng nhất của Ấn Độ. Đấy không phải là chuyện tình cờ. Trên thực tế quần đảo Virgin của Anh hay địa điểm nghỉ mát lý tưởng như đảo Maurice là địa bàn hoạt động của các tập đoàn quốc tế, là cửa ngõ để đưa vốn vào những thị trường rộng lớn và tiềm năng như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Theo một công trình điều tra của tạp chí kinh tế Alternatives Economiques, toàn bộ 40 tập đoàn tham gia chỉ số chứng khoán CAC 40, tức là những công ty hàng đầu của Pháp đều hiện diện tại các thiên đuờng thuế khóa, qua trung gian khoảng 1 500 cơ sở khác nhau được đặt tại 30 « trung tâm tài chính offshore » trải dài từ vùng biển Caribê đến Thụy Sĩ, từ Hồng Kông đến Panama, từ Singapore đến Luxembourg, Ai Lan hay Hà Lan. Trung tâm tài chính City của Luân Đôn là một trong những địa bàn hoạt động rất được các tập đoàn của Pháp quan tâm.
Một trong những lý do đơn giản giải thích vì sao các tập đoàn lớn của Pháp mở chi nhánh tại Ai Len chẳng hạn do tại Pháp, thuế đánh vào các doanh nghiệp là 33,33 % trong lúc tại Ai Len, tỷ lệ đó chỉ là 12,5 %. Ai Len tham gia khu vực đồng euro và là thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Mở chi nhánh tại Ai Len không phải là một hành vi phạm pháp mà đó chỉ là một động thái để « tìm lợi thế về thuế khóa mà thôi ».
Do vậy mà có tới 37 % vốn đầu tư của các tập đoàn Pháp và châu Âu được ký gửi trong các thiên đường thuế khóa và có tới 47 % các dự án đầu tư trực tiếp của các tập đoàn Pháp được thực hiện từ một trong những trung tâm tài chính hải ngoại này và phần lớn là được ký gửi ngay tại các nước trong Liên Hiệp Châu Âu như Hà Lan hay Ai Len, Chypre. Hà Lan, đón nhận đến 17 % các chi nhánh của các tập đoàn Pháp ; Anh Quốc, thu hút 30 %. Đứng hạng thứ ba là Luxembourg.
Về điểm này, chủ tịch chi nhánh Transparency International France, Daniel Lebèque giải thích thêm :
« Đối với 14 ngân hàng lớn châu Âu, trong đó có 3 ngân hàng Pháp, hiện tại ¼ các chi nhánh trên thế giới của họ được đặt tại các thiên đường thuế khóa. Những chi nhánh đó được thành lập đôi khi với quy chế của các công ty liên doanh, đôi khi là với tư cách của một công ty con.
Tuy nhiên ở đây cần phải phân biệt rõ các hoạt động của những cơ quan tài chính đó. Trong số những dịch vụ đề nghị với thân chủ của họ, có những dịch vụ hoàn toàn hợp pháp. Thí dụ như tại châu Âu, có nhiều công ty mở chi nhánh tại Ai Len, do luật lệ hành chính tại quốc gia này khá đơn giản và thuế doanh nghiệp của Ai Len thấp hơn so với ở những quốc gia khác trong Liên Hiệp Châu Âu.
Mở chi nhánh tại Ai Len để chỉ bị đánh thuế ít hơn là điều hoàn toàn hợp pháp. Không thể coi đó là hành vi trốn thuế. Nếu như một ngân hàng đề nghị với thân chủ mở chương mục ở chi nhánh ở Ai Len, thì không thể cáo buộc ngân hàng đó vi phạm luật.
Ngược lại, dịch vụ chuyển tiền của thân chủ tới một thiên đường thuế khóa để trốn thuế, thì đấy lại là chuyện khác và đó mới là hành vi phạm pháp. Như vậy, ngân hàng giúp thân chủ của mình làm việc này có thể bị kết tội đồng lõa để trốn thuế ».
50% vốn đầu tư của Mỹ được cất ở các thiên đường thuế khóa
Trong mắt các đại tập đoàn của Hoa Kỳ thì những thiên đường thuế khóa là nơi đủ an toàn để ủy thác vốn : một nửa dự trữ vốn đầu tư của các tập đoàn Mỹ được cất giấu tại đấy. Hiện tượng này phổ biến đến nỗi vào cuối năm 2004, tổng thống G.W Bush ra quyết định « ân xá » cho những tập đoàn nào đem vốn trở lại đất Mỹ. Cụ thể là tron vòng một năm, nếu một tập đoàn Mỹ đem vốn trở về nguyên quán thì sẽ chỉ bị đánh thuế ở mức 5,25 % thay vì 35 % như luật hiện hành.
Theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế vào cuối năm 2004 có tới 1/3 các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất phát các thiên đường thuế khóa trên thế giới. Vào năm 1997, tỷ lệ đó chỉ là 25 %.
Một trong những chức năng khác của các thiên đường thuế khóa là cất giấu tài khoản của các đại tập đoàn, của các nhà điều hành những công ty đa quốc gia. Thế nhưng đấy còn là nơi để các công ty mẹ che dấu những khoản lỗ lã để tiếp tục che mắt các nhà tài trợ khi cần huy động vốn như là trường hợp đã từng xảy ra với các tập đoàn Vivendi của Pháp, Universal của Mỹ hay tập đoàn chuyên chế biến các sản phẩm làm từ sữa, Parmalat của Ý, cho đến khi tức nước vỡ bờ, nổ ra các vụ phá sản làm chấn động cả hệ thống tư bản thế giới như tập đoàn Parmalat của Ý hay công ty dầu khí Enron và ông trùm viễn thông Worldcom của Hoa Kỳ.
Enron đã mở đến 800 công ty ma tại các thiên đường thuế khóa để che giấu bê bối tài chính.
Quyền lợi của các tập đoàn ngân hàng
Thế nhưng các thiên đường thuế khóa không chỉ phục vụ quyền lợi của các công ty tên tuổi trên thế giới như Microsoft, Google , Starbucks Coffeecủa Mỹ hay LVMH, Schneider …. của Pháp mà đấy còn là sân chơi của các tập đoàn ngân hàng quốc tế : vào đầu năm 2006 chẳng hạn hơn một phân nửa các dịch vụ tài chính quốc tế của các ngân hàng đều qua trung gian các thiên đường thuế khóa. 58 % các khoản tín dụng cấp cho nước ngoài đều được trích ra từ các tài khoản được mở ở các chi nhánh hải ngoại và có tới 42 % các khoản tiền đó lại được dùng để rót vào chính những thiên đường thuế khóa.
Thêm một yếu tố khác là khi nhìn vào những vụ tai tiếng tài chính liên quan đến các tập đoàn tên tuổi như Enron hay Parmalat thì người ta nhận thấy rằng, đằng sau các vụ gian lận sổ sách đó đều có bàn tay của một tập đoàn ngân hàng lớn như mối liên hệ mờ ám giữa Citigoupe với Enron hay của ngân hàng Chase Manhattan, cũng lại với Enron.
Ở Pháp hai ngân hàng lớn là BNP Paribasvà Crédit Agricole vừa bị lộ là đã mở theo thứ tự 56 và 36 chi nhánh tại các thiên đường thuế khóa trong thời gian từ năm 1990 đến 2000, chủ yếu là tại châu Á mà Singapore, Hồng Kông và Đài Loan là ba điểm đến được ưa chuộng nhất.
Trong những điều kiện như trên, dễ hiểu là tương lai của từ 70 đến 80 thiên đường thuế khóa quốc tế hãy còn rất tươi sáng. Mục tiêu minh bạch hóa các hoạt động tài chính tại các « trung tâm tài chính hải ngoại » trong một thời gian dài sắp tới hãy mới chỉ là những thông báo suông !!!

http://www.viet.rfi.fr/kinh-te/20130416-thien-duong-thue-khoa-mot-trong-nhung-cot-tru-cua-chu-nghia-tu-ban

Geen opmerkingen:

Een reactie posten