zondag 21 april 2013

Những nhạc sĩ lớn lên sau 1975

Những nhạc sĩ lớn lên sau 1975

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013-04-21
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này



Đã gần 38 năm trôi qua sau biến cố 1975, một thế hệ những nhạc sĩ Việt Nam lớn lên sau thời chiến, cách cảm nhận về thời cuộc và âm nhạc của họ cũng đã thay đổi rất nhiều. So với các lớp nhạc sĩ đi trước, chủ đề âm nhạc và thế giới nhân sinh quan của các nhạc sĩ lớn lên sau sự kiện 30/4/1975 hoàn toàn thay đổi.

Không ủy mị

toc-ngan-200.jpg
CD Tóc Ngắn. RFA photo.

Nếu những nhạc sĩ thế hệ trước 1975 với trào lưu viết nhạc phản chiến, có lúc là sục sôi, giục dã, có lúc là bi lụy, thể hiện khắc khoải tâm trạng của những người sống trong thời kỳ chia cắt, khổ đau, thì giờ đây, sau gần 4 thập kỷ, những thế hệ nhạc sĩ trẻ tiếp bước mang trong mình một tâm thế khác hẳn. Họ là những nhạc sĩ trẻ, lớn lên trong thời bình, họ đến với âm nhạc bằng nhiệt huyết mới, chủ đề họ hướng tới là sự thanh bình, yên ấm, ở đó là quê hương, là tình yêu, là tình người, họ gửi gắm vào những ca khúc của mình thông điệp phản ánh giá trị của cuộc sống hiện đại.
Trong số những nhạc sĩ trẻ này, có người sinh ra trước 75, có người sinh ra sau 75, nhưng một điểm chung nhận thấy là những sáng tác của họ đều trong sáng, giản dị; trong những tác phẩm của họ không hề bắt gặp sự “gồng mình” giục dã và nhiều khi cứng nhắc của dòng nhạc đỏ, và ở đó cũng không thấy sự ủy mị, não nề của dòng nhạc vàng. Từ giai điệu cho đến câu từ đều toát lên hơi thở của thời cuộc, họ mang những gì của cuộc sống thực tại, thổi vào đó lời nhạc ý thơ để từ đó, chúng ta có những cái tên như: Đỗ Bảo, Quốc Bảo, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Anh Quân, Đức Trí, Võ Thiện Thanh… và gần đây là Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Văn Chung, Lê Cát Trọng Lý hay Đinh Mạnh Ninh… Ngoài tình yêu và sự đam mê dành cho âm nhạc, thì chính những thế hệ nhạc sĩ này cũng góp phần định hình và làm đa dạng thêm cho nhiều dòng nhạc của Việt Nam.

Anh Quân

Nhạc phẩm Tóc Ngắn của nhạc sĩ Anh Quân, là bài hát nằm trong album cùng tên; đây là một album đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của anh hồi năm 2000. Trong album này và nhiều album về sau, Anh Quân cùng người bạn thân thiết Huy Tuấn đã xây dựng con đường riêng cho mình là dòng nhạc R&B pha lẫn soul và funk với những giai điệu và ca từ vô cùng tươi trẻ.
Bộ ba Anh Quân, Huy Tuấn, Mỹ Linh cũng tiên phong trong việc xây dựng một phong cách làm việc chuyên nghiệp ở Việt Nam khi có riêng một ê-kíp âm nhạc, mỗi album đều được thực hiện thống nhất từ ý tưởng đến hòa âm, phối khí, họ luôn được đánh giá là những người làm việc hết sức nghiêm túc. Những album CD nhạc của Anh Quân luôn mang những ngôn ngữ và phong cách đặc biệt, đồng thời bộ ba này thường thực hiện những tour diễn để quảng cáo cho đĩa hát của mình một cách chuyên nghiệp.
Có thể kể đến những album chất lượng mà Anh Quân vừa là nhạc sĩ vừa kiêm nhà sản xuất: Tóc Ngắn 1, Vẫn Mãi Mong Chờ, Made in Vietnam, Chat với Mozart, Để Tình Yêu Hát và mới đây nhất là Một Ngày theo trường phái acoustic, đĩa hát làm hoàn toàn bằng đĩa than, mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu trước đây đến quí vị qua phần phỏng vấn Mỹ Linh.

Đỗ Bảo

Nếu nhạc sĩ Anh Quân định hình rõ trường phái R&B với funk và soul thì Đỗ Bảo lại được biết đến nhiều theo chiều hướng lãng mạn, trữ tình pha lẫn chút cổ điển. Ở Đỗ Bảo người nghe thấy tình yêu đôi lứa là chủ đề bao trùm, chẳng hạn anh viết một loạt 5 bài hát mang tựa đề “Bức Thư Tình” rồi những ca khúc khác như Điều Ngọt Ngào Nhất, Cầu Vồng Đêm Mưa, Điều Ta Đang Có hay Cánh Buồm Đỏ Thắm.
Trong phong cách sáng tác đa dạng của mình, Đỗ Bảo cũng được xem là một trong những nhạc sĩ trẻ viết jazz thành công với những album như: Những Ô Mầu Khối Lập Phương hay Thời Gian Để Yêu. Đồng thời người nhạc sĩ trẻ tuổi sinh năm 78 này cũng nổi danh trong vai trò hòa âm phối khí, đặc biệt là sự kết hợp của anh với nhạc sĩ Ngọc Đại qua đĩa CD của Trần Thu Hà có tên Nhật Thực hồi năm 2002 và nhiều album khác về sau này.

Trường phái dân gian đương đại

le-minh-son-250.jpg
CD '... Chạy Trốn' của nhạc sĩ Lê Minh Sơn với tiếng hát Tùng Dương. RFA photo.

Cùng góp phần vào sự đa dạng của các dòng nhạc hiện đại, những nhạc sĩ lớn lên sau 75 cũng đặt những hòn gạch đầu tiên cho trường phái dân gian đương đại, như Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lưu Hà An hay Giáng Son…
Trong âm nhạc của họ, chỉ thoáng nghe, người nghe nhạc đã cảm nhận được sức lôi cuốn của sự dân dã, mộc mạc trong cảnh làng quê Việt Nam, từ hình ảnh: chuồn chuồn ớt, con cò, giếng làng cho đến cặp ba lá, quạt giấy, người nghe được đắm mình vào một khung cảnh quê xưa.
Với những tác phẩm nổi tiếng như Con Cò, Bên Bờ Ao Nhà Mình, Chuồn Chuồn Ớt, À Í A, Quạt Giấy, hay Giấc Mơ Trưa, các nhạc sĩ trẻ tuổi của dòng nhạc này đã khéo léo sử dụng chất liệu dân gian bằng làn điệu dân ca hoặc âm hưởng dân gian, đồng thời lồng vào đó những tiết tấu và nhịp điệu hiện đại, đương thời. Nhạc phẩm Chuồn Chuồn Ớt đã được trình bày qua tiếng hát Ngọc Khuê.

Trẻ trung hiện đại

Ngoài các nhạc sĩ đã đạt được “độ chín” trong sự nghiệp sáng tác của mình, những nhạc sĩ 8X, 9X sinh ra trong thời bình có cái nhìn khác hẳn về thời cuộc, những chủ đề họ tìm đến thường là những gì của cuộc sống hiện tại, qua lăng kính của mình, họ thổi vào đó một làn gió trẻ trung, hiện đại với các thể loại nhạc như pop, R&B hay dance.
Bằng những chủ đề không mới như tình yêu, quê hương, cuộc sống, gia đình… nhưng người nghe cảm nhận được một sức sống mới căng tràn. Và điểm đặc biệt ở các nhạc sĩ trẻ tuổi là họ đã biết khai thác tối đa hình thức âm nhạc online để quảng bá đến người nghe nhạc.
Những tác giả như Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Hải Phong… đã là những cái tên không thể thiếu mỗi khi nhắc đến thế hệ nhạc sĩ trẻ tuổi hiện giờ; chẳng hạn như nhạc phẩm Đường Cong của Nguyễn Hải Phong.


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/post-1975-music-composers-04212013103420.html

Nhạc sĩ Dương Thụ và góc nhìn về Nhạc Trẻ

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013-03-31
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

nhac-chat-luong-305.jpg
Chương trình biểu diễn ca nhạc chất lượng tại Hà Nội. Hình chụp hôm 29/03/2013.
RFA



Sức mạnh nằm ở nội tâm con người

Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ Dương Thụ, ông đã gắn bó với âm nhạc Việt Nam giai đoạn hiện đại suốt hơn 2 thập kỷ qua, nhìn về nhạc trẻ giai đoạn trước đó và bây giờ, những điểm gì ông thấy là thay đổi nhiều nhất?
NS Dương Thụ: Như các bạn biết, nhạc trẻ gắn liền với khoa học kỹ thuật, hơn nữa những phương tiện mới về internet cũng giúp các bạn rất nhiều trong việc học tập. Tất nhiên về mặt kỹ thuật so với những ban nhạc trẻ sau 75 mà ta gọi là những nhóm ca khúc chính trị - những nhóm thực chất là những ban nhạc trẻ, những ban rock và pop, về mặt kỹ thuật thì tiến bộ hơn, nhưng chưa chắc về mặt cảm xúc âm nhạc đã bằng.
Tiếng đàn hay là tâm hồn hay cộng với năng khiếu, tài năng, chứ tiếng đàn hay, chữ “hay” ở đây rung động người khác không chỉ ở chỗ anh có tài, có kỹ thuật đâu. Cho nên, các bạn trẻ bây giờ chơi nhiều, có tiến bộ về mặt kỹ thuật, nhưng về mặt cảm xúc âm nhạc không làm cho tôi để ý như các anh ngày xưa. Ví dụ, ngày xưa nhạc pop, nhiều anh viết những bài hay lắm, như bài Xe Đạp Ơi, nó hồn nhiên, tự nhiên xúc cảm. Hay ngày xưa anh Đức Huy anh viết nhạc pop trước năm 1975, nhiều bài hay lắm, như bài Cơn Mưa Phùn hay Bay Đi Cánh Chim Biển. Làm sao bây giờ các bạn ấy địch được với những người viết như thế.
Vấn đề chính là nhân cách, con người và vốn sống của anh. Chứ nếu anh sống hời hợt, nếu suốt ngày anh chỉ chúi mũi vào máy vi tính, không dính với đời sống, anh không có cái đau khổ của một người bình thường, cái đó nó không làm người khác rung động được.
Thời đại mới, chúng ta hơi coi trọng văn minh vật chất, văn minh kỹ thuật mà chúng ta không coi trọng yếu tố quan trọng nhất là con người. Vì thế, cho nên mặc dù các sân khấu, tác phẩm biểu diễn rất lộng lẫy, huy hoàng, ghê gớm nhưng nó không đọng lại được gì. Nhưng có khi chỉ anh Đức Huy ôm đàn guitar hát thì mình vẫn nhớ mãi được, đó là sức mạnh của người ta, sức mạnh nằm ở chính nội tâm con người. Điều đó các bạn trẻ không chú ý, các bạn hay chủ quan, hay kiêu và như vậy cũng không được.
Vũ Hoàng: Vâng, cám ơn nhạc sĩ Dương Thụ đã có những chia sẻ rất sâu sắc như vậy.

Công chúng nào thì nhạc sĩ ấy

Vũ Hoàng: Xin được quay lại với nhạc sĩ Dương Thụ. Như nhạc sĩ vừa đánh giá về góc nhìn của những người viết nhạc trẻ thời gian gần đây, tuy nhiên, ở góc độ của những người nghe nhạc, thì ông đánh giá ra sao ạ?
NS Dương Thụ: Giới trẻ bây giờ được phương tiện nghe tốt hơn, các bạn trẻ bây giờ tiêu thụ âm nhạc kinh khủng lắm, chúng tôi gọi là “ngốn nhạc”, họ nghe nhạc khủng khiếp lắm, nghe nhạc suốt ngày, ở đâu cũng thấy nhạc, không bao giờ để cho tai nghỉ cả, đó là một sự khác biệt. Vì âm nhạc sinh ra không phải để giải quyết chuyện ấy, âm nhạc như người bạn tốt nhất của anh về mặt tình cảm, chia sẻ với anh lúc buồn.
Tôi không phê bình gì cả, vì xã hội nào thì văn hóa ấy, công chúng nào thì đẻ ra lớp nhạc sĩ ấy, nếu công chúng mà xịn, mà giỏi thì những nhạc sĩ này không tồn tại, vì ai mà mua, mà nghe.
NS Dương Thụ
Phần lớn những người hiểu nhạc và yêu nhạc họ có những tác giả và tác phẩm yêu thích của họ, nghe đi nghe lại nhiều lần và có lúc, không phải là ăn cơm cũng nghe nhạc, uống nước cũng nghe nhạc, đi xe đò cũng nghe nhạc, dần dần người nghe nhạc không hiểu nhạc là cái gì, không hiểu được nhạc nữa. Và không hiểu được nhạc nữa sẽ nuôi sống những người viết nhạc kém, tạo ra một lớp người viết của họ, có thể nói thế này, công chúng nào thì nhạc sĩ ấy, đời sống âm nhạc nào thì đẻ ra âm nhạc ấy. Vậy nên mình cũng không trách người viết được vì có cung thì mới có cầu, vì họ thích lấp đầy lỗ tai suốt ngày thì phải có thứ mì ăn liền chứ sao có thể toàn đòi ăn cao lương mỹ vị được, cho nên cuối cùng hỏng hết.
Cho nên khi âm nhạc đánh mất ý nghĩa của mình, công chúng làm hỏng âm nhạc và điều đầu tiên là tạo ra một lớp nhạc sĩ chỉ viết coi nhạc là thứ vui chơi giải trí, viết nhạc vớ vẩn. Và như thế thì, một nền âm nhạc vắng bóng tác giả sẽ không phát triển được, tất cả những sự phát triển phải do những cá nhân tài năng.
Tất nhiên bây giờ vẫn có những nhạc sĩ gọi là nhân vật, nhưng quá ít, cho nên nền âm nhạc không đủ mạnh, bởi nó không có người sáng tạo, nó không có những nhân vật, mà chỉ có đám đông làm nhạc và đám đông nghe nhạc mà thôi. Tôi không phê bình gì cả, vì xã hội nào thì văn hóa ấy, công chúng nào thì đẻ ra lớp nhạc sĩ ấy, nếu công chúng mà xịn, mà giỏi thì những nhạc sĩ này không tồn tại, vì ai mà mua, mà nghe.
Cuộc đời định giá rõ lắm, thứ nhạc rẻ tiền chỉ 7-8,000 đồng một đĩa, còn nhạc thứ hạng thì một đĩa hơn trăm ngàn, bây giờ người ta thích ít tiền mua được nhiều đồ, chứ người ta không nghĩ rằng một món đồ thật quý đáng giá hơn gấp trăm ngàn lần món đồ linh tinh, ngưởi ta chưa đến được văn hóa đó.

Chưa có những nhân vật đủ độ lớn

nhac-tre-250.jpg
Một số CD nhạc trẻ đang thịnh hành. RFA photo.

Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ Dương Thụ, dường như sự không hiểu đúng về âm nhạc của cả giới nghe nhạc lẫn giới viết nhạc mà tạo ra một thị trường nhạc Việt khá lộn xộn như ông đánh giá. Vậy, nếu để hiểu đúng về một mặt khác tích cực hơn của nhạc Việt, thì nhạc sĩ đánh giá ra sao ạ?
NS Dương Thụ: Còn hiểu đúng thì ở Việt Nam vẫn có những nhạc sĩ phòng giao hưởng. Tôi cũng đang cố gắng cùng anh em hoạt động trong lĩnh vực này, mỗi năm làm chương trình “Điều Còn Mãi” là chương trình thính phòng giao hưởng hoàn toàn Việt Nam, có nhiều tác giả trẻ lắm, họ là những người viết nhạc giao hưởng, tức là văn hóa đẳng cấp họ có.
Thứ nhất là nó phát triển hơn xưa, vì âm nhạc mình cứ hiểu là những thứ nhạc bậy bạ nên mình chửi họ, chứ thực ra âm nhạc Việt Nam bây giờ là tiến bộ, về mặt thính phòng giao hưởng, xưa chỉ có mấy tác giả thôi, nhưng bây giờ thì đông lắm, mấy anh đi học ở nước ngoài, về viết, tôi đã từng dựng cho các anh ấy rất nhiều.
Thứ hai, về thanh nhạc, trước kia khi tốt nghiệp (giao hưởng) ở nhạc viện ra là vứt đi, nhưng bây giờ người ta có việc làm và kỹ thuật bây giờ cũng tốt, họ chỉ thiếu cảm xúc thôi, chứ trình độ của ca sĩ ở khu vực nhạc nghiêm túc cũng được nâng lên, nhưng tài năng kiệt suất thì không có, cũng giống như bên nhạc nhẹ, thiếu các nhân vật, các anh vào trường nhạc, rồi ra kiếm tiền nhanh quá.
Nói tóm lại, âm nhạc cũng phát triển về mặt nào đó, những nhạc sĩ nghiêm túc viết bên nhạc nhẹ như nhạc sĩ Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn, Giáng Son, Lê Minh Sơn, Võ Thiện Thanh là những tác giả đâu có tệ. Nhưng nó ít quá và từng nhân vật không đủ mạnh như thế hệ trước. Thí dụ, thế hệ trước có ông Văn Cao, ông Phạm Duy hay ông Đỗ Nhuận, mình không so sánh, vì so sánh là khập khiễng. Nhưng ở đây tôi muốn nói là độ lớn, mỗi người có độ lớn của họ so với thời kỳ họ sống. Độ lớn của các tác giả trẻ mới hiện nay chưa đủ độ lớn so với thời kỳ họ sống nên họ chưa khuynh loát được, họ chưa làm cho người khác theo được.
Vũ Hoàng: Vâng, cám ơn nhạc sĩ Dương Thụ rất nhiều đã chia sẻ đến thính giả đài ACTD về những suy nghĩ của ông về tình hình âm nhạc Việt Nam trong nước.


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dngthu-persp-of-yth-music-03312013113014.html

Rocker Phạm Anh Khoa

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013-03-03
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

pham-anh-khoa-305.jpg
Trên sân khấu Phạm Anh Khoa rock cuồng nhiệt.
Photo courtesy of 24H.COM.VN



Sau cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn năm 2006 với giải thưởng đặc biệt của Hội đồng Nghệ thuật trao tặng, cái tên Phạm Anh Khoa trở nên có giá hơn trong giới showbiz, thế nhưng, với chàng trai gốc Khánh Hòa này thì dường như mọi chuyện vẫn vậy, có chăng là tình yêu đối với Rock và năng lượng để sáng tác những bản nhạc sôi động thêm phần dồi dào và mãnh liệt hơn.

Thần tượng

Trong câu chuyện kể với chúng tôi, Khoa tâm sự rằng đã có lúc anh rất bi quan về cuộc sống, những khó khăn dồn dập tưởng chừng đánh gục chàng trai trẻ mưu sinh trên mảnh đất Sài Thành, nhưng rồi cuối cùng, anh cũng vượt qua được hết những chông gai, và người mà anh tôn thờ là thầy giáo, nhạc sĩ Tuấn Khanh, đã tiếp thêm sinh lực, để những ước mơ về âm nhạc của anh được thăng hoa.
“Thực ra mà nói, Khoa phải đặt một vị trí rất là trang trọng trong bàn thờ tâm hồn của mình dành cho thầy Tuấn Khanh, hơn ai hết thầy đã thay đổi cuộc đời của Khoa rất nhiều. Thầy không dạy Khoa một chữ nhạc bẻ đôi nào hết, nhưng thầy xuất hiện vào đúng giai đoạn cuộc sống của Khoa có rất nhiều biến động; thầy là người dạy cho Khoa cách sống lạc quan.
Từ bé cả ba và Khoa đều rất hâm mộ chú Elvis Phương và ban nhạc Phượng Hoàng thời đấy là dấu son chói lọi của âm nhạc Việt Nam, đứng đầu cả về nhạc trẻ lẫn nhạc Rock.
Phạm Anh Khoa
Khoa bây giờ đang sống là bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tính cách sống của thầy khi có thời gian sống gần gũi bên thầy.”
Ngoài nhạc sĩ Tuấn Khanh là người ảnh hưởng đến phương châm và phong cách sống, thì một ca sĩ khác cũng tác động rất nhiều đến Khoa ,và là người mang lại cho Khoa những ngọn lửa nhen nhúm ban đầu về Rock:
“Hồi bé Khoa được nghe nhạc trên những chuyến xe tải của ba, ba Khoa là tài xế lái xe tải đường dài. Từ bé cả ba và Khoa đều rất hâm mộ chú Elvis Phương và ban nhạc Phượng Hoàng thời đấy là dấu son chói lọi của âm nhạc Việt Nam, đứng đầu cả về nhạc trẻ lẫn nhạc Rock.
Khoa dường như bị chất lãng tử của chú Elvis Phương ngấm vào từ bé rồi, sau này lớn lên một chút, Khoa đi học guitar, ngưỡng cửa đầu tiên tiếp xúc với guitar là mình đã được nghe những bài nhạc Rock bất hủ, Rock Ballad, và cảm nhận được loại nhạc này phù hợp với mình, có một gì đó phá cách, có một gì đó phù hợp với cuộc sống mà mình đang chọn, vì thế Khoa đến với Rock rất tự nhiên, không có gì là gượng ép.”

Viết nhạc như viết nhật ký

pham-anh-khoa-250.jpg
Phạm Anh Khoa cùng các thành viên của PAK band tại buổi ra mắt album PAK- We are PAK tối 13/1/2012. Photo courtesy of 24H.COM.VN.
Phạm Anh Khoa kể rằng, nhạc Rock mà anh hiện đang sáng tác giống như một cuốn nhật ký, anh viết cho chính bản thân mình, buồn có, vui có:
“Nhạc của Khoa đơn giản thôi, Khoa viết lại, nó giống như nhật ký vậy, âm nhạc của Khoa sẽ trưởng thành từng ngày đúng như con người của Khoa, đĩa sau sẽ trưởng thành hơn đĩa trước, về mặt ngôn ngữ, về mặt âm nhạc sẽ khác đi, tuổi thọ âm nhạc của Khoa cũng y chang như con người mình.”
Có lẽ chính bởi âm nhạc của Khoa giống với con người Khoa, mà giới trẻ yêu nhạc Rock, yêu nhạc của Khoa luôn tìm thấy một sự lạc quan, một nhiệt huyết tràn đầy nhựa sống trong từng câu chữ, giai điệu nóng bỏng:
“Hơn ai hết, Khoa yêu quý dòng nhạc của mình vì rất nhiều lý do, một trong những lý do là vì nhạc Rock với ngôn từ của nó được đề cao rất nhiều, chứ không phải những ca từ sáo rỗng và hời hợt. Thể loại nhạc Rock, ngoài giai điệu thôi thúc ra thì tinh thần sống rất lạc quan vì phương châm sống của Rock là Rock Never Dies, nó luôn có những cái nhìn hướng về phía trước, nó rất đầy sức hút với bản thân Khoa. Khoa vẫn đang nỗ lực từng ngày để giữ lửa đam mê của mình mặc dù gặp rất nhiều khó khăn.
Nhạc của Khoa đơn giản thôi, Khoa viết lại, nó giống như nhật ký vậy, âm nhạc của Khoa sẽ trưởng thành từng ngày đúng như con người của Khoa, đĩa sau sẽ trưởng thành hơn đĩa trước, về mặt ngôn ngữ, về mặt âm nhạc sẽ khác đi, tuổi thọ âm nhạc của Khoa cũng y chang như con người mình.
Phạm Anh Khoa
Nếu nói về Phạm Anh Khoa, thì Khoa nghĩ rằng mọi người có thể nhìn nhận Khoa có năng lực hay không có năng lực là một chuyện, nhưng ai cũng thừa nhận một điều duy nhất là ở Khoa là một tấm gương vượt khó, Khoa đã ráng giữ được ngọn lửa đam mê của mình trong những lúc khó khăn nhất, những lúc tồi tệ nhất, Khoa cũng đã vượt qua và mình đến với âm nhạc của mình với một tinh thần không ngại bất kỳ điều gì cả.”
Với Phạm Anh Khoa, một Rocker trong nền âm nhạc Việt đang được xem là bão hòa bởi những dòng nhạc dễ dãi, thế nhưng, anh không đi theo con đường màu mè, nhung lụa, mà chọn cách riêng khá chông gai, để tiếp tục truyền lửa cho những người yêu Rock Việt và hy vọng Rock Việt sẽ có chỗ đứng hơn trong tương lai:
“Khó khăn của riêng Khoa đang phải đối chọi là bởi vì ở Việt Nam mình, nhạc của Khoa khi đi thi, người ta thích, nhưng khi đứng riêng lẻ trong showbiz thì nó bị lẻ loi, mình luôn có cảm giác như mình là đứa con ghẻ, thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, có gì mình yêu thích mà nó dễ dàng đâu, thế nên, Khoa vẫn chấp nhận để theo đuổi dòng nhạc mình yêu thích. Khoa cứ cố gắng đến hết mức có thể của mình thôi, Khoa tin đến một lúc nào đó, dòng nhạc của mình sẽ có một chỗ đứng xứng đáng hơn với vai trò của nó.”
Vâng, với lời nhắn gửi “tin một lúc nào đó dòng nhạc Rock sẽ có một chỗ đứng xứng đáng hơn với vai trò của nó” chúng ta cùng chúc cho dòng nhạc Rock Việt sẽ thành công hơn nữa trong tương lai, Việt Nam sẽ có thêm nhiều những Phạm Anh Khoa để làm phong phú thêm cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung và cho dòng nhạc Rock vốn kén người nghe nói riêng.


http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/rocker-phamanhkhoa-vhoang-03032013120719.html

Ca sĩ Nguyên Khang

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013-04-14
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

nguyen-khang-305.jpg
Ca sĩ Nguyên Khang và CD "Mưa trên hạnh phúc tôi".
RFA



Giọng ca thiên phú

Đối với nhiều người, cái tên Nguyên Khang không còn lạ lẫm; người ca sĩ có chất giọng trầm ấm, sang trọng ấy đã cộng tác với Trung tâm Asia vừa tròn một thập kỷ. Thế nhưng câu chuyện đến với âm nhạc của Nguyên Khang thật tình cờ, bởi từ nhỏ anh chưa bao giờ qua một trường lớp đào tạo thanh nhạc nào, phải chăng bởi chất giọng thiên phú của anh mà người nghe có được một Nguyên Khang của ngày hôm nay.
“Khang thực sự từ bé đến lớn mình chưa bao giờ có ước mơ sẽ trở thành người ca sĩ, nhất là ca sĩ chuyên nghiệp.
Vào một ngày đẹp trời, Khang đến đám cưới của một người bạn. Khang gặp được anh Hoàng Trọng Thụy, nghe Khang hát, anh Hoàng Trọng Thụy đề nghị Khang hát thử một số bài hát mà anh mới sáng tác, và Khang đã hát những bài hát của anh. Sau đó, anh Thụy phát trên đài VNCR, là một đài truyền thông ở miền Nam California, khi những bài hát được phát đi, thì nhiều thính giả hỏi người ca sĩ đó là ai. Lúc đó, Khang chưa có tên là Nguyên Khang, cái tên Nguyên Khang cũng là do nhạc sĩ Hoàng Trọng Thụy đặt cho Khang.
Sau đó, Khang được Trung tâm Asia và Vân Sơn mời, kể cả Trung tâm Thúy Nga cũng mời Khang, nhưng Khang chưa có duyên để cộng tác với Thúy Nga. Cái gì cũng có số mệnh, Khang chưa bao giờ muốn làm ca sĩ, nhưng cuối cùng đây lại là một cái nghiệp của mình, và Khang rất vui khi làm được một điều gì mà mình rất yêu thích, và đó là hạnh phúc nhất của một con người.”
Nguyên Khang tâm sự rằng khi bàn về chất giọng đặc biệt của mình nhiều người cho rằng anh có chất giọng khàn kiểu “thuốc lào” trong khi đó, giới nhạc sĩ lại đánh giá anh có quãng hát rộng và đủ khả năng để chuyển tải những bài hát đòi hỏi tính kỹ thuật cao:
Nếu nói về chất giọng của Nguyên Khang thì điều đầu tiên Khang được quý vị nhận xét là Khang có chất giọng “rất thuốc lào”, giọng có vẻ khàn khàn, có vẻ nhựa nhựa. Quý vị nhận xét giọng của Khang có độ trầm và vang, thực sự điều đó là trời cho.
Ca sĩ Nguyên Khang
“Nếu nói về chất giọng của Nguyên Khang thì điều đầu tiên Khang được quý vị nhận xét là Khang có chất giọng “rất thuốc lào” mà thực sự Khang chưa bao giờ hút thuốc lào, mà Khang chỉ hút thuốc lá thôi, giọng có vẻ khàn khàn, có vẻ nhựa nhựa. Quý vị nhận xét giọng của Khang có độ trầm và vang, thực sự điều đó là trời cho.
Mình chưa bao giờ được qua một trường lớp nào, nếu Khang qua trường lớp thì có thể Khang sẽ hát tốt hơn nhiều. Bởi thực sự ra, những giọng ca nam của tân nhạc Việt Nam có rất nhiều giọng hát hay. Điều thứ hai, Khang được các nhạc sĩ nhận xét là Khang có quãng (hát) rộng, quãng của Khang đủ để hát được những bài hát khó, nó cần một quãng rộng để có thể chuyên chở được bài hát.”
Trong số những giọng hát nam nổi tiếng trong nước lẫn hải ngoại, người nghe thường so sánh giọng hát của Tuấn Ngọc, Nguyên Khang và Quang Dũng, dường như có chút gì hơi giống nhau, từ thể loại nhạc cho đến những nốt ngân, nhả chữ và cách nhấn nhá; nhưng nếu nghe kỹ thì rõ ràng 3 giọng hát này luôn có những thần thái khác biệt và làm nên thương hiệu riêng của mỗi người.
“Thú thực với quý vị khi Khang bắt đầu thu băng, Khang chưa biết ca sĩ Tuấn Ngọc, Khang chỉ nghe nhạc nước ngoài nhiều mà chưa nghe nhạc Việt nhiều. Sau này, khi đi hát, mọi người mới nói sao giọng Khang giống Tuấn Ngọc quá, Khang bắt đầu nghe và mua đĩa Tuấn Ngọc nghe và thấy mình có nhiều điểm rất giống anh Tuấn Ngọc là ở cách phát âm và quãng; cái giống nhất là hai người cùng có tần số chọn bài, cái cảm nhận về bài hát giống nhau, cho nên đó là một điều và là một sự trùng hợp rất thú vị. Sau khi Khang nghe Tuấn Ngọc rồi, Khang bị ghiền, Khang bị ảnh hưởng của Tuấn Ngọc nhiều lắm, nhưng sau đó, mình hát nhiều, mình có kinh nghiệm, mình tạo ra cho mình một cách riêng, và sau này Nguyên Khang thoát ra được cái bóng của Tuấn Ngọc.
Còn nói về Quang Dũng, Quang Dũng là người đi hát sau Khang, Quang Dũng là người chịu ảnh hưởng của Khang. Khang nhớ có một lần, Khang về Việt Nam và đến phòng trà của ca sĩ Cẩm Vân – Khắc Triệu thì Khang có gặp một người ca sĩ đến, bắt tay Khang, cao ráo, đẹp trai, tự giới thiệu em là Quang Dũng, em rất thích anh hát, Quang Dũng có lên sân khấu hát tặng Khang một bài nằm trong đĩa đầu tiên của Khang là bài Vì Tình Đây. Khi Quang Dũng xuống, thì Khang có nói em hát hay hơn anh đấy chứ. Lúc đó, Quang Dũng chưa nổi tiếng, sau này thì Quang Dũng hát rất hay và là một giọng trẻ Khang rất quý.”

Xướng ngôn viên của đài SET

nguyen-khang-250.jpg
Ca sĩ Nguyên Khang. Photo courtesy of Dân Huỳnh/Người Việt.

Khi chúng tôi thực hiện chương trình giới thiệu giọng hát Nguyên Khang trên làn sóng của đài ACTD, thì cũng có nghĩa là bản thân Vũ Hoàng đang giới thiệu đến quý vị một người đồng nghiệp, bởi ngoài những ngày đi hát cuối tuần, Nguyên Khang còn đảm nhiệm vai trò xướng ngôn viên của đài SET tại California.
“Khang đến với xướng ngôn viên rất tình cờ, có lẽ vì giọng nói của mình, giọng nói làm cho người ta nhớ và đó là điều tiên quyết của làm xướng ngôn viên.
Sở dĩ lúc đó là đài truyền hình SBTN mở thêm một đài địa phương có tên SET (Saigon Entertainment Tivi), lúc đó Khang bị nhạc sĩ Trúc Hồ “bắt” làm. Khang vào tập huấn 3 tháng với anh Việt Dũng, sau 3 tháng anh Việt Dũng gật đầu và cuối cùng thì SBTN chọn Khang làm xướng ngôn viên.
Khi làm xướng ngôn viên, Khang học được nhiều thứ, những chuyện gì đang xảy ra, nói chung nó mang lại cho mình một cuộc sống lành mạnh hơn.”
Có thể nói, với kỹ năng của người làm truyền thông, cùng với sự lãng mạn vốn có của một người ca sĩ, đang tạo nên một Nguyên Khang đầy năng động, nhiệt huyết. Xin chúc ca sĩ Nguyên Khang ngày càng thành công hơn nữa trên con đường nghề nghiệp mà anh đã chọn.


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/singer-nguyenkhang-vhoang-04142013130032.html

Ca sĩ trẻ Đinh Mạnh Ninh

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013-04-07
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

dinh-manh-ninh-305.jpg
Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh
RFA



Là một ca sĩ trẻ thuộc thế hệ cuối 8x, thời gian gần đây, Đinh Mạnh Ninh được biết đến nhiều sau những thành công cùng nhóm nhạc M4U và đặc biệt là với bài hát do anh sáng tác “Mùa Yêu Đầu” vừa giành giải Bài Hát Của Năm trong chương trình Bài Hát Việt 2012.
Theo học khoa Thanh nhạc trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, theo đuổi dòng nhạc pop, R&B và funky, đồng thời, có khả năng vũ đạo và sáng tác, Đinh Mạnh Ninh đang trở thành một ca sĩ trẻ được ưa thích hiện nay. Với giải nhất tiếng ca học đường năm 2008, giải nhất cuộc thi tìm kiếm âm nhạc Pepsi Talent Show 2009, và giải triển vọng Sao Mai Điểm Hẹn 2010, những hành trang quý này đang cùng Đinh Mạnh Ninh bước vào con đường nghệ thuật của giới ca sĩ trẻ Việt Nam.

Mùa Yêu Đầu

Nhận xét về Bài Hát Của Năm do mình sáng tác, Đinh Mạnh Ninh chia sẻ suy nghĩ:
“Bài hát “Mùa Yêu Đầu” rất đơn giản đúng như cái tên của nó là “Mùa Yêu Đầu”. Ở đây, Ninh muốn dành tặng cho tất cả các bạn đang yêu nhất là những bạn mới yêu nhau.
Mùa Yêu Đầu ở đây không có nghĩa là mối tình đầu hay cái gì đó tương tự mà đó là phút giây đầu tiên 2 con người cảm thấy hòa hợp, tìm thấy những rung động đầu tiên từ phía nhau, mình gọi đấy là mùa yêu đầu. Và trong câu chuyện tình phần đẹp nhất là lúc đầu tiên khi 2 người mới quen nhau với những rung động khi tìm hiểu nhau, rất là thú vị, và những giây phút đấy nó thực sự khiến tâm hồn người ta thăng hoa, và mình chỉ ghi lại những cảm xúc đó từ chính bản thân mình và từ những người xung quanh, bạn bè mình.
Đó là một bản pop ballad và mình xử lý theo hướng R&B một chút. Nhiều bạn trẻ đã yêu thích bài hát này và hội đồng nghệ thuật của Bài Hát Việt đã ưu ái và giành tặng cho mình giải thưởng rất to lớn, khi nhận được giải thưởng này, Ninh rất xúc động và bất ngờ.”

Nhóm nhạc M4U

Con đường đến với âm nhạc của Ninh cũng thật tự nhiên, bởi có tình yêu âm nhạc, mà Ninh tìm thấy hình bóng mình trong đó, khi càng trưởng thành thì tình yêu dành cho âm nhạc của anh càng lớn theo, anh đi theo tiếng gọi của trái tim để đến với âm nhạc là thế. Thế nhưng, để công chúng biết đến một Đinh Mạnh Ninh ngày hôm nay, anh không quên những gì mà nhóm nhạc M4U đã mang lại cho mình.
“Khi mình là thành viên của nhóm M4U, đó là bước đầu tiên của mình đến với âm nhạc bởi vì mình là thành viên của M4U ngay trong năm đầu tiên của mình học tại trường Nghệ thuật Hà Nội, và qua nhóm M4U mọi người biết đến mình nhiều hơn, và sau đó mình có điều kiện để phát triển con đường âm nhạc riêng của mình.
Nói về khía cạnh chuyên môn thì M4U đã giúp đỡ mình rất là nhiều trong việc phát triển tính cách âm nhạc trong mình. Khi các bạn nghe ca khúc ngày xưa của M4U, thì các bạn thấy mình hay phiêu những nốt mang tính hơi hướng của R&B trong những bài nhạc pop, và chính vì như vậy bây giờ mình tìm ra dòng nhạc mình rất yêu thích đó là R&B. Một mặt khác, với M4U khi hát nhóm thì mình cũng rèn luyện được kỹ năng hát bè rất tốt.”
Nói về khía cạnh chuyên môn thì M4U đã giúp đỡ mình rất là nhiều trong việc phát triển tính cách âm nhạc trong mình. Một mặt khác, với M4U khi hát nhóm thì mình cũng rèn luyện được kỹ năng hát bè rất tốt.
Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh
Cũng bởi có M4U và phong cách được định hình mà gần đây Ninh mạnh dạn đưa những ca khúc của mình đến với thính giả nghe nhạc chẳng hạn như Hà Nội, Trà Đá, Vỉa Hè, đó là một ca khúc viết theo hơi hướng R&B funky hiện đại và trẻ trung, nói về lối sống, nét văn hóa rất đường phố trà đá ở Hà Nội, ngoài ra Ninh cũng viết Dù Có Cách Xa với phong cách pop R&B. Ninh tâm sự rằng lúc trước anh chủ yếu chỉ viết những ca khúc pop, nhưng giờ đây anh chuyển sang R&B để bài hát có nhịp điệu hơn, tiết tấu hơn, và có màu sắc hiện đại cũng như phù hợp với bản thân của chính mình.
Mặc dù giờ M4U không còn hoạt động, nhưng M4U đã từng cùng góp mặt với nhiều nhóm nhạc khác để tạo nên sự đa dạng cho thị trường nhạc trẻ trong nước. Chia sẻ thêm về những nhóm nhạc trẻ boyband này, Đinh Mạnh Ninh cho biết:
“Nếu để đánh giá về sự phát triển của các boyband Việt Nam thì có rất nhiều mầu sắc, những điều đáng nói khi nói đến khái niệm boyband ở Việt Nam. Các bạn có thể thấy giờ có rất nhiều boyband được các bạn trẻ hâm mộ, mỗi boyband có một màu sắc khác nhau và rất hiện đại.
Ở Việt Nam có những boyband rất tốt về phần vũ đạo cũng như các đầu tư về âm nhạc, người ta tìm tòi những dòng nhạc mới, hát những hơi hướng R&B, dance… đó là những tín hiệu rất đáng mừng ở trong sự phát triển của âm nhạc Việt Nam.”
Với Đinh Mạnh Ninh, con đường nghệ thuật phía trước còn rất dài, với tài năng của mình, cộng với sự nhiệt huyết và nhất là bản lĩnh dám ước mơ và vươn tới, xin chúc cho Ninh thành công hơn nữa trên cả sự nghiệp hát solo và sáng tác.
“Mình nghĩ rằng điều mình đang thực hiện và đi theo đó là ước mơ, mình cho rằng tuổi trẻ ai cũng có những ước mơ, những hoài bão cho riêng của mình và tất cả các bạn cũng như vậy. Mình mong rằng các bạn có đủ can đảm, bản lĩnh có thể đi theo đến tận cùng ước mơ của mình và sẽ thành công với ước mơ đó.”


Geen opmerkingen:

Een reactie posten