vrijdag 12 april 2013

Lương tối thiểu chưa bằng nửa mức sống

Thứ sáu, 12/4/2013, 18:22 GMT+7
Twitter
Facebook

Lương tối thiểu chưa bằng nửa mức sống

Nhấn mạnh tính cần thiết cũng như khẳng định còn dư địa để tăng lương nhưng theo các chuyên gia cũng như cơ quan quản lý, việc nâng mức thu nhập tối thiểu của người lao động Việt Nam hiện hết sức khó khăn.
>21.700 tỷ dự kiến tăng lương công chức từ 1/7

Tại hội thảo Mức sống tối thiểu và cơ sở xác định mức lương tối thiểu, lương đủ sống do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức sáng nay, nhiều ý kiến thừa nhận, hiện mức lương tối thiểu mới đáp ứng được 50-60% mức sống của người lao động.
Lao động
Mức lương tối thiểu mới đáp ứng được 50-60% mức sống của người lao động. Ảnh: Hoàng Hà
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội cho biết, hiện lương khối hành chính sự nghiệp chỉ bằng 70% khu vực doanh nghiệp. Các khảo sát cho thấy, hiện nay lương của khu vực doanh nghiệp mới đáp ứng được 62-69% mức sống tối thiểu của người lao động.
"Điều này cho thấy, khoảng cách giữa lương tối thiểu của đơn vị hành chính sự nghiệp và mức sống còn cách xa hơn rất nhiều", ông Lợi cho hay.
Phó vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, ông Lê Xuân Thành cũng thừa nhận, hiện lương ở khu vực Nhà nước, mới đảm bảo được 50% mức sống tối thiểu của công chức.
Bà Văn Thu Hà, đại diện Oxfam (Tổ chức Liên minh chống nạn đói và nghèo khổ) cho rằng không chỉ chưa theo kịp mức sống, lương tối thiểu tại Việt Nam cũng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tăng lương tối thiểu những năm gần đây mới bằng 38 - 41% mức tăng GDP bình quân đầu người (trừ năm 2003 và 2006 mức tăng bằng 46%). Do đó, dư địa tăng lương tối thiểu theo GDP là hoàn toàn có khả năng.
Nghiên cứu của tổ chức Oxfam cho thấy, hiện với những người sống bằng lương tối thiểu thì đó là cuộc sống chật vật, nằm trong nhóm có chi tiêu thấp nhất hay nói cách khác là thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo.
Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện công nhân Tổng liên đoàn lao động cho biết, dự kiến đến năm 2015 cơ quan này sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ tăng lương lên mức đáp ứng được mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, đại diện Bộ Lao động lại cho rằng khó có thể đạt được mục tiêu này. "Nếu kinh tế vĩ mô ổn định thì mới thực hiện được, còn nếu không rất khó", ông Lê Xuân Thành nói.
Theo Vụ Lao động Tiền lương của Bộ, nếu điều chỉnh lương tối thiểu theo đúng lộ trình thì sợ doanh nghiệp không chịu đựng được. Còn nếu điều chỉnh để đảm bảo ngay nhu cầu sống tối thiểu của người lao động trong năm 2013 thì rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm dệt may, da giày, gia công sẽ phá sản.
"Với mức lương hiện tại, các doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn, họ nợ lương, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động. Nếu tăng nữa, sợ họ không chịu nổi", ông Thành nói. Lãnh đạo này cũng cho hay, hiện số doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội mới được khoảng 60-70%.
Ông Thành cũng cho rằng, việc tăng lương ở bối cảnh hiện tại cũng phải cân nhắc tới rất nhiều yếu tố, trong đó có năng lực cạnh tranh, vốn là thế mạnh của Việt Nam.
Một vấn đề nữa cũng được rất nhiều chuyên gia tại hội thảo quan tâm đó là tiêu chí quy định mức sống để xây dựng lương tối thiểu. Lãnh đạo Vụ Lao động Tiền lương cũng cho rằng, hiện Việt Nam chưa xây dựng được thống nhất các tiêu chí này. Bên cạnh đó, cơ chế điều chỉnh chính sách tiền lương tối thiểu cũng chưa rõ ràng. Tại các đơn vị hành hính nhà nước, việc điều chỉnh lương chủ yếu dựa vào túi tiền của ngân sách. Còn trong khu vực doanh nghiệp chủ yếu dựa vào CPI và tình hình làm ăn. Năm qua, khu vực sản xuất kinh doanh còn được cải thiện, trong khi khối Nhà nước thì không có điều chỉnh nào.
Ông Lợi cũng cho biết, hiện nay có 2 phương pháp tính mức sống để xây dựng lương tối thiểu của Bộ Lao động và Tổng Liên đoàn Lao động. Tuy nhiên, 2 cách tính này cũng không thống nhất và cho ra các kết quả khác nhau do đó rất khó khăn trong việc xác định mức sống tối thiểu. Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội cho biết trong thời gian tới sẽ nghiên cứu, tham khảo những tổ chức, nền kinh tế tiên tiến để tìm ra phương pháp chính xác hơn.
Từ năm 2008 đến nay Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung đối với cán bộ, công chức (hiện nay là 1,05 triệu đồng) và 6 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp. Mức lương tối thiểu ngành đang thực hiện thí điểm đối với ngành dệt may, cao su thông qua ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành.
Ngọc Minh
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten