woensdag 10 april 2013

Lễ trao huân chương Truman-Reagan cho ông Trần Văn Bá

Lễ trao huân chương Truman-Reagan Thursday, April 04, 2013 2:37:35 PM






 
Trần Ðông Ðức
LTS: Trong chuyến biểu diễn của Trúc Hồ tại Philadelphia hôm 30 tháng 3, 2013, nhạc sĩ Trúc Hồ và thân hữu nói rất nhiều về hình ảnh trước pháp trường cộng sản của anh hùng Trần Văn Bá. Lòng tiếc thương và sự đau đớn về vụ hành quyết vẫn còn chưa dứt. Vào năm 2007, trong một lần làm tin tức cho đài BBC về huân chương tự do Truman-Reagan trao ở Tòa Ðại Sứ Hungary, Trần Ðông Ðức hận hạnh được gặp thân quyến của anh hùng Trần Văn Bá. Người Việt Ðông Bắc xin giới thiệu lại bài về Truman-Reagan Medal Freedom trên BBC vào ngày 15 tháng 11, 2007 để một lần nữa, độc giả quan tâm có thêm thông tin về thân quyến cũng như tình trạng di thể của tử tù Trần Văn Bá hiện nay.
Tiến Sĩ Trần Văn Tòng, anh ruột của anh hùng Trần Văn Bá trong buổi lễ truy tặng huân chương tự do Reagan-Truman vào ngày 15 tháng 11, 2007.

Một tử tù Việt Nam đã bị nhà cầm quyền cộng sản hành quyết năm 1985 là ông Trần Văn Bá được trao huân chương tự do Truman-Reagan (Truman-Reagan Medal of Freedom).

Huân chương lấy tên hai vị tổng thống Hoa Kỳ là Reagan và Truman để dành cho những nhân vật trên thế giới có thành tích suốt đời đấu tranh cho lý tưởng tự do và đối đầu với các chế độ độc tài.

Lễ trao huân chương là một trong những nghi thức hàng năm của quỹ tưởng niệm nạn nhân cộng sản tại Washington DC mà Tổng Thống Bush là chủ tịch danh dự. Năm nay, lễ được tổ chức tại Tòa Ðại Sứ Hungary.

Ba nhân vật được bầu chọn đó là dân biểu đảng Cộng Hòa, Dana Rohrabacher, Tiến Sĩ Janos Horvath của Hungary, và ông Trần Văn Bá.

Truman-Reagan Medal Freedom năm 2007.

Dân Biểu Rohrabacher của bang California là một người đã góp nhiều công sức trong việc hoàn thành tượng đài tưởng niệm nạn nhân cộng sản tại Washington DC gần đây.

Ngoài thành tích này, ông là một trong những tiếng nói tâm huyết và mạnh mẽ nhất trong Quốc Hội Hoa Kỳ về những vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và Trung Quốc.

Còn Janos Horvath là một trong những nhà đấu tranh với cộng sản vào cuối thập niên 40 và là lãnh đạo trong cuộc cách mạng 1956 tại Hungary.

Cuộc đời đầy sóng gió của ông từ chính khách vào năm 1945 tới lưu vong 1956 và sự trở về vào năm 1998 đã để lại nhiều cảm khái cho dân tộc Hungary sau cuộc cách mạng Ðông Âu.

Trần Văn Bá
Ngày 8 tháng 1 năm 1985 ông Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch bị chế độ cộng sản VN hành quyết.

Trước đó ngày 14 tháng 12 năm 1984 Việt Nam đã đem ra xử 21 người thuộc Mặt Trận Thống Nhất các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam. Những người này đã bị bắt trong nhiều đợt từ 1981 đến 1984.

Anh ruột của ông Trần Văn Bá là Tiến Sĩ Trần Văn Tòng đến từ Paris để thay mặt người đã khuất nhận huân chương và nói lời cảm tạ.
Ông Trần Văn Tòng xúc động khi nhắc đến cuộc đời ngắn ngủi và đầy bi tráng của người em mình.

Theo lời ông Trần Văn Tòng cho đến giờ này tuy đã có nhiều yêu cầu nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn từ chối với lý do là họ không có thể lệ trả thi hài tử tội cho gia đình.

Tham dự viên gốc Á tại buổi lễ trao huân chương phần đông là người Việt Nam.

Trong sự cảm động của người thân, những người bạn của Trần Văn Bá và những đồng hương Việt Nam hải ngoại, giữa không gian này là sự tương phản giữa sống chết, bi tráng, tự do và lao tù - khác với mọi người, tấm huân chương tự do dành cho Trần Văn Bá có lẽ như là lời tưởng niệm.
Hoài niệm
Tiến Sĩ Janos Horvath cũng đã từng bị kết án tử hình vào năm 1956 và may mắn thay ông đã trốn thoát ngay lúc mọi người đang bấn loạn vì đạo quân Xô Viết đang tiến vào.

Không khí bài xích chủ nghĩa cộng sản của liên bang Xô Viết hiện diện rõ trong Tòa Ðại Sứ Hungary.

Các bức bích họa, các cuốn phim tài liệu chiếu ở bên ngoài đều nói lên điều đó.

Các quan chức sứ quán biểu lộ tình cảm thật chân thành khi nói về cố Tổng Thống Mỹ Ronald Reagan có sức ảnh hưởng với đất nước Hungary như thế nào.

Họ nói rằng chính Tổng Thống Reagan là niềm khích lệ cho những nhân vật tranh đấu trong nước có được điểm tựa tinh thần nhằm thoát ra khỏi ảnh hưởng của liên bang Xô Viết thời đó.

Ông Attila Tóth sinh năm 1977 hiện là tham tán sứ quán về sự vụ nông nghiệp nói: “Xã hội Hungary bây giờ hầu như đoạn tuyệt với di sản cộng sản tuy cũng còn một bộ phận người già vẫn có một chút hoài niệm nào đó mang chất lãng mạn. Những người trẻ tuổi như tôi đã vượt qua ký ức này một cách dứt khoát.”
Harry Wu
Trong cuộc tiếp tân này còn đi kèm theo một sự kiện liên quan cuộc cách mạng 1956 mà người Hungary luôn coi trọng.

Ðó là giải thưởng của phía Hungary dành cho ông Harry Wu, người Trung Quốc, vốn rất được dư luận Hungary coi trọng và cảm kích.
Vào thời quan hệ Trung-Xô còn tốt, chỉ vì nói rằng đạo quân của Liên Xô vào đàn áp cuộc cách mạng của Hungary là hành động phi pháp mà ông Harry Wu bị chính quyền cộng sản Trung Quốc kết án 19 năm tù.

Ông xúc động cho cuộc đời ngắn ngủi của Trần Văn Bá. Khi hỏi về tương lai của cộng sản Trung Quốc ông Wu nói: “Họ cố tạo sức mạnh bề ngoài để che đậy cái yếu kém ở bên trong. Một người Trung Quốc tỉnh táo thì không thể có niềm tin ở chủ nghĩa cộng sản.”
“Nếu không có niềm tin mà phải làm theo thì thực chất là xã hội Trung Quốc đang xây dựng trên cơ sở lòng người dối trá.”

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/11/071116_medalfreedom.shtml

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=164226&zoneid=407#.UWUb6_nCS70

Geen opmerkingen:

Een reactie posten