zondag 21 april 2013

Hội Xuân - Quan Họ Bắc Ninh

Hội Xuân - Quan Họ Bắc Ninh

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013-02-24
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

Hát dân ca Quan Họ trong những ngày lễ Tết
Hát dân ca Quan Họ trong những ngày lễ Tết
RFA screen capture



Cứ vào dịp trung tuần tháng giêng, khoảng từ 12 đến 14, ngay sau Tết Nguyên Đán, người dân vùng đất Quan Họ Bắc Ninh lại tổ chức lễ hội Xuân đầu năm, là dịp để các liền anh, liền chị gặp mặt chúc tụng, hội hè và cũng là lúc để tiếng hát Quan Họ nổi tiếng vùng đất kinh Bắc được vang xa, và được du khách từ khắp mọi miền đất nước thăm viếng.
Trong chương trình âm nhạc kỳ này, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Duy sẽ gửi đến quý vị ý nghĩa dịp gặp mặt đầu Xuân của các liền anh, liền chị, cũng như một ngày hội của làng Lim diễn ra như thế nào.
“Quan Họ thông thường gặp nhau vào mùa Xuân; mùa Xuân là mùa của Quan Họ, là không gian của Quan Họ; môi trường của Quan Họ là mùa Xuân; người ta ví mùa Xuân như một môi trường cho Quan Họ tồn tại và thể hiện.
Hàng năm, cứ mỗi độ Xuân về thì làng Quan Họ sở tại mời Quan Họ bạn (nghĩa là Quan Họ bạn kết bạn với mình) sang làng Quan Họ của mình để du Xuân.

Hát chúc mừng

Họ gặp nhau ở cổng làng và hát những câu hát chúc, hát mừng; sau đó, họ dắt nhau vào trong đình, cùng thắp hương Thành Hoàng Làng và hát những câu hát thờ; rồi sau đó, họ ra trung tâm lễ hội, hát với nhau ở lễ hội, hát ở hội, họ có thể hát trên bộ hoặc có thể hát ở dưới thuyền. Sau khi hát ở trên bộ và dưới thuyền như vậy, họ cùng nhau về nhà chứa, để thưởng thức những canh hát Quan Họ thâu đêm suốt sáng. Quan Họ gặp nhau về mùa Xuân là như thế.
Hát chúc, hát mừng là khi họ mới gặp nhau họ hát những câu hát chúc mừng để mừng sức khỏe nhau. Họ thường hát ở đầu làng hoặc khi Quan Họ mới gặp nhau. Thường thì họ hát những bài như:
hôm nay tứ hải giao tình,
tuy rằng bốn bể nhưng chung một nhà,
hôm nay gặp mặt giao hòa,
nguyện xin nguyệt lão giăng già se duyên.

Những bài hát chúc mừng thì họ thường hay hát giọng lề lối, mà không hát những giọng lẻ, giọng vặt.
Còn khi hát ở trên bộ hoặc hát ở dưới thuyền, trong Quan Họ gọi là hát hội. Khi hát hội thì người ta không hát những bài theo giọng lề lối, mà người ta hát những bài thuộc giọng lẻ, giọng vặt, chẳng hạn những bài như: Mời Nước, Mời Giàu, Hoa Thơm Bướm Lượn, Yêu Nhau Cởi Áo Cho Nhau, hay Ngồi Tựa Mạn Thuyền, Ngồi Tựa Song Đào, hay những bài hát về giao duyên như Lý Giao Duyên, Lóng Lánh Lúng Liếng… đó là những bài hát trong hát hội hay dùng.

Hát hội

quan-ho-250.jpg
Sáng 4/2/2012 tại đồi Lim (Bắc Ninh), 3.500 người đã tham gia lập kỷ lục nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh nhất. Photo courtesy of 24H.COM.VN.
Hát hội là hình thức ca cầu vui, chủ yếu hát ở trung tâm hội làng, nghĩa là hội mùa Xuân, bao gồm cả hát trên bộ và hát dưới thuyền. Chính vì là hát cầu vui nên những câu hát cầu vui ở nhà riêng của liền anh, liền chị nào đó có tiệc mừng, người ta cũng gọi là hát hội và cũng ca theo lề lối quy định của hát hội. Tuy nhiên, khi ca ở nhà riêng thì mỗi giọng quan họ ngồi ở một chiếu, hoặc một bên tràng kỷ rồi ngoảnh mặt vào nhau mà hát. Còn ở trong hát hội, thì người ta đứng trên bộ hoặc dưới thuyền và ngoảnh mặt vào nhau mà hát.
Trong hát hội, lề lối quy định là từng cặp (nghĩa là từng đôi một), đôi nam hoặc đôi nữ từng cặp Quan Họ kết bạn tìm địa điểm thích hợp đứng ngoảnh mặt vào nhau mà hát hoặc là thực hiện nguyên tắc “nam tòng nữ”hoặc là “âm xướng dương họa” nghĩa là bên nữ bao giờ cũng được ca câu trước, nghĩa là bên nam nhường quyền cho bên nữ ca câu trước. Đấy là quy định của Quan Họ, Quan Họ bao giờ cũng khiêm nhường, bao giờ cũng tôn trọng các liền chị, bao giờ khi ra câu, các liền anh cũng nhường các liền chị ra câu trước, sau đó, các liền anh hát đối lại.
Trong hát hội, nếu như ở làng quan họ sở tại mà tổ chức hát canh thì Quan Họ sẽ về nhà chứa để hát canh mà không hát những bài hát thuộc hệ thống bài hát giã bạn ngoài lễ hội, mà người ta sẽ về nhà chứa để hát canh.
Nếu như sau cuộc hát hội đó, mà không có hát canh nữa, thì sau những bài giọng lẻ, giọng vặt, người ta sẽ hát những bài thuộc hệ thống giã bạn như Người Ơi, Người Ở Đừng Về, Kẻ Bắc Người Nam hoặc là Con Nhện Giăng Mùng…

Hát canh

Khi trở về nhà chứa để hát canh, thì đây có thể được coi là cuộc tranh tài cao thấp giữa Quan Họ của hai làng, nhưng thực chất là hát để cho vui chứ không phải thi thố gì cả, nhưng trong cuộc hát vui này có phân ra bên thắng, bên thua. Hát canh chỉ có trong hội xuân và vào ban đêm, hát canh chỉ có ban đêm, mà không có trong ban ngày. Ở hình thức hát canh này, sự so tài cao thấp không phải là thi mà chỉ là cầu vui mà thôi.
Sau khi mời bạn vào nhà chứa, mỗi bên nam bên nữ ngồi bên chiếu hoặc bên tràng kỷ. Bên chủ bao giờ cũng ca câu Mời nước, Mời trầu và phải có nước, có trầu thực mà mời khách. Còn khi vào cuộc hát canh rồi, thì có lề lối quy định như thế này, đây là cuộc hát đầy đủ nhất tất cả các hệ thống giọng, bao giờ người ta cũng hát giọng lề lối đầu tiên của một canh hát, chẳng hạn: La Rằng, Tình Tang, Cái Ả, Cây Gạo…
Sau đó, người ta mới sang hát giọng lẻ, giọng vặt, người ta có thể hát lại những bài như Ngồi Tựa Mạn Thuyền, Ngồi Tựa Song Đào, Còn Duyên hay Lóng Lánh, Lúng Liếng…một bên ra thì bên kia lại đối lại, và cuối cùng của mỗi một canh hát, người ta hát những bài hát thuộc hệ thống giọng giã bạn, thì đó là một canh hát.
Một canh hát nằm trong cuộc hát canh này, mỗi một đêm hát canh thì có nhiều canh hát diễn ra, nghĩa là mỗi một canh hát có một đôi liền anh hát đối đáp lại với một đôi liền chị qua đủ 3 giọng lề lối như vậy thì đó được gọi là một canh hát.”


http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/quanho-bacninh-trad-songs-02242013104851.html

Du Xuân

Dù Xuân đến với người dân phương Nam trong nắng ấm, hay Tết về với người dân Bắc trong mưa phùn, thì chuyện du Xuân, hái lộc, lễ chùa, trẩy hội… vẫn là những nét đẹp ngày Xuân, thể hiện đậm chất phong tục, văn hóa không thể thiếu trong những ngày tháng giêng – “tháng ăn chơi” của người Việt Nam mình.
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013-02-17
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

quoc-tu-giam-305.jpg
Đi thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám Xuân Quí Tỵ năm 2013.
RFA


Lễ Cha Mẹ, lễ Thầy

Sau thời khắc Giao Thừa, nam thanh nữ tú với những nhành lộc Xuân tay trong tay, nghênh đón năm mới và du Xuân bắt đầu từ giây phút ấy, thật đơn giản, đó là dịp để đi lễ Cha, lễ Mẹ, lễ Thầy, lên chùa lễ Phật… hòa mình vào cảnh sắc thiêng liêng của đất trời, lòng người như tĩnh lặng và giờ phút du Xuân đẹp nhất sẽ là đây….
Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thày, vâng, với người Việt Nam mình đạo lý làm con, chữ hiếu luôn được đặt nặng lên hàng đầu, bởi vậy, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng mỗi dịp Xuân về, nét đẹp trong ba ngày đầu năm mới với những nghi lễ, nề nếp gia phong vẫn được thể hiện một cách trang trọng nhất. Mùng một con cháu tập trung về bên Nội, mùng hai về quê Ngoại và mùng ba là nghi lễ thăm hỏi Thầy Cô, vì thế mà đạo lý “cơm Cha, áo Mẹ, chữ Thày” luôn là những cội nguồn cho các thế hệ sau tưởng nhớ.

Lễ Phật

Ngoài 3 nghi lễ quan trọng trên, dù sống ở miền đất nào, du Xuân vãn cảnh chùa đầu năm luôn là việc làm mà ai cũng thực hiện. Hòa trong dòng người đi lễ đầu Xuân, người ta như cảm thấy gần gũi yêu thương nhau hơn, lòng mình hướng thiện hơn và cầu chúc cho nhau những điều may mắn nhất sẽ đến trong suốt một năm mới.
Đi lễ Chùa đầu năm, con người muốn được gửi gắm những khát vọng đơn sơ, bình dị là cầu phúc, cầu an. Ngay từ đêm ba mươi, các cửa chùa đã sáng đèn, hoa tươi, trái cây được trang trí bày biện, mùi hương trầm ngào ngạt, hòa quyện trong sự linh thiêng chốn cửa Phật là tiếng tụng kinh trầm bổng khiến lòng người như thoát tục, không biết cầu xin may mắn có được không, nhưng ai nấy cũng thấy nhẹ nhõm, thanh thản, lòng hân hoan hòa mình với tiết trời tân Xuân.

Lễ Hội

Trong những ngày Tết, lễ hội là sinh hoạt văn hóa rất đặc trưng và hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Trải dài từ Bắc vào Nam, Việt Nam có đến gần 8.000 lễ hội và nhiều trong số này được tổ chức vào mùa Xuân và tập trung nhiều ở đất Bắc. Đây là thời điểm để con người có dịp trở về nguồn cội, người ta đến với lễ hội không chỉ để cầu xin mà còn để thể hiện niềm tôn kính, ngưỡng vọng đối với các vị anh hùng dân tộc, với Phật và các vị Thánh Thần, thể hiện sự tôn trọng với thiên nhiên.
Tùy vào mỗi vùng miền mà hình thức lễ hội khác nhau. Ở miền Trung và miền Nam, hội Xuân thường mang đặc thù của vùng đất sinh sống, như người miền Nam chú trọng hơn đến phần “ăn uống”, còn người miền Trung lại tập trung nhiều đến yếu tố “chơi,” trong khi đó, miền Bắc, ngày hội nhiều hơn cả và cũng rất phong phú, từ trẩy hội Chùa Hương, hội đền Gióng, hội Yên Tử, hội Cổ Loa cho tới hội Lim hát quan họ Bắc Ninh, lễ hội Đền Trần khai ấn Nam Định, hội Xoan, hội đền Bà Chúa Kho…
chua-huong-250.jpg
Du khách trên đường đến Chùa Hương. AFP photo/Hoang Dinh Nam.
Trong tiết trời Xuân se lạnh của đất kinh Bắc, trong lất phất giọt mưa Xuân, đi trẩy hội Chùa Hương, chiếc đò nhỏ lướt trên dòng suối Yến, người lễ chùa thỏa sức ngắm cỏ cây hoa lá, để cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi Xuân sang.
Vũ Hoàng bất chợt thấy bài thơ Tìm Nguồn của nhà thơ Bùi Hải Đăng trên internet, chỉ 4 câu thơ thôi, nhưng thấy thật súc tích và xin được chia sẻ với thính giả:
Chân ngược dòng suối Yến
Uống xanh trong tận nguồn
Hồn trôi trong cổ tích
Quên tỵ hiềm thiệt hơn...

Vâng, hòa trong dòng người đi lễ đầu năm cầu may, cầu an, cầu phúc… Vũ Hoàng chắc hẳn ai nấy cũng chợt thấy lòng mình nhẹ nhõm đến lạ thường, quên đi bao chuyện thiệt hơn để hướng tâm mình về cõi Phật. Bước sang năm mới Quý Tỵ, chúng ta xin được cùng chúc nhau, một năm mới sức khỏe dồi dào, tinh thần an lạc.


Theo dòng thời sự:


Geen opmerkingen:

Een reactie posten