zondag 14 april 2013

Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến - SRI

Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến - SRI

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2013-04-14
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

sri-305.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Lộc, GĐ trung tâm Bảo Vệ Thực Vật/bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn VN, thuyết trình tại AIT về SRI, Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến ở Việt Nam.
RFA



Hai trong bốn chuyên gia Việt Nam tại buổi hội thảo, giáo sư Hoàng Văn Phụ, phó trưởng Khoa Quốc Tế đại học Thái Nguyên, ông Nguyễn Tuấn Lộc, giám đốc Trung Tâm Bảo Vệ Thực Vật trực thuộc Bộ Nông  Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, giải thích về Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến đã được áp dụng ở Việt Nam từ năm 2003, tương quan của dự án này đối với môi trường.

Hiệu quả

Thanh Trúc: Thưa giáo sư Hoàng Văn Phụ, trước hết ý nghĩa của Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến là như thế nào?
GS Hoàng Văn Phụ: Việt Nam có nền văn hóa lúa nước bốn ngàn năm, trải qua rất nhiều giai đoạn. Trước đây là giai đoạn canh tác lúa cổ truyền dựa theo những tập quán rồi các giống lúa của bà con nông dân đã được lưu giữ hàng ngàn năm.
Nhưng khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật được tiến hành thì hướng tới canh tác lúa hiện đại dựa trên bốn nguyên tắc: một là thủy lợi, hai là phân bón, ba là giống, bốn là thuốc trừ sâu. Canh tác lúa hiện đại đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam rất tốt, làm tăng sản lượng. Tuy nhiên tăng đầu vào thì sẽ tăng đầu ra. Tăng đầu vào nhiều là sử dụng các chất hóa học nhiều, do đó hiệu quả sản xuất không được nhiều mặc dầu nó có tăng, đồng thời nó có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Thí dụ sử dụng quá nhiều phân bón, quá nhiều thuốc trừ sâu hay là nước... thì cũng phải đầu tư rất lớn.Thứ ba nữa là giống lúa, do canh tác hiện đại cũng làm mất đa dạng sinh học của các giống lúa.
Đó là canh tác lúa theo hướng sinh thái, đảm bảo tính bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo tăng năng suất và đồng thời đảm bảo yếu tố môi trường.
GS Hoàng Văn Phụ
Thế thì đã đến lúc, nhất là trong bối cảnh thế giới chuyển sang quan tâm nhiều đến biến đổi khí hậu, đã đến lúc chúng ta phải nhìn thấy hiệu quả tiêu cực của canh tác lúa hiện đại để chuyển sang hướng mới. Đó là canh tác lúa theo hướng sinh thái, đảm bảo tính bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo tăng năng suất và đồng thời đảm bảo yếu tố môi trường.
Bởi vì canh tác lúa cải tiến dựa trên nguyên tắc sinh thái hài hòa bình đẳng giữa con người giữa thiên nhiên. Do đó, nó đảm bảo được cả yếu tố kinh tế là tăng năng suất 20%. Thứ hai, nó tiết kiệm giống đến bảy đến tám mươi phần trăm, rồi nước thì đến 60%. Canh tác lúa cải tiến làm tăng chất lượng gạo lên vì nó giảm thuốc trừ sâu và giảm thuốc trừ cỏ. Ưu thế của canh tác lúa cải tiến làm cho hệ sinh vật và đất tốt hơn, làm cho đất khỏe hơn.
Thanh Trúc: Thưa ông Nguyễn Tuấn Lộc, Việt Nam áp dụng Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến SRI từ năm 2003. Một điểm được nêu ra tại buổi hội thảo là hiệu quả mà Việt Nam đạt được, xin ông giải thích thêm?
Ô. Nguyễn Tuấn Lộc: Mặc dù so với các nước trong khu vực là muộn hơn một tí nhưng Việt Nam được đánh giá một trong những nước thực hiện chương này hiệu quả. Đến thời điểm bây giờ ở Việt Nam là có hơn một triệu nông dân và hơn hai mươi hai tỉnh trong cả nước tham gia chương trình này. Hôm nay, trong buổi hội thảo này, chúng tôi muốn chia sẻ về phương pháp tiến hành, thực hiện chương trình này để đạt hiệu quả hơn so với các nước trong khu vực.

Hạn chế

hoang-van-phu-250.jpg
GSTS Hoàng Văn Phụ, phó trưởng khoa Quốc Tế/ĐH Thái Nguyên tại buổi hội thảo quốc tế về SRI, Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến, tại Viện Kỹ Thuật Châu Á ở Thái Lan. RFA photo.

Thanh Trúc: Trong phần chia sẻ kinh nghiệm của mấy ngày hội thảo ông thấy so với Việt Nam thì sự áp dụng Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến ở Thái Lan, Lào, Kampuchia, ba quốc gia nông nghiệp như Việt Nam, có phần hơn kém ra sao?
Ông Nguyễn Tuấn Lộc: Chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện chương trình này ở bốn nước thuộc lưu vực sông Mekong thì chúng tôi thấy Việt Nam cũng có những vấn đề. Ví dụ như sự mở rộng diện tích áp dụng chương trình này cũng như số lượng nông dân tham gia chương trình này, ô nhiễm môi trường về vấn đề thuốc trừ sâu và phân bón thì Việt Nam cũng là cao hơn so với các nước trong khu vực, đặc biệt so với Lào và Kampuchia.
Thanh Trúc: Thưa giáo sư Hoàng Văn Phụ, ông thấy như thế nào?
GS Hoàng Văn Phụ: Việc áp dụng hệ thống canh tác này đối với Lào rất là phù hợp rất là tốt. Việt Nam thì thâm canh lúa rất là cao nhưng ở Lào thì quản canh, diện tích họ rộng hơn do đó họ ít chăm sóc được hơn, cũng cần phải thay đổi cái suy nghĩ của người Lào. Việt Nam phía Bắc khó một cái là tập quán của dân là quen cấy dầy rồi, quen cấy to khóm, bây giờ thay đổi lại thì cũng là một điều khó khăn.
Thanh Trúc: Thưa giáo sư, rõ ràng Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến khuyến khích sự chấp nhận và sự thực hiện những thay đổi trong phương cách gieo trồng, một điều không dễ đối với nhà nông vốn có suy nghĩ khá là bảo thủ. Chưa kể đến nữa là Việt Nam có những vùng miền mà diện tích canh tác rộng hẹp cũng khác nhau thưa ông?
GS Hoàng Văn Phụ: Hệ thống Canh Tác Lúa Cải Tiến này nó cải tiến những hạn chế, đó là cấy mạ non để lúa đẻ nhiều, cấy thưa để môi trường khí hậu ở trong quần thể cây lúa mát hơn, rồi đỡ ẩm hơn thì giảm được sâu bệnh. Canh tác lúa ở người nông dân sản xuất nhỏ, mà người ta rất chăm chút cho mảnh ruộng của người ta, nó rất phù hợp ở miền Bắc vì ở miền Bắc diện tích ruộng chỉ khoảng 0,3 hec ta hoặc 0,2 hec ta thôi, Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến rất đơn giản, do đó khả năng phát triển nhanh hơn cộng với hệ thống khuyến nông ở Việt Nam cũng được tổ chức khá tốt từ tầng thấp nhất cho đến trung ương.
Tuy nhiên ở đây xác định Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến không phải là một gói kỹ thuật hoặc như một viên thuốc có thể áp dụng cho tất cả mọi nơi.
GS Hoàng Văn Phụ
Trên miền núi thì khó khăn là Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến này, đang được khẳng định rất tốt đối với chân ruộng chủ động nước, còn chân ruộng phụ thuộc nước trời thì còn một số vấn đề mà khoa học cũng cần phải giải quyết. Mà trong hội thảo này, trong dự án này, thì phải giải quyết cho đất mà không chủ động nước.
Thế còn so sánh hệ thống canh tác lúa này ở miền Nam nó có sự khác biệt hơn, đó là diện tích của một hộ gia đình thì lớn mà người lao động chân tay lại ít hơn. Ở miền Nam thì diện tích rộng rồi lại sử dụng máy do đó chủ yếu là gieo sạ. Thế thì khâu trừ cỏ cũng là một khâu khó khăn bởi vì gieo sạ mà diện tích lớn thì không ai có thể làm cỏ bằng tay được mà phải dùng thuốc trừ cỏ.
Tuy nhiên ở đây xác định Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến không phải là một gói kỹ thuật hoặc như một viên thuốc có thể áp dụng cho tất cả mọi nơi. Đây là một ý tưởng theo hướng nông nghiệp sinh thái, theo hướng thay đổi tư duy của con người. Quan trọng nhất ở chỗ thay đổi tư duy là Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiền nó chứng minh rằng là không phải cứ muốn tăng đầu ra là anh cần phải tăng đầu vào.
Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến chuyển tải thông điệp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, đem lại cho bà con nông dân niềm tin là với nguồn lực tại chỗ của họ, nếu mà họ hiểu được các qui luật sinh thái thì họ sử dụng nguồn lực của họ có hiệu quả hơn. Khi sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn thì cũng thu được lợi ích tốt hơn. Và một cái nữa là làm cho người ta không có tư tưởng lệ thuộc vào bên ngoài.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn giáo sư Hoàng Văn Phụ và ông Nguyễn Tuấn Lộc.


Geen opmerkingen:

Een reactie posten