dinsdag 23 april 2013

Giá đô la tại Việt Nam tăng vọt vì tin đồn đổi tiền

Giá đô la tại Việt Nam tăng vọt vì tin đồn đổi tiền Monday, April 22, 2013 5:27:23 PM






 SÀI GÒN (NV).- Trong vòng hai ngày qua, thị trường tiền tệ Việt Nam hầu như hỗn loạn vì hối suất đô la tăng vọt từng giờ.
Xôn xao tin đồn đổi tiền khiến mọi người lùng mua, đẩy giá đô la tăng vọt. (Hình: VietnamNet)
Hiện tượng này được giới mua bán giải thích nguyên nhân: tin đồn đổi tiền râm ran khắp nơi. Bên cạnh đó, người ta còn đồn nhau rằng Ngân hàng nhà nước Việt Nam sắp tung giấy bạc mới mệnh giá 1 triệu đồng, tương đương 50 đôla.

Một số người trong giới kinh doanh và người giàu có “nháo nhào” tuôn tiền đồng Việt Nam ra mua đô la ở thị trường chợ đen dự trữ, khiến giá đô vọt lên nhanh chóng.

Báo Lao Động cho biết, giá đô tăng chiều ngày 20 tháng 4, lên đến 21,500 đồng/đôla. Cho đến chiều ngày 21 tháng 4, tức sau đó khoảng 24 tiếng đồng hồ, giá đô giảm xuống 300 đồng, tương đương 0.30 cent, nhưng vẫn còn ở mức cao: 21,200 đồng/đôla.

Ngày 22/4/2013, Ngân Hàng Nhà Nước CSVN công bố hối suất chính thức trong ngày là 20,850/1 đô la Mỹ (mua vào) và bán ra là 20,920/1 đô la Mỹ.

Chiều ngày 21 tháng 4, Cục trưởng Cục Phát hành và kho quỹ Ngân hàng nhà nước Cộng sản Việt Nam - Nguyễn Chí Thành đã lên tiếng trấn an dư luận về tin đồn đổi tiền. Ông này cho rằng tin đồn đổi tiền xuất phát từ một số ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi hiến pháp, đòi lấy lại tên nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.” Theo ông Nguyễn Chí Thành, tin đồn trên là bịa đặt và khẳng định rằng “không có chuyện đổi tiền trong thời điểm hiện nay.”

Ông này hô hào người dân bình tĩnh và tiếp tục “yên tâm sử dụng đồng tiền hiện hành,” đồng thời còn cam kết “sẽ không có bất kỳ một sự thay đổi nào đồng tiền đang lưu hành.”

Ngày hôm sau, Thứ Hai 22/4/2013, chính Ngân Hàng Nhà Nước CSVN ra bản thông cáo báo chí, phổ biến trên trang nhà của mình nói “Vừa qua, xuất hiện tin đồn cho rằng sắp tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể thay đổi đồng tiền đang lưu hành bằng đồng tiền mới. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định không có chủ trương đổi tiền và không có bất kỳ một sự thay đổi nào với đồng tiền đang lưu hành hiện nay”.

Bản thông cáo này đồng thời cũng bác bỏ một tin đồn liên quan là “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không có chủ trương phát hành tờ tiền mệnh giá một (1) triệu đồng.”

Lời giải thích của ông Cục trưởng Cục Phát hành và kho quỹ Ngân hàng Nhà nước cũng như bản thông cáo chính thức xem ra đã nhận được không ít lời mỉa mai từ phía dư luận. Một cư dân, bạn đọc của báo Lao Động cho rằng, dân chúng vẫn không khỏi hoang mang trước tin đồn đổi tiền. Ông này tâm sự: “Cứ ý như rằng tuyên bố không tăng giá xăng thì đùng một cái giá xăng tăng vọt. Kêu không tăng giá điện thì giá điện… lừ lừ đi lên. Lần này có một bác nhảy ra, chẳng ai hỏi, cũng kêu không đổi tiền. Nhưng trong vụ này, chúng tôi suy nghĩ lung lắm.”

Người ta vẫn chưa quên nhiều lần chế độ Hà Nội “đổi tiền” trong đó người dân bị nhà nước “dân chủ triệu lần tư bản” lột gần sạch sẽ, không khác gì cảnh cướp ngày. Chỉ sau khi báo đảng Sài Gòn lên tiếng bác bỏ tin đồn đổi tiền vài tiếng đồng hồ, nhà nước Việt Nam ra thông báo … đổi tiền chính thức trên toàn quốc.

Chỉ kể từ Tháng 9-1975, sau khi nhuộm đỏ được cả nước, CSVN bắt dân miền Nam đổi tiền. Cứ 500 đồng VNCH thì chỉ đổi được 1 đồng CSVN. Tối đa mỗi gia đình người dân chỉ được đổi 100,000 đồng VNCH lấy 200 đồng tiền mới, những số tiền VNCH còn lại sau đó trở thành những tờ vô dụng.

Tháng 5-1978, chế độ Hà Nội đổi tiền giấy lọai mới. Cứ 1 đồng mới bằng 0.8 đồng cũ. Mỗi gia đình 2 người chỉ được đổi tối đa 200 đồng và một gia đình lớn dù đông người đến đâu cũng chỉ được đổi đến 500 đồng.

Đến Tháng 5-1985, CSVN lại đổi tiền. Đây là kế hoạch mở màn cho công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt nam. Về mặt lý thuyết, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, khi lượng cung tiền giảm phần lớn thì giá cả cũng sẽ giảm tương ứng. Nhưng trên thực tế, sau khi đổi tiền, giá cả không giảm mà còn tăng mạnh lên trở thành lạm phát phi mã trong những năm liền sau đó.

Ngay năm 1985, lạm phát CSVN tuy dữ dội nhưng mới chỉ tới 95%. Sang năm sau, lạm phát lên tới 775% khiến dân chúng óan than dậy đất. Nay những ai cầm đồng tiền CSVN nào cũng đều nhớ lại những kinh nghiệm đau đớn cũ. (PL/TN)

« Trở về trang trước

CÁC TIN KHÁC   »
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=165140&zoneid=1#.UXZZj_nCS70

Geen opmerkingen:

Een reactie posten