donderdag 25 april 2013

Dịch họ tên ứng viên sang tiếng châu Á ở California

Dịch họ tên ứng viên sang tiếng châu Á ở Cali

Dân biểu tiểu bang California, ông Mike Eng đã lên tiếng về quy định liên quan đến tên ứng viên ra tranh cử
California là tiểu bang có số lượng người Mỹ gốc Á lớn nhất Hoa Kỳ, và họ ngày càng có nhiều ảnh hưởng tại các cuộc bầu cử.
Gần 1/3 cử tri Mỹ gốc Á tại California không thạo tiếng Anh.
Trong khi các tài liệu bầu cử được dịch sang một số thứ tiếng châu Á trong nhiều năm nay, trong tháng 7 này một dự thảo đang được trình ra Nghị viện tiểu bang về cách dịch cả họ tên các ứng viên trên phiếu bầu.
Tuy nhiên, điều này tỏ ra không hề đơn giản.
Cách đây năm năm, khi ứng viên Mike Eng mở mẫu phiếu bầu có tên mình, ông sửng sốt: “Khi nhìn thấy tên mình được viết như thế nào, tôi tí nữa thì ngã bổ chửng khỏi ghế”.
Eng khi đó đang ra tranh cử để kiếm một ghế trong Nghị viện California, và đã thành công.
Khoảng 40% người dân trong quận của ông là người Mỹ gốc Á.
Theo luật liên bang, không chỉ phiếu bầu, mà mẫu phiếu chính thức được gửi đi từ trước cũng phải được dịch theo bốn thứ tiếng: Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Triều Tiên.
Khi được hỏi ông có muốn tên mình được dịch ra không, ông Eng đáp: “Dĩ nhiên.
“Và thật ngạc nhiên do tôi không đọc tiếng Trung nên họ dịch tên tôi theo nghĩa đen. Trong tiếng Trung họ dịch, tên tôi đọc lên nghe như là My-Co-En, và nếu chỉ đọc lên không, thì nó được dịch ra như kiểu ‘lúa mỳ tốt bụng’ - dĩ nhiên là chả có nghĩa gì cả”.
Khi các ký tự tiếng Trung được nối lại để tạo ra phiên âm theo kiểu phương Tây, nó có thể tạo ra những cụm từ vô nghĩa, như “lúa mỳ tốt bụng”.
Trên thực tế, Mike Eng, người Mỹ gốc Trung, có tên tiếng Hoa đàng hoàng, do ông bà đặt cho khi ông sinh ra.
Tên tiếng Trung của ông không liên quan gì đến lúa mỳ hay sự tốt bụng, mà có nghĩa là “tự hào quốc khánh”.
Thế nên ông phải bỏ thời gian còn lại trong chiến dịch vận động để giải thích với cử tri rằng “cái ông tên tiếng Tàu nghe như là “lúa mỳ” này thực ra là tôi”.
Cho dù có nhầm lẫn này, ông Eng vẫn thắng cử, mặc dù chuyện đó đến giờ vẫn làm ông khó chịu.
Tây đổi sang Tàu
Khi tôi thấy rằng người ta làm việc đó không vì mục đích gì khác ngoài chuyện giành lá phiếu, thì tôi thấy nó cũng không công bằng cho lắm
Leland Yee
Theo Đạo luật về quyền bầu cử, một số khu vực phải cung cấp trợ giúp về các ngôn ngữ thiểu số. Điều này có nghĩa là phải dịch các tài liệu bầu cử, phiếu bầu, ký hiệu..vv..
Tuy nhiên, luật liên bang lại im lặng về việc dịch tên.
Một số tiểu bang quy định về chuyện tên ứng viên nên được ghi như thế nào trên lá phiếu trong các ngôn ngữ, như tiếng Trung. Thế nhưng California không có quy định này.
Tại California, quy định thay đổi giữa các khu vực bầu cử.
Dân biểu tiểu bang Mike Eng có thể không may, nhưng trường hợp của ông không phải là hãn hữu. Một số ứng viên còn tận dụng những vùng chưa được quy định này để tìm cách giành lá phiếu của cử tri gốc Á.
Một ứng viên là Michael Nava thậm chí còn đặt tên tiếng Trung cho mình, là Lei Tzing Ping.
Chính quyền tại Los Angeles khuyến khích người dân đi bỏ phiếu
Lei Tzing Ping là một cái tên nghe ‘rất Tàu’ và thường vang lên trong các quảng cáo tranh cử.
Đây tất nhiên không phải là tên cúng cơm của ông Michael, nhưng nó được cho là sự lựa chọn tốt cho một ứng viên cạnh tranh trong lĩnh vực tư pháp, vì nó có nghĩa là “đúng đắn và công bằng”.
Đưa thành luật?
Dân biểu Thượng viện tiểu bang Calfornia, Leland Yee, đã đưa ra một dự luật về chuyện tên của các ứng viên nên được dịch ra các ngôn ngữ dựa trên ký tự.
Vị quan chức này nhận xét: “Tôi nghĩ rằng tất cả đều muốn những cái tên nghe hay, tạo thiện cảm với các cử tri gốc Hoa.
Nhưng khi tôi thấy rằng người ta làm việc đó không vì mục đích gì khác ngoài chuyện giành lá phiếu, thì tôi thấy nó cũng không công bằng cho lắm”.
Một bản dự luật này đã bị thống đốc tiểu bang khi trước là ông Schwarzenegger phủ quyết vào năm 2009. Ông Schwarzenegger nói rằng mỗi khu vực cử tri riêng biệt nên tự quyết định vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Yee lại đưa dự luật này trở lại vào năm nay, nói rằng điều quan trọng là phải tạo ra chính sách nhất quán để bảo vệ sự thống nhất trong bầu cử.
Ông Yee nói: “Nếu người Mỹ gốc Hoa nghĩ rằng quá trình bầu cử là vờ vịt, rằng các chính trị gia chỉ tìm cách lừa dối họ, thì họ sẽ không muốn tham gia vào quá trình bầu cử”.
Cũng đáng ngạc nhiên là California, với số dân gốc Á lớn như vậy, lại đi sau các tiểu bang khác, như New York, nơi đã có chính sách về tên ứng viên từ cách đây hơn một thập niên.
Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi trong vài tháng nữa. Và đây cũng là điều mà ông Mike Eng mong muốn.
Bài tường thuật bằng âm thanh của Nina Porzucki được phát trên làn sóng của BBC World Service ở Anh và qua mạng chuyển tiếp tại Hoa Kỳ.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/07/110712_california_ethnicnames.shtml

Geen opmerkingen:

Een reactie posten