dinsdag 23 april 2013

CSVN thay quốc hiệu, đổi tiền và niềm tin





« Trở về trang trước

CSVN thay quốc hiệu, đổi tiền và niềm tin
Monday, April 22, 2013 4:24:50 PM





HÀ NỘI (NV) .-
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa phát hành một thông cáo, khẳng định, không có chủ trương đổi tiền và không có bất kỳ sự thay đổi nào đối với các loại giấy bạc đang lưu hành.

Ông Nguyễn Đình Lộc (phải) – cựu Bộ trưởng Tư pháp - trao “Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp” do 72 nhân sĩ, trí thức khởi xướng nên thường được gọi là Kiến nghị 72,  cho ông Lê Minh Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội CSVN. Kiến nghị 72 đề nghị loại bỏ vai trò lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội của Đảng CSVN ra khỏi hiến pháp. Hiện nay, riêng Kiến nghị 72 đã thu thập được hơn 14.000 chữ ký ủng hộ. (Hình: Dân Trí)

Thông cáo vừa kể nhằm bác bỏ tin đồn nhà cầm quyền CSVN sẽ thực hiện việc đổi tiền thêm một lần nữa. Tin đồn này xuất hiện sau khi nhóm chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới, đệ trình Ủy ban Thường vụ của Quốc hội CSVN kết quả thu thập ý kiến, đóng góp cho việc sửa đổi hiến pháp hiện hành.

Trong báo cáo, nhóm chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới, cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng, nên thay đổi quốc hiệu của Việt Nam, từ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhóm này tỏ ra đồng tình với những đề nghị đổi quốc hiệu và cho rằng, quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ phản ánh đúng mức độ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, quốc hiệu mới còn có khả năng đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận chung trong xã hội và tạo nhiều thuận lợi hơn trong quan hệ hợp tác với các quốc gia khác trên thế giới.

Sau đề nghị đổi quốc hiệu của nhóm chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới, tin đồn nhà cầm quyền  sẽ thực hiện việc đổi tiền thêm một lần nữa, loang nhanh vì các suy đoán:

    1- Đã đổi quốc hiệu thì không thể không đổi tiền, bởi lúc đó, các loại giấy bạc đang lưu hành không còn phù hợp với quốc hiệu mới.

    2 - Lạm phát gia tăng. Giá trị của đồng Việt Nam càng ngày càng giảm, cũng vì vậy, nhiều loại giấy bạc có mệnh giá nhỏ đã bị loại ra khỏi lưu thông tiền tệ.

    3 - Kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn suy thoái trầm trọng, không thấy khả năng hồi phục, đổi tiền có thể là một giải pháp để chính quyền Việt Nam cân đối thu – chi.

   4 - Cả chính trường lẫn kinh tế Việt Nam đang bị nhiều nhóm tư bản đỏ lũng đoạn, đổi tiền có thể giúp những nhóm này tiếp tục bảo toàn các nguồn vốn mà họ đã từng thủ đắc qua chứng khoán, bất động sản… nay đang bị giảm giá trị nghiêm trọng do lạm phát, thị trường chứng khoán suy sụp, thị trường bất động sản đóng băng.
      
Quan sát các diễn đàn điện tử, các trang blog, facebook trên Internet, rất dễ thấy, thông cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không đủ để loại trừ tin đồn sẽ có đổi tiền. Từ tháng 8 năm 1945 đến nay, chính quyền CSVN đã thực hiện sáu lần đổi tiền (Ba lần ở miền Bắc Việt Nam: 1947, 1951, 1959.

Một lần ở miền Nam Việt Nam: tháng 9 năm 1975. Hai lần trên toàn Việt Nam: 1978, 1985).

Đáng lưu ý là phần lớn các lần đổi tiền đều diễn ra ngay sau khi chính quyền CSVN bác bỏ “tin đồn” đổi tiền, lên án “tin đồn” đổi tiền là “luận điệu của kẻ xấu”, đe dọa trừng phạt những người loan “tin đồn” về đổi tiền.
      
Cho đến nay, trừ sự kiện, trên thị trường chợ đen, USD vẫn tiếp tục tăng giá so với đồng Việt Nam, bất kể Ngân hàng Nhà nước lên tiếng bác bỏ tin đồn  (1 USD hiện bằng 21.500 đồng), chưa có thêm dữ kiện khả tín nào cho thấy, việc đổi tiền có được tiến hành hay không, nếu có thì vào lúc nào (?).

Về nguyên tắc, việc đổi quốc hiệu – nguyên nhân khiến tin đồn sẽ có đổi tiền loang rộng – chỉ có thể diễn ra vào tháng 9 (thời điểm Quốc hội CSVN chính thức thảo luận về việc sửa đổi hiến pháp hiện hành). Tuy nhiên vào lúc này, hệ thống truyền thông của chính quyền CSVN đang cổ vũ cho chuyện đổi quốc hiệu.

Một số người trong giới quan sát chính trị Việt Nam tin rằng, đây là chủ trương của Đảng CSVN và vì thế, Việt Nam sẽ sớm có quốc hiệu mới.
  
Thật ra, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từng là quốc hiệu của Việt Nam năm 1945, sau đó là quốc hiệu của miền Bắc Việt Nam cho đến năm 1976.

Trong giai đoạn từ 1945 đến 1954, nhà nước Việt Nam Dân chủ Công hòa có nhiều chính phủ dưới các tên gọi khác nhau: Chính phủ Cách mạng Lâm thời, Chính phủ Liên hiệp Lâm thời, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, Chính phủ Liên hiệp Quốc dân. Những chính phủ này quy tụ đại diện của nhiều đảng phái, tôn giáo nhằm tập hợp các nguồn lực, cùng giành và giữ độc lập cho Việt Nam.

Cũng trong giai đoạn đó, Đảng Cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng CSVN sau này) tuyên bố tự giải tán.
Chân dung cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947). Cụ là một chí sĩ nổi tiếng, từng lãnh đạo phong trào Duy Tân. Năm 1945, cụ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp lâm thời của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1946 là quyền Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồi tháng 2, CSVN loan báo truy tặng cụ Huân chương Sao Vàng, một tháng sau, nhóm chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới, đề nghị đổi quốc hiệu và đề nghị này đang được hệ thống truyền thông của Hà Nội cổ súy. (Hình: Wikipedia)      

Về sau, trong “Lịch sử Đảng CSVN” – được phổ biến rộng rãi cả trên bình diện xã hội lẫn giáo dục từ trung học đến đại học, Đảng CSVN giải thích, việc tự giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương nhằm “che giấu sự liên hệ cộng sản với nhà nước mới thành lập”, còn trên thực tế, đảng này “vẫn hoạt động và chỉ đạo thông qua Mặt trận Việt Minh, lúc đó được xem như một chính đảng tham gia bầu cử Quốc hội khóa I và chính quyền”.

Từ 1945 đến 1954, Mặt trận Việt Minh đã tìm nhiều cách loại trừ các nhân vật chính trị và đảng phái phi cộng sản để tiếm quyền, tiếm công. Trong “Lịch sử Đảng CSVN”, Đảng CSVN giải thích quá trình “che giấu sự liên hệ cộng sản với nhà nước mới thành lập”, nhằm tập hợp các nguồn lực, cùng giành và giữ độc lập cho Việt Nam, rồi tiếm quyền, tiếm công ấy là “sự khôn khéo, sáng tạo, tài tình”.
    
Nhiều người tin rằng, không phải tự nhiên mà nhóm chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới, đề nghị loại bỏ cụm từ “xã hội chủ nghĩa” ra khỏi quốc hiệu của Việt Nam. Càng ngày, càng có nhiều người, nhiều giới, kể cả cán bộ, đảng viên Đảng CSVN lên tiếng, đòi loại trừ vai trò độc quyền lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội của Đảng CSVN. Đổi quốc hiệu có thể là một cách bày tỏ sự nhượng bộ để tìm sự thỏa hiệp nhân dịp sửa hiến pháp hiện hành.

Có lẽ cần phải xem lại “Lịch sử Đảng CSVN”, giai đoạn 1945 – 1954, ngẫm nghĩ về “sự khôn khéo, sáng tạo, tài tình” trong quá trình tiếm quyền, tiếm công của đảng này, trước khi quyết định có nên tin vào sự nhượng bộ - đổi quốc hiệu - hay không. (GĐ)


 

« Trở về trang trước
CÁC TIN KHÁC   »
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=165130&zoneid=1#.UXZaqfnCS70

Geen opmerkingen:

Een reactie posten