vrijdag 1 februari 2013

Nhật Bản: Chiến lược 'an ninh dân chủ kim cương' đối phó với Trung Quốc

 Thứ năm 31 Tháng Giêng 2013
Nhật Bản: Chiến lược 'an ninh dân chủ kim cương' đối phó với Trung Quốc
Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trước Quốc Hội Nhật Bản.
Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trước Quốc Hội Nhật Bản.
Reuters
Lưu Tường Quang / Tú Anh
Sau chiến lược « tái định vị » của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương và « hướng đông » của Ấn Độ, Nhật Bản thông báo chính sách « hướng nam » mà thủ tướng Shinzo Abe gọi là « Chiến lược An ninh Dân chủ Kim cương » tăng cường vòng vây án ngữ Trung Quốc.
Sau nửa thế kỷ tự kềm trong chính sách hiếu hòa, Nhật Bản bắt đầu chuyển mình để đảm nhận vai trò của một đại cường kinh tế và quân sự. Trong thông điệp 31/01/2013 gửi Quốc hội, tân thủ tướng Shinzo Abe thông báo ông muốn « tu chính bản Hiến pháp » được soạn thảo dưới sức ép của Hoa Kỳ sau đệ nhị thế chiến, ngăn cấm Nhật Bản vĩnh viễn không được sử dụng đến chiến tranh.
Tân thủ tướng Nhật mong muốn xây dựng một chiến lược địa chính trị mới « hướng nam » và được đặt tên là « An ninh Dân chủ Kim cương » liên kết tất cả những quốc gia từ Ấn Độ kéo dài xuống Đông Nam Á và đến tận Úc Tất cả những quốc gia này có cùng một mối quan ngại chung là bị sức mạnh quân sự của Trung Quốc đe dọa.
Để có thể chủ động trong thế phân tranh Washington-Bắc Kinh, chiến lược « an ninh dân chủ kim cương » được Tokyo xây dựng với bốn quốc gia dân chủ trụ cột là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Tuy không nói ra, nhưng đối tượng nằm trong tầm nhắm của vòng đai này là Trung Quốc
Chỉ trong vòng một tháng cầm quyền, thủ tướng Nhật liên tục có một loạt động thái chinh phục cảm tình các quốc gia trong vùng Thái Bình Dương từ Úc , Ấn, Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam.
Đầu tháng giêng, thủ tướng Nhật chọn Hà Nội để thăm viếng đầu tiên, và sau đó sang Thái Lan và Indonesia. Tại Jakarta, ông thông báo « 5 điểm cơ bản chỉ đạo bang giao ». Cùng lúc đó, phó thủ tướng Taro Aso sang Miến Điện và ngoại trưởng Fumio Kishida đi Úc, Brunei , Philippines và Singapore.
Giới phân tích quốc tế gọi đây là chiến lược « định vị hướng nam ». Trong bài báo cùng tên trên AsiaTimes, nhà phân tích Richard Javal Heydarian nhấn mạnh về một chuổi sự kiện cụ thể : Tokyo đang được tăng cường quan hệ quân sự với Washington, gia tăng ngân sách quốc phòng, hào phóng cung cấp 12 tàu chiến và 10 tàu đổ bộ cho Philippines, xem xét khả năng bán tầu ngầm tối tân Soryu cho Úc và Việt nam.
Vì sao chiến lược « trỗi dậy » của Nhật Bản được đặt tên là « dân chủ kim cương » ?
Trong thế trận đối phó với Trung Quốc, phải chăng đây là một cơ hội cho Đông Nam Á và Việt Nam ?
Nhà báo Lưu Tường Quang từ Sydney
31/01/2013
RFI đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang từ Sydney.
« Chính sách an ninh dân chủ kim cương có thể coi đó là phản ứng chiến lược của Nhật Bản đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc đặc biệt là về quân sự đã trở thành một mối đe dọa cho nhiều nước trong vùng kể cả Nhật Bản và Việt Nam. Trong những năm cuối thế kỷ 20 thì Nhật Bản cũng trỗi dậy nhưng sự trỗi dậy hòa bình của Nhật không đem lại căng thẳng trong vùng. Trái lại, vào đầu thế kỷ 21, sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế và quân sự tạo ra căng thẳng đến mức Tổng thống Obama đã thực hiện chính sách «tái định vị » tại châu Á Thái Bình dương và Ấn Độ đã theo đuổi một cách tích cực hơn cái chính sách gọi là « Hướng Đông ». Bây giờ có thêm chính sách mới từ Nhật Bản là « chính sách kim cương về an ninh và dân chủ ». Điều này cho thấy lực đối trọng từ Hoa Kỳ, Nhật và Ấn Độ đã bắt đầu hình thành…
Ông Shinzo Abe đã trình bày khái niệm « an ninh dân chủ kim cương » lần đầu tiên vào năm 2007 khi ông đi thăm quốc hội Ấn Độ với tư cách thủ tướng Nhật. Ông trình bày khái niệm về sự giao thoa giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình dương mà ông cho rằng có nhiều điểm chung về hòa bình, ổn định, tự do lưu thông hàng hải. Nhưng ông cũng lập luận là khi Trung Quốc coi 85% Biển Đông là « đại hồ » của Trung Quốc thì điều này gây tai hại cho giao thương hàng hải. Đến tháng 12/2012, trước bầu cử quốc hội tại Nhật, ông Shinzo Abe đã phổ biến bài tham luận của ông dưới cái nhan đề « An ninh Dân chủ Kim cương » tại châu Á.
Trong cốt lõi ông nói rằng thái độ xác quyết của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Hoa Nam đã tạo ra cái « ưu tiên » cho chính sách ngoại giao của Nhật Bản và Nhật Bản phải mở rộng tầm nhìn chiến lược . Cũng theo ông Abe, Nhật Bản là một cường quốc hàng hải và dân chủ trưởng thành nên cái sự lựa chọn chiến lược của Nhật cũng phản ảnh thực tế đó : bốn nước Úc Ấn Mỹ và Nhật hợp thành một chuổi kim cương bảo vệ tài sản chung của nhân loại, bảo vệ tự do giao thông hàng hải trong khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương…
Thật ra cái khung hợp tác chiến lược đã được thực hiện từ lâu ở cấp tam cường Mỹ-Nhật-Úc và ở cấp song phương với các hiệp ước an ninh chung giữa Mỹ- Nhật hay Mỹ-Úc …do vậy chiến lược mới sẽ được hình thành nhanh chóng…
Tháng Giêng 2013, trong chuyến công du Việt Nam, Thái Lan và Indonesia , thủ tướng Shinzo Abe trình bày tại Indonesia 5 nguyên tắc gọi là Hướng dẫn chỉ đạo bang giao giữa Nhật Bản và các quốc gia trong vùng mà nguyên tắc thứ nhất là « quý trọng những giá trị đại đồng về dân chủ và nhân quyền », thứ hai là « coi trọng tự do thông thương hàng hải », thứ ba là « tạo một hệ thống phát triển kinh tế và thương mại chung », thứ tư là « duy trì phát triển truyền thống văn hóa châu Á và thứ năm là « trao đổi giới trẻ ». Năm điểm này không gây vấn đề gì (cho các nước Đông Nam Á ) trừ điểm thứ nhất « tôn trọng dân chủ nhân quyền » có thể gây ra những khó khăn giữa Tokyo và Hà Nội…. »

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130131-nhat-ban-xay-dung-chien-luoc-%C2%AB-an-ninh-dan-chu-kim-cuong-%C2%BB-doi-pho-voi-trung-quoc

Thứ năm 31 Tháng Giêng 2013

Thủ tướng Nhật thông báo ý định sửa đổi Hiến pháp hiếu hòa

Thủ tướng Shinzo phát biểu trước Quốc Hội Nhật Bản
Thủ tướng Shinzo phát biểu trước Quốc Hội Nhật Bản
Reuters

Anh Vũ
Như đã hứa trong chiến dịch tranh cử, hôm nay 31/01/2013, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, người được cho là bảo thủ, đã thông báo ông mong muốn sửa đổi lại bản Hiến pháp hiếu hòa được sọan thảo sau khi kết thúc thế chiến thứ 2. Đề xuất này khó có thể tìm được sự đồng thuận hoàn toàn bởi những lo ngại gây thêm căng thẳng với các nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trước khi trở lại nắm quyền, ông Shinzo Abe vẫn nổi tiếng là một nhân vật cứng rắn trong chính sách đối ngoại. Mặc dù trong bối cảnh cần phải ưu tiên vực dậy nền kinh tế, thủ tướng Nhật không quên khơi dậy tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.
Trước Quốc hội ngày hôm nay, ông Abe đã cho biết dự định sửa đổi lại bản Hiến pháp của nước Nhật, được sọan ra dưới sự áp đặt của Hoa Kỳ sau khi quân Nhật thất trận năm 1945. Không chỉ cụ thể muốn sửa đổi nội dung nào nhưng mọi người đều hiểu ông Abe muốn nhắm tới điều 9 của Hiến pháp quy định nước Nhật không bao giờ được quyền tham chiến mà chỉ được phép tự vệ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật nói ông muốn thay đổi điều 96, điều khoản quy định mọi tu chính khác của Hiến pháp do người Mỹ áp đặt và có hiệu lực từ năm 1947. Theo các chuyên gia tại Nhật Bản thì đây là một bước đi dần dần để tiến tới thay đổi nội dung của điều 9 nói trên. Thủ tục sử đổi Hiến Pháp ở Nhật không mấy dễ dàng vì mọi đề nghị tu chính hiến pháp đều phải do hai viện Quốc hội đưa ra dựa trên ít nhất 2 phần 3 phiếu thuận của thành viên Thượng và Hạ viện.
Thực tế hiện nay đảng Tư do Dân chủ (PLD) cầm quyền và liên minh có nắm đa số ở Hạ viện nhưng Thượng viên thì họ lại không có được ưu thế này. Các sửa đổi Hiến pháp sau đó phải được thông qua trưng cầu dân ý. Theo các thăm dò dư luận không có gì bảo đảm người dân Nhật ngày nay có thể dễ dàng từ bỏ tinh thần hiếu hòa của bản Hiến pháp hiện hành.
Dù kết quả cuối cùng ra sao thì đề xuất của Thủ tướng Shinzo Abe cũng có được một ý nghĩa biểu tượng cao, nhất là vào thời điểm quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đang căng thẳng vì tranh chấp biển đảo, đồng thời Trung Quốc vẫn không quên nhắc lại quá khứ quân phiệt của Nhật như là món nợ với các nước láng giềng.
Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông Shinzo Abe đã không ít lần nói đến việc phải định nghĩa lại khái niệm « lực lượng phòng vệ », tên gọi chính thức và cũng là hàm ý giới hạn hành động của quân đội Nhật.
Trong một động thái khác, ngày 29/1 vừa rồi chính phủ Nhật đã thông qua ngân sách quốc phòng trong năm 2013-2014 lên gần 50 tỷ đô la, điều chưa từng có trong hơn một thập kỷ qua.
Chính ông Shinzo Abe là người khi là thủ tướng năm 2007 đã đưa ra sáng kiến chuyển tên gọi « Cơ quan Quốc phòng » thành « Bộ Quốc phòng ». Lần này ông hứa sẽ đổi tên « Lực lượgn phòng vệ » thành « Quân đội quốc gia ».
Với Trung Quốc, ông Abe không ngần ngại tuyên bố « việc gia tăng sức mạnh quân sự không minh bạch và các họat động của hải quân Trung Quốc là mối quan ngại cho tòan bộ khu vực, trong đó có nước Nhật ».
Để « kiềm chế » Trung Quốc, bên cạnh đồng minh thân hữu Hoa Kỳ, ông Shinzo Abe chủ trương tăng cường quan hệ với các nước như Úc và Asean. Chuyến công du Đông Nam Á mở đầu nhiệm kỳ cầm quyền của ông là một minh chứng.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130131-thu-tuong-nhat-thong-bao-y-dinh-sua-doi-hien-phap-hieu-hoa
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten