zaterdag 23 februari 2013

‘Ly Rượu Mừng,’ xuân-khúc ‘kinh điển’ của tân nhạc Việt

‘Ly Rượu Mừng,’ xuân-khúc ‘kinh điển’ của tân nhạc Việt Wednesday, February 20, 2013 2:42:57 PM
Du Tử Lê
(Tiếp theo và hết)



“Xuân Ca” của Phạm Duy và, “Anh Cho Em Mùa Xuân” của Kim Tuấn/Nguyễn Hiền là hai trong số những xuân-khúc tiêu biểu của nền tân nhạc miền Nam 20 năm.

Nhạc Sĩ Phạm Ðình Chương. (Hình: phamdinhchuong.com)


Nhưng nếu phải tìm một xuân-khúc đại diện cho mọi tầng lớp của xã hội việt Nam, đồng thời phản ảnh tâm cảnh của mọi lứa tuổi thì, ứng hợp nhất với đòi hỏi này, theo tôi, là xuân-khúc “Ly Rượu Mừng” của cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương. (4)

Tôi vẫn nghĩ chẳng phải ngẫu nhiên mà “Ly Rượu Mừng” không những đã trở thành “ly rượu” không thể thiếu trong mùa Xuân của người Việt Nam mà, “ly rượu” ấy còn được nâng cao trong những họp mặt, lễ lạt ở bất cứ thời điểm nào của một năm. Nếu ta nhìn mỗi hội ngộ tự thân cũng là một mùa Xuân tinh thần, ấm áp.

Tôi muốn gọi “Ly Rượu Mừng” là xuân-khúc “kinh điển” nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Tính chất “kinh điển” hiểu theo nghĩa không một thành phần nào của xã hội bị bỏ quên. Và, một cách ý thức, tác giả, đã sắp lại bậc thang giá trị của các thành phần xã hội, với lòng trân trọng, biết ơn của mình. (5)

Thực vậy, ngay phần mở đầu của ca khúc, cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương đã chọn ba thành phần nòng cốt là: Nông phu, thương gia, công nhân để gửi lời chúc mừng tới họ:

“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi / Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi / Người thương gia lợi tức / Người công nhân ấm no / Thoát ly đời gian lao nghèo khó //

Á a a a / Nhấp chén đầy vơi / Chúc người người vui / Á a a a / Muôn lòng xao xuyến duyên đời...”

Tầng lớp nông dân kể trên vốn không được coi trọng lắm, theo quan niệm cổ xưa, căn cứ vào khẩu truyền của dân gian: “Sĩ, nông, công, thương, binh.”

Nhưng khi phải đối đầu với thực tế, cũng chính dân gian đã “sửa sai” bằng khẩu truyền: “Nhất sĩ, nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ!”

Lại nữa, xã hội Việt Nam vốn là xã hội nông nghiệp, nên sự trả lại vị trí hàng đầu cho nông dân của họ Phạm là một trả lại hợp lý, xứng đáng.

Cũng vậy, tầng lớp binh sĩ, theo sắp xếp có tính cách biểu kiến, hời hợt thuở trước, vốn đứng hạng chót trong nấc thang gia trị xã hội - Nhưng, với “Ly Rượu Mừng,” tác giả đã dành nguyên khổ thứ 2 của ca khúc, để chúc mừng họ, những người hy sinh mạng sống của mình cho ấm no, giầu có của dân tộc:

“Rót thêm tràn đầy chén quan san / Chúc người binh sĩ lên đàng / Chiến đấu công thành / Sáng cuộc đời lành / Mừng người vì Nước quên thân mình...”

Khi đề cập tới những hy sinh của người lính, họ Phạm cũng không quên những hy sinh thầm lặng, nhưng lớn lao không kém của những bà mẹ:

“Kìa nơi xa xa có bà mẹ già / Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa / Chúc bà một sớm quê hương / Bước con về hòa nỗi yêu thương / Á a a a / Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính / Á a a a / Chúc mẹ hiền dứt u tình...”

Kế tiếp, tác giả mới đề cập tới những đóng góp khác:

“Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương / Xây tổ ấm trên cành yêu đương / Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ / Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới...”

Cuối cùng là chung khúc rực rỡ hy vọng, tin yêu nơi tương lai đất nước:

“Bạn hỡi, vang lên / Lời ước thiêng liêng / Chúc non sông hòa bình, hòa bình / Ngày máu xương thôi tuôn rơi / Ngày ấy quê hương yên vui / đợi anh về trong chén tình đầy vơi //

Nhấc cao ly này / Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do / Nước non thanh bình / Muôn người hạnh phúc chan hòa // Ước mơ hạnh phúc nơi nơi / Hương thanh bình dâng phơi phới.” (Theo dactrung.com)

Và, mỗi khi cùng nhau nâng “Ly Rượu Mừng” dù ở thời điểm nào của vòng quay trái đất, cũng chính là lúc chúng ta cùng với tác giả, hân hoan cầu chúc “...Nước non thanh bình / Muôn người hạnh phúc chan hòa...”

Tôi nghĩ, đó là một cầu nguyện đời kiếp của dân tộc ta. Như sự hiện diện bất biến của tác giả ca khúc vậy.

Du Tử Lê

(Tháng 2, 2013)



Chú thích:

(4) Phạm Ðình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cả hai thân sinh ra ông đều chơi nhạc cổ truyền. Thân phụ của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương là ông Phạm Ðình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người con trai: Phạm Ðình Sỹ và Phạm Ðình Viêm. Phạm Ðình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Ðình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.

Người vợ sau của ông Phạm Ðình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Ðình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.

Ông được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý nhưng phần lớn vẫn là tự học. Trong những năm đầu kháng chiến, Phạm Ðình Chương cùng các anh em Phạm Ðình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban văn nghệ quân đội ở Liên Khu IV. Phạm Ðình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 18 tuổi, với tác phẩm đầu tay là ca khúc “Ra Ði Khi Trời Vừa Sáng.” Năm 1951, ông và gia đình chuyển vào miền Nam. Với các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng ông thành lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Trong thập niên 50, ông đã viết những tác phẩm thành công và để đời như Ly Rượu Mừng, Xuân Tha Hương, Thủa Ban Ðầu, Tiếng Dân Chài, v.v... Ðáng kể nhất là trường ca bất hủ Hội Trùng Dương mà ông viết về đất nước Việt Nam hoa gấm, qua ba bài ca nói về con sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long. Theo như lời ông đã nói với gia đình, trường ca này đã phải tốn mất 4 năm để hoàn tất. (phamdinhchuong.com)

(5) Trước tháng 4, 1975, khi cho in “Ly Rượu Mừng” hình thức một bản nhạc lẻ, cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương đã ghi chú nguyên văn như sau: “Viết tại Sài Gòn năm 1955 để đăng trên số báo Tết, báo Ðời Mới, thể theo lời yêu cầu của cụ Trần Văn Ân và nhà văn quá cố Nguyễn Ðức Quỳnh, là hai người chủ trương tờ báo này.”
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=162083&zoneid=97

Geen opmerkingen:

Een reactie posten