zondag 17 februari 2013

Ðe dọa từ ngoài Trái Ðất, ngàn năm một lần!

Ðe dọa từ ngoài Trái Ðất, ngàn năm một lần!
Saturday, February 16, 2013 2:43:17 PM



Hà Tường Cát/Người Việt

WESTMINSTER - Thiên thạch “2012DA14,” một khối đá lớn 150 feet nặng 130,000 tấn, đi qua êm ả lúc 11 giờ 25 phút sáng Thứ Sáu ở khoảng cách chỉ 17,150 dặm, nghĩa là thấp hơn quỹ đạo của các vệ tinh viễn thông.
Vệt khói còn lại trên bầu trời của ngôi sao băng rớt xuống làng Bolshoe Sidelnikovo trong vùng núi Ural ở Nga, sáng Thứ Sáu 15 tháng 12 (giờ địa phương). (Hình: AP/Nadezhda Luchinina, E1.ru)

Sự kiện hàng ngàn năm mới có một lần như vậy, đã không gây ra nguy hiểm gì và cũng chẳng mấy ai biết, ngoại trừ các nhà khoa học quan tâm theo dõi và nhìn thấy bằng viễn kính khi thiên thạch đến gần trên không phận Ấn Ðộ Dương.
Nhưng trước đó ít giờ, một khối đá khác nhỏ hơn nhiều đã từ ngoài không gian đi vào bầu khí quyển, nổ cháy trên thượng tầng không khí và một số mảnh còn lại rơi xuống vùng núi Ural ở Nga, khoảng 900 dặm phía Ðông Moscow. Hơn 3,000 ngôi nhà hư hại và hơn 1,000 người bị thương, trong số đó có 43 người được đưa tới bệnh viện. Phần lớn thiệt hại không phải vì trúng mảnh sao băng, mà vì miểng văng ra từ các cửa kính vỡ nát dưới áp lực sóng xung kích (shock wave) của vụ nổ.
Sự kiện bất ngờ này xảy ra lúc khoảng 9 giờ 30 phút sáng, giờ địa phương, gây kinh hoảng cho dân chúng trong vùng. Tại Chelyabinsk, thành phố lớn nhất trong khu vực, ở cách xa 30 dặm, thoạt đầu người ta thấy bầu trời sáng lòa, sau đó 6 phút mới nghe thấy tiếng nổ và sóng xung kích ập tới.
Nhà chức trách phải mau chóng tìm cách trấn an dân chúng, giải thích rằng không có nguy hiểm vì hầu hết vẫn thạch đã cháy tiêu trước khi rớt xuống tới đất. Sau đó người ta tìm thấy ít nhất một mảnh rơi xuống hồ nước đóng băng Chebarkul và phá một hố tròn đường kính 10 mét trên mặt nước đóng băng.
Giới khoa học cho biết đây là hiện tượng rất hiếm có, cả về tầm cỡ của sao băng cũng như con số dân chúng bị thương và thiệt hại cho nhà cửa, dù không có tổn hại nào lớn. Nhà thiên văn Keith Smith thuộc Hội Thiên Văn Hoàng Gia Anh nói sao băng ở Nga không liên hệ gì với thiên thạch 2012DA14.
NASA giải thích rõ hơn, xác định rằng sao băng ở Nga không phải là một mảnh của thiên thạch 2012DA14 vỡ ra. Don Yeomans, giám đốc văn phòng phụ trách các vật gần Trái Ðất nói rằng 2012DA14 đến theo hướng Nam-Bắc trong khi quỹ đạo sao băng Nga đi hướng khác và hơn nữa thời gian 16 giờ giữa hai biến cố là một khoảng cách đáng kể.
Viện Hàn Lâm Khoa Học Nga cho biết sao băng trên làng Bolshoe Sidelnikovo nặng khoảng 10 tấn và đi vào bầu khí quyển với vận tốc ít nhất 33,000 dặm/giờ, và nổ cháy trên độ cao từ 32 đến 18 dặm. Thiên thạch 2012DA14 có vận tốc khoảng 17,000 dặm/giờ.
Thiên thạch (asteroid) là những thiên thể nhỏ trong hệ Mặt Trời và chuyển động quanh Mặt Trời giống như các hành tinh, nhưng nhỏ hơn nhiều, kích thước từ vài chục mét đến vài trăm km. Nhỏ hơn nữa là những vẫn thạch (meteoroid) kích thước khoảng mươi mét hay có khi chỉ bằng cục sỏi hay lớn hơn hạt bụi. Thiên thạch được cấu tạo bởi những tảng đá hay nước đóng băng và có những tính chất giống như các sao chổi nhưng không phải là sao chổi. Thiên thạch không biến dạng bởi tác động của Mặt Trời và không phát ra lớp hơi bụi sáng lên thành cái đuôi như sao chổi.
Có hàng triệu thiên thạch trong hệ Mặt Trời, không tập trung thành hành tinh hoặc có thể là các hành tinh tan rã. Hầu hết các thiên thạch mà khoa học đã biết có quỹ đạo giữa khoảng Hỏa Tinh (Mars) và Mộc Tinh (Jupiter) và tạo thành “vành đai thiên thạch”.
Những thiên thạch nhỏ và vẫn thạch, nếu đi vào bầu khí quyền, do sức ma sát với không khí, sẽ cháy sáng và tan rã trên thượng tầng khí quyển thành sao băng (meteor, merorite hay bolide) tạo ra vệt sáng trong ít giây đồng hồ mà mắt thường có thể nhìn thấy hàng đêm, ít có trường hợp những mảnh còn lại rớt xuống tới mặt đất. Bầu khí quyển như thế đã che chở cho đời sống và con người, không bị “oanh tạc” liên tục bởi vô số vật ngoài không gian rơi xuống.
Nhưng nếu một thiên thạch cỡ lớn đi vào khí quyển thì có thể khí quyển không đủ khả năng chống đỡ. Lúc đó thiên thạch sẽ nổ trên không hay rơi xuống tới mặt đất tạo nên sức tàn phá khủng khiếp. Ðiều may mắn là tai họa như vậy hàng trăm triệu năm mới có một lần và tận thế là sự lo lắng của loài người nhưng không thể nào dự đoán.
Những thiên thạch cỡ 2012DA14 trung bình 40 năm đi gần Trái Ðất một lần, tuy nhiên không rơi xuống như chúng ta vừa thấy. Sự đụng chạm nếu có, trung bình xảy ra mỗi khoảng 1,200 năm. Nếu thiên thạch nặng 130,000 tấn này rớt xuống, năng lượng phát ra sẽ tương đương với một trái bom nguyên tử 2.4 triệu tấn TNT và san bằng một khu vực 750 dặm vuông. Thiên thạch 2012DA14 sẽ còn trở lại khoảng 30 năm nữa nhưng khi đó chỉ đến cách xa Trái Ðất trên 2 triệu dặm và không là mối đe dọa gì.
Thiên thạch nổi tiếng nhất được biết, đã rớt xuống vùng Tunguska thuộc Siberia năm 1908, nổ tan trên thượng tầng khí quyển với sức nổ ước lượng bằng một trái bom hạt nhân 10 megatons và làm ngả 80 triệu cây thông trên một diện tích rừng hàng trăm dặm vuông.
Như vậy mối đe dọa đến từ ngoài Trái Ðất là một hiểm họa thường trực cho nhân loại. Các nhà khoa học vẫn cho rằng cần phải gia tăng theo dõi không gian quanh Trái Ðất để biết trước và ngăn chặn, nếu có thể được, những thiên thạch nguy hiểm. Rusty Schweickart, cựu phi hành gia Apollo, chủ tịch một cơ quan bảo vệ Trái Ðất chống thiên thạch, nói rằng có khoảng từ 500,000 đến 1 triệu thiên thạch hay sao chổi gần Trái Ðất có thể là mối đe dọa, nhưng cho đến bây giờ người ta mới chỉ kiểm soát được khoảng 10,000 nghĩa là 1%. Thiên thạch 2012DA14 thuộc trong số ấy, được các nhà thiên văn Tây Ban Nha khám phá hồi tháng 2 năm ngoái và theo dõi chặt chẽ từ đó. Còn sao băng ở Nga, từ một thiên thạch khá lớn trên 10 mét, đã không ai biết trước.
Tuy nhiên, đến nay chưa có vũ khí nào có thể chặn được một thiên thạch như thế. Ý kiến dùng hỏa tiễn, hoặc dự phòng lâu dài hơn là phi thuyền không gian mang bom nguyên tử hay vũ khí laser, mới chỉ là giả thuyết, không biết khả năng và hiệu quả như thế nào, chưa kể tới trình độ khoa học hiện nay khó có thể thực hiện được.
Brian Weeden thuộc tổ chức Secure Earth Foundation, cựu đại úy Không Quân Hoa Kỳ và chuyên viên phi đạn trong Bộ Tư Lệnh Phòng Thủ Chiến Lược, nói rằng chống thiên thạch không dễ, vì nói đơn giản đó là định luật vật lý. Ông giải thích: “Thiên thạch chuyển động trên quỹ đạo quanh Mặt Trời giống như Trái Ðất. Nếu tình cờ hai quỹ đạo giao nhau, thiên thạch tới một lúc nào đó sẽ đi vào bầu khí quyển. Thiên thạch không đi giống như máy bay hay hỏa tiễn. Bắn trúng không làm thay đổi quỹ đạo và vận tốc của nó, cùng lắm là có thể làm nó chuyển hướng chút ít hay tan vỡ, và hậu quả không bảo đảm”.
Vậy thì chúng ta có thể hiểu biết thêm về nhiều hiểm họa đến từ ngoài không gian, nhưng cũng không vì thế mà lo lắng dù cho chưa có cách đối phó, và hãy tạm tin tưởng nơi số mệnh!

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=161951&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten