vrijdag 1 februari 2013

Doanh nhân Anh lo ngại Luân Đôn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu

Thứ ba 29 Tháng Giêng 2013
Doanh nhân Anh lo ngại Luân Đôn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu
REUTERS/Stefan Wermuth
Thanh Hà
Giới doanh nhân và tài chính Anh không mặn mà với kịch bản Luân Đôn rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Trung tâm tài chính City giữa lòng Luân Đôn khẳng định Anh Quốc phải là một thành viên toàn phần của UE để tiếp tục là cánh cửa mở ra thị trường châu Âu đón các nhà đầu tư quốc tế.
Ngày 23/01/2013 thủ tướng Anh, David Cameron cam kết với cử tri là trong trường hợp tái đắc cử vào năm 2015, ông sẽ tham khảo ý kiến người dân về câu hỏi : Nước Anh có nên hay không rút lui khỏi Liên Hiệp Châu Âu (UE) ? Lãnh đạo Anh nhấn mạnh rằng ông mong muốn Luân Đôn tiếp tục là một thành viên trong đại gia đình châu Âu gồm 27 thành viên này, nhưng với hai điều kiện : Một là bản thân UE phải tiến hành cải tổ để đem lại một làn sinh khí mới cho toàn khối. Điều kiện thứ nhì là quan hệ giữa Bruxelles với Luân Đôn sẽ phải được xét lại và Anh chỉ muốn tập trung khai thác thế mạnh của Liên Hiệp đó là thị trường chung châu Âu.
Nước Anh của thủ tướng Cameron thực sự muốn gì và ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu sẽ có lợi hay không cho nền kinh tế Anh ? Vì sao các doanh nhân Anh lại không muốn Luân Đôn tách rời khỏi UE ?
Vương quốc Anh đã muộn màng gia nhập câu lạc bộ châu Âu vào năm 1973 - sau hai lần bị các nước sáng lập viên Cộng đồng châu Âu từ chối. Đồng bảng Anh đứng ngoài khu vực eurozone và nước Anh không tham gia khu vực tự do đi lại Shengen. Anh Quốc luôn bị coi là một thành viên bướng bỉnh trong đại gia đình châu Âu. Luân Đôn nhiều lần bị chỉ trích « phá rối » gây trở ngại cho đà tiến của Liên Hiệp Châu Âu như trong thượng đỉnh hồi tháng 11/2012 để bàn về ngân sách chung trong thời gian 2014-2020.
Dư luận Anh vốn luôn thận trọng trước mọi kế hoạch xây dựng khối châu Âu và cũng không có nhiều thiện cảm đối với chính sách mang tính áp đặt của Bruxelles. Nhưng tinh thần bài châu Âu ở bên kia bờ biển Manche càng trở thêm mạnh kể từ sau khủng hoảng 2008/2009.
Anh Quốc và mối hoài nghi về Châu Âu
Vào lúc phải trực diện với những khó khăn kinh tế nội bộ (tỷ lệ tăng trưởng gần như ở số không, nợ công nhà nước tăng lên tới 90 % so với GDP và nước Anh phải áp dụng chính sách cắt giảm chi tiêu cho đến năm 2020) tinh thần bài châu Âu của người dân Anh lại càng mạnh. Đe dọa khối euro bị tan cũng lại là một yếu tố để dư luận Anh muốn xa lánh thêm « khối » châu Âu.
Trả lời RFI Pháp ngữ, bà Sophie Pedder, thông tín viên của tạp chí The Economist tại Paris cho rằng khủng hoảng tài chính châu Âu đã củng cố vị thế của các phong trào chống châu Âu trên sân khấu chính trị Luân Đôn :
« Tôi nghĩ là từ nhiều năm qua, Pháp nói riêng và châu Âu nói chung đã đánh giá không đúng mức tinh thần bài châu Âu trong dư luận Anh. Hiện tượng bài châu Âu đó đã được bồi thêm dưới nhiệm kỳ của David Cameron bất chấp sự tham gia của cánh thân châu Âu trong chính phủ liên minh. Trong hàng ngũ đảng bảo thủ Anh nhóm bài châu Âu ngày càng mạnh. Điều đó phản ánh tâm tư của người Anh đối với Liên Hiệp Châu Âu ».
Từ hơn một năm nay có khoảng hơn 80 dân biểu ở Quốc hội thuộc phe bảo thủ đòi thủ tướng Cameron tổ chức trưng cầu dân ý. Theo một cuộc thăm dò dư luận được thực hiện vào tháng 11/2012 có tới 56 % người được hỏi mong muốn Anh Quốc tách rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu và chỉ có 30 % nghĩ rằng nước Anh có lợi khi còn đứng trong UE.
Sự hoài nghi trong dư luận Anh không hẳn là không có sơ sở : thứ nhất do Liên Hiệp Châu Âu ngày này không chỉ đơn thuần là một khu vực tự do mậu dịch như ở vào đầu thập niên 1970 khi Luân Đôn gia nhập đại gia đình châu Âu. Trong khi đây chính là động cơ để Anh Quốc hòa nhập vào khối châu Âu. Đà tăng trưởng của Liên Hiệp Châu Âu ngày nay không còn hấp dẫn như trước kia (0,3 % năm 2012).
Lý do thứ hai khiến người Anh muốn quay lưng lại với con tàu châu Âu là trong mắt đại đa số người dân, UE ngày càng đòi hỏi các thành viên phải hỗ trợ cho nhau nhiều hơn và hội nhập nhanh hơn trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế, tài chính đến quốc phòng, ngoại giao… Đó là điều khiến người Anh - và cũng như ở nhiều nơi khác trong Liên Hiệp Châu Âu - lo sợ. Họ không muốn từng bước mất dần chủ quyền. Khuynh hướng bài châu Âu lớn dần không chỉ riêng Anh, mà còn ở cả nhiều thành viên khác trong UE hay các nước trong khối euro đang gặp khó khăn như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha.
Chính vì thế mà một phần lớn dư luận Anh muốn Luân Đôn ra khỏi Liên Hiệp, nhưng vẫn được tham gia vào thị trường chung châu Âu, tương tự như trường hợp của Na Uy, Iceland và Liechstenstein. Với tư thế đó, Anh Quốc vẫn được hưởng quyền tự do (lưu thông, tư bản, vốn, hàng hóa, dịch vụ) trong Liên Hiệp Châu Âu, mà lại được miễn phần lớn các khoản đóng góp vào ngân sách châu Âu. Quan điểm này đã bị nhiều doanh nhân Anh bác bỏ.
UE đòn bẩy kinh tế của Anh
Martin Sorrel chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn quảng các và truyền thông WPP cùng với nhiều doanh nhân nổi tiếng của Anh Quốc trong một bức thư ngỏ gửi tới thủ tướng Cameron đã nêu lên những lý do vì sao Luân Đôn cần ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Ông trùm của ngành quảng cáo Anh Quốc này nêu lên những lý do như sau :
Thứ nhất, Liên Hiệp Châu Âu là một thị trường với 450 triệu dân - lớn gấp đôi so với thị trường Hoa Kỳ. Thứ hai về trọng lượng kinh tế GDP của Liên Hiệp Châu Âu ước tính khoảng từ 16 đến 17 ngàn tỷ đô la, nặng ký hơn bất kỳ các đối tác nào như Mỹ hay Trung Quốc. Lý do thứ ba khiến nước Anh bắt buộc phải cần đến Liên Hiệp là một khi đứng ngoài UE thì Luân Đôn sẽ không có trọng lượng khi cần đàm phán với các đối tác thương mại lớn như là Bắc Kinh, New Delhi hay Washington khi cần phải đàm phán về thương mại.
Lãnh đạo tập đoàn Anh, WPP không phủ nhận những thủ tục hành chính rườm rà của Bruxelles. Những điều lệ của Liên Hiệp Châu Âu về luật lao động trong mắt nhiều doanh nhân bên kia bờ biển Manche bị coi là mang tính bó buộc nhưng theo ông Sorrel, « xét cho cùng, đứng bên trong Liên Hiệp Châu Âu có lợi hơn là bị đẩy ra bên ngoài »
Đi sâu hơn vào thực chất : đâu là những rủi ro đối với bản thân nước Anh, đối với Liên Hiệp Châu Âu khi Luân Đôn phá rào bước ra ngoài UE ?
Nhìn đến khía cạnh tiêu cực như chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn quảng cáp WPP Martin Sorell vừa nói, Anh Quốc mất trọng lượng khi đối diện với các đối tác thương mại nặng ký hơn mình. Nhưng bên cạnh đó, hàng xuất khẩu của Anh vào thị trường chung châu Âu sẽ bị đánh thuế cao hơn. Trong khi 26 thành viên còn lại của Liên hiệp mua vào đến 50 % hàng xuất khẩu của Anh và cũng nhờ vào các đối tác châu Âu mà nước Anh bảo đảm được công việc làm cho từ 3 triệu đến 3,5 triệu người lao động.
Thả mồi bắt bóng ?
Bên cạnh đó các doanh nhân Anh còn cảnh cáo thủ tướng Cameron là không nên « thả mồi bắt bóng » bởi vì, chắc gì trong các vòng đàm phán tương lai Luân Đôn sẽ được hưởng những quyền lợi ưu đãi như những gì đã đạt được với Bruxelles trong 40 năm qua. Khả năng tách rời khỏi UE sẽ là một lý do khiến các nhà đầu tư quốc tế xét lại dự án muốn vào Anh Quốc hoạt động. Liệu rằng mở cơ sở trên quê hương Shakespear có còn hấp dẫn nữa hay không, khi Anh Quốc không còn là cánh cổng mở ra thị trường 450 triệu dân của Liên Hiệp Châu Âu ? Cũng như khi hàng sản xuất tại Anh muốn xuất khẩu vào UE bị đánh thuế cao hơn ?
Theo lời một chuyên gia thuộc London School of Economics nhiều hãng ngoại quốc đang hoạt động tại vương quốc Anh như là trường hợp của hãng xe Nhật, Toyota sẽ lập tức đóng cửa khi Anh Quốc không còn là cánh cổng mở ra thị trường Châu Âu. Cụ thể là hiện tại nhờ sản xuất tại Anh một chiếc xe Toyota bán ra tại Liên Hiệp Châu Âu tránh được khoản thuế là 10 %, nhưng lợi thế đó sẽ không còn được duy trì một khi nước Anh ra khỏi UE. Ngoài ra tùy theo từng mặt hàng, có những sản phẩm made in England xuất khẩu sang thị trường Liên Hiệp Châu Âu sẽ bị đánh thuế từ 55 đến 200 % !
Đây là lý do khiến phó thủ tướng Anh Nick Clegg đã lập tức lên tiếng cảnh báo : « Viễn cảnh tổ chức trưng cầu dân ý sẽ có những tác động tiêu cực đối với đà phục hồi kinh tế vốn còn rất èo uột của nước Anh. Đặc biệt là đối với thị trường lao động ».
Dù sao khi ra khỏi UE, Anh Quốc sẽ phải đàm phán lại hàng loạt hiệp định về thương mại, đầu tư với các đối tác ngoài khu vực châu Âu như Brazil, Mỹ, hay Ấn Độ, Trung Quốc. Chắc chắn là trong các cuộc thương lượng đó Luân Đôn không có nhiều trọng lượng trước một ông khổng lồ như Trung Quốc hay một nền kinh tế đang năng động như Brazil.
Về phía Bruxelles, mất đi Anh Quốc uy tín của Liên Hiệp Châu Âu cũng sẽ bị sứt mẻ : tiến trình hội nhập của khu vực bị chựng lại. Hơn nữa, Liên Hiệp sẽ bị suy yếu khi biết rằng Anh Quốc có cả một hệ thống phòng thủ lợi hại, nền ngoại giao của Anh có ảnh hưởng lớn trên sân khấu quốc tế và Luân Đôn luôn được coi là nhịp cầu nối liền Lục địa Già với nước Mỹ. Bản thân Hoa Kỳ cũng không muốn Anh Quốc rời xa UE.
Lo ngại của giới tài chính
Chuyên gia về tài chính Mark Boleat làm việc ngay trong trung tâm City đoan chắc là « khả năng Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu sẽ khiến Luân Đôn không còn hấp dẫn trong mắt các tập đoàn ngân hàng và tài chính của thế giới ».
Đối với kinh tế Anh các dịch vụ tài chính chiếm 11 % GDP đem về 35 tỷ bảng Anh trong thặng dư cán cân thanh toán. Khu vực tài chính City ngay giữa lòng Luân Đôn đã trở thành « kinh đô tài chính châu Âu », khi có tới 40 % các dịch vụ tài chính bằng đồng euro đều phải đi ngang qua City.
Chuyên gia kinh của ngân hàng Deutsche Bank nêu lên câu hỏi một khi phá rào liệu Bruxelles sẽ có còn cho phép Luân Đôn can thiệp vào chính sách tiền tệ và tài chính của Liên Hiệp nữa hay không ? Vào thời điểm mà khối euro và Liên Hiệp Châu Âu đang định hình, Liên minh Ngân hàng trong đó Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) đóng vai trò hàng đầu để giám sát các hoạt động ngân hàng châu Âu. Liên minh đó được coi là lá chắn chống khủng hoảng. Vậy liệu Luân Đôn có thể bảo vệ quyền lợi của City được nữa hay không khi đã tự cô lập mình khỏi UE ?
City lo ngại khi đã ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, các ngân hàng lớn quốc tế sẽ dời đô sang những nơi khác như Paris, Frankfurt hay là xa xôi hơn một chút là Hồng Kông và Singapore. Thị trường tài chính của Luân Đôn sẽ bị Paris vượt qua.
Trút được gánh nặng
Nhưng nếu nhìn vào các khoản đóng góp của Anh cho ngân sách chung Liên Hiệp Châu Âu thì một khi ra khỏi UE, hàng năm Luân Đôn sẽ không còn phải đóng từ 7 đến 8 tỷ euro vào ngân sách chung, Luân Đôn cũng sẽ không còn phải đóng góp 3 tỷ euro vào Chính sách Nông nghiệp chung Châu Âu (PAC). PAC có lợi cho nước Pháp nhiều hơn cả.
Trên thực tế Anh Quốc chỉ đứng hàng thứ 4 trong số các quốc gia đóng góp vào ngân sách của Liên Hiệp Châu Âu. Từ 1984 dưới chính quyền Magareth Thatcher Luân Đôn đã ráo riết đàm phát với Bruxelles để một phần khoản đóng góp gần 13 tỷ euro được hoàn trả lại cho chính phủ Anh.

http://www.viet.rfi.fr/kinh-te/20130129-doanh-nhan-anh-lo-ngai-luan-don-ra-khoi-lien-hiep-chau-au

Geen opmerkingen:

Een reactie posten