maandag 4 februari 2013

Báo Người Việt đối với cộng đồng người Việt

Báo Người Việt đối với cộng đồng người Việt Monday, January 28, 2013 1:54:38 PM

Sổ Tay
Bài 1

Phạm Xuân Ðài
Cuộc biểu tình chống nhật báo Người Việt vào chiều ngày 19 tháng 1, 2013 vừa rồi đã được hoạch định trước ít nhất vài ba tuần trong một buổi họp của những người thấy rằng phổ biến cuốn sách Bên Thắng Cuộc (cuốn I, Giải Phóng) của Huy Ðức là một hành động tiếp tay để tuyên truyền những điều có lợi cho cộng sản (1). Một quyết định cụ thể, có đối tượng, có nội dung rõ rệt. Quyết định ấy hẳn nhiên bắt nguồn từ nội dung cuốn sách, tất cả vấn đề nằm trong những gì đã được tác giả Huy Ðức viết trong cuốn sách. Không vì nội dung đó thì thiết tưởng chẳng ai đặt vấn đề chống việc phổ biến làm gì.


Báo Người Việt đã trải qua 35 năm phục vụ cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. (Hình: Uyên Nguyên/NV)

Và để đi đến một quyết định như thế, đương nhiên các đương sự chủ trương cuộc biểu tình đã phải đọc kỹ cuốn sách, thấy rõ các tác hại của nó cho đồng bào trong cộng đồng.
Nhưng một ngạc nhiên lớn cho mọi người, là sự việc hoàn toàn ngược lại cái logic đơn giản ấy: Hầu như tất cả những người đó chẳng ai đọc sách cả. Hiện tượng có vẻ kỳ quái này khiến người ta phải suy nghĩ, vì cảm thấy có một cái gì đó rất không ổn, rất không bình thường, cần phải giải thích để hiểu rõ hơn thực chất những gì đang xảy ra quanh ta.
Muốn hiểu được một vấn đề có tính cách xã hội như thế, thiết tưởng chúng ta phải quay về tận nguồn gốc: Báo Người Việt và cộng đồng Việt Nam tại quận Cam đã cùng nhau thành hình như thế nào.

Về báo Người Việt

Trước hết, tìm hiểu về báo Người Việt, ra đời từ 1978, gắn bó với sự ra đời và trưởng thành của cộng đồng, và trong thời gian gần đây đã bị một số người biểu tình chống đối.
Người viết bài này không tham dự vào quá trình thành lập báo Người Việt, vì thời gian đó còn nằm trong trại cải tạo tuốt trên miền thượng du tỉnh Thanh Hóa. Mười ba năm sau mới được thả về, dần dần tiếp xúc lại với cuộc sống tại quê nhà và liên lạc với bạn bè bà con đang ở hải ngoại. Tại Sài Gòn tôi có một người đồng hương đi tập kết về đang làm việc trong ngành văn hóa, một hôm bỗng nói với tôi: Ở hải ngoại người Việt Nam làm rất nhiều báo, từ Mỹ đến Pháp đến Úc nơi nào cũng có báo, nhưng tờ đáng gờm nhất đối với nhà nước Việt Nam là tờ Người Việt ở California. Tôi hỏi “đáng gờm” là sao, thì được trả lời: Vì chống cộng có trình độ nhất, và đó cũng là tờ báo lớn nhất. Nghe nói thế, tôi thấy rằng sự liên lạc của tôi với những người làm báo Người Việt phải cẩn thận hơn, nên qua các trung gian hơn là trực tiếp, dù nhóm đó toàn là bạn bè cũ thân thiết với tôi trước kia ở Sài Gòn. Khi viết xong bài “Hà Nội Trong Mắt Tôi” vào cuối năm 1989, tôi phải nhờ một Việt kiều về nước mang sang Mỹ để chuyển lại cho anh em Người Việt chứ không dám gửi bưu điện. Trước 75 tôi không nghĩ mình sẽ viết lách gì nhiều nên không bao giờ có bút hiệu, nhưng viết xong bài này và có ý định gửi ra hải ngoại, tôi phải tìm một bút hiệu, chứ ký tên thật thì tức là mình tự dọn đường cho mình vô tù trở lại.
Khi đi Mỹ theo chương trình H.O. và định cư tại Nam California, tôi mới thực sự biết rõ về tờ báo Người Việt: Ðọc kỹ nội dung của nó, gặp gỡ những người đang làm báo. Tôi được biết tờ báo đã trải qua rất nhiều khó khăn thử thách, bắt đầu làm trong garage mỗi tuần một số, rồi hai, ba số, mãi hơn mười năm sau mới phủ kín được khắp các ngày trong tuần và mới có cơ ngơi của một tòa soạn hẳn hoi. Sự thật này ngược hẳn với cái nhìn từ trong nước, nhất là của người cộng sản: Báo chí hải ngoại toàn là nhận tiền của... CIA để làm! Trong chế độ cộng sản hoàn toàn không có báo chí tư nhân, cũng hoàn toàn không biết đến những hoạt động xã hội dân sự ngoài sự chỉ đạo của đảng, nên người ta không hình dung được cảnh một nhóm người di tản còn nghèo và đầy khó khăn lại họp nhau trong nhà xe để khai sinh ra một tờ báo! Mà ra báo để làm gì? Chỉ để cho đồng bào Việt Nam mới đến Mỹ chưa rành Anh ngữ được biết các thông tin cần thiết cho đời sống. Ðó là ý nghĩ đầu tiên để từ đó thiết lập nên báo Người Việt, mà ngay những người sáng lập thời đó cũng không ngờ sau này lại trở thành một định chế văn hóa quan trọng của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Cha đẻ của tờ Người Việt là Ðỗ Ngọc Yến. Với tư cách là bạn của Yến từ thời còn học ở trường trung học Trương Vĩnh Ký Sài Gòn, và sau đó lớn lên còn cùng nhau hoạt động trong lãnh vực thanh niên và giáo dục, tôi có thể nói đó là một người Việt Nam ưu tú, rất ưu tú. Anh không phải là một học sinh xuất sắc trong trường lớp, nhưng có kiến thức cực kỳ rộng rãi mà không một người bạn học nào của anh có thể bằng được. Anh gia nhập Hướng Ðạo từ bé nên tâm và chí được rèn luyện hướng thiện, lúc nào cũng muốn làm việc tốt cho mọi người. Khi ra đời, anh tiếp xúc và học hỏi càng nhiều, kiến thức của anh ngày càng đa dạng, cái biết của anh rộng và sâu một cách đáng ngạc nhiên. Anh là người Công Giáo, nhưng một hôm trước một đám bạn bè thân, anh đã thuyết trình về Thiền, khúc chiết một cách hiếm có, cả đám say sưa nghe anh nói mà tưởng như đang nghe một thiền sư thuyết pháp! Anh biết rành về rất nhiều lãnh vực, đối với tôi từ thời đang hoạt động với nhau, Yến là một cuốn bách khoa tự điển.
Nhưng với cái tâm nguyện “đem lại thông tin cho đồng bào tị nạn” anh sẵn sàng chọn con đường khó mà đi. Sang Mỹ từ biến cố 1975, nếu yên phận với nghề cán sự xã hội đã tìm được trong mấy năm đầu thì anh đã có một cuộc sống yên ổn của một công chức, chẳng lừng lẫy gì nhưng bảo đảm cuộc sống bình yên cho gia đình. Quyết định làm báo là chọn một con đường chông gai, bấp bênh, phải có một cái nhìn viễn kiến và tinh thần phục vụ cao độ mới dám đầu tư cả cuộc đời còn lại ở hải ngoại cho mục tiêu này. Nhưng tinh thần và tài xoay xở không thì chưa đủ, còn phải có kiến thức về nghề báo và một quan niệm vững chắc về một tờ báo cộng đồng phải như thế nào thì mới có cơ thành công lâu dài về sau. Sau này anh tường thuật lại thời gian “khởi nghiệp” đầy khó khăn về tài chánh, anh đã kêu gọi bạn bè, đồng hương đóng góp từng chục bạc coi như là vay vốn, và khi báo khá đã hoàn lại tiền mượn, có người nhận, có người bảo để trừ vào quảng cáo trên báo. Và chính sự góp công góp của của đông người cho tờ báo, anh đã ví báo Người Việt giống với báo Le Monde bên Pháp ở chỗ cả hai đều không có một người gọi là “chủ báo” (owner) (2).
Với một khởi đầu như thế, báo Người Việt đã lớn lên theo với cộng đồng người Việt Nam tại quận Cam. Nó đã thực sự đáp ứng các nhu cầu truyền thông cho người tị nạn, với những thông tin xem ra nhỏ nhặt nhưng cần thiết của địa phương, từ việc lái xe trên freeway, việc đi mua hàng ở siêu thị cho đến cách thức đi bầu cử, hay làm giấy tờ xe cộ ở DMV, v.v... nói chung bất cứ thứ gì cần biết cho một người di dân mới đến xứ này. Nhưng không chỉ những điều cần thiết trước mắt, tờ báo cũng biết rằng người rời quê hương rất muốn biết những gì xảy ra nơi xứ sở mà mình đã rời bỏ, cố gắng tìm tòi những gì mà báo chí Hoa Kỳ và thế giới nói về Việt Nam, trong một khung cảnh truyền thông chưa có e-mail, Internet và điện thoại viễn liên thì không dám gọi vì giá quá mắc. Vậy mà tờ báo vẫn sản xuất ra những bản tin đáp ứng nhu cầu thông tin của cộng đồng, một cách chuyên nghiệp, dù dấu chữ Việt bấy giờ chưa có, phải bỏ dấu bằng tay trước khi đưa báo đi in.
Có thể nói báo Người Việt trưởng thành với sự trưởng thành của cộng đồng, hai bên đã tương tác nhau mà lớn mạnh. Và cũng giống như bao sự lớn lên khác trong thiên nhiên và xã hội, cả hai đều đã trải qua những khủng hoảng nội tại, những “cơn sốt” khi từ một trạng thái này chuyển sang một trạng thái khác cao hơn, nhưng xem ra sự gắn bó giữa Người Việt và cộng đồng vẫn chặt chẽ như ngày nào. Tất cả những hiện tượng này, chúng ta sẽ tiếp tục cuộc khảo sát trong các bài tới. (Còn tiếp)

Chú thích:
(1) Thông Báo Biểu Tình Chống Báo Người Việt ngày 19 tháng 1 năm 2013, được phổ biến ngày 6 tháng 01, 2013 có đoạn nêu lý do:
“Gần đây Báo Người Việt lại công khai thách thức Người Việt Quốc Gia khi quảng bá rầm rộ là sẽ đứng ra phát hành cuốn tự truyện của tên cán binh Việt Cộng Nguyễn Huy Ðức, bóp méo lịch sử cận đại, gọi các tướng lãnh và quân dân miền Nam là ngụy quân, ngụy quyền ngõ hầu đề cao vai trò của ‘Bên Thắng Cuộc’ là bọn Cộng Sản Việt Nam để chạy tội buôn dân bán nước của bè lũ Cộng Sản Việt Nam và bọn tay sai nằm vùng.”
Ban tổ chức của cuộc biểu tình, như ghi trong thông báo, gồm có:
L.S. Nguyễn Xuân Nghĩa, chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Nam California; Ô. Nguyễn Long, chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Hạt Los Angeles; Ô. Phạm Ngọc Lượng, chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California; Ô. Trần Vệ, trung tâm trưởng Tập Thể Chiến Sĩ Trung Tâm Tây Nam Hoa Kỳ; Ô. Phan Kỳ Nhơn, chủ tịch Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai, Chống Tuyên Vận Cộng Sản; Ô. Phạm Hoàn, Ðoàn Biểu Tình Dân Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa.
(2) Câu chuyện của báo Le Monde như sau: Năm 1944 khi Tướng Charles De Gaulle giải phóng Paris thì tất cả báo chí tại Paris bấy giờ đều đã cộng tác với Ðức Quốc Xã trong thời gian Ðức chiếm đóng. Ông thấy cần có một tờ báo mới tại đây, và đề nghị với Henry Beuve-Mery, một nhà báo giàu kinh nghiệm đi theo phe kháng chiến, làm ngay một tờ nhật báo. Nhà báo Beuve-Mery nói mình không có tiền, De Gaulle cho biết quốc gia sẽ yểm trợ mọi thứ cần thiết. Và vậy là Beuve-Mery dựng lên tờ Le Monde, và tuyên bố: “Tôi không phải là chủ báo. Tờ báo này thuộc về tất cả những ai đã làm việc để gầy dựng lên nó.” Trường hợp Người Việt cũng vậy, không có một “ông chủ báo”, mà tất cả anh em làm nên nó đều là chủ.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=161064&zoneid=1

Báo Người Việt đối với cộng đồng người Việt (bài 2) Sunday, February 03, 2013 2:30:13 PM


Phạm Xuân Ðài


Trong bài 1, chúng tôi đã viết cộng đồng người Việt ở quận Cam và báo Người Việt đã xuất hiện hầu như cùng một lần và cùng tương tác nhau mà lớn lên. Từ sau 1975, nhiều người Việt Nam di tản ở các nơi khác nhau trên đất Mỹ dần dần tìm về miền đất ấm Nam California để định cư. Yếu tố khí hậu và có lẽ đời sống kinh tế nữa, quyết định hiện tượng này. Và từ đầu thập niên 1980, một làn sóng tị nạn khác đến với quận Cam, đó là “thuyền nhân”, những người vượt biên bằng thuyền được đưa vào nước Mỹ từ các trại Á Châu. Người ta ước lượng rằng cứ hai người tới Mỹ thì có một người định cư tại quận Cam. Tập thể người Việt tị nạn tại đây nhộn nhịp hẳn lên với sự bùng nổ của đời sống xã hội, đời sống kinh tế và cuối cùng, đời sống chính trị. Khác với đợt đến Mỹ từ 1975, những người vượt biển đã sống với chế độ cộng sản, có nhiều kinh nghiệm ê chề, biết thế nào là sự độc tài toàn trị, thậm chí nhiều người từng là tù nhân của chế độ đó. Một cộng đồng tị nạn thành hình, với một dáng dấp và tinh thần mới mẻ.

Nhà văn Hoàng Mai Ðạt, người đã đến sinh sống tại quận Cam từ giữa thập niên 1980 sau khi đã qua giai đoạn học hành và trưởng thành tại những địa phương khác của nước Mỹ, đã nhớ lại:

“Phố Bolsa có cả hàng trăm ngàn tấm lòng muốn tạo dựng, xây đắp một Việt Nam tự do ở hải ngoại. Mỗi người đóng góp một cách, không chắc giống nhau mà đều đi đến một hướng. Từ nỗ lực đặt tên Little Saigon, các đồng hương của tôi mỗi lúc một tự tin hơn tiếp tục những dự án thăng tiến, mang niềm hãnh diện về cho cộng đồng.”

Khi đồng bào đã đến đủ đông và công cuộc làm ăn tương đối ổn định, thì báo chí xuất hiện càng nhiều, để một mặt, tạo thức ăn tinh thần cho cộng đồng, mặt khác làm dịch vụ quảng cáo để thúc đẩy công việc làm ăn tiến lên, và chính người làm báo cũng sống được nhờ dịch vụ ấy. Nhà văn Hoàng Khởi Phong, một sĩ quan QLVNCH sang Mỹ từ 1975, đã quan sát làng báo của thời kỳ sơ khai ấy:

“Trong khoảng thời gian mười năm từ 1983 cho tới 1993, có lẽ không một ai có thể liệt kê tất cả những tờ báo ra đời và chết đi ở quận Cam. Nếu tính cả những đặc san của các trường trung, đại học, các nội san của các đoàn thể, hội đoàn, các quân binh chủng của QLVNCH, các hội đồng hương... thì con số lên tới vài trăm tờ báo. Nếu chỉ kể các tờ báo ra đời vì người chủ trương trước kia đã từng có thời gian qua lại với báo chí ở trong nước, và giờ đây trên xứ người không thể làm một công việc gì khác hơn là đi xin quảng cáo là động lực chính cho tờ báo ra đời, và cả những tờ báo của những người chưa bao giờ sinh hoạt báo chí, nhưng nghĩ rằng làm báo quá dễ với một cái kéo để cắt dán những bài báo của những tờ báo khác. Nói chung trong thời gian mười năm này vì sự phát triển thương mại của cộng đồng Việt Nam tăng trưởng nhanh một cách lạ lùng, con số các tờ báo sống vì quảng cáo đã có lúc lên tới năm, sáu chục tờ (...)Mỗi tờ báo có một vóc dáng riêng, và có nhiều tờ báo trông như một xấp quảng cáo đóng lại thành tập, lác đác trong tập quảng cáo đó thỉnh thoảng có một bài báo thường là cắt từ những tờ báo khác. Khi nền thương mại của cộng đồng Việt Nam đã ổn định, nhu cầu quảng cáo bớt đi, thế tất phải có những tờ báo đã đình bản.”

Trong cái cảnh trăm hoa đua nở như thế, nhật báo Người Việt tự khẳng định mình là tờ báo tử tế và chuyên nghiệp, được sự ủng hộ của đông đảo đồng bào trong cộng đồng. Tử tế vì có mục tiêu rõ rệt là phục vụ cộng đồng, với ý thức rằng cộng đồng Việt Nam tị nạn tại Nam California cần có một tiếng nói xứng đáng bên cạnh những cộng đồng bạn như Ðại Hàn, Trung Hoa, Nhật Bản... Và muốn thế, phải làm báo một cách chuyên nghiệp, nghĩa là thông tin trung thực, mau chóng, bình luận xác đáng, bài vở phong phú. Không phải tình cờ mà báo Người Việt được một số các tờ báo khác cùng TV và radio Việt ngữ trong vùng “chiếu cố” rất kỹ trong việc “cắt dán,” nghĩa là chẳng cần tìm kiếm tin tức gì cả, chỉ việc lôi tờ Người Việt ra xem có tin tức bài vở gì mà mình thích thì cứ dùng kéo cắt nguyên bài rồi dán vào tờ báo của mình. Nhưng có những tờ báo khác, đặc biệt ở những địa phương xa với vùng quận Cam, thì lại đặt mua những bản tin do Người Việt sản xuất hàng ngày. Muốn thực hiện dịch vụ này, bắt buộc Người Việt phải có đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, có khả năng dịch thuật hoặc tự mình đi săn tin tức.

Ðó là về mặt chuyên môn làm báo. Về một mặt khác, thì từ khi có báo quán rộng rãi trên đường Moran, phòng sinh hoạt của báo Người Việt đã là nơi tổ chức nhiều sinh hoạt của cộng đồng. Thoạt tiên đó là nơi hội họp để bàn về nhiều vấn đề của cộng đồng, nhưng theo thời gian, các sinh hoạt có tính cách văn học nghệ thuật được tổ chức thường xuyên hơn để đáp ứng nhu cầu tinh thần của đồng bào. Những buổi ra mắt sách, những lần triển lãm tranh, những buổi trình diễn âm nhạc ở quy mô nhỏ, hoặc thuyết trình, hội thảo về các vấn đề chính trị, văn học, lịch sử, v.v... được tổ chức khá thường xuyên, vì thế cứ vài ba năm phòng sinh hoạt lại có nhu cầu được sửa chữa, nâng cấp, thêm dụng cụ âm thanh ánh sáng và nhiều phương tiện khác. Sẽ không quá đáng, nếu nói trong một thời, phòng sinh hoạt của Người Việt đóng vai trò như là phòng sinh hoạt của cộng đồng.

Báo Người Việt, như thế, dần dần kiện toàn và trở nên một cơ quan truyền thông có uy tín, được sự tin cậy của đồng hương. Tin cậy về mặt thông tin, bài vở, số người đọc báo ngày càng tăng, số in phải tăng theo. Tin cậy về mặt thương mại, các cơ sở làm ăn thấy có hiệu quả tốt nếu đăng quảng cáo trên báo Người Việt. Ðó là sự tương tác theo đúng quy luật phát triển. Sự tin cậy chỉ có khi có sản phẩm tốt, đáp ứng đúng nhu cầu. Quảng cáo có nhiều loại, có khi lớn cả trang, có khi nửa trang, rồi 1/4, 1/8, v.v... nhưng có một vùng rất đặc biệt, đó là những quảng cáo li ti, nằm trong một mục gọi là Rao Vặt. Hãy xem trang Rao Vặt của Người Việt: Nếu chịu khó đọc kỹ tất cả các mục rao trong đó, chúng ta tạm có một khái niệm về rất nhiều sinh hoạt làm ăn của người Việt Nam tị nạn tại địa phương. Có thể nói Rao Vặt chính là bộ mặt của các hoạt động vô cùng phong phú của vô số ngành nghề trong cộng đồng, mà mặc dù ở cùng cộng đồng hàng chục năm, một người không thể nào biết hết được. Nhưng khi cần thì giở mục Rao Vặt ra, hầu như cái gì cũng có. Bạn cần mua một chiếc xe cũ, vừa túi tiền của mình? Rao Vặt sẽ cho bạn biết hàng chục, có khi hàng trăm chiếc, đủ mọi hiệu, đủ mọi giá. Bạn cần mướn nhà, apartment, hoặc thậm chí chỉ “share” một phòng? Rao Vặt sẽ có đủ mọi loại, mọi giá, ở khắp mọi vùng địa lý trong vùng. Bạn là thợ nail cần việc làm? Rao Vặt sẽ cho bạn một số điện thoại để liên lạc ngay lập tức. Nhưng có nhiều món bạn phải có tờ báo ngay lúc báo mới phát hành lúc 5 giờ sáng thì mới kịp chọn đúng cái rẻ nhất, tốt nhất theo ý mình muốn, vì nhiều người cũng đang có nhu cầu giống như bạn. Nếu ví von đó là một cái chợ, theo cách người Việt Nam thường nghĩ, thì có lẽ cũng không sai.

Không thể kể hết mức độ phong phú của cả một “thị trường” có thể gọi là rộng lớn của mấy trăm nghìn người Việt Nam vùng Nam California. Bạn thử đoán trung bình một ngày có bao nhiêu lời “rao” trong mục Rao Vặt báo Người Việt? Thưa: 1,600. Dĩ nhiên không ai trong một ngày có thể đọc hết trên dưới 10 trang rao như thế, nhưng khi cần, ví dụ, giặt thảm, sửa ống cống, xe đưa đi phi trường, sửa tủ lạnh, v.v... chỉ cần xem đúng cái mục mình cần là giải quyết ngay nhu cầu. Mà không chỉ những cái cần thiết cụ thể trong đời sống, nếu bạn có một nhu cầu nào đó về tâm linh chẳng hạn, cũng có luôn, nếu muốn bạn cứ theo đó mà cầu nguyện. Cả những nhu cầu hơi... xa hoa một chút, “muốn thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhọc” chẳng hạn, bạn có ngay một dọc số điện thoại để gọi. Tin tức, bài vở đem lại nhu cầu thông tin hiểu biết ở trình độ cao và đáng tin cậy cho mọi người, đó là việc qua nhiều năm tháng đã được khẳng định. Nhưng ngoài ra, sự tiện lợi mà báo Người Việt mang lại cho đời sống thường ngày của mọi người trong cộng đồng thì rất rõ ràng, đến nỗi có thể nói, nó không thể vắng mặt, dù cho chỉ một ngày.

Có thể nói, tin tức, bài vở đủ loại cộng với quảng cáo trên báo Người Việt, đặc biệt những trang Rao Vặt, là cả một bộ mặt xã hội thể hiện trên trang giấy. Chúng ta thử tưởng tượng, nhiều chục năm, hoặc nhiều trăm năm sau, một sinh viên muốn nghiên cứu đời sống của cộng đồng người Việt Nam đầu tiên tại quận Cam, Nam California, thì tài liệu gì sẽ giúp nhiều nhất cho sinh viên ấy? Tôi nghĩ đó sẽ là tờ báo Người Việt, lúc bấy giờ đã trở thành những trang giấy vàng úa nằm trong thư viện, nhưng qua đó, người của các thế hệ sau sẽ tìm thấy ông bà họ, trong những đợt di dân đầu tiên tới đây, đã tổ chức cộng đồng ra sao, làm ăn sinh sống thế nào... Có thể có những nghề hoặc những loại sinh hoạt bây giờ trong tương lai không còn nữa, hoặc đã biến dạng đi, và đó sẽ là những đề tài vô cùng thú vị cho sự nghiên cứu của con cháu chúng ta. Tờ báo Người Việt sẽ giúp đỡ họ rất nhiều.

Sự tưởng tượng này cộng với thực tế của bây giờ sẽ nói lên sự tin cậy hai chiều giữa báo Người Việt và cộng đồng người Việt Nam tị nạn tại miền Nam California, nhất là vùng quận Cam. Sự tin cậy chỉ có khi người ta hiểu rõ phẩm chất của nhau. Dù ai có nói ngả nói nghiêng thì sự tin cậy ấy vẫn vững như kiềng ba chân. Ðó là đề tài sẽ phân tích trong bài tới.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=161362&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten