zondag 7 oktober 2012

Cuộc đời tù đày và đấu tranh của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện

Cuộc đời tù đày và đấu tranh của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện
October 05, 2012
Trần Bình Nam



Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện qua đời tại bệnh viện Western Medical Center tại Santa Ana sáng sớm ngày 2 tháng 10 năm 2012. Anh ra đi khi trời hừng sáng, bình an như sự lựa chọn của anh.

Tôi đến thăm anh ngày 1 tháng 10. Bên giường bệnh là nhà báo Trần Phong Vũ. Anh Vũ cho biết dường như anh Nguyễn Chí Thiện bị ung thư phổi. Và bác sĩ đã báo cho anh Thiện triệu chứng nhưng anh không tiến hành chữa trị. Anh có sự lựa chọn của một người cao niên biết bị bệnh hiểm. Trên giường bệnh trắng tinh anh nằm im, nước da hồng hào, trán ấm, thở dưỡng khí, không trao đổi được bằng lời nhưng đôi mắt tinh anh cho biết anh còn nhận được anh em.

Thật buồn và thật là một mất mát lớn. Cái dũng khí, cái nhìn lớn của anh Nguyễn Chí Thiện là một thứ quý hiếm lịch sự Việt Nam không phải lúc nào cũng có.

Theo các tài liệu, anh Nguyễn Chí Thiện sinh năm 1939 tại phố Hàng Bột Hà Nội, sau về Hải Phòng sinh sống. Năm 1958 nhân dính líu với vụ Nhân Văn Giai Phẩm anh bị tù 2 năm. Năm 1961 anh lại bị bắt vì tham gia nhóm Ðoàn Kết. Ra tù anh Nguyễn Chí Thiện vẫn tiếp tục các hoạt động chống đảng Cộng Sản. Năm 1965 anh bị bắt lại và lần này bị giam 13 năm qua các trại tù nằm dọc sông Hồng Hà.

Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, năm 1978 Nguyễn Chí Thiện được phóng thích và trả về Hải Phòng. Anh làm nghề kèm trẻ tại tư gia để sống. Mẹ anh mất năm 1970, bố anh mất vài năm sau đó.

Nguyễn Chí Thiện được thế giới bên ngoài biết đến qua tập thơ mang nhiều tên như “Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực,” “Hoa Ðịa Ngục” anh âm thầm làm trong những năm tù đày. Ngày 2 tháng 4, 1979 anh lần mò lên Hà Nội, quẳng tập thơ vào khuôn viên tòa Ðại Sứ Anh. Anh bị bắt.

Do sự can thiệp của Hội Văn Bút Quốc Tế, Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và cộng đồng người Việt tị nạn, năm 1990 anh được trả tự do. Cuối năm 1995, sau khi thiết lập bang giao với Hoa Kỳ, Hà Nội cho phép anh sang định cư tại Hoa Kỳ dựa vào thủ tục bảo lãnh của người anh ruột nguyên là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Tập thơ của anh được chính phủ Anh giao lại cho cộng đồng Việt Nam và nội dung của nó đã tạo nên một xúc động chưa từng có. Tập thơ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nó chứa đựng mặt thật của chủ nghĩa cộng sản và chế độ mang tên nó tại Việt Nam. Tập thơ cũng chứa đựng những tiên đoán chính xác về sự suy tàn của chủ nghĩa, và sự yếu kém của thế giới trước sức mạnh yêu ma của chủ nghĩa cộng sản, nhất là sự hoang tưởng của một số trí thức và triết gia phương Tây.

Hôm nay Nguyễn Chí Thiện đã nằm xuống, chúng ta hãy ngoảnh nhìn cuộc đời của anh để ghi lại những kỳ tích của một cuộc đời đấu tranh chống bạo tàn hiếm có.

Năm 16 tuổi khi quân đội của ông Hồ Chí Minh vào tiếp thu thành phố Hà Nội, anh viết:



Ngày ấy tuy xa mà như còn đấy

Tuổi hai mươi tuổi bước vào đời

Hồn lộng cao, gió thổi chơi vơi

Bốn phía bao la chỉ thấy

Chân mây rộng mở tuyệt vời

(Ðồng Lầy - 1972)



Nhưng Nguyễn Chí Thiện đã nhanh chóng nhận thấy sự tráo trở bất lương của người cộng sản:



Bùn đọng hồ ao mạn dưới phục chờ

Tuổi hai mươi tuổi của không ngờ

Không sợ!

(Ðồng Lầy - 1972)



Chiến dịch cải cách ruộng đất đã biến Việt Nam thành một đấu tố trường đầy máu và nước mắt:



Ngàn vạn đấu trường mọc dậy giữa ban mai

............

Bãi sú, bờ lau, rừng rú

Thây người vun bón nuôi cây

Ðạo lý tối cao của xứ đồng lầy

Là lừa thầy phản bạn

Và tuyệt đối trung thành với vô hạn

Với đảng, với đoàn, với lãnh tụ thiêng liêng

(Ðồng Lầy - 1972)



Nhận thức của Nguyễn Chí Thiện đã đưa anh vào tù năm 1958 và ra vào nhiều lần tổng cộng 30 năm. Nhưng lao tù không khuất phục được anh:



Dù đời ta sa đáy vực khổ oan

Cũng được, miễn là thoát ra khỏi đó

Ðời ta sẽ tự do như gió

Mang lời ca tha thiết tâm can

(Dù Ðời Ta - 1973)



Nguyễn Chí Thiện không tin tưởng suông. Anh tin tưởng các chế độ cộng sản sẽ sụp đổ với một luận cứ vững chắc không khác gì 4 thế kỷ trước nhà khoa học Galileo người Ý đã tin quả đất tròn dù phải bị xử tội chết. Nguyễn Chí Thiện nhắn với đảng cộng sản:



Người nhô lên trong cơn động đất nhất thời

Thì rồi cũng có thể nhất thời

Người chìm trọn trong những cơn động đất

(Núi - 1973)



Lời tiên đoán của anh đã xẩy ra 17 năm sau khi hàng loạt các nước cộng sản Ðông Âu rồi đến Liên Xô, thành trì của chủ nghĩa xã hội sụp đổ.

Năm 1975 khi được tin cộng sản Hà Nội chiếm trọn miền Nam, Hoa Kỳ rút quân, cả thế giới cúi đầu nhục nhã, Nguyễn Chí Thiện đang bị giam tại nhà tù Phong Quang Lào Kay bình tĩnh viết:



Khi Mỹ chạy bỏ miền Nam cho cộng sản

Sức mạnh toàn cầu nhục nhã kêu than

Giữa lao tù bệnh hoạn cơ hàn

Thơ vẫn bắn, và thừa dư sức đạn!

Vì thơ biết một ngày mai xa xôi nhưng xán lạn

Không dành cho thế lực yêu gian

(Khi Mỹ Chạy - 1975)



Anh khuyên thế giới đừng sợ hãi và mất lòng tin:



Ðừng sợ cái cực kỳ man rợ

Dù nó đương thời rông rỡ nơi nơi

Phải vững tin vào bước tiến con người

(Ðừng Sợ - 1975)



Nhưng trong trí óc tuyệt vời và nhân bản của anh, Nguyễn Chí Thiện vẫn mường tượng một tiến trình sụp đổ trong hòa bình, một điều không một nhà chính trị lớn nào trên thế giới dám tiên đoán cho mãi đến năm 1989. Năm 1971 khi đang bị giam tại nhà lao Phú Thọ, anh đã làm bài thơ “Sẽ Có Một Ngày” bất hủ:



Sẽ có một ngày con người hôm nay

Vất súng vất cùm, vất cờ, vất đảng

Ðội lại khăn tang, quay ngang vòng nạng

Oan khiên!

Về với miếu đường mồ mả gia tiên

Mấy chục năm trời bức bách lãng quên

Bao hận thù độc địa dấy lên

Theo hương khói êm lan, tan về cao rộng

Tất cả bị lùa qua cơn ác mộng

Kẻ lọc lừa kẻ bạo lực xô chân

Sống sót về đây an nhờ phúc phận

Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân

Ðứng bên nhau trong mất mát quây quần

Kẻ bùi ngùi hối hận

Kẻ bồi hồi kính cẩn

Ðặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông

Khai sáng kỷ nguyên tả trắng thắng cờ hồng

Tiếng sáo mục đồng êm ả

Tình quê tha thiết ngân nga

Thay tiếng “Tiến Quân ca”

Và “Quốc Tế ca”

Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la!

(Sẽ Có Một Ngày - 1971)



Hôm nay Nguyễn Chí Thiện đã vĩnh viễn rời chúng ta, nhưng tinh thần anh vẫn còn đây: trong sáng, kiên quyết, nhìn xa, nhân bản giữa đại nạn của nhân loại và của đất nước không may vẫn còn đầy chia rẽ của chúng ta.

Anh Nguyễn Chí Thiện! Anh đi như một vì sao chợt tắt. Nhưng ánh sáng xẹt trên nền trời vẫn còn ôm ấp, an ủi và nuôi dưỡng lòng tin của dân tộc Việt Nam.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=155964&zoneid=271

Tiễn đưa thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đến nơi an nghỉ cuối cùng
October 06, 2012

Tác giả ‘Hoa Ðịa Ngục’ về cõi thiên đàng





Ngọc Lan/Người Việt



SANTA ANA (NV) - Ðông đảo bạn bè, đồng hương, những người mến mộ ý chí của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, đã cùng thân nhân ông có mặt tại nhà thờ Ðức Mẹ La Vang vào sáng sớm Thứ Bảy, 6 tháng 10, để tham dự lễ di quan người thi sĩ-ngục sĩ này.

Linh cữu thi sĩ Nguyễn Chí Thiện được gia đình và bạn hữu đưa đến nhà quàn Melrose Abbey ở thành phố Anaheim để hỏa thiêu. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Theo chương trình, thánh lễ di quan bắt đầu từ lúc 8 giờ, nhưng nhiều người đến sớm hơn để còn kịp nhìn thấy gương mặt nhà thơ lần cuối, trước khi nắp quan tài được đóng lại.

Túc trực bên di hài nhà thơ là vợ chồng ông Nguyễn Công Giân, anh trai nhà thơ, và những bằng hữu thuộc Diễn Ðàn Giáo Dân.

Linh Mục Nguyễn Văn Luân, giám quản nhà thờ Ðức Mẹ La Vang, làm chủ tế cho thánh lễ này.

Ở tận Oxnard, cách nơi diễn ra đám tang hơn một tiếng rưỡi lái xe, ông Nguyễn Hoàng Thành, ngoài 70 tuổi, đến dự tang lễ nhà thơ Nguyễn Chí Thiện vì lòng “ái mộ” nhân cách của người đã khuất.

Ông Thành cho biết: “Tôi là người tị nạn cộng sản, ông Thiện cũng là nạn nhân của cộng sản, là người chống Cộng từ bao năm nay, bị tù đày nhưng không bao giờ ông khuất phục trước mọi sự đàn áp. Tôi ái mộ những người có ý chí như ông, và từ sự ái mộ đó mà tôi đến đây dự tang lễ, dù tôi với ông Nguyễn Chí Thiện không hề quen biết.”

Ðó cũng là tâm tình của anh Nguyễn Thiên Thanh, ở thành phố Westminster. Bỏ qua những thú vui thường có vào mỗi sáng Thứ Bảy hàng tuần, anh Thanh dành thời gian đến viếng nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, chỉ vì một lẽ duy nhất: “Tôi kính phục những người như ông.”

Ðứng nơi cuối giáo đường nhà thờ, ông Sơn Trần, ở thành phố Stanton, người “chỉ biết anh Nguyễn Chí Thiện qua báo đài” nhưng ông vẫn dành thời gian đến “để đưa tiễn linh hồn anh lần cuối” vì “tôi cảm thấy mến phục ảnh vì ảnh là một con người đã sống trong 'đất địch' nhưng lại dám nói lên nỗi lòng, nói lên sự bạo tàn của chế độ cộng sản. Tôi không được như anh, nên tôi rất mến phục anh.”

Ngoài gia đình người anh trai là Nguyễn Công Giân ở tiểu bang Virginia, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện không có gia đình nhỏ của riêng mình. Ông chỉ có tình thương, sự quan tâm chăm sóc của những người bạn, những người bằng hữu, những người yêu mến, kính phục tài năng và nhân cách của ông.

Và họ mang những tâm tình đó đến viếng ông, tiễn đưa ông, đầy thánh đường Ðức Mẹ La Vang.

Sau nghi lễ tại nhà thờ, linh cữu nhà thơ Nguyễn Chí Thiện được đưa đến nhà quàn Melrose Abbey ở thành phố Anaheim để hỏa thiêu.

Tại đây, lần cuối cùng, những lời tiếc thương, bày tỏ sự kính trọng về thi sĩ Nguyễn Chí Thiện của những người thân sơ, một lần nữa được đọc lên.

Có mặt trong tang lễ cũng như theo linh cữu nhà thơ ra nhà quàn là bà Jean Libby đến từ San Jose. Bà Libby là một giáo sư đại học về hưu, là người bạn, cũng là người giúp thi sĩ Nguyễn Chí Thiện “đưa thơ văn ông ra thế giới rộng lớn.”

Nói chuyện với phóng viên Người Việt, bà Libby cho biết: “Tháng 10 năm 2004, tôi mời ông Thiện đến nói chuyện tại một buổi hội thảo tại trường đại học tôi đang dạy, để nói rõ hơn về lịch sử Việt Nam, chiến tranh Việt Nam, chế độ cộng sản Việt Nam mà trong những quyển sách ở California đã không nói rõ và nói đúng.”

Thoạt đầu, theo lời bà Libby, bà không có ý định phiên dịch thơ văn Nguyễn Chí Thiện ra tiếng Việt vì “tôi không biết tiếng Việt.”

“Nhưng trong lần gặp gỡ đó, ông đề nghị tôi giúp ông mang thơ văn ông đến với thế giới rộng hơn và tôi đồng ý.” Bà Libby kể.

Bà nói trong sự xúc động, “Ông Thiện đã dạy tôi nhiều điều từ trong thơ, trong những gì ông viết. Tôi vẫn còn học thêm nhiều điều nữa từ những tác phẩm ông để lại.”

Có mặt trong những giờ phút sau cùng của tang lễ là cô Anh Trần, cũng đến từ San Jose. Theo lời Anh Trần, cô quen biết nhà thơ từ 15 năm nay, khi còn nhỏ xíu, do “mỗi lần đến San Jose là bác Thiện ở nhà của ba má em.”

Anh Trần nói bằng tiếng Việt xen tiếng Mỹ của những người trẻ lớn lên tại Hoa Kỳ: “Em biết bác Thiện cũng 15 năm rồi. Mỗi lần nói chuyện, bác Thiện đều dạy cho em về Việt Nam, về những tập tục cổ truyền Việt Nam, chia sẻ với em rất nhiều những câu chuyện của bác trong thời gian ở tù, nói cho em nghe nhiều điều không có trong sách vở. Những lần nói chuyện với bác Thiện, em học được nhiều thứ lắm.” Cô gái bật khóc.

Những nén nhang cuối cùng trước giờ hỏa thiêu nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Ðúng 10:45 phút sáng, linh cữu nhà thơ Nguyễn Chí Thiện được bạn hữu đưa vào lò hỏa táng. Anh trai nhà thơ, và cả nhà văn Trần Phong Vũ, người đã vuốt mắt lần cuối cho nhà thơ, đều từ chối làm công việc nhấn nút khai hỏa lò thiêu. Có lẽ, như một người có mặt trong đám tang đã nói: “Không mấy ai có thể làm công việc đau đớn đó được.” Nhân viên nhà quàn thực hiện trách nhiệm này, thay cho tất cả.

Trời đầu Thu không chói nắng, cũng không u ám. Dịu nhẹ cơn gió đưa ông, thi sĩ-ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện, về nơi thanh thản nhất.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=156038&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten