donderdag 18 oktober 2012

Hiện đại hóa quân sự hay chạy đua võ trang ở ĐNÁ

Hiện đại hóa quân sự hay chạy đua võ trang ở ĐNÁ

2012-10-17
Hiện nay, giữa lúc Trung Quốc tiếp tục đe dọa Biển Đông, trong khi khu vực này nói chung hưng thịnh kinh tế, thì các nước ĐNÁ nhân tiện gia tăng đáng kể chi phí quân sự.
AFP photo
Tàu sân bay của Trung Quốc Liêu Ninh neo tại một cảng ở thành phố Đại Liên, đông bắc Trung Quốc ngày 07 tháng 10 năm 2012.

Gia tăng chi phí quốc phòng

Hồi tháng Tư vừa rồi, ông Trần Hướng Dương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính trị Thế giới của Trung Quốc, qua tạp chí Global Research, nêu lên câu hỏi rằng "Hiện có phải là một cuộc chạy đua võ trang mới ?", và khẳng định ngay rằng "Chính Hoa Kỳ gây nên tình trạng chi tiêu võ trang khổng lồ tại Á Châu". Theo chuyên gia họ Trần, nỗ lực mới của Hoa Kỳ củng cố và bố trí lại quân đội tại vùng Á châu-TBD không những làm trầm trọng thêm tình hình quân sự căng thẳng trong vùng mà còn dẫn tới sự nghi kỵ và thậm chí chạm trán nhau giữa các nước Á Châu, làm tăng thêm mức chi tiêu quân sự trong khu vực.
Nhưng Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược trụ sở tại Anh, khi đề cập tới cuộc chạy đua võ trang giữa một bên là TQ với bên kia là các xứ láng giềng, đã khẳng định rằng chính do việc Bắc Kinh gia tăng chi phí quân sự gấp nhiều lần đã gây quan ngại và khiến cho những lân quốc phải tăng chi phí quốc phòng để bảo vệ quyền lợi quốc gia của họ.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ở Thụy Điển cũng đề cập tới chuyện khu vực Á Châu trở thành nơi nhập võ khí đáng kể phát xuất từ mối đe dọa của Hoa Lục.
Khi đề cập tới sự trỗi dậy của TQ và vấn đề an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, GS Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc lưu ý rằng việc nhanh chóng hiện đại hóa quân đội của TQ cùng với hành vi quyết đoán của Bắc Kinh tại ĐNÁ đã tạo nên tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh của các nước trong khu vực. Điều đó đã dẫn tới việc nhiều nước ĐNÁ tự tiến hành các chương trình hiện đại hóa lực lượng nhằm phát triển khả năng tự vệ của mình.
Lên tiếng nhân chuyến công du Á Châu mới đây, Tổng trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta cảnh báo rằng TQ và những lân quốc Á Châu rốt cuộc có thể lâm chiến vì tranh chấp lãnh hải nếu điều ông gọi là "hành vi khiêu khích" trong khu vực cứ tiếp diễn.
Ký giả John O'Callaghan tại Singapore thuộc hãng thông tấn Reuters nhận định rằng phát xuất từ việc cảnh giác trước một TQ gây hấn, cũng như nhờ sự thành công kinh tế Đông Nam Á, mà các nước trong khu vực gia tăng mua võ khí, chiến cụ để bảo vệ các thủy lộ, hải cảng cùng ranh giới lãnh hải vốn thiết yếu cho hoạt động xuất khẩu và việc vận chuyển năng lượng của họ.
Khu vực ĐNÁ hiện là nơi chi phí quân sự ở mức độ nhanh nhất thế giới khi hồi năm ngoái, số liệu của Viện Nghiên cứu Quốc tế Stokholm cho biết, nguồn chi phí quân sự của các nước trong khu vực tổng cộng là 24 tỷ rưỡi đô la, và có thể tăng lên tới 40 tỷ đô la vào năm 2016. Và Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược lưu ý rằng lần đầu tiên, ít ra cũng trong giai đoạn lịch sử hiện đại, mức chi tiêu quân sự tại Á Châu đang trên đà qua mặt Âu Châu.
Qua bài tựa đề tạm hiểu "Chi tiêu quân sự tại vùng Đông Nam Á", tạp chí The Economist ở Anh nêu lên câu hỏi rằng các nước trong khu vực mua nhiều loại võ khí, điều này có được xem như là một cuộc chạy đua võ trang không?
Theo chuyên gia cao cấp Bill Edgar của tuần san quốc phòng IHS Jane's thì đây không phải là một cuộc chay đua võ trang "chiến lược", mà chỉ là canh tân quân sự mà thôi.
Tại Hội nghị Quốc tế Đối thoại Quốc phòng diễn ra ở Jakarta cách nay không lâu, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono khẳng định rằng việc tăng chi quốc phòng ở ĐNÁ phải được xem như là một phần trong tiến trình hiện đại hóa quân sự, chứ không phải chạy đua võ trang.

Đối phó với Trung Quốc

000_Was6980257-200.jpg
Hai chiến đấu cơ F18 bay theo đội hình với hai chiếc Sukhoi Su-30 từ lực lượng không quân Hoàng gia Malaysia phía trên tàu sân bay George Washington hôm 15 tháng 10 năm 2012 ở biển Đông. AFp photo
Giáo sư Renato Cruz De Castro dạy môn Bang giao Quốc tế tại Đại học De la Salle ở Philippines lên tiếng với Đài ACTD cách nay ít lâu, cũng trong chiều hướng đó:
GS De Castro cho rằng ông quả thực không thấy một cuộc chạy đua võ trang ở đây, mà những gì đang diễn ra chỉ là sự hiện đại hóa quân đội của các nước ĐNÁ.
Sau khi cho rằng phần lớn những nước trong vùng xem chừng như thừa dịp kinh tế thành công mà xúc tiến hiện đại hóa võ khí chiến cụ của họ, tạp chí The Economist nhận định là mối quan ngại chiến lược ngày càng lớn đang đến với bất kỳ nước nào có tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, nơi lập trường quyết đoán của TQ đã gây nên sự gia tăng về chi tiêu quốc phòng, chẳng hạn như trường hợp VN. VN đã đặt mua 6 tàu ngầm loại Kilo của Nga, đang mua khoảng 7 tiểu hạm mới cùng hộ tống hạm trong thập niên tới. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc cho biết:
Rằng VN lựa chọn khá thành công chiến lược ngăn chống xâm nhập lãnh hải. Tàu ngầm Kilo là loại quy ước và cực kỳ êm nhẹ, không gây tiếng động trong khi TQ lại yếu kém trong chiến thuật chống tàu ngầm. Một khi VN đưa loại tàu này vào hoạt động thì bất kỳ lúc nào mà TQ xua chiến hạm xuống vùng lãnh hải của VN thì họ phải tính đến một thực tế là tàu ngầm của VN đang phục kích đâu đó. Vẫn theo GS Carl Thayer, trong trường hợp xảy ra xung đột hạn chế thì VN có thể gây tổn thất nặng nề cho phía TQ.
Trong nhiều thập niên qua, hầu hết các nước ĐNÁ chi phí không bao nhiêu cho vấn đề võ khí ngoài các loại súng ống và chiến xa tầm thường, vì Hoa Kỳ được xem là ô dù đủ sức ngăn chận mọi cuộc xâm lược từ bên ngoài khu vực. Nhưng hiện giờ, theo Giám đốc Điều hành Tim Huxley đặc trách Á Châu thuộc Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược, danh sách võ khí, chiến cụ hàng đầu của ĐNÁ là tàu ngầm vốn có khả năng gây thiệt hại nặng cho đối phương một cách bất ngờ, khó phát hiện và có thể phát xuất từ bất cứ nơi nào trong khu vực. Ngoài ra, chiến hạm, tàu tuần, chiến đấu cơ, phi đạn chống chiến hạm, hệ thống radar cũng thuộc hàng đầu trong danh sách mà các nước ĐNÁ nhắm tới.
Chuyên gia cao cấp Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu ĐNÁ cũng đề cập tới nỗ lực xúc tiến khả năng ngăn chận của VN, cho rằng các nước ĐNÁ không bao giờ có thể tương xứng nổi TQ về việc hiện đại hóa quốc phòng, nhưng nếu Bắc Kinh thực sự tấn công VN, thì VN ít ra cũng có thể gây ít nhiều tổn thất nặng cho TQ.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết trong giai đoạn từ 2007 tới 2011, 97% lượng võ khí quan trọng của VN là mua từ Nga, kể cả tiểu hạm, chiến đấu cơ và hệ thống phi đạn. Nhưng hiện giờ VN đang ra sức đa dạng hóa kho võ khí, chiến cụ của mình qua những cuộc thương lượng với Hoa Kỳ và Hòa Lan.
Chủ bút James Hardy đặc trách về Á châu-TBD của tuần sau Quốc phòng IHS Janes' cho biết khuynh hướng quốc phòng lớn nhất hiện nay trong khu vực là chú trọng tới hoạt động dọ thám, tuần tra hàng hải, duyên hải.
Indonesia đang mua tàu ngầm của Nam Hàn cùng hệ thống radar theo dõi vùng duyên hải do TQ và Hoa Kỳ chế tạo. Singapore - nước nhập cảng võ khí nhiều thứ 5 trên thế giới - đang bổ sung kho võ khí hiện đại của họ. Malaysia, Brunei và Philippines cũng ra sức tăng cường khả năng quốc phòng để ứng phó với thế mạnh hải quân gia tăng của TQ. Thái Lan giờ cũng đặc biệt chú trọng tới an ninh hàng hải.
Nói chung, hầu hết các nước ĐNÁ có vị trí địa dư ven biển, nên chú trọng tới việc phòng thủ dựa vào hải quân và không quân.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/military-modern-or-arme-race-tq-10172012160327.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten