maandag 22 oktober 2012

Các băng đảng Mafia đang tấn công nước Pháp

22 Tháng Mười 2012

Các băng đảng Mafia đang tấn công nước Pháp

Cảnh sát đã tịch thu tại Pháp hàng triệu euros tiền mặt từ các dịch vụ buôn bán phi pháp (youtube.com)
Cảnh sát đã tịch thu tại Pháp hàng triệu euros tiền mặt từ các dịch vụ buôn bán phi pháp (youtube.com)

Anh Vũ
Thực trạng an ninh của nước Pháp thời gian gần đây đã ở mức độ đáng báo động. Những vụ phạm tội sử dụng vũ khí ám sát, thanh toán lẫn nhau hay tấn công lại lực lượng an ninh diễn ra với mật độ ngày càng nhiều. Le Figaro dành cả trang cho đề tài này với hàng tựa cảnh báo «Các băng đảng mafia tấn công nước Pháp».

Trích dẫn báo cáo của cảnh sát tư Pháp về tình trạng tội phạm tại Pháp, Le Figaro cho thấy sư gia tăng mạnh những băng nhóm tội phạm hoạt động trong các khu phố nhạy cảm cũng như việc các nhóm tội phạm người nước ngoài cắm chân tại Pháp ngày càng nhiều. Báo cáo của cảnh sát Pháp còn cho thấy tại Pháp đã hình thành những mạng lưới mafia người Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc đến từ châu Phi. Hoạt động liên quan đến buôn bán ma túy mỗi năm mang lại 2 tỷ đô la cho các băng đảng tội phạm.
Báo cáo dày 93 trang phác họa được chân dung của các gia đình tội phạm đang đe dọa tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và an ninh quốc nội của Pháp. Đây là một tài liệu thuộc loại mật của bộ phận phòng chống mafia của cảnh sát Pháp được cơ quan tình báo nội địa và phân tích tội phạm có tổ chức công bố.
Le Figaro tóm lược, các nhóm tội phạm tại Pháp hiện chủ yếu họat động buôn bán ma túy, làm tiền giả, thanh tóan lẫn nhau, dùng vũ khí trấn lột…. Riêng trong năm 2011, cảnh sát tư pháp đã ghi nhận có 28 770 vụ phạm tội như vậy, đó là chưa kể đến không ít các vụ mà mức độ nghiêm trọng chưa phải là lớn.
Các nhà phân tích cho biết, giờ đây không còn tồn tại khái niệm « mafia Pháp » theo đúng nghĩa đen của nó, nhưng thực tế lại xuất hiện nhiều tổ chức tội phạm với quy mô thu nhỏ, chuyên môn hóa cao và mức độ nguy hiểm cũng lớn hơn.
Bên cạnh các tổ chức tội phạm truyền thống ở Pháp như băng nhóm đảo Corse, Marseille….các nhà phân tích của cơ quan chức năng Pháp lưu ý là tình trạng « gia tăng mạnh mẽ một thế hệ tội phạm mới xuất thân từ các khu phố nhạy cảm », tức các khu phố nghèo. Bên cạnh đó là việc các mạng lưới mafia nước ngoài như của Nga, Ý, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đang có chiều hướng cắm chân sâu vào nhiều địa bàn trong nước, đặc biệt là khu vực Paris và vùng bờ biển Côte d’Azur, miền đông nam nước Pháp. Hoạt động chủ yếu của các băng đảng chủ yếu liên quan đến ma túy. Các nhóm mafia ngoại quốc liên kết với các nhóm tội phạm địa phương, khu phố để vận chuyển ma túy từ Bỉ, Hà Lan và Đức về Pháp tiêu thụ.
Ngoài buôn bán ma túy, các hoạt động làm tiền giả, giấy tờ giả, lừa đảo, dẫn gái mãi dâm cũng đang phát triển mạnh và đều nằm dưới sự kiểm soát của các băng đảng tội phạm có tổ chức.
Tội phạm có tổ chức đang là một thách thức lớn cho an ninh của nước Pháp, nhưng cảnh sát Pháp phải nhìn xa hơn như là một thách thức ở tầm quốc tế. Le Figaro còn điểm mặt « 5 tổ chức tội phạm nước ngoài được đặt dưới sự giám sát cao » của cảnh sát Pháp và những lĩnh vực họat động của từng nhóm đối tượng.
Các nhóm mafia Ý giờ đây quan tâm đến lĩnh vực « năng lượng sạch » để biển thủ một khối lượng lớn nguồn tiền trợ cấp của châu Âu cho khu vực kinh tế này. Cách thức của các băng đảng mafia này là « xâm nhập vào cơ quan quản lý chính quyền để có thể gây áp lực ảnh hưởng trong việc triển khai các dự án năng lượng».
Còn các nhóm mafia Thổ Nhĩ Kỳ lại là những nhà vô địch về vận chuyển người nhập cư bất hợp pháp. Các đường dây của Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa vào châu Âu 90% số lượng người nhập cư bất hợp pháp.
Các băng nhóm người Tchetchenia thì chuyên về các hoạt động bạo lực, trấn lột, buôn ma túy, tiêu thụ xe hơi đánh cắp, làm giấy tờ giả.
Các băng nhóm đến từ châu Phi thì tập trung vào các hoạt động lừa đảo trên mạng internet với thiệt hại gây ra lên tới hàng triệu euro.
Các băng nhóm châu Á thì nắm lĩnh vực trồng cần sa và chăn dắt gái mại dâm. Vẫn theo báo cáo của cảnh sát thì những vườn cần sa bị phát hiện hồi đầu năm 2011 tại vùng Courneuve, là một trong lĩnh vực hoạt động của các băng đảng người Việt. Những người làm công trồng vườn bị bắt trong vụ này đều là những người nhập cư lậu đến từ Hà Nội. Trong khi đó các tổ chức của người Trung Quốc thì nắm đường dây mại dâm, các phòng massage. Những hoạt động này của người châu Á đang có xu hướng tăng mạnh ở thủ đô Paris cũng như các tỉnh.
Philippines vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển
Nhìn sang châu Á, nhật báo Le monde có bài viết về tình hình kinh tế Philippines, nhân chuyến thăm của thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault đến đảo quốc Đông Nam Á này từ ngày 19-21/10/2012. Bài viết chạy tựa : « Nghèo khó và thâm hụt đầu tư đang đè nặng lên sự phục hồi của Philippines ».
Theo Le Monde thì, dù là một nước nghèo, nhưng Philippines đã chống chọi khá tốt trước khủng hoảng kinh tế thế giới. Theo ngân hàng Phát triển Châu Á, mức tăng trưởng kinh tế của đất nước trong quý đầu năm nay là 6,1%, dự kiến cuối năm con số này ở vào khoảng 5,5%. Dự trữ ngoại tệ của Philippines ở vào khoảng 70 tỷ đô la Mỹ. Tháng 7 vừa qua, nước này đã được Standard & Poors nâng điểm thẩm định tín nhiệm tài chính từ BB lên BB+.
Có điều ở Philppines, tỷ lệ nghèo khó vẫn còn cao, chiếm tới 26%. Theo Le Monde, việc đầu tư nước ngoài giảm, thiếu thốn các cơ sở hạ tầng, các trục giao thông lớn, nhà máy điện cho thấy rõ ràng là còn rất nhiều việc phải làm nếu Philippines muốn thoát ra khỏi tình trạng kinh tế trì trệ trong hàng thập kỷ qua. Theo ông Guillermo Luz, một cố vấn cho tổng thống Philippines, lý do các nhà đầu tư từ lâu nay vẫn ngần ngại đổ tiền vào đất nước này là vì nạn tham nhũng. Đặc biệt trong nhiệm kỳ của tổng thống Gloria Arroyo, tham nhũng đã làm cho Philippines đánh mất niềm tin ở các nhà đầu tư.
Từ khi lên nắm quyền năm 2010, tổng thống Benigno Aquino đã phát động một cuộc đấu tranh chống tham nhũng trên quy mô lớn. Tuần trước, ông cũng đã ký một dự thảo thỏa thuận hòa bình với phe phiến quân Hồi giáo. Theo Le Monde nhiều tín hiệu cho thấy tuận lợi « để con tàu Philippines chuẩn bị tới bến bờ mới ».
Damas bị chỉ mặt chủ mưu vụ khủng bố tại Liban
Thời sự nổi bật được các tờ báo lớn ở Pháp quan tâm là biến cố lãnh đạo tình báo của Liban bị khủng bố sát hại có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm trong đất nước này. Báo Libération chạy tựa lớn trang nhất « Liban : Viễn ảnh của chiến tranh » trên nền là bức ảnh chụp chiếc quan tài của tướng Wissam al-Hassan, bị ám sát hôm 19/10 vừa qua.
Tờ báo cho biết « hôm qua lễ an táng lãnh đạo tình báo Liban đã kéo theo một cuộc biểu tình chống chế độ Syria, bị tố cáo có ý đồ xuất khẩu cuộc xung đột sang nước láng giềng để làm mất ổn định trong khu vực ».
Bằng một giọng gay gắt , tờ báo bình luận « trong cơn giết chóc cuồng dại của mình, dường như Bachar al-Assad vẫn còn tin tưởng có thể chấm dứt cuộc nổi dậy trong nước bằng vũ lực, bất chấp nguy cơ có thể làm đất nước tan rã. Ông ta sẵn sàng làm mất ổn định toàn bộ khu vực như người ta đã thấy điều đó với nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, hay hôm thứ Sáu vừa qua với vụ tấn công khủng bố nhắm vào tướng Wissam al Hassan ».
Libération nhấn mạnh : Liban là một đất nước mong manh, luôn bị đe dọa chia rẽ giữa những người Hồi giáo sunnite thân Ả Rập Xê út và những người chiite trung thành với Iran, đồng minh lớn trong khu vực của phe cánh al-Assad. Vì tương lai và cứu vãn đất nước, người Liban phải biết chống lại những khiêu khích của người láng giềng của họ.
Nhật báo Le Figaro cũng không ngần ngại chỉ rõ bàn tay của Syria trong vụ tấn công đẫm máu vừa rồi. Với bài xã luận mang tự « Liban đang gặp nguy », tờ báo chỉ trích : « Tại Damas, chế độ Bachar al-Assad đang chơi một chính sách tồi tệ, bắt đầu bằng cuộc chiến không kiềm chế nhằm vào nhân dân nước mình. Như vẫn chưa đủ bảo đảm cho sự sống còn của chế độ, Damas tiếp tục làm mất ổn định khu vực chiến lược, vốn dĩ đã rất mong manh này », mục đích nhằm ngăn chặn các nguồn hậu thuẫn với lực lượng nổi dậy Syria.
Đối lập Nga ngày càng bị chính quyền vô hiệu hóa
Liên quan đến các tin thời sự quốc tế khác, nhật báo Le Monde nhìn sang chính trường Nga với bai « Bị chia rẽ và sách nhiễu , đối lập Nga co vào bất lực. Trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua, đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất đã giành thắng lợi áp đảo. Chính quyền lúc này đang liên tục dùng công cụ trấn áp pháp lý và mở chiến dịch vu cáo nhằm làm mất uy tín và triệt hạ phe đối lập.
Le Monde nhắc lại, hồi cuối năm 2011, người ta đã chứng kiến quyền lực cũng như uy tín chính trị của ông Vladimir Putin, khi đó còn làm thủ tướng, bị lung lay nghiêm trọng. Nhưng giờ đây 10 tháng sau khi trở lại vị trí tổng thống, ôgn Vladimir đã củng cố lại vị trí của mình một cách chắc chắn chưa từng thấy. Chỉ số được lòng dân cao, đảng Nước Nga thống nhất của ông thì giành thắng lợi áp đảo trong bầu cử địa phương, trong khi đối lập thì gần như mất hết khả năng huy động cử tri.
Giới quan sát nhận thấy phe đối lập Nga đã suy yếu. Theo ông Alexei Moukhine, giám đốc Trung tâm thông tin chính trị Matxcơva : « Phong trào chống Putin đã đứt mạch. Sau khi khẳng định được vị thế là một lực lượng hùng hậu của xã hội, đối lập đã tỏ ra không đủ khả năng tổ chức và đóng vai trò một nhân tố thay đổi trong các cuộc tuyển cử ».
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do chính quyền đã áp dụng một loạt các biện pháp nhằm phân tán chia rẽ dẫn đến việc khống chế lực lượng đối lập. Các hệ thống thông tin độc lập thì bị gây khó dễ, dùng các biện pháp tài chính để bóp nghẹt. Nhiều gương mặt đối lập nổi trội bị điều tra, khởi tố hoặc bị sách nhiễu. Điển hình như trường hợp của ông Serguei Oudaltsov mới đây vừa bị truy tố vì tội có âm mưu lật đổ chế độ. Có thể ông sẽ phải đối mặt với án tù 10 năm.
Có đủ công cụ trong tay, chính quyền của tổng thống Putin sẵn sàng mở hồ sơ truy tố và đưa ra tòa bất kể các những ai có hành vi chống chính quyền kể cả từ khi còn manh nha hình thành. Chính quyền Putin trong những tháng qua đã thành công trong việc làm suy yếu đáng kể đối lập Nga bằng những đạo luật trấn áp.

http://www.viet.rfi.fr/phap/20121022-cac-bang-dang-mafia-dang-tan-cong-nuoc-phap

Geen opmerkingen:

Een reactie posten