zaterdag 14 januari 2012

Giáo sư Phạm Minh Hoàng ra tù

January 13, 2012
SÀI GÒN (NV) - Ông Phạm Minh Hoàng, giáo sư toán tại Ðại Học Bách Khoa Sài Gòn, về nhà ngày 13 tháng 1, 2012 sau khi hết hạn 17 tháng tù.

Ông Phạm Minh Hoàng chụp hình cùng con gái. (Hình: Internet)

Ông Phạm Minh Hoàng, 56 tuổi, bị bắt ở Sài Gòn hồi tháng 8, 2010 và cáo buộc ông là thành phần của đảng Việt Tân.
Phiên tòa phúc thẩm ngày 29 tháng 11, 2011 đã giảm án sơ thẩm từ 3 năm tù và 3 năm quản chế xuống còn 17 tháng nhưng vẫn giữ nguyên cái án quản chế.
Qua bút hiệu Phan Kiến Quốc, ông Hoàng đã viết trên blog pkquoc.multiply.com nhiều nhiều bài kêu gọi đa nguyên đa đảng, chỉ trích chế độ độc tài đảng trị và tham nhũng tại Việt Nam.
Bản cáo trạng buộc ông tội chống nhà nước qua 33 bài viết mà đa số “làm xấu đi hình ảnh đất nước”. Ông cũng tổ chức nhiều khóa huấn luyện cho giới sinh viên về “kỹ năng mềm” để họ nâng cao nhận thức.
Sau phiên tòa phúc thẩm, Luật Sư Trần Vũ Hải biện hộ cho ông nói rằng ông “cam kết ra tù sẽ không vi phạm pháp luật và không chống đối nhà nước Việt Nam nữa.”
Ông Phạm Minh Hoàng du học Pháp từ năm 1973, mang song tịch Pháp và Việt Nam, trở về nước năm 2000 và sống với công việc dạy học.
“Vận động cho nhân quyền và các quyền tự do căn bản không thể là một tội,” Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Á Châu của Human Rights Watch phát biểu nhân phiên tòa phúc thẩm. “Rõ ràng là Phạm Minh Hoàng bị kết án chỉ vì bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa và lẽ ra ông không phải bị bắt.”
Sau khi bắt ông ngày 13 tháng 8, 2010, chế độ Hà Nội khép ông vào tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân...” theo điều 79 của Bộ Luật Hình Sự. Với tội danh này có thể dẫn đến tử hình. Nhưng trước các áp lực của Pháp và Liên Âu, nhà cầm quyền Hà Nội phải đưa ra một bản án nhẹ rồi giảm án tiếp.
Nhiều bài viết trên hệ thống báo chí nhà nước dựa vào công an tố cáo ông Hoàng dùng nhà của mình để tổ chức các khóa huấn luyện “cán bộ nòng cốt” cho Việt Tân. “Mỗi lớp học 10-12 người, đa phần là thanh niên, sinh viên, trong đó có 3 nữ tu Thiên Chúa Giáo”, VNExpress ngày 29 tháng 9, 2010 viết.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=143032&z=2

Geen opmerkingen:

Een reactie posten