woensdag 18 januari 2012

Biển Đông là 'thước đo tương lai' của Mỹ ở châu Á

16/1/2012

Làm thế nào để Mỹ có thể theo đuổi một chính sách “hợp tác ưu việt” tại Biển Đông để vừa tránh một cuộc xung đột với Bắc Kinh vừa bảo đảm được quyền tự do hàng hải và độc lập của các nước nhỏ trong khu vực?
> Đường lưỡi bò gây phức tạp Biển Đông


Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ thường xuyên xuất hiện ở các vùng biển châu Á trong những năm qua. Ảnh: US Navy
Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ thường xuyên xuất hiện ở các vùng biển châu Á trong những năm qua. Ảnh: US Navy

Để giải đáp cho vấn đề này, Trung tâm nghiên cứu an ninh mới của Mỹ vừa công bố một báo cáo quan trọng kêu gọi Washington tăng số lượng tàu chiến ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, cũng như tăng cường hợp tác với các quốc gia nhỏ trong khu vực.

Báo cáo dài 115 trang với nhan đề “Hợp tác trên thế mạnh: Mỹ, Trung Quốc và Biển Đông” cũng kêu gọi Mỹ tăng số lượng tàu chiến từ 285 chiếc lên 346 chiếc trong những năm tới nhằm chống lại những quan niệm cho rằng Mỹ là một cường quốc đang đi xuống.

Theo bản báo cáo, do Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình châu Á-Thái Bình Dương tổng hợp thì: “Can dự ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc và những nước khác sẽ tốt hơn khi được hỗ trợ bởi một lực lượng quân sự đáng tin cậy”, và bất cứ sự tăng cường hải quân nào ở khu vực cũng “phải phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế lành mạnh trong tương lai - một ưu tiên chiến lược đối với Mỹ.”

“Biển Đông sẽ trở thành hàn thử biểu chiến lược để xác định tương lai lãnh đạo của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương", lời giới thiệu của bản báo cáo do Cronin đồng tác giả, viết.

Báo cáo của CNAS được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Obama công bố chiến lược quốc phòng mới, trong đó xác nhận ý định của ông nhằm cấu trúc "trục" hay "tái cân bằng" lực lượng quân sự toàn cầu của Mỹ "đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương". Văn bản này chắc chắn sẽ được các chuyên gia trong khu vực nghiên cứu một cách cẩn thận, do tính đến các mối quan hệ chặt chẽ giữa CNAS với chính quyền Mỹ.

Biển Đông đang được xem là một trong những vùng biển có tầm chiến lược và giá trị nhất của thế giới.

Là một ngư trường dài và phong phú và có lẽ giờ đây đã trở thành tuyến đường thương mai quan trọng nhất của thế giới, Biển Đông kết nối Ấn Độ Dương với Tây Thái Bình Dương qua eo biển Malacca. Đáy Biển Đông đang có ít nhất là 7 tỷ thùng dầu đã được xác nhận (Trung Quốc dự tính ít nhất là 130 tỷ thùng) và 100 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên. Vì thế vùng biển và các chuỗi đảo nhỏ, bãi đá của nó trở thành chủ đề cho các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối địch và chồng chéo của nhiều nước trong khu vực gồm Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines.

Hơn hai năm qua, Trung Quốc đã trở nên ngày càng mạnh mẽ trong các tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với hầu như toàn bộ vùng biển này, đôi khi họ có hành động để thực thi chúng, chẳng hạn như cuối tháng 5 vừa qua họ đã cho tàu ngư chính cắt cáp ngầm của một chiếc tàu thăm dò dầu của Việt Nam.

Đi đôi với việc nhanh chóng xây dựng khả năng hải quân của mình, hành động và ý định của Bắc Kinh đã khiến mối lo ngại ngày càng gia tăng giữa các nước khác có tranh chấp, đẩy một số nước phải tìm kiếm các quan hệ an ninh gần gũi hơn với Washington.

Nhiều nước trong khu vực hài lòng khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, tháng 7 năm 2010, tuyên bố tại một diễn đàn châu Á rằng bản thân Washington có "lợi ích quốc gia" trong việc bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực và tự do đi lại bình thường trên vùng biển. Bà cũng gợi ý rằng Washington có thể "tạo điều kiện thuận lợi” cho các cuộc đàm phán khu vực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Bắc Kinh đã bị chọc giận bởi tuyên bố này vì nó vừa khẳng định lợi ích quốc gia của Mỹ ở một nơi xa xôi vừa ngầm tán thưởng một cách tiếp cận đa phương để giải quyết các yêu sách mâu thuẫn về chủ quyền. Trung Quốc lại muốn giải quyết tranh chấp với từng quốc gia trên cơ sở song phương.

Kể từ đó, Washington, cùng với các biện pháp khác, đã nâng cấp quan hệ quân sự và tiến hành tập trận chung với các nước trong tranh chấp với Trung Quốc, chẳng hạn như Philippines. Mỹ cũng đạt được một thỏa thuận với Singapore về lập căn cứ cho hai tàu chiến vùng duyên hải. Mỹ ký một hiệp định khác với Australia được công bố trong thời gian Tổng thống Obama đến thăm một số nước trong khu vực trong tháng 11 vừa qua, để liên tục luân chuyển khoảng 2.500 lính thủy đánh bộ của Mỹ tại phía bắc của Australia.

Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng dài hạn đầu tiên cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương kể từ sau chiến tranh ở Việt Nam.

Các tác giả của Báo cáo của CNAS rõ ràng đã tán thành với các biện pháp này của Mỹ. Nhưng họ gợi ý rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo đảm với các nước nhỏ hơn rằng Washington đứng về phía họ cho dù rất có thể Trung Quốc sẽ nhanh chóng mở rộng khả năng quân sự và hải quân của mình.

Bản báo cáo nhận xét: “Sự bất lực của Mỹ trong việc khuếch trương đầy đủ sức mạnh vào Biền Đông sẽ làm thay đổi các tính toán an ninh cho tất cả các nước trong khu vực”.

Robert Kaplan đồng tác giả của chương mở đầu của bản báo cáo, nói: "Chúng tôi muốn Mỹ tiếp tục duy trì mối tương quan lực lượng hiện nay.” Báo cáo này so sánh các tham vọng chiến lược lớn của Bắc Kinh ở Biển Đông với những tham vọng của Mỹ hồi cuối thế kỷ thứ 19.

Bản báo cáo khuyến nghị: “Hãy nhớ rằng, chính sự thống trị khu vực lòng chảo Vịnh Caribe mở rộng đã thực chất tạo cho Mỹ thống trị Tây Bán cầu vào đầu thế kỷ 20 với sức mạnh dư thừa để tiến hành cân bằng lực lượng ở Đông Bán cầu". Điều tương tự có lẽ sẽ xảy ra nếu Trung Quốc có cơ hội trở thành lực lượng mạnh nhất ở Biển Đông, báo cáo của Viện nghiên cứu chiến lược Mỹ nhận xét.

Tuy nhiên các tác giả cũng lưu ý rằng các quốc gia trong khu vực Đông Á luôn mong muốn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc. “Các nước Đông Á hơn bao giờ hết đang mong muốn hợp tác với Mỹ. Tuy nhiên, họ cũng muốn tránh xung đột với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh đồng thời cũng là đối tác thương mại chủ chốt của họ.”

Phạm Ngọc Uyển (theo Asia Times)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten